Link bài WordPress gốc của mình tại đây.
Bốc não: Thành phố X một ngày bỗng đưa tin tại khu phố A, một dịch bệnh hoành hành đã gây tổn thất nặng nề. Các nhà khoa học ghi nhận đó là biến thể nguy hiểm của một loại virus lây lan cực nhanh qua đường hô hấp. Đã có 500 trường hợp tử vong và được dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Các nhà chức trách đã phải đóng cửa thành phố để tránh ảnh hưởng sang các khu vực lân cận, và hôm nay đã có hàng trăm người hoảng loạn tràn qua biên giới và cảnh sát đã kịp thời can thiệp. Tuy vậy, nếu tình trạng này cứ tiếp tục, e rằng cả nước sẽ không thể tránh khỏi viễn cảnh xấu nhất.
Bạn là một nhà nghiên cứu hóa học, trên tay là một nút điều khiển từ xa. Bạn biết được rằng, nếu nhấn nút, hệ thống sẽ kích hoạt kíp nổ trung tâm của khu năng lượng nguyên tử trong thành phố X, tất cả cư dân thành phố sẽ chết, và chủng virus chết người kia sẽ bị xóa sổ hoàn toàn. Cả thế giới sẽ không bị nhiễm bệnh, và hàng tỷ người được cứu sống. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả người dân trong thành phố bạn sẽ chết.
Bạn sẽ kích hoạt chứ?
Photo by Pixabay on <a href="https://www.pexels.com/photo/clear-light-bulb-placed-on-chalkboard-355952/" rel="nofollow">Pexels.com</a>
Photo by Pixabay on Pexels.com

Đôi nét về thuyết vị lợi (Utilitarianism)

Chủ nghĩa vị lợi là một học thuyết Triết học do Jeremy Bentham, nhà luật học, triết gia người Anh chính thức giới thiệu vào thế kỷ 18. Sau đó, người kế nhiệm ông, John Stuart Mill đã phát triển bộ khung rời rạc, góp phần tạo hình cho thuyết vị lợi hiện đại như ngày nay. Khái niệm này chỉ rõ, một hành động được đặt lên bàn cân phụ thuộc vào kết quả, nghĩa là mức độ hiệu quả mà nó mang lại, hơn là mục đích của chúng. Ví dụ, một chính sách kinh tế hữu hiệu được chính phủ ban hành, giải quyết việc làm và vốn đầu tư, giảm thiểu lạm phát là biểu hiện của một hành động vị lợi.
Nội dung của học thuyết sau đó đưa đến một vấn đề sâu xa hơn, thế nào là một hành động hiệu quả? Nó chỉ đơn giản là một thứ có ích, một thứ xuất hiện để giải cứu cho tình thế cấp bách? Liệu chúng ta có thể ứng dụng nó với quy mô lớn hơn nữa không? Với những câu hỏi này, các nhà vị lợi đã phát triển khái niệm lên mức độ cao hơn, đó chính là "điều tốt nhất cho nhiều người nhất" (the greatest good for the greatest number). Dĩ nhiên, con người luôn sở hữu cho mình một quyển "kê luật" cho bản thân mình, trong đó liệt kê một hệ thống phức tạp những quy chuẩn đạo đức một cách ngăn nắp cấu trúc. Bộ luật ấy nêu rõ, sẽ thật sai sót nếu loại bỏ khỏi cuộc sống tất cả mọi người, và rằng ta nên làm điều có ích cho họ. Bản năng luôn thôi thúc ta liên kết các mối quan hệ để sinh tồn trong thế giới vật chất cô đơn. Bentham đã nói:
"The said truth is that it is the greatest happiness of the greatest number that is the measure of right and wrong."
~ Jeremy Bentham.
Hay "Sự thật rằng, mang đến hạnh phúc tối thượng cho nhiều người nhất chính là cán cân để quyết định đúng sai."
Và thế là ta có bài toán 'bốc não' như trên.
Nếu bạn quyết định kích hoạt kíp nổ, nghĩa là bạn đã cứu được hàng tỷ sinh mạng khác bằng cách hy sinh vài triệu cư dân của thành phố. Đó chẳng phải là điều tốt nhất cho nhiều người nhất sao? Việc này đồng nghĩa với việc tay bạn vấy máu. Bạn sẽ hạnh phúc với chiến công của mình, hay đau đớn khi nghĩ rằng mình đã gây ra một tội ác? Vậy định nghĩa của tội ác là gì?

"Tội ác và trừng phạt" - Dostoevsky: định nghĩa mong manh của vị lợi

Photo by Donald Tong on <a href="https://www.pexels.com/photo/rear-view-of-a-silhouette-man-in-window-143580/">Pexels.com</a>
Photo by Donald Tong on Pexels.com
"Phi thường", tính từ mà Raskolnikov hay dùng nhất trong tác phẩm lại chính là bản án kết tội anh ta. Đầu tác phẩm, những lời tán gẫu của hai người đàn ông trong quán rượu đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Raskolnikov. Một mụ già "đần độn, vô nghĩa, độc ác, bệnh tật, chẳng có ích gì cho ai cả, trái lại còn có hại cho mọi người, sống cũng chẳng biết để làm gì ... "Hàng trăm, hàng nghìn việc tốt có thể khai trương và chỉnh đốn được nếu dùng số tiền của mụ già dành cho tu viện ... hàng trăm, hàng nghìn kiếp sống có thể được đưa vào con đường ngay thẳng ... cứu hàng chục gia đình thoát khỏi cảnh bần cùng, tan vỡ, trụy lạc, chết chóc..." [tr.90]. Phép toán số học đơn giản được đề cập "một cái chết đổi lấy hàng trăm cái sống." Cái chết của mụ già vô dụng sẽ giải quyết được vấn đề xã hội đè nén con người Nga thế kỷ 19. Sau đó, cái chết của mụ cầm đồ đã được ấn định, kèm theo sau là một vụ giết người ngoài dự tính: em gái mụ, "vốn ít lời ... nhút nhát và hiền lành". Chính mấu chốt này đã bóp nghẹt tâm lý Raskolnikov đến cuối tác phẩm.
Trước hết, tiêu chí hàng đầu của chủ nghĩa vị lợi đã được hành động tội ác đáp ứng. Xét theo quan điểm kể trên, việc mụ già chết đi sẽ cứu được hàng triệu mạng sống khác. Thế nhưng tư tưởng này lại có một khía cạnh khác, công lý. Liệu Napoleon có giết người để thực thi công lý, làm một việc đáng lẽ một người vĩ đại khác đã có thể làm từ lâu rồi? Theo Raskolnikov, câu trả lời là "có". Kiếp sống lầm than, cơ cực có nên được vực dậy bởi một kẻ đi trước thời đại? Có. Tuy nhiên, công lý ở đâu khi bàn tay vấy máu? Để hiểu sâu về mâu thuẫn này, các triết gia vị lợi đã xem xét đến chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) và gắn kết hai khái niệm này lại với nhau. Điều này dễ hiểu bởi thuyết vị lợi hướng đến sự thỏa mãn, hạnh phúc sau cùng, điều mà các nhánh của khoái lạc cho là mục tiêu tối thượng. Họ cho rằng hạnh phúc là điều hành động phải đạt được, và rằng sẽ phản công lý nếu hành động gây hại đến hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu lớn nhất của thuyết vị lợi. Nó cho rằng công lý phải là đích đến cuối cùng, cho dù phải đánh đổi bằng một hành động tội ác. Đây được gọi là "Chủ nghĩa thực tế hành động" (Act Utilitarianism). Chủ nghĩa này tập trung vào kết quả, theo nghĩa thuần túy và cổ điển của "vị lợi", và Raskolnikov đang áp dụng một cách mù quáng theo học thuyết này. Giới triết học đương thời rầm rộ tư tưởng của chủ nghĩa thực tế hành động vào những năm thế kỷ 19, và nó yêu cầu những nhà tư tưởng như Dostoevsky phải chắp bút để hoàn thiện hệ thống vị lợi, giới hạn lý thuyết rộng thành một nhất thể thực tiễn. Theo đó, khái niệm "Chủ nghĩa thực tế nguyên tắc" (Rule Utilitarianism) ra đời. Nó nêu lên những ý cơ bản của phiên bản hành động, nhưng phát triển thêm một số khái niệm đạo đức: người áp dụng nó phải đưa ra cho mình những nguyên tắc nhất định, chính là một cuốn từ điển luật bỏ túi. Tuy vậy, đây không có nghĩa là đạo đức. Chính Raskolnikov cũng đã áp dụng nguyên tắc của mình, và kết quả là một vụ cướp của giết người. Trong bài báo của mình, anh ta chỉ ra "theo một quy luật của tạo hóa thì loài người, nói chung, chia ra làm hai loại: loại hạ đẳng (gồm những người bình thường) chỉ là những vật liệu dùng để sản sinh ra những kẻ như họ, và loại những người chân chính, những người có thiên bẩm hoặc có tài năng nói lên được một ý mới trong môi trường của mình." [ibid.tr.339] Loại hai, loại "phi thường" cho thấy một nét cuồng loạn nhất mà những người ủng hộ vị lợi nhất cũng không dám nghĩ dến. Điều này dẫn đến kết luận, mọi chủ nghĩa Triết học đều không tự nhiên sai trái, kể cả vị lợi, nhưng thật dễ dàng rơi vào cái bẫy không tưởng (utopia) mà rẽ hướng sang tiêu cực.
Một vấn đề khác đã đặt chủ nghĩa vị lợi ra tòa Hình sự chính ở một từ trong khái niệm của nó: "Hạnh phúc". Một câu hỏi được đặt ra, cán cân nào giúp ta định lượng được hạnh phúc, hay hạnh phúc chính xác là gì? Một chi tiết thú vị của Tội ác và trừng phạt chính là gần như tất cả nhân vật đều hướng đến gốc rễ của vị lợi.
