Ảnh Phòng Trọ, năm ngoái ở
Ảnh Phòng Trọ, năm ngoái ở
Ngày đó, mình tự hỏi, nỗi cô đơn và sự bất hạnh mà Phan Việt nói về chính cô nó bi thương nhường nào vậy. Để rồi, cô viết Xuyên Nước Mỹ, một mình ở Châu Âu và Về Nhà lại thắt lòng tới vậy. Sơn, người mà cô nhắc đến theo một cách không muốn nhắc tới (như luôn ở đó nhưng không nói ra) trong các tác phẩm, là chồng cũ của cô. Hai người đã ly hôn. Sự trống rỗng ấy, sự mất mát đó đã theo cô rong ruổi trong suốt nhiều tháng ngày sau đó, trong những trang sách cô viết và mình đoán cả trong những suy nghĩ mà cô không/chưa viết ra.
Làm thế nào, một tiến sĩ Công tác Xã hội tại Mỹ, người khỏi phải nói ra thì chúng ta đều hiểu rằng cô có kiến thức về tâm lý và xã hội. Và rồi, chính những ngã rẽ, chuyển mình trong cuộc sống, để cô nương về tâm linh, Phật Giáo, mà cô viết rất chi tiết trong cuốn Về Nhà. Tìm con đường tu tập, học hỏi và chữa lành chính mình.
“Bất Hạnh là một tài sản”
Phan Việt
Nỗi cô đơn, nó có thể rộng dài tới vậy sao? Sau bao nhiêu năm, mình không còn nhớ những gì mà Phan Việt nhắc trong những quyển sách. Nhưng mình hoàn toàn bưng mặt khóc để dần hiểu “bất hạnh là một tài sản”.  Mình hoàn toàn cảm nhận được sự trống rỗng, vô hình nhưng đầy tiếng nói ấy của cô. Có lẽ, bất kì ai trong chúng ta, đều từng trải qua cảm giác này. 
Nhưng có bao nhiêu người thực sự như Phan Việt, đặt mình lên bàn mổ và mổ phanh bản thân ra. Từ trải nghiệm của bản thân và nhiều người, mình hiểu sự đau đớn và cả sự dũng cảm mà chúng ta đi qua khi đi vào chính mình. Thứ tưởng như rất dễ nhưng lại khó khăn vô cùng. 
Mình gần như khóc tới kiệt sức mỗi khi kể lại về chuyện trauma của bản thân. Nhưng đó là cách duy nhất để mình hiểu, mình học. Thường thì ngày thứ 2 sau buổi tập yoga cường độ cao mình mới thấy đau chân và ê ẩm người. Nhưng, ngay lúc tập xong hay ngày hôm đó mình chả đau tẹo nào cả. Mọi chuyện xảy ra cần mất một lượng thời gian để biểu hiện.
Cách đây nhiều năm, mình chắc không hình dung ra việc mình đọc về tâm linh. Tìm đến, một sự nương tựa mà mình không thể có ở ngay đây, ngay lúc này với chính nỗi niềm này. Như mình đã tự cảm thấy, chúng ta không thể hiểu ai và cũng không thể hiểu hết chính mình. Chúng ta, chỉ cho nhau những điểm tựa, sự có mặt. 
Sự nương tựa, để ta, mỗi ngày thức dậy đều cảm thấy thêm vững vàng từ bên trong. Hồi ấy, Tôn Giáo Học Đại Cương là môn mình rất thích ở trường, nhưng mọi thứ bấy giờ chỉ là sự tò mò thoáng qua. Giờ, khi hiểu thấu thêm dần bản thân, mình hiểu ra, sự nương tựa quan trọng tới vậy. 
“Người ta hay hỏi, “Bạn thực tập được bao lâu rồi?” Theo tôi thì tất cả chúng ta đều đã thực tập cả đời mình, từ ngày mới chào đời, cố gắng thích nghi với hoàn cảnh biến đổi, và cố gắng để được cảm thấy hài lòng và an vui.”
https://nguyenduynhien.blogspot.com/2021/07/con-uong-toan-ven.html
Một vài đầu sách tâm linh mình đã và đang đọc:
Nhà Giả Kim - Paulo Coelho
Hành trình về Phương Đông - Baird T.Spalding, Nguyên Phong
Ho’Oponopono: Sống Như Người Hawaii – Chấp Nhận, Biết Ơn Và Tha Thứ - Carole Berger
Yoga và Thiền Định - Nawami 
Kinh Yoga - Patanjali 
Dấu Chân Trên Cát - Nguyên Phong
Tự truyện của Một Yogi - Paramahansan Yogananda
Sẽ tìm hiểu để đọc thêm nữa. 
Có một điều ở mình là mình rất thoải mái và cởi mở trong tiếp nhận mọi điều, mình không phủ nhận ngay điều gì sớm vì biết đâu lỡ làng điều gì thú vị thì sao. Trong trường hợp điều đó không cướp mất điều gì, gây hại đến cơ thể mình, mình sẽ thả lỏng để xem xét. 
Mình vẫn vậy qua bao nhiêu năm tháng. Mình tin mọi người xung quanh cũng vậy. Những gì chúng ta học được chỉ để thấy điều đó, thấy mình. Khi mình xem Memories từ Facebook, cái status mình nói về cái cây ngày ấy cũng y như cách mình nhìn ngắm một cái cây bây giờ. Một cái cây đang tắm nắng có thể làm mình vui cả ngày. Ồ, mình vẫn đơn giản và sến thế.
Khỏi phải nói, hầu hết những người trải qua cảm giác đi vào chính họ. Thì họ, vui vẻ và sống yêu thương nhiều hơn. Mình rất vui khi biết có rất nhiều người thực hành ngoài kia, và mình cũng là một người thực hành như thế. 
"Một lời hay lọt vào một lỗ tai tốt sẽ làm nảy nở những gì, ai biết được?"
Trích từ Không Gia Đình
Hà Nội, 
ngày đầu tiên dãn cách