Đây là bài phụ được tách ra từ bài Review phim 30 chưa phải là hết, nhằm truyền tải các suy nghĩ cá nhân về câu hỏi Tuổi 30, với nhiều suy ngẫm nằm ngoài nội dung của phim
(đáng tiếc người viết mới chỉ 27, vẫn còn 3 năm nữa mới có thể hiểu và lý giải nhiều hơn, vẫn muốn viết được 1 bài hay hơn nữa)


Phần này là cảm nhận cá nhân, cũng giống như nhân vật Hiểu Cần ghi chú lại các trải nghiệm và suy ngẫm của đời mình vậy ^^! - Tuổi 30 có bao nhiêu dáng vẻ ^^!
Tự dưng muốn viết theo kiểu chiêm nghiệm - suy ngẫm, 1 chút phân tích - 1 chút tự hỏi (không phải kiểu bố cục lô-gích toàn bài, các phần được móc nối với nhau)

==============================

1) Câu chuyện về sự trưởng thành


Ngưỡng cửa 30 của cuộc đời, những người đã qua cái thời sốc nổi khi mới 18-21, trẻ trung tràn đầy năng lượng của 22-26, cũng đã qua 1 chặng đường: Đại học - Tốt nghiệp - Công việc đầu tiên.
Họ không quá "trẻ" nhưng còn xa mới được gọi là "già", họ có thể đã có 1 bản lề vững chắc cho những năm tiếp theo của mình hoặc đang trên con đường xây dựng nó. Họ - phần lớn nên thế, đã có 1 sự ổn định tâm lý và khả năng tư duy nhất định, hay người ta thường nói là "Trưởng Thành", biết đúng-sai, biết tiến-lui, biết chịu trách nhiệm, biết cách "làm bạn" với chính mình!

*** Nếu trưởng thành được coi là thước đo để đảm bảo cho 1 cuộc sống hạnh phúc, hay xa hơn nữa là 1 gia đình viên mãn thì đây chính là thời điểm để khẳng định kết luận này. Trưởng thành trong nhận thức, trưởng thành trong tình cảm, trưởng thành trong các quyết định của chính mình

==============================

2) Tuổi 20 mới?


Tuổi 30 thì có gì nhỉ? 1 số người cho rằng "Tuổi 30 là 1 tuổi 20 mới, hãy cứ thoải mái đi", vậy khả năng cao là họ cũng sẽ nói "Tuổi 40 là 1 tuổi 30 mới ..." - nghe quen tai nhỉ, mình cho rằng cách nghĩ như vậy ngoài sự lạc quan ra thì khá thiển cận và phí phạm!

Wisdom doesn't always come with age. Sometimes age comes alone.
Con người ta không phải cứ già đi thì tự khắc sẽ thông tuệ! Đôi khi họ chả khôn hơn được tý nào.

*** So với tuổi 20, ta bớt "mơ mộng" hơn, rằng mình sẽ người thay đổi thế giới, dám làm, dám bắt đầu tất cả mọi thứ như khi ta còn trẻ. Ta sống thực tế hơn nhiều, về công việc là nguồn thu nhập chính, về những nỗi lo trong cuộc sống thường ngày, về cơ hội phát triển trong tương lai, xây dựng gia đình.
Ta dùng thời gian một cách "nghiêm túc" hơn, sàng lọc kĩ lưỡng hơn, ta cảm thấy tuổi 20 ta đã tiêu phí thời gian vô tội vạ, vào những thứ mà tuổi 30 ta thấy nó thật vô bổ (theo đuổi 1 người không yêu mình, dành thời gian vào các sở thích cá nhân thay vì trau dồi kĩ năng, chỉ học những thứ ta thích nhưng không hỗ trợ cho công việc, sợ khó, sợ khổ, muốn an nhàn nên không dấn thân)
Ta sống "lý trí" và "trách nhiệm" nhiều hơn, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình của mình, và với tương lai của mình.
Vì vậy, tuổi 30 Tuyệt Đối không phải là 1 tuổi 20 mới!

==============================

3) Cơ hội?


