Superman: Red Son, được đánh giá là một trong những đầu truyện kinh điển của mọi thời đại về Người đàn ông thép, bộ truyện mà bất kì fan cứng của DC comics nào cũng từng biết đến và phải biết đến.

Với việc phi thuyền chở Kar-El rơi xuống Ukraina thay vì cánh đồng nhà Kent ở Kansas, cục diện chính trị thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Dù vậy, xuyên suốt bộ truyện vẫn là hình ảnh người anh hùng quen thuộc, chỉ là anh không mặc quần chíp bên ngoài quần dài. Tuy nhiên, có một điều đã khiến tôi cảm thấy bộ truyện có phần bị over-rated bởi các nhà phê bình phương Tây, đó là góc nhìn có phần thiếu công bằng của một bộ truyện nói về chính nghĩa.

Đọc thêm:

Trước tiên phải nói về Superman.
Superman cứu người dân Metropolis sau khi tên lửa do Lex chỉ đạo đâm sượt qua toà nhà Daily Planet.
Bản thân tôi cực kì thích hồi thứ nhất của bộ truyện này do những giá trị của Superman vẫn được truyền tải một cách hoàn hảo. Một anh hùng chiến đấu bảo vệ lẽ phải, bảo vệ con người không phân biệt phe phái. Kể cả khi Sup quyết định đứng lên lãnh đạo Liên bang Xô Viết, đó cũng không phải 1 điều sai trái. Lí do ban đầu mà anh khước từ vị trí này, là vì "nếu bản thân anh sinh ra với những đặc quyền đồng nghĩa với việc anh có thể trở thành nhà cầm quyền một nhà nước XHCN, thì điều đó đã đi ngược lại với lí tưởng". Nhưng người dân không chọn anh vì những quyền năng khủng khiếp khiến họ phải tôn thờ hay run sợ. Quyền năng có thể cho anh sức mạnh để làm mọi việc, nhưng lựa chọn làm điều đúng đắn xuất phát từ bên trong con người, từ bản tính hướng thiện, từ những điều mà kẻ phàm trần nào cũng có được. Vì lẽ đó mà anh hoàn toàn xứng đáng để đứng lên lãnh đạo đất nước. Điều này càng làm tôi cảm thấy có điều gì đột nhiên gãy khúc khi sang đến hồi thứ 2.
Superman lên nắm quyền đã đưa một Liên bang Xô Viết bấp bênh bên bờ vực trở thành một Khối hiệp ước Warszawa cực thịnh, không còn nghèo đói, bệnh tật hay xung đột, một xã hội an toàn và lành mạnh. Nhưng rồi không khí xã hội bỗng trở nên ngột ngạt một cách vô lí. Từ ngày mà cả thế giới yêu quý anh đến khi tất cả đều bất mãn trong lo sợ xảy ra một cách quá đột ngột. Họ bỗng cảm thấy như thú trong lồng khi mà các nhu cầu của họ đang được đáp ứng quả đầy đủ. Họ gọi anh là quái vật khi mà anh từng cứu đồng bào họ khỏi những đám cháy hay một quả tên lửa trên đầu. Trước đó, không có bất kì trang truyện nào vẽ những người dân bị ép buộc, không có bất kì lời nói vạ miệng nào bị trừng phạt bởi Người đàn ông thép, không có sự tự do nào bị tước đi. Với hình ảnh Superman được xây dựng xuyến suốt hồi thứ nhất, người dân Xô Viết hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì họ thích trong một xã hội phát triển miễn là trong khuôn khổ đạo đức. 

Đọc thêm:

