Sự lạc quan trong Thuyết Hư vô
Cuối cùng chúng ta sẽ chết, vậy còn gì quan trọng không? Sự tồn tại của loài người đôi lúc thật khó hiểu, thậm chí đáng sợ. Vài...
Cuối cùng chúng ta sẽ chết, vậy còn gì quan trọng không?
Sự tồn tại của loài người đôi lúc thật khó hiểu, thậm chí đáng sợ. Vài ngàn năm trước, thuở khai sinh, chúng ta nhận thức rằng, chúng ta không cô đơn trên Trái Đất này. Xung quanh chúng ta còn hàng trăm ngàn sinh vật khác. Chúng ta có khả năng xiên vài loài nhưng cũng vài loài cũng có khả năng xiên lại ta.
Chúng ta nhận ra rằng, để tồn tại, chúng ta phải thở, phải ăn, phải uống. Khi những nhu cầu đấy được đảm bảo, loài người chúng ta bắt đầu xây những công cụ thô sơ để từ đấy xây nhiều to và hoành tráng hơn.
Chúng ta nhận thức rằng, khi nào trên trời có "cục bông" màu vàng lúc đó là ngày, ban ngày thật sáng và ấm. Khi "cục bông" đấy đi, ta gọi là đêm. Tuy hơi lạnh một chút nhưng bù lại có hàng trăm vì sao lấp lánh nhìn thật thích mắt.
Hồi đấy, mọi thứ có vẻ đơn giản.
Tuy nhiên, khi thế giới càng phát triển, chúng ta càng biết nhiều hơn về vũ trụ xung quanh. Chúng ta biết rằng, khi đêm đến, những thứ lấp lánh đấy hóa ra cũng không đẹp chút nào, mà chỉ là ánh sáng của tàn dư của một ngôi sao. Chúng ta biết rằng ta không phải cái rốn của vũ trụ mà chỉ là hạt bụi trong cái rốn đáng ghét đấy. Chúng ta bắt đầu nhận thức rằng, Trái Đất của chúng ta quá trẻ so với tuổi thọ toàn Vũ Trụ.
Chúng ta phát hiện rằng, để bản thân cơ thể chúng ta tồn tại và phát triền, hàng trăm nghìn tế bào đang chết sống lại từng giây. Sự tồn tại của loài người chỉ chiếm một phần rất bé trong timeline tồn tại của Trái Đất chứ chưa nói gì đến toàn Vũ Trụ.
Chúng ta nhận thấy bản thân mình đang sống trên một hành tinh cỡ vừa, trong một hệ Mặt Trời khiêm tốn, trong một Dải Ngân Hà rộng lớn và Dải Ngân Hà này nằm trong tập hợp của những Siêu Đám Ngân Hà (Super Cluster) và những Super Cluster này nằm trong tập những Vũ Trụ nhìn thấy (Observable Universe) và chúng ta thực sự không biết, Vũ Trụ thực sự rộng lớn đến đâu.
Chúng ta có thể bịa một con số thật hoành tráng về số lượng hành tinh, ngân hà và những thứ của nợ khác ngoài kia nhưng cũng chả để làm gì, bộ não của chúng ta không chấp nhận được những khái niệm quá rộng lớn như vậy. Đây mới chỉ đề cập đến kích cỡ nhỏ bé của chúng ta trong toàn bộ Vũ Trụ này.
Ý thức chúng ta còn bao nhiêu thời gian để tồn tại lại là một câu chuyện khác. Nếu các bác may mắn sống đến 100 tuổi, các bác sẽ có xấp xỉ khoảng 5200 tuần. Nếu giả sử các bác đang 25 tuổi, ta sẽ chỉ còn 3900 tuần để sống. Tuy nhiên, chả mấy ai sống đến 100 tuổi nên cứ giả sử các bác "ra đi" ở tuổi 70, thì tính ra ta chỉ còn 2340 tuần để thở. Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng mà chấp nhận đi...cũng chả nhiều lắm đâu.
Sau đấy thì sao? Hệ thống sinh học trong cơ thể chúng ta sẽ dần bị lão hóa, chậm lại rồi tạch. Chúng ta sẽ được chôn cất cẩn thận bởi người thân và gia đình nhưng những gì còn lại của chúng ta theo năm tháng cũng thành bụi và cát. Rút cuộc, chúng ta sẽ biến mất như chưa từng tồn tại trên Trái Đất này. Về vấn đề "kiếp sau" thì ta sẽ không bàn tới, vậy nên, chúng ta chết, là hết, biến mất luôn.
Ừ thì nó cũng chẳng quan trọng lắm đúng không? Nếu các bác sinh ra mà không nhớ được 13.75 tỉ năm trước nó như thế nào, thì việc hàng tỉ năm sau trôi qua sau khi các bác "ra đi" cũng đâu quan trọng? Theo nghiên cứu, Vũ Trụ chúng ta biết, rồi sẽ đi đến kết thúc và rốt cuộc cũng chẳng còn gì lại ngoài khoảng trống tối thui.
Vậy tóm lại, chúng ta sẽ chết, Vũ Trụ sẽ dừng phát triển và sập đổ, những thứ chúng ta đang làm sẽ chẳng mang lại bất kì ý nghĩa giá trị nào vì...tất cả đều biến mất.
Phía trên là một phần của chủ nghĩa Hư vô (Nihilism). Tuy nhiên, nhìn theo góc này, tôi cảm thấy mình bé nhỏ, bi quan về cuộc đời quá. Hãy nhìn vấn đề theo một góc nhìn khác. Một góc nhìn mang tính triết học hơn, cá nhân hơn.
Như đã nói ở trên, ngoài Trái Đất của chúng ta, trong Vũ Trụ bao la kia, còn rất nhiều ngôi sao và hành tinh khác nữa. Đây giống như một trò đùa, khi bằng một cách kì diệu nào đó, Vũ Trụ tạo ra chúng ta, và cho chúng ta nhận thức, chỉ để nhận rằng: Chúng ta không phải nhân vật chính của câu chuyện được kể. Vậy tức là mọi thứ chúng ta làm đều vô nghĩa? Nghe thì có vẻ tệ,và đáng sợ nhưng điều đó là chìa khóa giúp chúng ta tự do.
Chúng ta ai cũng chỉ sống một lần, tại sao không thử? Nếu chúng ta ai rồi cũng sẽ chết, thì tất cả những lời gièm pha, scandal mà ta mắc phải, những lỗi lầm mà ta đã phạm, về sau cùng cũng sẽ biến mất. Nếu chúng ta sống để trải nghiệm, thì đó mới là điều quan trọng cuối cùng. Những gì người ta nói không quan trọng. Vũ Trụ không cho ta mục đích sống, vậy tại sao ta không tự tìm kiếm mục đích cho riêng mình?
Loài người rồi đằng nào cũng sẽ bị diệt vong ( bởi cái gì thì chưa biết). Tuy nhiên, trước khi chúng ta tạch, chúng ta có cơ hội để khám phá tất cả những điều xung quanh ta. Để làm gì? Để thỏa mãn trí tò mò và khao khát hiểu biết nằm sau trong mỗi chúng ta.
Chúng ta sống để trải nghiệm. Trải nghiệm đồ ăn, trải nghiệm quyển sách, bộ phim, tình yêu, sex... tất cả. Chúng ta có cảm xúc, có tư duy để hoàn toàn nhận thức rằng, mọi thứ đằng nào sẽ kết thúc, nhưng sống thế nào do ta tự chọn mục đích cho bản thân. Chúng ta phục vụ cho chính bản thân ta, không ai khác. Hãy tận hưởng thời gian khi có thể, hãy cố gắng làm bản thân vui vẻ mọi lúc mọi nơi. Mặc kệ người ta nói!
Nếu các bác hỏi mục đích cuộc đời là gì, tôi sẽ nói là để trải nghiệm.Vậy nên hãy có gắng tận dụng nốt 3900 tuần còn lại để tận hưởng đi. Năm mới sắp đến, viết Resolution ra rồi lần này thực sự làm nó đi vì 52 tuần nữa của 2018 chuẩn bị sắp qua rồi kia kìa.
-------------------------------
Bài viết tham khảo từ Video Optimistic Nihilism
------------------------------
Một số bài viết khác:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất