TIẾT LỘ SHOCK VỀ CHIÊU TRÒ CỦA CÁC NGÂN HÀNG
Thực tế rằng “gửi tiết kiệm” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của đa số người dân Việt Nam, là hình thức thân thiện và an toàn nhất khi...
Thực tế rằng “gửi tiết kiệm” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của đa số người dân Việt Nam, là hình thức thân thiện và an toàn nhất khi mà không phải ai cũng có kiến thức về đầu tư hay khả năng chấp nhận rủi ro.
Nói thế để chúng ta hình dung được rằng, ngân hàng là một người bạn thân quen. Thế nhưng mà “người bạn” này có phải lúc nào cũng tốt đẹp và đem lại lợi ích như chúng ta vẫn tưởng hay không? Liệu có một bí mật nào, một sự thật nào đó trong hoạt động mà các ngân hàng không hề muốn chúng ta biết đến?
Và tôi thì cam đoan một điều là những thứ mình sắp tiết lộ sau đây sẽ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng trước những chiêu trò của ngân hàng đấy.
1. Gửi tiết kiệm không thực sự đem lại tiền lãi như bạn nghĩ.
Thậm chí trong một số trường hợp, số tiền bạn nhận được sau ngày đáo hạn còn bị âm là đằng khác. Đơn giản là bởi, chúng ta chỉ được các ngân hàng quảng cáo về mức lãi suất gửi tiền một cách đầy hấp dẫn, mà không hề được cảnh bảo trước về sự lạm phát trong tương lai.
Để hình dung rõ hơn thì tôi lấy một ví dụ như thế này:
Lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng V đang là 5,5%/năm. Tức là đầu năm gửi 100 triệu, cuối năm thu về 105 triệu 500k.
Nhưng tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam năm 2021 đang được ước tính là khoảng 4%. Tức là sao, vào thời điểm mà bạn cầm được tiền trên tay, thì sức mua của 105,5 triệu chỉ còn tương đương với 101,28 triệu mà thôi (giảm đi 4% giá trị). Và thế là bản chất của đồng lãi có được lúc này chỉ là 1 triệu 280 nghìn đồng, thay vì 5 triệu 500 nghìn như bạn vẫn tưởng.
Bạn tưởng thế đã là đủ để thất vọng về gửi tiết kiệm ư? Không đâu, như này vẫn còn may mắn chán. Vào thời kỳ mà lạm phát tăng phi mã (ý là: tốc độ tăng lạm phát nhanh như chó chạy ngoài đồng) thì lạm phát cao gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm, đến nỗi mà người ta còn ví von: khi gửi tiền vào thì giá trị như một con bò, nhờ ngân hàng đẻ tiền hộ, ai ngờ đến lúc rút ra chỉ mua được cái xúc xích vị bò mà thôi.
2. Khi bạn gửi vào ngân hàng tiền tươi thóc thật, thì ngay lập tức chúng sẽ... biến mất và chỉ còn dưới dạng danh nghĩa mà thôi.
Bởi vì các ngân hàng đã cho người khác vay mất rồi.
Nói đến đây thì chắc hẳn nhiều người sẽ phản đối tôi:
Điều này ai mà chẳng biết, không tiếp tục cho người khác vay với lãi suất cao hơn thì ngân hàng lấy đâu ra lợi nhuận để hoạt động, rồi lấy đâu ra cả lãi để trả cho chúng ta vào cuối kỳ nữa.
Thì đúng là như vậy, thiếu đi hệ thống ngân hàng, xã hội này sẽ mất đi một công cụ tạo tiền và gia tăng của cải. Trước khi đưa ra mặt trái của nó thì để tôi giải thích cách ngân hàng tạo ra được 900 triệu chỉ từ 100 triệu tiền gửi mà không cần đến máy in tiền như nào nhá:
A gửi 100 triệu, ngân hàng X chỉ giữ lại 10 triệu (gọi là dự trữ bắt buộc), còn 90tr cho B vay => tổng có 190 triệu đã được giao dịch.
B mua đất của C => C lại có 90tr nhét tiếp vào ngân hàng Y, Y giữ lại 9 triệu, còn 81tr cho D vay => tổng có 171 tr được giao dịch.
Tương tự, D lại tham gia vào một mua-bán nào đó để rồi E có 81 triệu gửi tiết kiệm.
Cứ như thế đến khi hết tiền cho vay thì tổng số giao dịch được tạo ra từ 100 triệu sẽ là: 900 triệu cho thị trường.
Đến đây thì chúng ta mới biết là ngân hàng nào cũng phải có dự trữ bắt buộc cho trường hợp khách gửi tiết kiệm muốn rút tiền. Nhưng nếu những điều sau đây xảy ra thì sao?
Vì lý do nào đó, mọi người đến rút tiền cùng 1 lúc.Ngân hàng đầu tư không hiệu quả, không những chẳng có lãi mà còn thua lỗ (dù sao đã gọi là đầu tư thì sẽ có rủi ro).Ngân hàng không đòi lại được các khoản đã cho vay.