Khó mà đưa ra lí do cho sự chống đối trong tư tưởng của người dân. Rõ ràng cây viết đã có phần hời hợt trong việc giải thích sự căng thẳng xã hội cũng như sự sa đà quyền lực của Superman. Tôi tin rằng Mark Millar với ngòi bút của mình hoàn toàn có thể tạo nên một lí do thuyết phục hơn mà chỉ cần thêm không quá 5 trang truyện. Nhưng thay vào đó, cách kể chuyện ( dù vô ý hay cố tình) như có một sự mặc định đổ lỗi cho lí tưởng của chế độ Xô Viết.
Có lẽ chi tiết duy nhất thể hiện sự lạm quyền của Superman là cách anh tận dụng công nghệ Brainiac để thao túng tư duy những kẻ chống đối. Tác giả đã cố gắng xây dựng hình ảnh một kẻ độc tài nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên tôi vẫn phải tự hỏi, nếu như không có Batman và những kẻ phá hoại mà hành động của họ không khác gì khủng bố cực đoan, thì chế độ mà Superman xây dựng đã sai ở điểm nào?
Stalingrad bị nhốt trong lồng kính của Brainiac.
Ở chiến tuyến bên kia thế giới, Lex Luthor vẫn là Lex Luthor. Một nhân vật được xây dựng từ đầu tới (gần như) cuối bộ truyện với một tính cách hoàn toàn thống nhất với Luthor mà chúng ta đều biết. Một trí tuệ cấp độ 9 với sự ngạo mạn chẳng kém hơn trí thông minh của hắn, một kẻ chẳng mảy may quan tâm tới những sinh mạng phàm tục trong cuộc hơn thua mù quáng với một á thần. Lex Luthor sẵn sàng lệnh cho tên lửa đâm thẳng xuống Metropolis chỉ để dụ Superman xuất hiện và lấy trộm ADN, nhốt cả Stalingrad trong lồng kính của Brainiac để kéo Superman tiến sâu thêm vào cái mê cung đã được thiết kế suốt hàng chục năm. Lí do duy nhất mà tay Lex không nhuốm máu cả triệu người chỉ có thể là nhờ vị thần mà hắn quyết tâm hạ gục. Vậy nhưng đến hồi cuối cùng của câu chuyện thì sao?

Đọc thêm:

Xã hội dưới thời đại của Lex Luthor trở thành một thiên đường, nền văn minh con người phát triển vượt bậc và thịnh vượng sánh ngang với Krypton cổ đại. Tôi không ngạc nhiên với việc trí tuệ của Lex có thể làm được điều này, nhưng đó tuyệt nhiên là sự phi lí với tính cách của lão. Như đã nói trước, mọi việc Luthor làm đều nhằm một mục đích tối thượng - tiêu diệt Superman, và không màng đến nhân loại. Một khi Superman đã chết, Lex Luthor - không thể khác - sẽ mất đi mục tiêu chinh phục của cả cuộc đời hắn.
Giống như Robert Baratheon (Game of Thrones) từng thừa nhận, mục đích liên minh các gia tộc ở Westeros đã chết cùng với Aegon Targaryen. Một liên minh tình thế được hình thành trong nhất thời để chấm dứt cơn điên loạn của Mad King thì không còn lí do gì để tồn tại khi đã hoàn thành mục đích và tự nó sẽ sụp đổ trong sớm muộn.
Vậy thì một Lex Luthor đã đứng trên xác kẻ mà hắn cả đời ganh tị, không thể bỗng nhiên trở thành một vị thánh, một đấng sáng tạo, cống hiến cả phần đời còn lại cho sự phát triển của giống loài. Ngược lại, dưới sự lãnh đạo của Lex Luthor mà chúng ta biết thì sớm thôi, nhân loại sẽ đi tìm một vị thần khác để tiêu diệt rồi đắm chìm trong chiến tranh để khẳng định vị trí tối thượng chứ không đời nào chịu sống bình yên trong vũ trụ này.

Đọc thêm:

Bức tranh xã hội mà 2 hồi sau của bộ truyện vẽ nên không thể làm tôi cảm thấy thoải mái. Không phải vì tôi là một người con sinh ra trên đất nước XHCN hay vì tôi lớn lên trong hệ tư tưởng của Marx-Lenin. Tôi không hài lòng vì một bộ truyện đã có thể hoàn hảo, nhưng lại trở nên thiếu logic vì chính sự phân biệt và đấu đá nhau của những hệ tư tưởng mà trớ trêu thay, lại chính là một trong những giá trị đả kích chính mà bộ truyện hướng đến.

Sau cùng, Superman: Red son vẫn là một tác phẩm kinh điển về chủ nghĩa anh hùng hay sự hướng thiện của con người không thể bị xoá nhoà đi bởi khác biệt trong lí tưởng nói và mọi sự phân biệt trong xã hội. Cái thiện dù sinh ra trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng con người ta đến những điều đúng đắn. Chỉ là, giá như Mark Millar đã thật sự công bằng.