Dịch từ bài The Truth is Cold trên blog Lone Swimmer, 
một blog mà mình yêu thích.

Suốt bốn tuần qua, tôi chưa trở lại biển, và nếu cuối tuần rồi tôi cũng bỏ, thì đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 10 năm, tôi nghỉ bơi open water đúng một tháng. 
Thứ bảy rồi, biển động, gió rất mạnh và sóng lớn nổi lên từ cách bờ hơn một dặm, không thể bơi ra được, ngay cả khi có đi bằng nẻo cầu tàu. Nhưng khi đêm xuống, thì xuất hiện xoáy nghịch, nhiệt độ giảm.
Đến sáng chủ nhật, webcam cho thấy vùng vịnh khá đằm. Những đường đẳng áp thu hẹp, và từ vòng tròn cực Bắc thả ra một cơn gió chạy xuống phía Nam, băng qua Ireland, áp chế lớp sóng cồn sót lại của đêm qua. Sóng chỉ thoát được gió khi vỡ vào bờ, như cục xà phòng vuột khỏi đôi bàn tay nắm chặt. Khí hậu như thế dễ dẫn dụ những người lướt ván ra biển.
Ở nhà, trước khi rời đi, tôi có ho một cái. Tôi nhận ra ngay cái tiếng ho ngắn và khô đó. Nó là một triệu chứng hơi phiền, tuy đã thành quen, báo hiệu rằng tôi đang hồi hộp, như lúc trước một cuộc thi, một cuộc phỏng vấn, hay một cuộc bơi lớn. Ngay cả khi tôi không ý thức được rằng mình hồi hộp, cơ thể tôi cũng sẽ tự động bắn ra một dấu hiệu như thế, mặc dù đây cũng chỉ là một cuộc bơi ngắn sáng chủ nhật, như hàng nghìn cuộc bơi open water mà tôi đã trải qua. 
Cơ thể tôi lên tiếng như một phản ứng fight or flight từ tiềm thức, trước một mối đe dọa về thể chất. Cái lạnh chính là một mối đe dọa về thể chất. Nhịp tim tăng cao, stress hormone được sản sinh nhiều hơn. Toàn bộ những gì người ta thể hiện về bơi nước lạnh trên mạng đều chỉ là làm dáng, cũng tức là lừa dối. Bởi vì họ chỉ xem nó như là một thực hành khổ hạnh. Họ không sợ cái lạnh, chí ít, nó không làm họ hồi hộp hay ho. Rõ là như vậy. 
Kể từ lần cuối tôi bơi, nhiệt độ đã giảm, nhưng tôi không biết là giảm bao nhiêu. Chắc đâu đó giữa 6 và 9 độ. Toàn bộ đại dương trên thế giới có thể lấp đầy khoảng trống giữa những con số đó nếu bạn không quen chịu lạnh, và tôi tự hỏi liệu mình đã mất đi bao nhiêu phần cái khả năng chịu lạnh của bản thân, khi tôi đã không cố đẩy giới hạn của mình đi xa hơn trong suốt những mùa đông vừa qua, mà hài lòng với nửa giờ bơi khi nhiệt độ giảm xuống còn 8 độ. 
Tôi đã quen với nước lạnh từ lâu. Thực ra tôi có thể chuồi mình vào nước ở bất kỳ nhiệt độ nào, bởi vì từ kinh nghiệm của mình, tôi biết những điều mà những người mới bơi không biết. Hay chính xác hơn, tôi biết những thứ mà cơ thể họ không lường trước được. Tôi biết cái lạnh không thể làm tôi chết, nhưng tôi biết nó có thể làm tôi đau đớn tới mức nào.
Khả năng thích nghi với nước lạnh càng mất nhiều thời gian luyện tập để đắc thụ thì càng không dễ mất đi một cách nhanh chóng. Bằng chứng cho thấy khả năng này có thể được giữ lại đến tận sau 6 tháng không tiếp xúc với nước lạnh.
Cú ho của tôi nói tôi biết rằng tôi đã nghỉ bơi một thời gian và giờ trở lại nước lạnh có thể rất đau. Tôi nhớ những quãng nghỉ dài 3 tuần tương tự vào mùa xuân trước, khi nhiệt độ ở vào điểm thấp nhất trong năm. Cuộc bơi đầu tiên trở lại lúc nước khoảng 7 độ gây ra cơn đau đáng kể. 
Giờ thì có nhiều người bơi thường xuyên hơn trong suốt mùa đông ở Guill. Năm ngoái xuất hiện nhiều những gương mặt mới mà tôi không biết, ngày ngày ngụp lặn vào bất cứ ao hồ nào tìm được trong tiết mùa đông. Có những người mang neoprene hood và gloves, cũng có những người chỉ mặc mỗi đồ bơi. Tôi thì ở khoảng giữa, mang cap solicone, kính bơi (khá hiếm người mang, cho thấy họ thực ra không phải dân bơi chuyên) và earplugs (có lẽ tôi là người duy nhất mang chúng, mặc dù tôi đã cảnh báo, nhưng mọi người thường nghĩ rằng nó không cần thiết).
Trời xanh và nước có vẻ đằm, nhưng gió lạnh làm tôi lần lữa một lúc. Chân tôi đau khi chầm chậm bước xuống những bậc bê tông ngập nước triều lên. Nước dâng đến ngực, và rồi tiếp đó tôi ngụp đầu xuống.
Tôi từng mô tả ba phút đầu của bơi nước lạnh sẽ thế nào, nhưng không phải lần bơi nào cũng như nhau. Toàn bộ những biểu hiện thường thấy của cơ thể trước cơn sốc nhiệt đều trở lại, nén những cú hớp hơi, kiểm soát nhịp thở, nhưng hậu quả của 3 tuần không bơi thấy rõ nhất ở cơn đau ở hai cẳng chân. Những người bơi nước lạnh không thích dùng từ “cơn đau”. Tôi thì nghĩ khác. Nó chính xác là một cơn đau. 
Cơn đau này thể hiện theo hai bước. Đầu tiên là sự kích thích bao trùm toàn bộ các tế bào thần kinh thụ cảm nhiệt. Chúng lan truyền đi những tín hiệu điện đến não của bạn tương tự như khi bạn tự đốt chính mình. Cảm giác đó khá ngắn, chỉ khoảng mươi giây cho đến một, hai phút là nhiều. Bước thứ hai của cơn đau thường không được mô tả. Nó kéo dài lâu hơn, và na ná như sự mất sức. Hai cẳng chân sẽ cảm thấy mất năng lượng, thiếu sức mạnh cơ bắp cần thiết. f lúc này không bằng ma, và tôi gần như không đập chân trong suốt mấy phút đầu.  
Trong khoảng 1 đến 200 mét đầu tiên, tôi bơi với hai mắt gần như nhắm. Như một phản xạ thể chất, tôi đi vào bên trong mình. Thi thoảng tôi nghĩ rằng có lẽ lần tới mình nên làm theo cái phương pháp được một số người yêu thích: trước hết dành một lúc đứng nước cho cơ thể quen với cái lạnh, rồi mới bơi. Nhưng lần nào tôi cũng trở lại cái kiểu phù hợp với mình nhất, từ đó bơi khỏi những khó chịu và cơn sốc nhiệt.
Tôi bơi tới những mỏm đá Comolee. Trước đó tôi đã nghĩ mình có lẽ chỉ bơi khoảng 15 phút thôi. Nhưng khi tôi chạm mốc 300 mét, toàn bộ những khó chịu, đau đớn, đều đi qua, chân tôi đập nước trở lại, và tôi kiểm soát cơ thể hoàn toàn. Tôi bắt đầu nghĩ về những sải bơi dài và thẳng. Tôi cứ thế bơi gần 30 phút trước khi trồi lên khỏi cái suối nguồn tuổi trẻ mà tôi đồ rằng là cội nguồn của mọi huyền thoại trên đời. Tôi thấy như mình trẻ lại, và tràn đầy sinh khí, như một vị thần đại dương được tái sinh lần nữa.
Có lúc tôi nghĩ về những tình thế lưỡng phân của việc bơi nước lạnh. Những người bơi nước lạnh thấy rõ nhất một thế phân đôi: vừa yêu cái lạnh, lại vừa ghét cái lạnh. Nhưng với riêng tôi, bơi nước lạnh còn có những cái thế lưỡng phân khác.
Không có gì gắn chặt bạn vào thế giới của vật chất, vào khoảnh khắc của cái thực, như là bơi nước lạnh. Da rát xít, như bỏng vì lửa hay nước đá. Bàn chân đau. Mắt nhắm chặt. Tim đánh trống. Chỉ còn dùng kinh nghiệm để kiểm soát nhịp thở. Tại đây, lúc này, tôi ở khoảnh rìa của sự sống thường ngày, khoảnh rìa của năng lực mà cơ thể chúng ta đã tiến hóa được. Tôi có thể bơi nhẹ nhàng hoặc điên cuồng, nhưng không thể né tránh, không thể thoát khỏi được thực tại. Tôi không thể giả vờ hay tưởng tượng là tôi ở đâu đó hoặc ở lúc nào đó không phải lúc này, trong cái thế giới của nước, của thực tại. Vũ trụ của tôi thu vào việc bơi và cái lạnh.

Tôi lạnh, và ướt, và đang bơi. Nếu tôi có cần hay muốn một cái hình xăm, chẳng phải đó là toàn bộ những gì tôi cần phải nói ra? Toàn bộ là kinh nghiệm nội tại và không có gì siêu hình hết.
