“Hành trình để lớn, để học tập của những đứa trẻ cũng như cách chúng ta khắc phục những trở ngại và chấp nhận bản thân mình…”
Mới hôm trước thôi, có một người bạn nói với mình: “Hình như, yêu bản thân còn khó hơn cả khi ta yêu người khác…”
Cũng đúng thôi, chỉ có ta mới nhìn được hết tường tận ngóc ngách mọi thứ của mình, cả điều tốt lẫn điều xấu, mà đôi khi cái tính xấu còn chiếm phần đa. Và cũng chính ta là người tự gói ghém mọi thứ lại, “ấp ủ” nó và cất giấu đi ở tít tận nơi nào đó theo công thức “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, rồi dần dần, nhận ra mình đánh mất đi một thứ gì đấy, để tình cờ vào một ngày nắng đẹp hốt hoảng thốt lên một câu: “ Thôi chết, đến mình cũng không hiểu nổi bản thân mình nữa rồi.”

Câu chuyện kể rằng có một cô bé phù thủy sống hạnh phúc với ba má ở một ngôi làng nhỏ xinh, khi tròn 13 tuổi, cô bé sẽ đi tìm một “miền đất hứa” sống tự lập và thử thách bản thân trong vòng một năm, mục đích để rèn luyện bản lĩnh phù thủy, đồng thời là một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành. Thiết nghĩ 13 trong thế giới phù thủy hay 18 trong thế giới loài người bình thường cũng chỉ khác nhau ở con số, trưởng thành làm gì có tuổi!
Buổi đêm mà KiKi ra đi, nhìn rất đẹp, trăng tròn và sáng, sao lung linh lấp lánh khắp bầu trời, vậy mà đùng một cái, trời mưa to sấm chớp giật liên hồi, thôi thế là ướt nhẹp, đánh dấu giây phút đầu tiên của sự “tự khôn lớn”.
Sau cơn mưa trời lại sáng, KiKi với chiếc chổi của mình đã tìm được đến thành phố trong mơ bên bờ biển có đàn hải âu bay lượn, vô cùng ấm áp và yên bình. Đó là khoảnh khắc màu hồng đầu tiên kể từ khi cô bé rời xa vòng tay bố mẹ và những khoảnh khắc tiếp theo đó là tìm được một mái nhà để an trú, có được một công việc giao hàng tạm ổn định bởi sử dụng chính năng lực bay thiên bẩm của bản thân.
“Take it for granted”
Cả bộ phim, chi tiết mình thích nhất đó chính là từ lúc KiKi nhận ra mình không thể bay, chiếc chổi trở nên vô dụng, chú mèo đen nhỏ JiJi cũng không thể nói chuyện được nữa. Nguyên cớ vì sao tự dưng KiKi lại đánh mất năng lực phù thủy của mình? Mấu chốt chính nằm ở câu nói mà cô bé nói với cậu bạn Koppori: “Mình không nghĩ bay vui đến thế đâu, nó chỉ như một công việc mình cần làm mà thôi...” 

Có những thứ, phải đến tận khi mất đi ta mới nhận ra nó là tất cả. Ví như KiKi, đánh mất năng lực bay, điều mà trước giờ dĩ nhiên một phù thủy phải có, cô bé đã nói rằng: “Cháu đã mất tất cả rồi, bay chính là linh hồn của một phù thủy”, như thế, có khác nào là đánh mất chính bản thân mình đâu...
Chúng ta cũng thế, đôi khi vì thứ này hay thứ kia mà ta chẳng còn nhận ra mình ở hình dạng nào nữa. Người ta trầy trật trong hành trình tìm lại chính mình, rồi lại quay cuồng không biết đâu là thứ giúp ta định hình được bản thân là ai, mọi thứ trở nên thật xáo trộn và bối rối. Đúng thật, cuộc sống mà, bên cạnh những giờ phút tươi vui sẽ có nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, áp lực lắm, dường như đánh mất chính mình vậy (như Kiki đột nhiên không thể bay, hay cô họa sĩ đột nhiên không vẽ được gì cả). Khi đó, mình thấy cô bé họa sĩ đã nói một câu rất hay: “Linh hồn của một họa sĩ, linh hồn của một phù thủy, linh hồn của một người thợ làm bánh,... à hóa ra ai cũng cần tìm cho mình một linh hồn đó chứ nhỉ? Cậu bay bằng tâm hồn phù thủy, nhỉ KiKi? Vậy sẽ chóng thôi, cứ nghỉ ngơi và thư giãn, cậu sẽ bay được. À, chấp nhận bản thân mình nữa nhé, chấp nhận những giây phút mình không thể bay, mình chẳng thể làm gì. Tin mình đi, vì mình đã làm như vậy rồi...”

Hóa ra chìa khóa lại đơn giản lắm, và những giây phút chúng ta “đơ, treo” cũng không phải hoàn toàn vô nghĩa đâu. Một chút khoảnh khắc trước khi sang năm mới, có được những thông điệp rất nhẹ nhàng, thấy thêm yêu bản thân mình hơn, có nhiều thứ muốn làm hơn và sẽ cố gắng làm tốt cả những điều đang làm nữa. Mọi thứ xuất phát từ trái tim, một câu nói chẳng bao giờ là cũ cả, nó sẽ có năng lực như phép thuật vậy, giống như KiKi, lại có thể bay lượn tự do trên bầu trời….
31.12.2019