Mục đích của việc đọc các thể loại sách và blog trên trời dưới biển là gì nếu chỉ vài giờ sau bạn đã quên đi gần hết nội dung của nó?
Ảnh: TOPHEE MARQUEZ

Tôi đã ngồi khoảng hai tiếng đồng hồ trong quán cà phê, đọc vô vàn những bài blog trên Medium và rút ra kết luận là tôi chỉ có thể nhớ hai đến ba trong số rất nhiều ý tưởng và bài học mà tôi đã đọc. Trí nhớ là thứ hay thay đổi. Tôi đã cố gắng đọc nhiều sách nhất có thể, song lại gần như không thể nói cho bạn nghe ý chính/cốt truyện của cuốn sách mà tôi đã đọc xong.
Bài viết Tại sao chúng ta quên hầu hết những cuốn sách mình đã đọc trên tờ The Atlantic đã bàn về việc gia tăng thời gian sử dụng internet ảnh hưởng đến bộ nhớ của chúng ta theo hướng bất lợi.

I - Internet - trí nhớ mở rộng

Có lẽ là từ trước đến nay ký ức vẫn luôn như thế. Song Jared Horvath, một nhà nghiên cứu tại Đại học Melbourne, cho rằng cách mọi người tiêu thụ thông tin và giải trí hiện nay đã thay đổi loại ký ức mà chúng ta coi trọng – và nó không phải kiểu giúp bạn nhớ được nội dung chính của một bộ phim mà bạn đã xem sáu tháng trước.
Trong thời đại Internet, trí nhớ triệu hồi – khả năng bật ra một cách ngẫu nhiên thông tin có trong đầu bạn – trở nên ít cần đến. Nó vẫn có ích trong trò chơi hỏi đáp, hoặc ghi nhớ danh sách việc cần làm, song ở mức độ rộng hơn, Horvath nói, thứ được gọi là trí nhớ nhận diện quan trọng hơn. “Vậy nên miễn là bạn biết thông tin đó nằm ở đâu và cách thức để tiếp cận nó, thì bạn không cần phải nhớ nó làm gì,” ông cho hay.
Chúng ta coi Internet giống như ổ cứng cho trí nhớ của mình. Chúng ta biết rằng nếu cần bất cứ thông tin nào, ta có thể mở laptop ra và tìm kiếm nó ngay lập tức.
Ảnh: Ola Dapo
Học “tức thời” đang trở nên ngày càng phổ biến vì sẽ hiệu quả hơn khi tìm kiếm thông tin bạn cần ngay lập tức thay vì lưu trữ những thông tin có thể hữu ích sau này. Kiến thức sâu không còn được đánh giá cao nữa – những thông tin nông, nhanh gọn và thiết thực lại hiệu quả hơn trong thực hiện công việc.
Chính bởi vì ta biết mình có một trí nhớ mở rộng, do vậy ta đặt ít nỗ lực vào việc ghi nhớ và thấu hiểu trọn vẹn các khái niệm và ý tưởng mà mình học.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng internet hoạt động giống một kiểu trí nhớ mở rộng. “Khi người ta kỳ vọng có cách tiếp cận đến thông tin trong tương lai, thì họ sẽ không đặt nặng việc nhớ lại thông tin đó nữa,” một nghiên cứu cho hay. Song thậm chí trước cả khi internet ra đời, các sản phẩm giải trí tự nó cũng đã cung cấp những trí nhớ mở rộng như vậy. Bạn không cần phải nhớ một trích dẫn trong sách, nếu bạn có thể tra cứu nó. Khi băng video xuất hiện, bạn có thể xem lại một bộ phim hay chương trình tivi khá dễ dàng. Không còn cảm giác nếu bạn không ghi lại một phần văn hóa vào não bộ của mình thì nó sẽ biến mất mãi mãi.

II- Quá trình xem marathon ảnh hưởng đến trí nhớ

Chúng ta cũng thiên về hoạt động xem marathon (xem trong thời gian dài) với sự gia tăng của truyền thông dễ tiêu thụ. Đã bao giờ bạn ở nhà vào tối thứ Bảy và “cày” hết toàn bộ các mùa của chương trình truyền hình yêu thích của mình chưa? Bạn có thể nhớ lại nội dung chính của từng tập không? Bạn có thể nhớ ra những xung đột và giải pháp xử lý không?
Việc xem marathon khuyến khích bạn vô thức tiêu thụ nội dung thay vì tiếp thu từng nội dung truyền thông một cách có ý thức. Chúng ta được khuyến khích ăn nhiều nhất có thể, ngay cả khi thắt lưng của mình đang chực bung ra.
Đúng là mọi người thường nhồi nhét vào não bộ của mình nhiều hơn những gì nó có thể chứa. Năm ngoái, Horvath và các đồng sự tại Đại học Melbourne đã phát hiện ra rằng những người xem chương trình truyền hình theo kiểu marathon quên đi nội dung của nó nhanh hơn những người xem mỗi tập một tuần. Ngay sau khi kết thúc một chương trình, những người xem marathon đạt điểm cao nhất trong trò chơi hỏi đáp về chương trình đó, nhưng sau 140 ngày, họ lại có số điểm thấp hơn những người xem theo tuần. Họ cũng báo cáo rằng mình không tận hưởng chương trình nhiều bằng những người xem nó một lần một ngày, hoặc một lần một tuần.
Ngoài xem, người ta cũng đọc marathon. Trong năm 2009, người Mỹ trung bình nhìn thấy 100.000 từ mỗi ngày, cho dù họ không “đọc” hết tất cả chúng. Khó mà hình dung ra việc số lượng từ này giảm xuống sau chín năm. Trong bài viết “Chứng rối loạn đọc marathon ”trên tờ The Morning News, Nikkitha Bakshani phân tích ý nghĩa của thống kê này. “Đọc là một từ tinh tế,” bà viết, “song kiểu đọc phổ biến nhất lại là đọc theo hướng tiêu thụ: nơi chúng ta đọc, đặc biệt là trên internet, chỉ đơn thuần là thu thập thông tin. Những thông tin không thể trở thành kiến thức nếu như không “đọng lại”.
Hay, như Horvath chỉ ra: “Đó là một khoảnh khắc hào hứng nhất thời và rồi bạn lại muốn hào hứng tiếp. Nó không liên quan đến việc thực sự học bất cứ điều gì. Chỉ là bạn muốn có cảm giác mình đã học được gì đó trong chốc lát mà thôi.”
Chúng ta không thật sự đọc để học. Ta chỉ cảm thấy mình đang học gì đó bằng việc đọc và nhận diện từ ngữ trên màn hình. Những thông tin đó chưa phải là kiến thức, nhưng ta tự lừa mình tin rằng những gì đã vào trong đầu ta thì sẽ ở đó mãi mãi.
.
.
Đọc thêm tại: FB Chuyện Đọc
- Trích: Làm thế nào để không quên những gì đã học? (mystudentvoices.com)
Người dịch: Hoàng Dung
Via: Tâm lý học tội phạm (tamlyhoctoipham.com)