Thảm họa cộng đồng
Catastrophe, theo từ điển Oxford có nghĩa là một sự kiện bất ngờ gây ra sự cố hoặc sự hủy hoại trên quy mô lớn (a sudden event that causes very great trouble or destruction). Cụm từ này trong hơn 1 tháng qua đã được sử dụng thường xuyên để mô tả ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sau khi nó lan rộng ra toàn thế giới. Lần gần nhất mà những cụm từ nghe đao to búa lớn kiểu vậy xuất hiện rộng rãi trên Internet có lẽ cũng đã cách đây khoảng 5 năm, khi Channel 4 cho ra mắt series có nội dung chẳng liên quan gì lắm đến cái tên của nó –  “Catastrophe”; còn Rachel Nichols đánh dấu sự trở lại của cô trên màn ảnh rộng với bộ phim về đại dịch toàn cầu – “Pandemic”.
Pandemic” của năm 2016
Ngoài những bộ phim, trải nghiệm duy nhất của tôi về một sự kiện từa tựa như thế (một thảm hỏa trên quy mô lớn) có lẽ duy nhất là về trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008. Nó nghiêm trọng đến mức, lũ học sinh chúng tôi được nghỉ hẳn 2 ngày. Không dưng được nghỉ học, một sự kiện phải nói là vô tiền khoáng hậu mà cả đời học sinh của tôi, của nhiều thế hệ trước và sau tôi chỉ trải qua có đúng 1 lần. Tôi nhớ, vì mấy thằng chúng tôi lại có dịp lặn lội (lặn và lội, theo đúng nghĩa đen) vác xe đạp ra quán game đá FiFa cả ngày, vui vui là. Rõ ràng xét về quy mô thì trận lụt năm 2008 dù kinh khủng, vẫn còn quá nhỏ bé so với đại dịch lần này, ít nhất khi so trên phương diện là tỷ lệ số ngày nghỉ của lũ học sinh nhất quỷ nhì ma.
Dường như thấu hiểu giới truyền thông toàn cầu đang bối rối tìm ra một thước đo để so sánh với thảm họa Covid, ngài Tổng thư ký LHQ đã đăng đàn và nhắc đến Chiến tranh thế giới thứ 2, một sự kiện đã giết chết khoảng 70 triệu người.
Ngài Tổng thư ký có lẽ muốn tìm một mẫu số chung cho toàn thế giới nên phải viện đến một sự kiện xa đến vậy. Chứ nếu xét trên quy mô nhỏ hơn, từng quốc gia, thì hình ảnh so sánh sẽ gần gũi và dễ hình dung hơn nhiều. Ví dụ như anh chàng nhà văn người Serbia, Marko Nikolic thì nhớ ngay đến cuộc chiến tranh Nam Tư 21 năm trước qua Những bài học thời chiến.
Người dân Việt Nam thì chắc hẳn chẳng cần nghe ai kể để hình dung ra chiến tranh tàn khốc như thế nào. Nhưng đó là chuyện của các bác thời 4x, 5x, 6x hay ít ra các anh lứa 7x, 8x cũng lờ mờ cảm nhận được hậu quả dai dẳng của nó qua những tháng ngày bao cấp thiếu thốn. Chứ còn đến thời Gen Y bọn tôi và Gen Z sau này, thì dù có cố gắng đến mấy cũng chỉ chạm tay vào một phần nhỏ bé qua những thước phim tài liệu và câu chuyện lịch sử khô khan. Lớp sương mù của thời gian đang dần che đi tất cả.
Những tháng ngày tươi đẹp
Anh bạn tư vấn bảo hiểm của tôi than thở rằng, dù đã phổ biến hơn nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam vẫn quá thấp so với Thế giới. Người có tuổi thì dè dặt, sợ lừa đảo có, mà lo sợ tài sản tài chính bỗng chốc hóa thành đống giấy lộn như đã từng cũng có. Còn người trẻ thì đắn đo. Đắn đo bởi vì giờ họ có quá nhiều sự lựa chọn.
Người Việt Nam vốn luôn lạc quan khi nghĩ về tương lai, về những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với thế hệ con cháu mình. Có thể đó là đặc điểm được trui rèn qua những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc; hay cũng có thể là do nền tảng văn hóa, với những thái độ sống của Phật giáo, định hướng sống của Phật giáo và giá trị sống của Phật giáo. Với riêng thế hệ người trẻ Việt Nam hiện nay thì ngoài tâm lý ẩn sâu trong tiềm thức ấy, còn có ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử. Ba mươi năm qua nền kinh tế đang trong xu thế đi lên mạnh mẽ, những người sinh ra trong thời kỳ này giống như bỗng dưng rơi vào một tấm ván, vừa lướt vào đầu con sóng mới lăn tăn chuẩn bị đón gió. Vậy là cả tuổi thơ lớn lên cùng tăng trưởng kinh tế. Mọi thứ tự nhiên đến mức hầu hết chúng tôi đều có cảm tưởng, kinh tế tăng trưởng, tương lai tốt hơn hiện tại là lẽ dĩ nhiên. 
Lướt trên đầu ngọn sóng thì lúc nào cũng phấn khích
Sự lạc quan ấy đã tạo ra một thế hệ liều lĩnh, mạnh dạn và cuồng nhiệt trên cơ sở nền tảng giáo dục bài bản. Họ tận dụng mọi cơ hội mà nền kinh tế thị trường mang đến; tin vào các triển vọng tăng trưởng, ưa thích khu vực kinh tế tư nhân; kiếm tiền và trở thành một thành viên ra trò của chủ nghĩa tiêu dùng. Họ làm quen những khái niệm mới mẻ của xã hội như “theo đuổi đam mê”, “thỏa sức sáng tạo”. Một sự tương phản sâu sắc so với thế hệ 5x,6x; những người vẫn để tiền mặt trong két, đô la dưới thùng gạo, chôn vàng ra sau vườn và “vào nhà nước cho ổn định”.
Nhưng theo chiều ngược lại, sự lạc quan ấy cũng tạo ra một bộ phận người trẻ “an phận thủ thường”, thiếu lý tưởng, ước mơ, hoài bão, thiếu sự phấn đấu và rèn luyện. Phấn đấu quá làm gì, khi mọi thứ vẫn đang thật dễ chịu.
Một chiếc bánh cứ phình ra mãi trung bình 7%/năm thì ai cũng có phần cả. Cứ mở nhà hàng, quán cafe kiểu gì cũng có khách, xây nhà kiểu gì cũng có người thuê và gom cổ phiếu, chứng chỉ quỹ thì kiểu gì cũng tăng trưởng. Cứ học xong đại học là có công ăn việc làm ở mức trung lưu; và đơn giản hơn, cứ tốt nghiệp lớp 12 đi làm công nhân ở doanh nghiệp FDI cũng vẫn ổn. Easy game, easy life. Bức màn ảo ảnh ấy khiến nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy màu hồng và đôi khi còn ngộ nhận, cuộc sống là những chuỗi ngày tốt đẹp tịnh tiến theo thời gian. 
Sự thật là tại nhiều quốc gia có nền chính trị bất ổn hoặc nền kinh tế thiếu động lực, cuộc sống hiện tại chưa chắc đã bằng nửa thế kỷ trước – Ảnh: Afghanistan những năm 1960
Quả thực nếu cứ tốt lên như vậy thì anh bạn tôi ơi, chúng tôi có quá nhiều sự lựa chọn, còn cần anh để làm gì…
Cơn sóng thần
Đúng là sống trong môi trường hiện nay thì ít ai nghĩ đến việc nền kinh tế sụp đổ hay chiến tranh cả. Đó là điều mà thế hệ người Việt Nam đương đại chưa nghĩ tới, và cũng không thể tưởng tượng được. 
Vậy mà đùng một cái, đại dịch Covid-19 ập đến…. Trong một tích tắc, cuộc sống đã thay đổi, sinh hoạt đảo lộn, công việc dừng lại, kinh doanh đình trệ và các kế hoạch cho tương lai bỗng vượt ngoài tầm kiểm soát… Tất cả bị xáo trộn. 
Thật ra dịch bệnh vẫn chưa phải là thứ kinh khủng nhất. Thứ mà tất cả mọi người nên lo sợ hơn chính là những hậu quả mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế. Covid-19 đang đẩy các nước trên toàn thế giới rơi vào tình trạng suy kiệt chưa từng có trong nhiều tháng qua. Khủng khiếp ở chỗ, thảm họa  lần này ảnh hưởng sâu rộng khắp thế giới, đến mọi quốc gia, lên mọi lĩnh vực, khiến đồng vốn không biết tránh đi đâu, còn chuỗi giá trị toàn cầu thì bị vỡ vụn. Bế tắc !
Gần gụi hơn, thì thảm họa này đã chạm đến mâm cơm của từng gia đình. Vào lúc này, có thể chính bạn cũng đã bị cắt giảm lương hoặc mất việc. Chính phủ Việt Nam và nhiều nước đã tính đến các gói cứu trợ, những gói kích thích chưa từng có trong lịch sử để bảo vệ xã hội và nền kinh tế, duy trì dòng tiền đến với người lao động và doanh nghiệp. 
Thứ mà tất cả mọi người nên lo sợ chính là những hậu quả mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế
Bức màn màu hồng được vén lên. Vậy đấy, cuộc sống vốn không yên ả như nó đã từng. Thị trường không phải luôn rộng mở. VN-Index không phải cứ thế tăng trong dài hạn. Nhà cho thuê cũng không phải là sinh kế dài lâu. Ở Khu công nghiệp, vốn FDI không phải sẽ mãi gắn bó để cậu em tôi có thể yên tâm trả góp cho chiếc Exciter của mình. Và ngay cả những thứ tưởng chừng ổn định hơn, những công việc có hàm lượng tri thức cao, cũng luôn sẵn sàng phải thay đổi.
Chúng ta chợt nhận ra con người thì vẫn quá mong manh trước thiên nhiên. Và các mô hình tổ chức kinh tế xã hội vẫn quá mong manh trước mỗi biến động.
Và sự hoang mang cần thiết
Chuỗi ngày rảnh rang bất đắc dĩ hóa ra lại là một dịp quý giá để mọi người được sống chậm, tạm gác sang bên các dự định và kế hoạch của mình. Anh bạn nghiên cứu sinh ở Úc Đại Lợi nhắc tôi về Thời kỳ suy ngẫm bắt buộc. Rõ ràng ta cần cẩn trọng hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn cho những biến cố có thể tiếp tục xảy đến trong tương lai. 
Có phải việc kinh doanh quá dễ dàng khiến chúng ta vội vàng bỏ qua giai đoạn nền tảng, bỏ qua công đoạn tích lũy. Tích lũy kinh tế, tích lũy quan hệ và tích lũy tri thức để hướng đến những sản phẩm bền vững, có giá trị gia tăng, có hàm lượng chất xám cao. Có phải vì thế mà các business của người trẻ ở ta đa phần vẫn là những mô hình đơn giản quen thuộc, thay vì đổi mới sáng tạo đúng với tinh thần của hai chữ Start-up?
Có phải chúng ta quá dễ tổn thương khi một cơn sóng thần ập đến – khi nền kinh tế, chính trị hay chỉ là một tổ chức mà chúng ta đang yên phận gắn bó bống nhiên gặp bất ổn? Có phải trong sâu thẳm, ta luôn lo sợ một ngày nào đó, ta sẽ bị đẩy ra đường và bơ vơ không tìm được bến đỗ mới, nhưng rồi lại tặc lưỡi?
Vậy thì…
Nếu bạn đang đi học và đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời thì đây chính là một quãng lặng chính đáng để bạn có cơ hội sàng lọc và định hướng kỹ càng hơn cho bản thân.
Nếu bạn đang cảm thấy gò bó với môi trường hiện tại, thì đây là thời điểm thích hợp để học thêm các kỹ năng cần thiết, tìm hiểu về công việc yêu thích và sẵn sàng tâm lý để bật xa hơn trong sự nghiệp.
Nếu bạn vẫn đang phiêu lưu với các cổ phiếu có chỉ số beta 2.0 và vốn góp khởi nghiệp, thì đây có lẽ là dịp để cân nhắc bổ sung thêm vàng cùng bảo hiểm cho cả quãng đường dài.
Và nếu bạn đang bay bổng với những ấp ủ và dự định, thì đây cũng là dịp để vén bức màn hồng lên và định hướng lại, dành thời gian suy nghĩ về những gì cần được ưu tiên lựa chọn cho tương lai sẽ đến và thay đổi rất nhanh.
Hay nếu vẫn thấy ổn, bạn vẫn có thể tận dụng thời gian này để lên kế hoạch sắp xếp lại công việc hiện tại, cho ra đời một sản phẩm gì đó hoặc trau dồi thêm kỹ năng chuẩn bị cho những điều mới mẻ sắp đến. Vì chắc chắn sau mỗi biến cố lịch sử thì luôn có những điều mới mẻ.
Sau mỗi biến cố lịch sử thì luôn có những điều mới mẻ
Tạm kết
Đại dịch Covid 19 khiến chúng ta lo lắng hoang mang, nhưng đó là một sự hoang mang cần thiết. Nếu không có biến cố lần này, thì lũ chúng tôi không biết đến bao giờ mới có dịp trải nghiệm một thảm họa mang tính cộng đồng lớn đến như vậy. Một sự kiện mà như đã từng, thay đổi sâu sắc nhận thức, quan điểm và thái độ sống của thế hệ ông, cha, chú chúng tôi – một thế hệ nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng dẻo dai, phi phàm. Rõ ràng so với những gì mà thế hệ trước đã phải trải qua và đánh đổi, thì đây quả là một bài học quý giá với cái giá hời. Hy vọng rằng đại dịch sẽ chấm dứt đúng lúc, để sau cơn nguy biến này, chúng ta sẽ có một thế hệ người trẻ mới với ý thức cộng đồng tốt hơn, suy nghĩ trách nhiệm hơn, tư duy sâu sắc hơn và nhận thức trưởng thành thêm nhiều.