Cơ hội có thể đến sớm hay muộn, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng khi nó đến, nếu bạn không trân trọng và làm tốt, bạn sẽ mãi mãi mất đi nó, và có thể là mất đi luôn cả những "cánh cửa" phía sau cơ hội đó.
Nếu thực sự để ý, bạn sẽ thấy bản thân mình sẽ thay đổi theo từng tháng, từng năm rất "rõ ràng"! Tuổi 24 sẽ khác tuổi 23, tuổi 27 lại khác tuổi 26, đừng để thời gian trôi qua 1 cách nhàm chán, mấy lần chớp mắt mình đã sắp đầu 3 rồi, vẫn còn rất nhiều điều muốn làm mà chưa làm được, để những "mục tiêu" của tuổi trẻ dần trở thành các "ước mơ" xa vời và chỉ đành bỏ cuộc (học ngoại ngữ, nâng cao chuyên môn, trau dồi thêm kiến thức, đi du lịch, ra nước ngoài, các mối quan hệ, công việc mơ ước, có thời gian cho các sở thích cá nhân ...)

*** Liệu bạn có bị rơi vào trong các câu chuyện đó không?

==============================

4) Xây dựng Nền tảng


Người ta nói cấp 3 là nền tảng cho Đại học, Đại học là nền tảng cho công việc sau này, tuổi 20 là nền tảng cho tuổi 30 ...
Nó cứ như một vòng tuần hoàn không đầu không đuôi vậy, rốt cuộc quan điểm "lỡ tôi không cố gắng ở các thời điểm trước, lỡ tôi không chuẩn bị được một nền tảng tốt thì tôi sẽ mãi thất bại về sau sao?" - nó sẽ đúng đến mức nào, và đúng trong các hoàn cảnh nào?

*** Thực ra câu chuyện luôn là ở vùng xám (không thể áp dụng Tư duy đầu mút - Tư duy Trắng Đen ở đây) sẽ luôn là 1 sự cố gắng - phấn đấu liên tục, bạn có thể "lười biếng" 1 chút trong ở tuổi này, nhưng sẽ cần cố gắng hơn ở giai đoạn sau, hoặc bạn đã "chăm chỉ" ở giai đoạn trước đó, thì về sau đôi khi bạn có thể cho phép mình được thả lỏng chút.

==============================

5) Hướng đi cuộc đời


Không ai dám đảm bảo hoặc có thể chắc chắn rằng bạn cứ chăm chỉ, cố gắng liên tục thì bạn sẽ đến đích, vì bạn còn cần phải "đúng hướng" nữa (thử tưởng tượng bạn bỏ rất nhiều công sức, nỗ lực cho những kĩ năng không dùng đến, những con người không xứng đáng ... thì chẳng phải bạn càng làm lại càng sai hay sao?)
Mà điều thú vị hơn là: "đúng hướng" ở trên không phải lúc nào cũng cố định hay được xác định sẵn, không phải ai cũng nhìn thấy rõ "hướng" của cuộc đời mình, tất cả giống như đầu tư vậy, ta cho rằng nên đầu tư thời gian, tiền bạc vào con đường A (công việc, kĩ năng, mối quan hệ, cơ hội ...) để rồi sau 1 vài năm nhận ra con đường A này không thể đi tiếp, rằng ta sẽ phải bắt đầu lại với B, liệu ta có sợ hãi hay không dám thử lại, để rồi mãi ôm sự hối hận với A???)
Ngay cả những người tài năng nhất, giàu có nhất cũng đều gặp thất bại của riêng họ, nên câu hỏi ở đây không phải là: "đúng hướng" là gì, làm sao để xác định, mà là: liệu ta có xác định được mình đang "sai hướng" và dũng cảm làm lại hay không!

==============================

6) Lời khuyên?


Y như các lời khuyên mà ta hay nhận được: Cấp 3 học tốt rồi vào Đại học chơi, Đại học học tốt để sau này có công việc tốt, đi làm vài năm rồi cứng cáp tha hồ ổn định, tìm được 1 người phù hợp để kết hôn, xây dựng gia đình ...
Nhưng chẳng phải đó chính là 1 trong những lời nói dối kinh điển nhất hay sao, hoặc có ý kiến cho rằng đó là sự thay đổi của thời cuộc, rằng thế hệ trẻ bây giờ phải chịu nhiều áp lực hơn (không còn chuyện học 1 lần - dùng cả đời như trước), rằng bất cứ lúc nào cũng có thể bị đào thải khỏi xã hội, 1 biến cố đủ lớn là có thể cướp đi tất cả (cạnh tranh nhiều hơn, yêu cầu công việc nhiều hơn, mức chi tiêu và các nhu cầu trong cuộc sống cao hơn ...)
Do đó, khi đạt được thành tựu nào (các mục tiêu, kế hoạch, thành công) ta nên hài lòng với nó, đồng thời không nên so sánh quá nhiều với cuộc đời của người khác, giữ 1 tinh thần ổn định, 1 thái độ lạc quan để luôn sẵn sàng cho các thay đổi và 1 tâm thế không bỏ cuộc!