Nhưng cũng chính trải nghiệm này cung cấp chất liệu cho tưởng tượng của tôi. Khi bơi trong cái lạnh, tôi cảm thấy như có thứ gì đó bên trong mình được khai mở, thứ gì đó tôi đã không biết là có tồn tại, đã từng bị khóa chặt im lìm, nay như một cánh cửa giấu kín được mở ra, như giữa vùng cát khô cằn thình lình trổ lên một mầm sống. Tôi không thể nói là hoàn toàn bất ngờ, bởi vì tôi đã quen với cảm giác này. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào nó. Nó giống một sự khải thị, nhưng không phải từ một lời tiên tri hay một hiển linh thánh thể. Nó đến một cách dần dà, và kéo dài ngay cả sau khi tôi rời mặt nước. Lúc nhiệt độ lõi của cơ thể đã giảm, và dần lấy lại hơi ấm, tôi vẫn cảm nhận được nó, khi cái lạnh rút dần khỏi mình, như đi ngược lại các nguyên tắc nhiệt động học, vào trong kẽ hở được mở ra bởi một cảm thức lớn lao những thần bí riêng tư, như ngôn từ chảy tràn bất tận. 
Tôi tin cái lạnh cho mình thấy những điều bên trong bản thân, hoặc bên trong thế giới mà tôi chưa từng biết. Không phải cái lạnh ban phát cho tôi một năng lực thấu thị. Chỉ là có lẽ nước lạnh chảy tràn vào một khoảng trống vô hình nào đó mà những thứ khác không thể. Nhưng tôi hài lòng với cái hẹn với những khải thị không thường trực này, ngay cả khi tôi chỉ là một con linh trưởng ngu ngốc trần tục, chẳng biết làm gì ngoài đờ đẫn trong sung sướng. Tôi biết thật khó để bạn xem việc bơi ra ngoài rìa của đất liền, của sự sống, không phải là một thực hành khổ hạnh mà là một sự kiện của hân hưởng.
Đó là lý do tôi thi thoảng nghĩ việc bơi nước lạnh cũng giống như một cái chết tí hon, mang đến khả năng khai sáng. Trong trải nghiệm siêu việt này, tôi không thấy bất kỳ bằng chứng hay nhu cầu nào cho cái siêu hình, cái siêu nhiên. Bấy nhiêu năm qua, ngần ấy thời gian ở ngoài khoảnh rìa cuộc sống, chưa bao giờ làm lung lay cái sự vô thần sâu sắc của tôi. Toàn bộ chỉ là sự sâu rộng của đại dương, cái rùng mình vì lạnh, và những sải bơi thuần thục. Tôi trải nghiệm những điều diệu kỳ nhưng không thấy cần phải gán nó cho bất kỳ thứ gì siêu việt. Cái thế tục thiêng liêng vẫn luôn ở đó để chạm đến, và tôi không cần phải đặt vào nó một ánh mắt để chiêm ngưỡng hoặc một tín điều để chấp nhận. Không có điều kiện tiên quyết nào của niềm tin, cũng không cần bất kỳ một pháp khí nào để đắc thụ. Nó là một cái thiêng liêng luôn mở ra cho bất kỳ ai muốn thử.
Không có sự né tránh, không có sự lừa dối nào khả hữu với tôi trong cái thực của bơi. Chỉ có chấp nhận trải nghiệm này như nó là. Chỉ có chấp nhận bản thân như chính mình vẫn thế. Chỉ còn, với tôi, sự thật trong cái lạnh. Tôi không nhanh. Tôi không bền. Tôi không điêu luyện. Do đó, tôi thậm chí còn bối rối khi tôi so sánh kinh nghiệm của mình với những người bơi khác trên mạng. Nhưng trong khi đã dành cuộc đời mình để bị rối trí vì người khác, trong làn nước này tôi thấy sự sáng rõ, bởi vì ở đây tôi chỉ có một mình, với sự thật và không một bản ngã nào hết. 
Không phải lúc nào những cảm nhận này cũng diễn ra. Tôi cũng không chắc liệu tôi có chủ động tìm kiếm nó như một món quà sau khi bơi. Nó luôn là một thứ không lường trước, nhưng cũng không gây ngỡ ngàng.
Những chi tiết tôi kể trên đây chỉ là một lời giới thiệu. Còn cái phần quan trọng thực sự thì lại rất ngắn. Ngữ cảnh luôn đòi hỏi nhiều ngôn từ hơn sự thật. Sự thật thì thường đơn giản. Cuộc sống chúng ta là những mảng xám phức tạp, tương phản với cái màu đỏ cháy rực của làn da sau bơi, hay cái màu đen lạnh của biển mùa đông.
Chỉ có cái ấm và cái khô là lừa dối. Nước thì luôn thành thật. Và cái lạnh thì không lừa dối.