Thường thường, một người chấp hành (ví dụ cảnh sát, binh sĩ) phải tuân lệnh thượng cấp khi được sai bảo làm gì đó, ví dụ tấn công một địa điểm, khống chế người khác.
Vậy nếu vị chỉ huy ra lệnh hành quyết thường dân, tù binh thì thuộc  cấp có nên làm không? Nếu tuân theo mệnh lệnh, thuộc cấp có phạm pháp không?
Đây là trường hợp các sĩ quan của nước Đức Quốc xã đối diện trong tòa án Nuremberg.
Họ khẩn khoản với tòa án: chúng tôi chỉ tuân theo mệnh lệnh cấp trên, cấp tá nói về cấp tướng, còn cấp tướng nói về Quốc trưởng. Adolf Hitler? Ông ta chết rồi. Befehl ist Befehl là tiếng Đức, "Mệnh lệnh là mệnh lệnh" được giật tít trên nhiều trang báo bấy giờ quanh các phiên tòa Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã. Nó được gọi là Superior orders.
Lập luận này dựa trên common sense về kỷ luật trong xã hội: nếu tôi không tuân lệnh cấp trên, tôi sẽ bị phạt. Hay, nếu ai cũng chất vấn về tính hợp lý/đạo đức trong mệnh lệnh cấp trên, xã hội sẽ không thể vận hành.
Thoạt nghe điều này có vẻ đúng, nhưng nó loại trừ mọi suy xét đạo đức và tính hợp lý của các mệnh lệnh, đặc biệt trong những trường hợp xuất hiện thảm sát dân thường/tù binh, như những gì đã diễn ra ở hai mặt trận phía Đông và phía Tây của Đức Quốc xã. Các binh sĩ đổ lỗi cho mệnh lệnh của cấp trên, đến lượt mình họ quy lỗi lầm cho cấp cao hơn và cuối cùng đến, hoặc người đã chết (Adolf Hitler), hoặc bộ máy (chế độ Quốc xã).
Tòa án Nuremberg không chấp nhận sự biện hộ này vì theo tòa, mỗi cá nhân khi tuân theo mệnh lệnh phải nhận thức được tính hợp lý của mệnh lệnh và hậu quả của nó. Tuân theo mệnh lệnh không có nghĩa cá nhân được miễn trừ khỏi hậu quả pháp lý, mà ở đây, khi anh bắn giết thường dân hay tù binh, anh đã chọn một hành động phi đạo đức. Trên bình diện là thuộc viên của một chế độ, anh không vi phạm luật pháp chế độ đó, nhưng trong vai trò là một con người, anh vi phạm luật pháp quốc tế. Cả hai buộc cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý cho hành động của y. Như vậy, lối biện hộ này vô nghĩa.
Common sense dẫn đến biện minh kiểu superior orders còn có vài biến thể khác trong dân sự: tôi hành động xấu xa vì hoàn cảnh bắt buộc, vì bộ máy tham nhũng, quan liêu nên tôi phải trở nên giống chúng để thâm nhập để cải cách cho tốt hơn [Biến thể 1]. Cá nhân và tập thể tuân phục những quy tắc và văn hóa của bộ máy với nhiều mục đích, đa phần cũng trở nên như một với nó. Họ mang những đặc điểm như những cá nhân điển hình của hệ thống vì họ không lựa chọn cách hành xử khác biệt, không thể chống lại các mệnh lệnh của cấp trên (và của chính mình). Những tưởng sau khi chống lại loài sói, họ trở thành loài sói lúc nào không hay.
Một số người ủng hộ [Biến thể 1] còn ủng hộ một hình mẫu khác, đó là cổ vũ "tạm thời" cho các chế độ độc tài ích kỷ với hy vọng nó giúp đốt cháy giai đoạn, đưa xã hội tiến nhanh về phía trước [Biến thể 2]. Mấy năm gần đây, biến thể 2 trở nên phổ biến với sự thần tượng mô hình độc tài của Park Chung-hee (Hàn Quốc), Quốc dân Đảng (Đài Loan), hay ngay cả Trung Quốc (Mèo trắng-đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột).
Từ việc tuân phục mệnh lệnh đến ao ước bệnh hoạn được phục tùng một một nhóm tinh hoa ở đỉnh quyền lực xã hội, là câu chuyện dài (và buồn) ở Việt Nam hiện nay. Nó khiến chúng ta dễ phớt lờ những giá trị phổ quát của nhân loại, kể cả luật pháp quốc tế, dễ thỏa hiệp với ý tưởng: điều đó không phù hợp với Việt Nam (trong hoàn cảnh hiện nay, trong "dân trí hiện nay"), và nó cũng trái với tinh thần của chủ nghia Marx, trong đó mỗi con người sống và lao động trong sự hài hòa của chúng ta.
Trường Minh