Maurice được cho là một tướng lĩnh La Mã hậu kỳ, và được phong thánh vì là người tử đạo. Một trong những di vật còn được lưu giữ đến ngày nay của vị thánh Công giáo này chính là thanh kiếm được sử dụng để hành hình ông.

Về Thánh Maurice

Maurice là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất ở Tây Âu. Chỉ riêng ở Pháp đã có hơn 650 địa điểm tôn giáo và hơn 70 thị trấn mang tên ông. Vào thời Trung cổ, Thánh Maurice là vị thánh bảo trợ của một số triều đại ở châu Âu và của các hoàng đế La Mã Thần thánh. Vua Sigismund xứ Burgundy đã tặng đất cho một tu viện để vinh danh ông vào năm 515, còn Heinrich I (tức Heinrich Người săn chim) đã nhượng lại tỉnh Aargua của Thụy Sĩ để đổi lấy Cây thương của các vị thánh. Một thánh tích khác, Thanh kiếm của Thánh Maurice (hiện được trưng bày ở Vienna), từng là thanh kiếm được sử dụng trong lễ đăng cơ của các hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh trong hơn 700 năm. Lễ kính Thánh Maurice là ngày 22 tháng 9 hàng năm.
<i>Cuộc hội ngộ giữa Thánh Erasmus (trái) và Thánh Maurice (Phải). Tranh của Mathis Gothart Grünewald, được vẽ trong khoảng 1520- 1524.</i>
Cuộc hội ngộ giữa Thánh Erasmus (trái) và Thánh Maurice (Phải). Tranh của Mathis Gothart Grünewald, được vẽ trong khoảng 1520- 1524.
Hiện tại, đa số đồng tình rằng Maurice từng là một sĩ quan La Mã hoạt động ở cuối thế kỷ III sau Công nguyên, chỉ huy quân đoàn cấu thành từ những người lính Cơ đốc giáo xuất thân vùng Thượng Ai Cập dưới triều đại của Hoàng đế Maximian Herculius.
Quân đoàn của ông, "Legio Thebiae" (Quân đoàn Thebias), được cho là bao gồm khoảng 6.600 quân nhân người Ai Cập theo Cơ Đốc giáo, ban đầu được tuyển mộ và đóng quân tại Thebias ở vùng Thượng Ai Cập. Hoàng đế sau đó đã thuyên chuyển Quân đoàn Thebias đến châu Âu trong một nỗ lực dập tắt cuộc nổi dậy của người Gaul. Toàn bộ quân đoàn Thebias đã bị chính phe đế quốc tàn sát hàng loạt khi họ từ chối tham gia vào các nghi lễ hiến tế ngoại giáo tại Aaunum, một khu vực tương ứng với nước Thụy Sĩ ngày nay.
Bằng chứng sớm nhất còn sót lại về Thánh Maurice bao gồm một bức thư được viết vào đầu thế kỷ thứ V. Bức thư này nhắc tới giám mục sống ở cuối thế kỷ thứ IV Theodore xứ Octodurum, là người phát hiện ra thánh tích của Thánh Maurice và chiến hữu của ông. Ý kiến cho rằng Thánh Maurice chỉ huy một quân đoàn tên là Thebias đồn trú ở miền bắc nước Ý phải tới đầu thế kỷ thứ V mới được đưa ra, bởi vậy, ở thời điểm trước đó cả trăm năm, Giám mục Theodore chắc hẳn đã bịa ra câu chuyện về Thánh Maurice để mê hoặc quân đoàn Bắc Italy vì động cơ chính trị, mà một trong số đó là để thuyết phục quân đoàn không chấp nhận tính chính danh của kẻ soán ngôi Eugenius, người đăng cơ vào năm 392.

Thanh kiếm của Thánh Maurice

Tồn tại 2 thánh vật được cho là thanh kiếm được sử dụng để xử tử Thánh Maurice, một tại Turin (Ý) và một tại Vienna (Áo).
Như đã nêu ở trên, Thanh kiếm của Thánh Maurice là một phần không thể thiếu trong lễ đăng cơ của các đời hoàng đế La Mã Thần thánh, bởi vậy nó còn được gọi là "Thanh kiếm của hoàng đế" (Gladius Imperatoria trong tiếng Latin, và Reichsschwert trong tiếng Đức). Thánh vật này được sử dụng lần cuối trong lễ đăng cơ của Hoàng đế Karl xứ Áo với tư cách là vua của Hungary vào năm 1916, và hiện được lưu giữ tại Cung điện Hofburg.
<i>Mauritiusschwert, tức Thanh kiếm của Thánh Maurice.</i>
Mauritiusschwert, tức Thanh kiếm của Thánh Maurice.
Khác với phiên bản ở Vienna, phiên bản Turin được lưu giữ cùng với các thánh tích của vị thánh này. Thanh kiếm được cho là đã được dùng để xử trảm Maurice, mặc dù rõ ràng đây là một thanh kiếm tuân theo thiết kế phổ biến ở thế kỷ XIII.
Thánh vật này ban đầu được lưu giữ trong Ngân khố của Tu viện Thánh Maurice ở Valois (Thụy Sĩ), và sau đó tới năm 1591, Charles Emmanuel I, Công tước xứ Savoy, đã di dời thanh gươm này cùng với một nửa di thể của Thánh Maurice đến Nhà nguyện Vương thất ở Turin.
Kể từ năm 1858, thanh kiếm đã được trưng bày trong Armeria Reale (Vương thất Vũ khố) ở Turin và có số kiểm kê là AR G 25. Hiện vật này được bảo quản rất tốt, trông gần như thể nó mới được rèn ngày hôm qua. Thanh gươm ở Turin này, cũng giống như phiên bản Vienna, được tạo ra vào thế kỷ XIII.
Do không phải được chế tác với mục đích mang đậm tính nghi lễ và biểu trưng như phiên bản Vienna, phiên bản Turin là một món vũ khí thực chiến khá "trần trụi", khi gần như không được khảm nạm trang trí. Quả chuôi sắt đối trọng gắn ở chuôi kiếm có hình dáng "quả hạch Brazil" , mà theo hệ thống phân loại của Ewart Oakeshott, thuộc về loại A. Chuôi gươm được làm bằng gỗ bọc da mỏng màu nâu, giấy bồi hoặc thậm chí có thể là vải lanh, với một số chỗ đã khô và bong tróc sau nhiều thế kỷ. Phần chắn tay bằng sắt theo kiểu Oakeshott 6, hơi cong xuống và có các đầu dẹt (trong khi phiên bản Vienna có chắn tay thẳng và ngang).
Lưỡi gươm thuộc loại Oakeshott XII, và được tạo rãnh khá rộng, chiếm tới 1/3 bề ngang lưới thép, và chạy dọc gần 3/4 chiều dài lưỡi kiếm.
<i>Thanh gươm của Thánh Maurice phiên bản Turin.</i>
Thanh gươm của Thánh Maurice phiên bản Turin.
Một trong những yếu tố khiến thanh kiếm vẫn được duy trì ở trong tình trạng tốt như vậy chính là chiếc vỏ bao. Vỏ gươm được làm bằng da màu nâu sẫm được gia công và trang trí tinh xảo và phần lõi được làm từ gesso duro (một loại thạch cao).
Chiếc vỏ gươm này được chế tác trong khoảng thời gian 1434-38, điều này thể hiện rõ trên phần vẽ trang trí, với hình ảnh vị thánh mặc giáp trụ mang đậm phong cách thời kỳ. Các đồ án trang trí khác được thể hiện trên vỏ bao là huy hiệu của các xứ Savoy, Piedmont và Genoa, cùng một dòng chữ bằng tiếng Latinh: "O bone mauriciidefe tui cor amici ut nunquam subici laqueis possit inimici". (Tạm dịch: Hỡi Thánh Maurice lòng lành, xin hãy bảo vệ con tim của người bạn của mi, để nó không bao giờ sa lưới quân thù).

Thay cho lời kết: Thánh gươm chân diện mục

Những hiện vật được cho là gắn với sinh thời của Thánh Maurice trên thực tế được hậu nhân chế tác ra cả thiên niên kỷ sau đó, và bởi những ngành khoa học như khảo cổ chưa tồn tại ở thời điểm đó, vậy nên những tạo vật trên đều mang đậm dấu thời kỳ (thế kỷ XIII).
<i>Một thanh spatha theo kiểu dáng phổ biến ở nửa sau của thế kỷ III. Sản phẩm thực hiện bởi Javier Solé- Ancient Forge.</i>
Một thanh spatha theo kiểu dáng phổ biến ở nửa sau của thế kỷ III. Sản phẩm thực hiện bởi Javier Solé- Ancient Forge.
Mặc dù Thanh kiếm của Thánh Maurice phiên bản Vienna được gọi là "gladius", song, ở thời điểm thế kỷ III sau Công nguyên, tương ứng với giai đoạn La Mã hậu kỳ, gladius đã không còn là thanh gươm được sử dụng rộng rãi bởi quân đội đế quốc, mà lúc này, spatha mới là trang bị phổ biến. Đây là một kiểu gươm thép lưỡi dài có tạo rãnh, phần đầu đâm dần thuôn tròn chứ hạ góc nhọn kiểu đỉnh tam giác như gladius, đồng thời lưỡi spatha mỏng và có phần nhẹ hơn so với cây gladius (mà chúng ta vẫn thường thấy trên các phương tiện văn hóa đại chúng như phim ảnh, trò chơi điện tử, etc.).
_CORVVS_