THẬP ĐẠI THẦN THÚ CỦA BAIDU (P.3)
Tiếp tục với những thông tin thú vị về Thập đại thần thú của Baidu, những sinh vật giả tưởng hài hước được sinh ra để châm biếm sự kiểm duyệt hà khắc của chính quyền Trung Quốc đại lục...
VII, Vĩ thân kình
Thần thú thứ bảy là Vĩ thân kình (尾申鲸/Stretch-tailed whale). Tên của loài sinh vật này nghĩa đen là cá voi đuôi cộc, phát âm trong tiếng Trung là wěi shēn jīng, nghe gần giống wèi shēng jīn tức băng vệ sinh (卫生巾/Sanitary pad).
Theo "truyền thuyết", vĩ thân kình là một loại cá voi đã đạt đến cấp độ của thần, trên tay chúng cầm một món bảo bối gọi là "súng mặt trời màu trắng". Thực ra, "súng mặt trời màu trắng" ở đây là một cách chơi chữ khá phức tạp khi chuyển ngữ bính âm "băng vệ sinh" trong phương ngữ Quảng Đông là wa6 sang1 gan sang tiếng Anh là "white sun gun", rồi lại tiếp tục dịch sang tiếng Hán là 白色太阳枪 (Bạch sắc thái dương thương).
"Sử sách" còn ghi lại rằng, khi Trịnh Hòa(郑和/Cheng Ho) đi đến các vùng biển phía Tây, ông đã được tận mặt nhìn thấy vĩ thân kình. Theo "nhật kí" của ông, chúng có tính tình dịu dàng, ngoan ngoãn, lúc sơ sinh chỉ cỡ 10cm nhưng khi trưởng thành có thể dài hơn 100m, tương đương với kích thước của một tàu khu trục. Ông cũng thấy nhiều người châu Âu làm nghề săn bắt vĩ thân kình. Biết được các mặt hàng làm từ da của loài cá voi này rất tốt, có tác dụng giữ ấm, hút ẩm, thông thoáng nên ông cùng tướng tá bèn thuê bắt vĩ thân kình lấy da để làm quần lót cho những bà vợ đang ngày đêm ngóng đợi ở quê nhà. Sau đó, Trịnh Hòa còn muốn bắt sống một ít vĩ thân kình đem về Trung Quốc, nhưng rốt cuộc không nỡ làm vậy nên lại thôi. Một thời gian sau, chẳng còn con thân vĩ kình nào xuất hiện nữa. Người ta cho là chúng đã bị con người săn bắt tới mức tuyệt chủng.
Dù được cho là đã tuyệt chủng, thế nhưng vào năm 2009, một nhiếp ảnh gia đặc biệt của tạp chí Địa lý Thế giới khi theo chân đoàn thám hiểm Nam Cực của Mỹ đã chụp được một bức ảnh về cá voi đuôi cộc. Ngay sau khi được công bố, bức ảnh này đã gây tranh cãi trên quy mô toàn cầu. có người cho rằng đó là hậu duệ xa của loài vĩ thân kình, có người lại đề xuất lý thuyết vĩ thân kình đã di cư tới đây để tránh bị con người tàn sát... Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, các tổ chức khoa học hàng đầu thế giới quyết định sẽ tiến hành bắt giữ một vài mẫu vật để nghiên cứu. Tiếc thay, kế hoạch này không bao giờ thành công. Không rõ vì lí do gì mà đám vĩ thân kình luôn lẩn trốn thành công trước những cuộc vây bắt của con người.
Dù không bắt giữ thành công vĩ thân kình, thế nhưng các nhà khoa học cũng đã xác định được chu kì sinh học của chúng. Cứ mỗi tháng một lần tại vòng tròn Nam cực, những đàn cá voi đuôi cộc sẽ lại xuất hiện rồi biến mất. Nam Cực là phần dưới cùng của Trái Đất, vậy nên vĩ thân kình xuất hiện ở đâu thì các bạn cũng tự biết rồi nhé.
Cuối bài viết gốc, tác giả khẳng định sự tồn tại của loài vĩ thân kình vượt quá khả năng lí giải của “khoa học” đương thời, vậy nên giống loài này đã trở thành câu hỏi thứ 11 trong số 10 câu hỏi lớn nhất lịch sử, vẫn luôn chờ đợi nhân loại vén bức màn bí ẩn.
VIII, Ngâm đạo nhạn
Ngâm đạo nhạn (吟稻雁/Singing-field goose), nghĩa đen là loài ngỗng “gạo hát”, phát âm trong tiếng Hán là yīn dào yán. Tên của loài này đồng âm với một căn bệnh nhiễm trùng là viêm âm đạo (阴道炎). Đây là một trong số ít các thần thú được cho là đã tuyệt chủng hoàn toàn.
“Truyền thuyết” kể rằng dưới thời Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh đã xảy ra một hiện tượng lạ. Có một thôn nọ, khi mọi người đang làm ruộng thì bỗng thấy có đàn ngỗng trời sà xuống. Chúng cứ thế càn nát cả ruộng lúa, tạo thành những hình tròn lớn rất kì lạ (ám chỉ cổ tử cung), khiến ai nhìn vào cũng phải thấy kinh hãi. Phụ nữ ngoài đồng sau đó đều lóa thành những bà lão, nam nhân trong làng vì không chịu được cảnh này mà cũng bỏ xứ ra đi. Bách tính rơi vào lầm than, không lời nào diễn tả được. Sau cùng, Hoàng đế Khang Hy biết chuyện, bèn sai quan phủ địa phương xử lí. Quan phủ lĩnh mệnh triều đình, liền lệnh cho thuộc hạ giết bớt đám ngâm đạo nhạn. Nhờ đó mà căn bệnh lạ kia biến mất, thôn làng cũng bình yên ổn trở lại. Tuy nhiên, do tàn sát quá tay mà loài ngâm đạo nhạn hoàn toàn bị xóa sổ.
Dựa vào “truyền thuyết” kể trên, có thể phỏng đoán ngoài là một cách chơi chữ tục tĩu đơn thuần, ngâm đạo nhạn cũng là một trò đùa đá xoáy Chiến dịch tiêu diệt chim sẻ (打麻雀运动/Eliminate sparrows campaign) của Mao Trạch Đông (毛泽东/Mao Zedong). Chiến dịch này là một trong những hành động đầu tiên của kế hoạch Đại nhảy vọt (大跃进/Great Leap Forward) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1958 đến năm 1962. Kết quả là sau đó nạn đói đã xảy ra trên khắp Trung Quốc do sâu hại phát triển mạnh vì thiên địch của chúng là chim sẻ đều đã bị tiêu diệt. Trung Quốc đã phải cầu cứu Liên Xô gửi chim sẻ sang để cân bằng lại hệ sinh thái. Dù vậy, nạn đói vẫn tiếp tục kéo dài thêm nhiều năm nữa, góp phần vào thất bại chung cuộc của Đại nhảy vọt. Có thể nói, chiến dịch này để lại những hậu quả to lớn cả về môi trường, kinh tế lẫn văn hóa cho Trung Quốc về sau.
IX, Đạt phỉ kê
Thứ chín là Đạt phỉ kê (达菲鸡/Duffy Chicken), nghĩa đen là “gà thơm thông minh”. Cái tên của giống “gà” này là sự nhái lại cái tên Gấu Duffy trong tiếng Trung (达菲熊/Duffy Bear). Ngoài ra, phát âm của cụm từ “đạt phỉ kê” là dá fēi jī, đồng âm với cụm từ “bắn máy bay” (打飞机) vốn là tiếng lóng ám chỉ việc thủ dâm trong văn hóa Trung Quốc.
Theo bài viết ẩn danh gốc, đạt phỉ kê là một giống gà ngoại nhập từ Nam Mỹ, có ngoại hình tương tự như gà Tây. Đạt phỉ kê là một giống gà ưa thích vận động. Khi di chuyển, cổ chúng hay co giật và thi thoảng sẽ phun ra một thứ dịch nhầy màu trắng sữa. Trong mùa sinh sản, con đực sẽ bước đến gần con mái rồi phun ra thật nhiều dịch để tán tỉnh. Đôi khi, trong một lần tán tỉnh, con đực có thể phun dịch nhiều lần.
“Sử sách” còn ghi lại rằng người châu Mỹ xem đạt phỉ kê như thần thánh, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều huyền thoại liên quan. Vào thời kì cận đại, đạt phỉ kê vì bị thổ dân da đỏ săn bắt quá mức mà đã được xem như tuyệt chủng. Nhưng gần đây, chúng được tái phát hiện và nhanh chóng trở thành một loại thú được nhập khẩu trên khắp thế giới, trong đó có cả Trung Quốc đại lục.
Cuối cùng, tác giả đưa ra “báo cáo” rằng việc đạt phỉ kê đột ngột xuất hiện trở lại với số lượng lớn đã đem đến nhiều vấn đề. Bởi vì thói quen mà chúng đã thải ra rất nhiều dịch nhầy, có nguy cơ tạo thành một khối lượng lớn rác thải chưa rõ phương thức xử lí. Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ cũng bắt đầu bị ám ảnh về chúng. Họ thường hoang mang tự hỏi, đám gà chỉ biết phun ra dịch nhầy này liệu có ăn được không?
X, Tiềm liệt giải
Đứng thứ mười và cũng là sau cùng của danh sách Thập đại thần thú chính là tiềm liệt giải (潜烈蟹/Hidden Fiery Crab). Nghĩa đen của cái tên này là cua “lửa ẩn”, tuy khá vô nghĩa nhưng bính âm là qián liè xiè, gần giống với qián liè xiàn tức tuyến tiền liệt (前列腺/Prostate). Do đó mà tiềm liệt giải còn có thể hiểu là sỏi tuyến tiền liệt, đem lại cảm giác khó chịu như lửa đốt người người phải chịu đựng nó.
Bài viết gốc cho biết, tiềm liệt giải là loài cua cực phẩm nhất trong các loại cua. Chúng nhiều thịt, lắm mỡ, được ví như đặc sản một thời của vùng Giang Nam. Tiếc rằng ngày nay chúng đã bị tuyệt chủng.
“Dân gian” còn lưu lại câu chuyện rằng, từng có một đàn tiềm liệt giải lớn đến độ làm tắc nghẽn cả một đoạn của Đại Vận Hà. Trên khúc kênh nối liền Tô Châu và Giang Châu của công trình này, không rõ vì lo gì mà đám tiềm liệt giải đã tụ lại với nhau làm thành một cái chắn lớn chặn dòng chảy lại. Nước bên trong không xả ra được, bắt đầu bị ô nhiễm và bốc mùi. Người dân vùng thượng nguồn và ở cả hai thành phố Tô Châu, Giang Châu thường ngày dùng nước sông làm nước sinh hoạt, khi đó đều lâm vào cảnh khổ sở. Có một vị quan huyện tên là Bàng Quang (庞光) vì uống phải nước ứ đọng này, nhiễm trùng mà chết. Sự việc truyền tới nha phủ, quan phủ liền tâu lên triều đình rồi gấp rút ra lệnh tiêu diệt bằng hết tiềm liệt giải để khơi thông nguồn nước. Sau đó phải mất một thời gian Đại Vận Hà mới hoạt động trở lại. Tiềm liệt giải cũng bởi vậy mà tuyệt chủng.
PS: Bàng Quang ở đây phát âm là páng guāng, đồng âm với cái gì thì các bạn tự đoán được rồi nhé :)))
Cuối cùng, bài viết gốc cho biết tuy được “ghi nhận” là đã tuyệt chủng, nhưng có lời đồn rằng trong các bệnh viện vẫn còn lưu giữ rất nhiều mẫu vật tiềm liệt giải còn sống, bằng chứng là các cuộc điện thoại tư vấn sức khỏe trên truyền hình vẫn rất thường hay thấy người gọi lẫn bác sĩ trả lời nhắc đến chúng. Không rõ thực hư là ra sao.
GÓC BỔ SUNG: Thần thú thay thế
Do sự tam sao thất bản, tồn tại một vài phiên bản Thập đại thần thú khác, trong đó có 1 phiên bản được đánh giá là có độ phổ biến ngang với phiên bản được chuẩn hóa mà loạt bài viết đã giới thiệu. Thứ tự lần lượt của các thần thú trong danh sách ấy là:
Trong đó, thuần cáp bị thay thế bằng một loài khác quán li viên (鹳狸猿/Stork-raccoon ape). Phần bổ sung này sẽ cung cấp cho bạn đọc về thần thú thay thế đặc biệt này.
Quán li viên nghĩa đen là “vượn cò-lửng”, phát âm trong tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn là guǎn lǐ yuán, đồng âm với từ quản trị viên (管理员/Admin). Admin ở đây ám chỉ các quản trị viên mạng làm việc tại các máy chủ của Trung Quốc đại lục, họ chính là những người trực tiếp xóa web, bài đăng, bình luận và thao tác với dữ liệu cá nhân của người dùng theo chỉ thị của chính quyền hoặc do... tiêu chuẩn cá nhân và tư thù với đối tượng. Ngoài ra, họ cũng là người đưa ra các thông báo và chế tài hoạt động cho các web, máy chủ mà họ quản lí, mà thường là theo hướng tiêu cực do mệnh lệnh bắt buộc từ chính quyền hoặc… chính họ chủ động thực hiện theo chủ trương của chính quyền để thi đua lấy thành tích. Bởi vậy các quản trị viên mạng của Trung Quốc thường hứng chịu sự căm ghét đến từ các cư dân mạng khác.
Quán li viên được xác nhận là một loài động vật đặc hữu của xứ Lan Châu (兰州), cụ thể là huyện Bạch Độ (白渡). Cho nên chúng còn có một tên gọi khác là Bạch Độ quán li viên (白渡鹳狸猿). Bạch Độ bính âm là bái dù giống như Bách Độ (百度/Baidu). Vậy nên Bạch Độ quán lí viên có thể hiểu là quản trị viên của Baidu. Lan Châu, như đã từng giải thích trong mục II của P.1 loạt bài hiện tại, càng bổ sung thêm ý nghĩa cho từ lóng này.
Theo các báo cáo “nghiên cứu khoa học”, trung bình chiều cao của quán li viên là khoảng 250cm, con cao nhất cao hơn mức trung bình tới 38cm. Đối với người nuôi, chúng cực kì nghe lời nhưng đối với người khác, chúng tỏ ra hỗn hào, hống hách. Tập tính này cũng có thể tìm thấy ở loài chó. Điểm khác biệt là loài quán li viên có tài phân biệt giàu nghèo một cách mạnh mẽ, tỷ lệ chính xác lên tới 100% khiến các nhà nghiên cứu không khỏi kinh ngạc. Ngoài ra, chúng cũng rất thích ăn bánh nướng, đặc biệt là bánh nướng Lan Châu (兰州烧饼), món ăn tại quê nhà của chúng.
PS: Những chi tiết khác thì khá dễ liên tưởng rồi. Còn riêng bánh nướng Lan Châu thì cần phải giải một xíu, đó là bính âm của bánh nướng (烧饼) đọc là shāo bǐng, viết tắt là SB. SB cũng là viết tắt bính âm của một câu chửi trong tiếng Trung đó là shǎ bī, tức “ngu lozn”. Do đó bánh nướng Lan Châu tức là… các bạn tự xâu chuỗi nội dung nhé :))
Số lượng quán li viên khi mới được phát hiện chỉ là 20 con, nói chung là tình trạng loài vô cùng nguy cấp. Vào tháng 2 năm 2003, chúng đã được Hàn Quốc liệt vào động vật được bảo vệ cấp một ở nước sở tại. Vào tháng 1 năm 2004, chúng tiếp tục được công nhận là loài động vật được bảo vệ cấp độ một ở Trung Quốc. Sau đó, do áp dụng các biện pháp bảo tồn thích hợp và không có kẻ thù tự nhiên nên vượn cò-lửng đã sinh sản nhanh chóng. Hiện nay, chúng đã gia tăng đến mức đáng kinh ngạc và chủ yếu hoạt động ở các khu vực lân cận những tuyến giao thông huyết mạch, những khu con người tương tác đông đúc. Điều này đã gây ra vô số phiền nhiễu và thậm chí là cả những thiệt hại nghiêm trọng đến cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã làm ngơ trước thực trạng này. Các ban ngành có liên quan chỉ khẳng định rằng việc bảo tồn quán lí viên liên quan mật thiết đến nền an ninh quốc gia, thời điểm hủy bỏ lệnh bảo vệ loài này chưa chín muồi và vẫn cần nghiên cứu kĩ lưỡng thêm… Không loại trừ khả năng các cấp lãnh đạo sẽ tổ chức các phiên điều trần.
Hiện tại, việc chăn nuôi công nghiệp quán li viên nhân tạo đã được triển khai. Bộ lông của loài vượn này rất mỏng và mềm mại, là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm giày dép của Adivon (阿迪王). Những sản phẩm làm từ lông quán lí viên đã được xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Đại Hàn Dân Quốc, Nam Triều Tiên... Chúng là những thứ xa xỉ phẩm được những người giàu có và quyền lực ưa chuộng.
Tuy nhiên, tác giả cũng cung cấp thêm thông tin đáng quan ngại rằng do sản xuất hàng loạt với số lượng quá lớn nên có dấu hiệu sản phẩm mang phẩm chất tệ hại, kéo theo giá giảm mạnh. Một số chủng được xác định là đã bị ô nhiễm, bên chăn nuôi muốn kiểm soát số lượng để tăng giá bán nên hiện số lượng quán lí viên đang giảm bớt dần.
Kết
Trên đây là tổng hợp về Thập đại thần thú của Baidu. Ngay từ khi ra đời, chúng đã tạo ra những tác động to lớn tới đời sống của người dân Trung Quốc đại lục. Chúng phản ánh sự phản kháng ngoan cường của họ trước những chính sách kiểm soát hà khắc đồng thời là một cách bày tỏ thái độ khéo léo, tránh được sự gây hấn trực tiếp với chính quyền. Chúng cũng đóng vai trò như một "van xả" cho sự bất bình với chế độ, giảm bớt phần nào nguy cơ leo thang trong mối quan hệ nơi không gian mạng giữa chính quyền Trung Quốc và người dân.
Ngày 30 tháng 3 năm 2009, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình của Trung Quốc đã ban hành chỉ thị nêu rõ 31 danh mục nội dung bị cấm trực tuyến, bao gồm bạo lực, khiêu dâm, nội dung có thể "kích động kỳ thị sắc tộc hoặc phá hoại sự ổn định xã hội"... Theo các báo cáo, chỉ thị được đưa ra sau làn sóng phổ biến của hiện tượng mạng "thảo nê mã".
Đến năm năm 2016, hãng truyền thông Tân Hoa xã (新華社/Xinhua News Agency) đã liệt kê trong Những từ bị cấm và những lời cảnh báo trong Báo cáo Thông tin và Tin tức của Tân Hoa xã (新华社新闻信息报道中的禁用词和慎用词/Forbidden words and words with caution in news reports of Xinhua News Agency) hơn 38 từ được xem là phản văn minh với sự góp mặt của “thảo nê mã”, “Pháp-Khắc vưu”, “đạt phỉ kê”, “cát bạt miêu”... cùng nhiều từ lóng khác. Qua đó, có thể thấy các cơ chế kiểm soát của giới chức Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã không ngăn được tất cả cư dân mạng thể hiện ý kiến của họ trực tuyến.
Tính đến năm 2022, chính quyền Trung Quốc ngày càng thắt chặt vấn đề kiểm duyệt, đến nỗi chính cả từ hài hòa (和谐) cũng đã bị cấm trên một số diễn đàn lớn như Baidu Tieba. Mỉa mai làm sao khi những kẻ luôn rêu rao về một "xã hội hài hòa" lại đi cấm chính từ ấy. Cùng với đó, người dân Trung Quốc cũng ngày càng khéo léo hơn trong việc "tổ lái" trên không gian mạng. Mỗi khi có một sự kiện chính trị náo nhiệt nào diễn ra, trên các diễn đàn mạng tại Trung Quốc đại lục sẽ xuất hiện đầy những câu chuyện "truyền thuyết" hài hước khó hiểu với những từ ngữ và cách diễn đạt vô cùng kỳ lạ, đa phần liên quan đến ngựa và cua. Xem chừng cuộc chiến giữa bầy thảo nê mã và đám cua sông sẽ vẫn rất lâu nữa mới có thể ngã ngũ.
(Hết)
#Backturn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất