“Trời dư hơi nước đã bao ngày”. Thời điểm này toàn bộ cái xứ sở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đang nằm trong vùng khí hậu nồm ẩm rất đặc trưng. Trái ngược với cỏ cây hoa lá đang hân hoan “xanh rợn chân trời”, thì con người chỉ thấy mỗi cảm giác ì trệ, nặng nề, mù mịt và rất không thoải mái mà thôi.
Nước rất cần cho sự sống. Hơi nước được sinh ra thông qua việc bốc hơi bề mặt, được vận chuyển bằng một chu trình tuần hoàn trong khí quyển. Khi điều kiện không khí cho phép việc đẩy không khí nóng ẩm lên cao thì lượng nước này ngưng tụ và rơi trở lại bề mặt Trái đất. Có lẽ, câu nói “lá rụng về cội, nước chảy về nguồn” có nguồn gốc chính từ sự quan sát các hiện tượng trong tự nhiên.
Độ ẩm, hiểu một cách đơn giản lượng hơi nước có trong không khí. Hà Nội trong thời gian này đều có độ ẩm trên 90%. Khi giá trị độ ẩm tương đối là 100% thì điều đó không có nghĩa là toàn bộ không khí đã trở thành nước, mà chính xác là, không khí ở nhiệt độ này, không thể bổ sung thêm độ ẩm nữa. Điều này làm mình thấy mình cũng giống như cá, nhưng thay vì bơi trong nước, thì mình là một con cá biết tô son, biết mặc đẹp và lượn lờ trong không khí.
Nếu chỉ nhìn vào số chỉ nhiệt độ, thì 14-15 độ C là một chỉ số khá đẹp, nên thứ làm chúng ta khó chịu không phải là nhiệt độ mà là độ ẩm trong không khí.
Thời tiết lạnh kéo dài nhiều ngày làm cho nhiệt độ mặt nền, sàn nhà rất thấp, kết hợp hơi ẩm trong không khí cao, là nguyên nhân xuất hiện tình trạng đọng sương, nước bị ngưng tụ trên mọi bề mặt mà nó có thể bám vào, đặc biệt là bề mặt các đồ vật dẫn nhiệt kém và có không có khả năng hút ẩm. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường với sàn nhà giảm dần theo chiều cao, lượng hơi nước chứa trong không khí cũng tỉ lệ nghịch với chiều cao, nên ta dễ dàng quan sát được, hiện tượng nồm chỉ xảy ra ở những sàn sát đất, giảm dần đối với những sàn cao hơn.
Nồm thì kinh khủng chán rồi, nhưng mà cái lũ đeo kiếng thì thực sự không thích nồm đâu, cả thế giới vừa xám xịt vừa mờ ảo đến nao lòng, đến bước chân cũng trở nên rón rén e lệ lạ thường. Rén là phải thôi, “em quay cuồng, trong mơ hồ”, dễ dập dưa lắm.
Chuyện nồm ẩm thực không đùa được đâu.
Vào mùa hè, khi độ ẩm cao, không khí đã bão hòa với hơi nước, ngăn cản mồ hôi bay hơi, nhiệt độ truyền qua mồ hôi và giữ lại trên da, chúng ta cảm thấy nóng hơn nhiều so với nhiệt độ thực tế. Hơn thế nữa, không khí nóng có thể giữ nhiều hơi nước hơn nên cái cảm giác nóng đến ngạt thở là có thật.
Ngược lại với mùa hè, vào những ngày lạnh, cơ thể chúng mình được giữ ấm bằng cách làm ấm lớp không khí giữa cơ thể và quần áo. Lớp không khí ấm này bị quần áo giữ lại, không dễ lưu thông nên không thể truyền nhiệt ra ngoài. Khi độ ẩm tăng cao, hơi nước bám trên quần áo, bám vào bề mặt da, khiến cơ thể liên tục tiêu tốn năng lượng để làm ấm hơi nước trên quần áo và trong lớp không khí đang bị kẹt giữa cơ thể và quần áo. Thêm nữa, khi trời nồm, sức nóng của bức xạ mặt trời cũng giảm. Do đó, chúng ta sẽ cảm thấy lạnh càng lạnh hơn.
Không khí lạnh, độ ẩm cao, hơi nước có trong không khí sẽ dần chuyển thành dạng tinh thể và cái lạnh cắt da cắt thịt xuất hiện.
Miền Bắc chuẩn bị đón thêm một đợt lạnh mới với nền nhiệt dưới 10 độ C, và độ ẩm trên 90%. Chỉ nghĩ thôi đã thấy rất lạnh rồi.
P/s: FA than thở trá hình