Raskolnikov, như đã nói ở trên, đã đóng vai "phi thường" để cứu rỗi nhân loại. Bây giờ hãy cùng xem kết quả của hành động tội ác đầu tác phẩm. Mụ già chết, và những con nợ của mụ, những gia đình đói khổ, những trẻ em rách rưới tội lỗi sẽ được giải thoát. Số tiền của mụ sẽ "suốt đời phục vụ nhân loại và sự nghiệp chung", sẽ "được dành vào tu viện" [ibid.tr.91]. Thế nhưng, chính Raskolnikov mới là nạn nhân cho hành động của anh ta. Đây cũng chính là nguyên căn cho phần truyện "trừng phạt". Cái "phi thường" như Raskolnikov định nghĩa đã quay lại giày vò anh ta. Qua những cơn mê sảng như "người điên", không đếm xỉa đến số tiền mình cướp được, dường như Raz đã chối bỏ phần vĩ đại của một con người mà anh ta thường lấy làm hình mẫu. Một Napoleon được tôn sùng vỡ vụn ra từng mảnh khi chứng kiến thế giới sau tội ác, bần cùng và nhớp nhúa. Không hề đổi thay. Bentham từng xác định rằng con người được định đoạt thông qua hai nhân tố chủ chốt: hạnh phúc (pleasure) và đau khổ (pain). Chúng ta sống để kiếm tìm hạnh phúc và tránh né đau khổ. Thế nhưng, Raskolnikov đã sai lầm chịu đau khổ để hướng đến thứ hạnh phúc viển vông mà các nhà không tưởng (utopian) tạo ra. Mảnh ghép xã hội là thứ không thể tách rời, con người gắn liền với xã hội, và chẳng có một thế giới hoàn hảo nào thỏa mãn được những ham muốn tự nhiên của con người.
"Utopian Western philosophies could never satisfy the contradictory yearnings of the human souls."
~ TED-Ed
Hay "Triết học phương Tây không tưởng sẽ không bao giờ thỏa mãn những ham muốn mâu thuẫn trong tâm hồn con người."
Một cô gái trẻ bán mình cho "con đường trụy lạc" để mang tiền về cho gia đình, một người em gái chấp nhận lấy một người đàn ông để lo công việc cho người anh túng thiếu, một gã quý tộc phóng đãng dùng tất cả tiền của mình từ thiện cho người nghèo. Tất cả họ, Sonya, Dunya và Svidrigailov dùng vị lợi hy sinh lợi ích bản thân mình cho người khác, bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, điều mà họ muốn đã không hề xảy ra. Dường như trong một xã hội loạn lạc luôn tồn tại khái niệm của lý thuyết tất định (determinism). Nó cho rằng chúng ta không có quyền quyết định, rằng mọi hành động lẫn kết quả đã được định đoạt bởi một thế lực vô hình gọi là vũ trụ (The Universe). Theo đó, mô hình lắp ráp sẵn của thế giới vật chất không đáp ứng đủ cho chủ nghĩa vị lợi. Trở lại với bài toán "Bốc não" ở trên. Một người vị lợi sẽ dán chặt với nguyên tắc của mình và nhấn nút. Hành động này thể hiện rõ họ trung thành tuyệt đối với điều tốt nhất cho nhiều người nhất. Khi đặt mình trong tình huống ấy, bạn không hề có lựa chọn nào khác ngoài việc nhấn hoặc không. Dù trong tình huống nào, tay bạn vẫn vấy máu, nhưng việc cứu sống nhiều người hơn sẽ tô đậm thêm cho khái niệm vị lợi trong tất cả chúng ta. Trong trường hợp này, không hề có bộ luật đạo đức nào tồn tại, và bạn sẽ phải chọn một. Chỉ một.
Các tuyến nhân vật kể trên đã tựu chung cuốn tiểu thuyết bậc thầy về một điểm: vị lợi sơ sài xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sống con người. Họ không có lựa chọn ngoài việc phải làm mọi thứ để sản xuất hạnh phúc, và tự hành hạ bản thân. Thậm chí nếu như hệ thống của học thuyết này có chặt chẽ đến thế nào đi nữa, sẽ không có hạnh phúc hoàn hảo, sẽ phải có hoặc bạn hoặc người khác đau khổ.

Tổng kết

Thuyết vị lợi
- "Điều tốt nhất cho nhiều người nhất" (The greatest good for the greatest number)
- Tập trung vào kết quả và xem mục đích không quan trọng.
Điểm yếu
- Bẻ cong khái niệm "công lý" và "đạo đức".
- Quyền sống của con người còn mơ hồ.

Tham khảo

5. Google :)
Các bạn có thể qua link WordPress của mình để đánh giá bài viết. ^^ Cám ơn bạn nhiều nhé ^^
P/S: Hôm nay sao mình thấy giống Triết gia quá... và giống một bậc thầy trì hoãn. Mình có hứa hẹn review cuốn "Tội ác và trừng phạt" này từ bài viết hồi tháng 2, vậy mà xem kìa, tháng 8 rồi. Sau đây chưởng một cú nữa nè: đây chỉ là bài phân tích về một khía cạnh tác phẩm, còn review chi tiết thì mình sẽ ra nhé (không biết sớm hay không nữa :)))