==============================

7) Hôn Nhân


Tương tự như vậy trong câu chuyện Hôn Nhân. 30 tuổi? Bạn đã thấy muộn để kết hôn chưa? Đã thấy hơi thở gấp gáp của Hôn Nhân phả sau gáy chưa? Khẳng định có người thấy đã muộn, có người nói vừa đẹp tuổi, lại có người còn kêu sớm, khuyên ta nên hưởng thụ cuộc sống độc thân 1 vài năm nữa đi.
Ta thấy đám bạn đồng trang lứa đã sớm tìm được bến bờ hạnh phúc, hưởng đời sống vợ chồng được vài năm, thậm chí đã lên chức bố mẹ ... (ta mừng cho họ sớm tìm thấy hạnh phúc của đời mình) trong khi mình vẫn lẻ bóng, không biết đến bao giờ mới gặp được người kia. Ta thấy thật gấp gáp vì thời gian cho yêu đương, tìm hiểu không còn được nhiều như tuổi 20, thấy thật mệt mỏi khi phải nhắn tin làm quen với 1 ai đó, bản thân ta thấy chùn bước trong việc phải bắt đầu 1 mối quan hệ Nam-Nữ, co mình lại nhiều hơn vì cuộc sống có nhiều điều phải lý trí và toan tính.
Hoặc tệ hơn, 30 tuổi, ta bị ai đó rời bỏ sau nhiều năm ở bên, cướp mất của ta toàn bộ những tháng ngày hạnh phúc về sau, rằng gia đình tương lai mà ta hằng mơ tới cùng người ấy giờ chỉ còn là điều mỉa mai trong tâm trí, rằng từ nay sẽ phải cô độc 1 mình.
(À, có lẽ cũng chưa thảm họa bằng Ly hôn tuổi 30 nhỉ? - chuyện này do không đủ trải nghiệm nên không bàn thêm)
Như vậy, tuổi 30 lập gia đình cũng tốt - hãy chăm lo cho gia đình nhỏ của mình nhiều hơn, chưa kết hôn cũng tốt - hãy chăm sóc cho bản thân, người thân của mình nhiều hơn, giữ 1 tâm thế tích cực, yêu đời, an nhiên chờ người đặc biệt đó xuất hiện!

==============================

8) Sống chính cho hiện tại


Chúng ta chắc hẳn sẽ vẫn luôn muốn làm tất cả mọi thứ, cảm thấy bản thân không đủ thời gian để làm tất thảy mọi việc, tuy nhiên khác với tuổi 20 - ta tập trung toàn lực để hoàn thành 1 vấn đề, luôn lo cuống lên khi deadline tới gần, luôn có quá nhiều thứ phải theo đuổi, tuổi 30 - ta hiểu rằng công việc sẽ mãi không hết được, ta đã hoàn thành tốt công việc trong ngày hôm nay và có quyền nghỉ ngơi, giải trí, dành thời gian cho người ta yêu quý vào cuối ngày. Sẽ không bao giờ là quá bận để nghe 1 cuộc điện thoại ngắn, để nhắn 1 dòng tin hỏi thăm, để trả lời tin nhắn của những người ta yêu thương
Bạn quyết định mức độ bận rộn và việc ưu tiên sử dụng quỹ thời gian của chính mình - và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho nó!
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu chuyện:

Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được hay đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện tại ta đang nắm giữ.

Và để biết cách trân quý Hạnh phúc hiện tại này, không điều gì tốt hơn là những nỗi đau ta từng gặp phải của tuổi 20 kia, những non nớt, những tổn thương, những sai lầm đó tất cả đều có ích trong việc nhận ra và giữ gìn hạnh phúc Hiện tại này.


PS: Đôi điều cảm nhận, được viết ra dưới dạng Chiêm Nghiệm - Tự Suy Ngẫm
                                                      Hà Nội, 06/12/2020