Và rồi trường hợp xấu nhất là ngân hàng phá sản. Như vậy chẳng phải người dân sẽ chỉ còn nước thốt lên: “Toang rồi ông giáo ạ!” hay sao. Cho dù có một khoản bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật, thì thật đáng buồn là số tiền tối đa chúng ta được nhận, kể cả trước đó có gửi vào tiền tỉ, cũng chỉ là 75 triệu đồng mà thôi.
3. Càng giàu càng dễ vay tiền.
Nghe có vẻ vô lý, không có tiền thì người ta mới đi vay chứ. Nhưng đấy lại là sự thật, khi mà các ngân hàng ưu tiên cho người có tài sản hơn rất nhiều. Bởi người càng giàu có, càng có nhiều tài sản đảm bảo thì khoản vay của ngân hàng lại càng trở nên an toàn. Mà đa số người giàu thì lại rất biết cách đầu tư, biết cách tận dụng đồng tiền vay được để làm ăn và rồi dễ dàng trả cả gốc lẫn lãi.
Với ưu đãi cũng như lãi suất cho vay hấp dẫn được đưa ra, các ngân hàng coi đó là phí phải trả cho sự an toàn và hợp tác lâu dài. Vậy là cả đôi bên cùng có lợi.
Suy cho cùng, ngân hàng sẽ đánh giá mọi thứ dựa trên lợi ích kinh tế, chứ không phải là tình thương. Thế nhưng, điều này lại vô tình tô đậm thêm khoảng cách, sự phân biệt trong xã hội. Người giàu càng giàu và người nghèo sẽ càng nghèo.
4. Thẻ credit và cái bẫy nợ nần.
Thẻ credit hay còn gọi là thẻ tín dụng. Nôm na là một chiếc thẻ cho phép bạn vay có hạn mức, kiểu cứ quẹt mà tiêu trước đi, cuối tháng trả lại sau cũng được. Và tất nhiên, kèm theo đó là lãi suất tương đối cao. Mà với ngân hàng, lãi suất chính là lợi nhuận thu được. Bảo sao họ luôn đưa ra những lời gọi mời hấp dẫn với các chương trình ưu đãi liên tục, nhằm kích thích người ta mở và dùng thẻ tín dụng. Nói thẳng ra thì là: Sự nợ nần của các bạn chính là niềm hạnh phúc của chúng tôi.
Thật nguy hiểm hơn nữa khi mà chiếc thẻ tín dụng lại rất phù hợp với lối sống của giới trẻ hiện nay, tiêu nhiều hơn những gì mình kiếm được để rồi vướng vào cái bẫy ngọt ngào. Họ nghĩ sức mua của mình đang tăng lên, và yên tâm vì luôn có phương án dự phòng là credit card, nhưng sau đó lãi suất phải trả sẽ dồn lại thành một con số khiến người vay giật mình. Thậm chí là tiền kiếm được chỉ để trả lãi hàng tháng mà thôi.
Đấy, giờ thì các bạn hiểu rồi chứ, thẻ tín dụng giống như một chất gây nghiện hợp pháp mà các ngân hàng sẽ rất phấn khởi nếu con nợ phụ thuộc vào họ.
5. Nghiệp vụ liên kết bán bảo hiểm – Bankcassurance
Đã bao giờ bạn đi gửi tiết kiệm, hoặc vay tiền ngân hàng và được các bạn giao dịch viên tư vấn mua bảo hiểm chưa? Tôi đảm bảo là nhiều rồi đúng không. Vì những năm trở lại đây, bảo hiểm đang là ngôi sao mới nổi được các ngân hàng hết sức cưng chiều, đầu tư nhân lực và cả hệ thống số hóa bởi nó đem lại lợi nhuận không hề nhỏ và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong dòng tiền chảy về.
Một số ví dụ kinh điển có thể kể đến như:
Bán bảo hiểm đã mang lại 5.850 tỷ đồng thu nhập cho ngân hàng MB vào năm 2020, chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng này.
Điều tương tự cũng xảy ra với Vpbank khi con số này lên tới 2.575 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng cao nhất thu nhập dịch vụ.
Ông lớn Vietcombank cũng không ngoại lệ với khoảng 1500 – 1800 tỷ đồng thu nhập từ bảo hiểm.
Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu như một số ngân hàng không quá phấn khích, tìm đủ mọi cách và thủ đoạn để “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Kiểu thế này:
- Nếu anh muốn vay vốn từ chúng tôi, anh phải mua gói bảo hiểm này.
Một số người vì cần tiền kinh doanh gấp nên đã ngậm ngùi phải mua. Hay thậm chí là không biết gì đến cái vụ bắt mua bảo hiểm cho đến khi ký hợp đồng.
Trên đây là một vài thủ đoạn của ngân hàng khiến tôi cảm thấy nó không mang ý nghĩa tích cực cho lắm. Mong bài viết sẽ giúp các bạn có thể cẩn trọng hơn, cân nhắc kỹ càng với bất kỳ dịch vụ nào của ngân hàng.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất