00h30, tôi ngồi lặng im trong bóng đêm, nhìn màn hình máy tính chầm chậm chạy những giây cuối cùng đoạn credits của bộ phim The Whale. Điều đang đọng lại trong tôi không phải là sự ám ảnh hay nỗi buồn, mà đó là những trăn trở; là thứ mà tôi hay gọi là “vị đắng ban đầu và dư âm ngọt dịu nơi cuống lưỡi”, khi may mắn được chạm vào tuyệt tác điện ảnh này của đạo diễn Darren Aronofsky.

ĐÔI LỜI NÓI ĐẦU

Trước tiên, tôi ghét cách nhiều người đang dịch tên bộ phim này là "Béo phì”!
Điều này thể hiện sự ấu trĩ của một bộ phận những người làm nội dung, và sỉ nhục trực tiếp thông điệp mà tác phẩm thật tâm muốn truyền tải. Chính vì vậy, trong bài review này tôi sẽ sử dụng tên nguyên bản: The Whale.
Đây là một bộ phim quá xuất chúng về kịch bản, chính vì vậy tôi sẽ không phân tích về các yếu tố như dựng phim, âm thanh, diễn xuất… mà chỉ tập trung vào thông điệp mà tác phẩm này mong muốn truyền tải.
Bài viết sẽ khá dài, khoảng 3000 chữ, có tiết lộ nội dung phim, chúng ta có thể cân nhắc trước khi đọc.

CỐT TRUYỆN

Nội dung của The Whale được xây dựng dựa trên một vở kịch năm 2012 của Samuel D. Hunter, người cũng đã chuyển thể thành kịch bản cho tác phẩm này.
Là một bộ phim tối giản, chỉ có hai khung cảnh, sáu nhân vật và thời gian xoay quanh năm ngày cuối đời của nhân vật chính Charlie (Brendan Fraser), một giáo sư Văn học Anh làm công việc giảng dạy online trong căn phòng trọ tồi tàn; thế nhưng những gì The Whale đã khắc họa lại cực kỳ tinh tế và chi tiết.
Charlie là một người “đã gây ra quá nhiều sai lầm”. Ông đã ly hôn khi con gái mới 8 tuổi để chạy theo tình yêu đích thực của cuộc đời, Alan, chàng trai sinh viên của mình. Cái chết bí ẩn và nhiều uất ức của Alan sau đó đã làm Charlie mất kiểm soát, khiến cân nặng ông lên đến hơn 270kg và phải nhờ đến sự chăm sóc hàng ngày của Liz (Hong Chau), em gái Alan.
Dù được chuẩn đoán mắc chứng Suy tim sung huyết, có thể dẫn đến tử vong trong vòng một tuần, Charlie vẫn cương quyết không đến bệnh viện và dùng thời gian còn lại tìm cách kết nối với người con gái Ellie (Sadie Sink) mà ông đã rời xa nhiều năm về trước.
Hận thù trước sự bỏ rơi một cách tồi tệ của bố khi còn bé, Ellie đã trở thành một cô gái cay nghiệt, luôn tìm cách hành hạ, phỉ báng người khác đến mức mà mẹ cô gọi là “ác quỷ”. Charlie cố gắng níu kéo Ellie đến với mình bằng khoản tiền mà ông dành dụm bấy lâu nay cho cô, 120.000 đô la, và lời hứa sẽ làm giúp bài luận tốt nghiệp cấp ba của cô bé.
Sự xuất hiện của chàng trai truyền đạo Tin lành Thomas (Ty Simpkins) khi cố gắng giúp đỡ Charlie bằng đức tin khiến mọi chuyện được đẩy lên cao trào và trở thành nút thắt cuối cùng để người xem nhận ra niềm tin của Charlie dành cho con gái và động lực cho hành động tốt duy nhất trong cuộc đời ông là kéo Ellie ra khỏi những bất hạnh trong chính bản thân cô. Đối với Charlie, cho dù Ellie có làm gì chăng nữa, thì vẫn luôn là cô gái tuyệt vời nhất, người đã viết bài luận tuyệt vời nhất mà ông từng đọc trong đời.
Bản chất của những mối quan hệ, tình phụ-tử, đức tin, những nỗi đau hay điều day dứt sâu kín nhất trong lòng mỗi người đều lần lượt được trải ra, nhẹ nhàng nhưng vô cùng tàn khốc. Cái kết của bộ phim đau đớn nhưng lại có hậu theo một cách nào đó, khi tất cả những rối ren đều đã được sắp đặt lại theo hướng tốt nhất và sự giải thoát đầy thanh thản của Charlie.

HÃY NÓI VỀ Ý NGHĨA CÁI TÊN BỘ PHIM TRƯỚC

Rất nhiều người lầm tưởng rằng cái tên “Cá voi” là để ám chỉ trực tiếp đến ngoại hình quá khổ (270kg600 pounds) của Charlie, khi liên tưởng đến kích thước của loài sinh vật này (và đó có lẽ cũng là cách nghĩ của những người dịch tên phim). Theo tôi, đó là một sai lầm tai hại, bởi một trong những mục đích mà bộ phim muốn truyền tải xuyên suốt đó là chống lại vấn nạn miệt thị ngoại hình “body shaming”; chính vì thế cái tên "Béo phì" sẽ là không phù hợp.
Charlie luôn phải xấu hổ với vẻ ngoài của mình, đến nỗi ông luôn nói dối sinh viên khi giảng online rằng camera máy tính của ông đã hỏng và không thể sửa được. Ngày cuối đời, Charlie lần đầu tiên lấy hết dũng khí bật webcam lên, cũng là khi tất cả sinh viên tỏ ra dè bỉu và có phần kỳ thị ông. Sự phẫn uất làm cho Charlie ném vỡ laptop, cắt đứt sợi dây cuối cùng liên hệ với thế giới bên ngoài đầy bi kịch đối với ông.
Vậy, The Whale thực sự nghĩa là gì?
Thực ra đạo diễn Aronofsky đã cho chúng ta biết ngay từ những phút đầu tiên của bộ phim, khi Charlie lên cơn đau tim và yêu cầu Thomas đọc bài luận mà ông thích nhất trong đời để “hi vọng ra đi với sự thanh thản nhất”, bài luận về tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville.
Moby Dick là tên con cá voi trắng khổng lồ đã cướp đi một chân và niềm kiêu hãnh của thuyền trưởng Ahab. Mang hận thù nghiệt ngã trong lòng, Ahab tìm mọi cách săn lùng con quái vật trong tuyệt vọng. Cho đến cuối cùng, con cá voi vẫn còn sống sau khi nhấn chìm toàn bộ hải đoàn, còn Ahab bị kẹt trong sợi dây dính liền với Moby Dick mãi mãi chìm dưới đáy đại dương.
Trong cuộc đời mỗi con người, hầu như ai cũng có những nỗi đau, những vết thương hay sự tự ti sâu thẳm nhất mà ta luôn cố gắng phủ nhận bằng cách nói dối; thêu dệt nên những hình ảnh phù phiếm bên ngoài chỉ để che dấu nó đi. Đó là những hành động vô nghĩa và không bao giờ giải quyết được nỗi đau này cả. Đó chính là Moby Dick của mỗi chúng ta; và đó cũng chính là The Whale!
Điều khó nhất đối với con người là chấp nhận chính mình. Chúng ta luôn tìm cách chối bỏ những điều “xấu xí” hay những vết thương của mình. Điều đó làm con người trở nên thật bất hạnh và vô vọng. Thế nhưng khác với Herman Melville, và khác luôn với cả biên kịch Samuel D. Hunter trong nguyên tác của mình; đạo diễn Aronofsky đã cho chúng ta thấy cách duy nhất để chiến thắng Moby Dick, đó chính là mở lòng mình ra với những người thân yêu, và tự chấp nhận được chính bản thân mình trước đã.
The Whale của Charlie đối với Alan đó là ông tin rằng Alan chỉ cần tình yêu của mình, không cần đến Chúa hay đức tin. Những sự dồn nén đó làm Alan đánh mất chính bản ngã của mình, không còn được sống cuộc đời mong muốn nữa. Anh tìm đến cái chết khi phải lựa chọn giữa tình yêu và tâm hồn của mình như một sự giải thoát đầy bất lực.
The Whale của Charlie đối với Ellie đó là sự bứt rứt, thống khổ khi không được làm vai trò của người cha, không được chứng kiến con gái mình lớn lên và giúp đỡ cô bé khi còn có thể. Ông gặm nhấm hàng ngày nỗi đau đó, tìm cách che giấu nó bằng việc gửi tiền đều đặn về cho vợ hay tiết kiệm tiền để cho con gái khi mình chết đi, như một hành động “ít nhất tôi có thể làm được một điều đúng đắn trong cuộc đời mình”.
Giây phút Charlie bước vào ánh sáng từ trên cao khi Ellie đọc sắp xong bài luận của mình, dường như ông đã được giải thoát. Luồng sáng đó là ẩn dụ của thiên đường, là đức tin ông luôn cố tình vứt bỏ, cuối cùng lại cứu rỗi ông khi ông thật sự chấp nhận nó bằng cách phô bày vết thương này với Thomas. Charlie được trở về với bãi biển ký ức năm xưa, nơi mà “nước lạnh toát, còn chân liên tục chảy máu vì phấn khích bơi trên nền đá”, nơi mà có vợ và con gái ông năm đó… Đây là ký ức sâu thẳm nhất trong đáy lòng của Charlie, được trở lại nơi ông đã từng bình yên, sau tất cả những sai lầm của đời mình. Đó cũng là cách mà Charlie chiến thắng Moby Dick giây cuối cùng; không bị mắc kẹt mãi mãi giống như Ahab của Herman.

XÂY DỰNG NHÂN VẬT

Có thể nói đây là một trong những điều phi thường nhất của The Whale, khi tối giản số lượng, chỉ có sáu nhân vật hiện diện, một nhân vật ẩn dụ và một nhân vật chỉ được mô tả nhưng mỗi tuyến đều đại diện cho một điều trong cuộc sống của chúng ta và có vai trò kết nối xuyên suốt cốt truyện của bộ phim  
Charlie – nhân vật chính: Chính là Chúng ta, người phải đối diện với Moby Dick của riêng mình
Liz – em gái Alan : Những người thân yêu luôn cố gắng giúp đỡ chúng ta, bất chấp ta có đối xử với họ thế nào chăng nữa. Đó là hiện thân của tình yêu.
Ellie – con gái Charlie : Niềm hi vọng vào tương lai và là mong muốn chuộc lỗi của chúng ta.
Mary – người vợ cũ của Charlie: Những người đã rời bỏ chúng ta khi phải đối diện với Moby Dick.
Dan – nhân viên giao Pizza : Xã hội bên ngoài, những người sẽ phản ánh thái độ với Moby Dick của chúng ta; người đã nhìn Charlie một cách khinh bỉ khi thấy vẻ ngoài của ông.
Alan – người yêu của Charlie : Nỗi đau, tình yêu và vết thương của chúng ta
Con chim: Cuộc sống bên ngoài tự nhiên, đến và đi.
Tất cả các nhân vật “hữu hình” đều được liên kết với nhau bởi một nhân vật “vô hình” là Alan – người tình của Charlie.
Liz là em gái của Alan, vì tình yêu của người anh mà chăm sóc cho Charlie.
Ellie, Mary là gia đình của Charlie, bị ông bỏ rơi để chạy theo Alan.
Thomas là người truyền đạo theo tín ngưỡng mà Alan tôn thờ.
Còn Dan là đại diện của xã hội với sự kỳ thị dành cho những người như Charlie từ cái chết của Alan.
Điều này làm tôi nhớ đến Naoko của Rừng Na Uy, khi Watanabe Midori được kéo lại bên nhau, cùng nhau chữa lành vết thương lòng từ cái chết tự tử của Naoko.
Đạo diễn Aronofsky là một người thao túng tâm trạng xuất sắc và là một đạo diễn kiệt xuất chuyên về các nhân vật chiến đấu vượt qua nỗi thống khổ và ảo tưởng để hướng tới một thứ siêu việt và tốt đẹp hơn. Ông đã làm điều đó với Mickey Rourke trong “The Wrestler”; với Natalie Portman trong “Black Swan”; với Russell Crowe trong “Noah” ; với Jennifer Lawrence trong “Mother” và bây giờ là với Brendan Fraser trong “The Whale”.
Đây cũng chính là vai diễn mang về đề cử Oscar năm nay cho Brendan, là sự hồi sinh khi sự nghiệp của anh đột ngột bị hủy hoại năm 2003 sau khi tố cáo bị quấy rối tình dục bởi Philip Berk – cựu Chủ tịch Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA).

MANG ĐẬM CHẤT CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

Triết gia vĩ đại, người khai sinh ra chủ nghĩa hiện sinh Søren Kierkegaard từng nói:
Mỗi con người cá nhân - chứ không phải xã hội hay tôn giáo - chịu trách nhiệm tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách say mê và chân thành, hay đích thực
Đây cũng chính là thông điệp mà The Whale mang đến xuyên suốt trong 117 phút phim.  Tất cả các nhân vật trong phim hầu như đều có vấn đề cá nhân, khi tìm cách đối diện với The Whale của mình.
Nếu Charlie với sự tự ti về vẻ bề ngoài, ám ảnh hối hận về cái chết của Alan hay sự cắn rứt mỗi ngày với Ellie; thì Liz dường như lại “phải” chăm sóc Charlie vì không muốn người bạn chết bên mình.
Mary chìm trong cơn nghiện rượu và sự tủi nhục tột cùng khi chồng bỏ gia đình đi theo mối quan hệ đồng tính mà cô không cách nào chấp nhận được. Ellie sống trong sự căm thù, tự hủy hoại bản thân và những người xung quanh. Thomas chối bỏ đức tin, ăn trộm tiền của giáo đoàn và bỏ trốn. Thế nhưng đến cuối cùng, tất cả đều được giải thoát bởi chính bản thân mình.
Trong lúc hấp hối, Charlie khẩn cầu Ellie đọc bài luận cô viết năm lớp 8 cho ông, đó cũng là giây phút mà Ellie được thực sự đối diện với The Whale của đời mình và tình phụ-tử thật sự của cha. Khi tất cả xã hội xung quanh đang nhìn cô với con mắt “điểm D”, “ác quỷ” thì trong mắt Charlie, cô luôn là điều tuyệt vời nhất. Và bằng cách đó, Charlie có lẽ đã giúp được con gái mình chiến thắng được Moby Dick.
Cuối cùng thì không phải là tôn giáo hay phản ứng từ xã hội sẽ mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các nhân vật trong phim; mà chỉ khi họ dám đối diện với sự thật, dám nhìn thẳng vào nó và chấp nhận nó như một phần tạo ra con người mình, thì sự giải thoát mới đến. Điều này quả thật chính là điều mà Kierkegaard đã mô tả về tính hiện sinh.

BÀI LUẬN CỦA ELLIE THAY CHO LỜI KẾT

Bài luận này là một chi tiết vô cùng quan trọng, nó giống như thánh kinh cầu hồn cho Charlie, khi ông luôn tìm đến nó mỗi khi tin rằng mình sắp chết hoặc nghĩ đến nỗi đau trong lòng mình. Bài luận được nhắc đến ba lần: hai lần ở đầu phim và một lần ở cuối phim.
Ellie viết:
… Tôi nghĩ rằng điều này thật đáng buồn bởi vì con cá voi này không có bất kỳ một cảm xúc nào và không biết Ahab muốn giết nó đến mức nào. Nó chỉ là một con vật to lớn tội nghiệp. Và tôi cũng cảm thấy tồi tệ cho Ahab, bởi vì hắn ta nghĩ rằng cuộc sống của hắn sẽ tốt hơn nếu hắn ta có thể giết con cá voi này, nhưng trong thực tế nó sẽ không giúp ích gì cho hắn ta cả…
Những nỗi đau trong tâm hồn vốn dĩ chẳng bao giờ đoái hoài đến chúng ta; chúng ta luôn nghĩ rằng mình sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi che đậy được nó, tô vẽ nó hay né tránh nó, như cách đuổi theo Moby Dick của mình; thế nhưng thực sự, nó vẫn còn đó, và ta sẽ chẳng thể tốt hơn được.
... Tôi đã rất buồn vì cuốn sách này, và tôi thấy nhiều cảm xúc cho các nhân vật. Và tôi cảm thấy buồn nhất trong tất cả khi tôi đọc những chương nhàm chán đó chỉ là những mô tả về cá voi, bởi vì tôi biết rằng tác giả chỉ đang cố gắng để cứu chúng ta khỏi câu chuyện buồn của chính mình, chỉ trong chốc lát…
Càng che đậy bản thân mình, càng chối bỏ bản thân mình, chúng ta cũng sẽ càng nhận ra rằng điều đó chỉ đang “cố gắng cứu chúng ta khỏi câu chuyện buồn của chính mình, chỉ trong chốc lát” mà thôi.
… Cuốn sách này khiến tôi suy nghĩ về cuộc sống của chính mình và sau đó nó làm tôi cảm thấy vui vì…
Sau ba lần nhắc đến, dù luôn cố gắng đọc đến cùng, nhưng người xem sẽ chẳng bao giờ biết được cái kết của nó là gì, bởi câu trả lời sẽ đến từ mỗi chúng ta. Chắc hẳn ai cũng có The Whale của riêng mình, có lẽ điều nó làm cho ta thấy vui vì rốt cuộc, ta sẽ hiểu rằng chỉ có thể thay đổi cuộc sống thật sự khi con người dám chấp nhận chính bản thân mình mà thôi...