[Stoicism] - Dịch Seneca (94): Về những lời khuyên hay châm ngôn: Liệu chúng có thực sự cần thiết?
Lời tựa : Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không...
Lời tựa: Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời. Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism. Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:
Bức thư số 94
Bạn thân mến!
Nhiều người cho rằng chỉ có một phần của triết là đáng để nghiên cứu và học hỏi - phần mà thay vì chỉ dẫn người ta một cách tổng quan, thì đi vào từng lời khuyên cụ thể cho từng nghĩa vụ trong cuộc sống, ví dụ như lời khuyên về việc người chồng phải đối xử với vợ mình như thế nào, người cha thì phải nuôi nấng con cái ra sao, hay người chủ cần có thái độ thế nào với nô lệ. Họ cho rằng những phần tổng quan của triết là đi quá những thứ ta cần cho cuộc sống hàng ngày. Như thể họ thực sự nghĩ rằng ai đó có thể đưa ra những lời khuyên cụ thể trước khi thực sự hiểu và nắm bắt được về cả cuộc đời. Aristo, một người thuộc trường phái Stoicism chúng tôi, ngược lại, cho rằng những lời khuyên cụ thể thì thường quá nhỏ nhặt, không quan trọng, và không thể đọng lại trong tâm trí, chỉ giống như lời khuyên của mấy bà cụ già mà thôi. Theo ông ta, sự trợ giúp quan trọng nhất đến từ những nguyên lý của triết và việc nắm được cái tốt đẹp tối thượng của con người.
Khi một người hiểu trọn vẹn và nắm được về cái tốt đẹp tối thượng, anh ta sẽ tự biết phải làm gì trong từng trường hợp cụ thể. Một người học ném lao tập trung vào điểm đích và luyện tay để định hướng mũi lao. Khi anh ta đã thuần thục được những kỹ năng ấy qua rèn luyện, anh ta có thể áp dụng chúng cho bất cứ mục tiêu nào. Thứ anh ta học không phải là luyện ném vào duy nhất một điểm này hay vị trí đích kia, mà là bất kỳ đích nào anh ta muốn. Tương tự, một người rèn luyện, hướng tới một cuộc đời cao đẹp thì không cần những lời khuyên quá cụ thể. Anh ta đã được dạy cái tổng thể, không phải về làm thế nào để sống thuận hòa với vợ, với con cái, mà là sống đức hạnh và tốt đẹp, mục tiêu ấy chính nó đã bao gồm sống thuận hòa với vợ con rồi.
Cleanthes thì lại cho rằng những lời khuyên quá chi tiết cũng vẫn có giá trị, nhưng ông ta cũng khuyến cáo rằng chúng sẽ không hiệu quả nếu không phải là kết quả của quá trình nghiên cứu cái toàn thể, dựa trên sự hiểu biết về những nguyên tắc và những điểm trọng yếu của triết.
Vậy nên, chủ đề này có thể được chia làm hai câu hỏi lớn. Một, những lời khuyên cụ thể có ích hay không? Và hai, liệu nếu chỉ dựa vào chúng thì một người có thể trở nên đức hạnh tốt đẹp hay không? Hay nói cách khác, phần về những lời khuyên cụ thể, liệu nó có quan trọng hay không, hay liệu nó có khiến những phần khác của triết trở nên không quan trọng?
Cánh cho rằng những lời khuyên chi tiết là không quan trọng đưa ra lập luận: "Nếu có gì ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt, thì nó phải được lấy ra. Bao lâu nó vẫn còn ở đó, sẽ là tốn thời gian vô ích cho những ai đưa ra lời khuyên:'Đi thế này thì không vấp', hay 'dang tay ra thế kia thì sẽ lấy được đồ cần lấy'. Tương tự, khi tâm trí một người không thấy được những ưu tiên và nhiệm vụ của nó, thì sẽ là vô nghĩa khi người đó được khuyên: 'Sống thế này với cha bạn, thế kia với vợ bạn'". Lời khuyên chi tiết sẽ không có tác dụng bao lâu tâm trí còn bị che mờ bởi những thói xấu và sự thiếu sáng suốt. Một khi đám mây che mờ bị xóa tan, thì một người sẽ thấy được những nghĩa vụ của anh ta một cách rõ ràng. Nếu không thì dù khuyên mấy bạn cũng sẽ không thể "chữa bệnh" cho anh ta mà chỉ đơn thuần là nói cho anh ta về cách hành xử của một người đức hạnh.
Nó giống như việc bạn chỉ cho một người nghèo như thế nào là hành động một cách trên tiền: nhưng làm sao anh ta có thể làm theo bạn, khi mà cái nghèo của anh ta còn đó? Hay bạn dạy người đói nên làm gì khi anh ta đã ăn no: thay vào đó, hãy kiếm thứ gì để anh ta hết đói, để dạ dày không còn cồn cào anh ta. Đó cũng là điều tôi muốn ám chỉ về những thói xấu hay sai lầm: bạn phải loại bỏ chúng, chứ không phải chỉ cần đưa ra lời khuyên, thứ sẽ không thể có tác dụng khi mà những thói xấu vẫn còn đó. Nếu bạn không loại bỏ những suy nghĩ sai trái hủy hoại ta, thì những kẻ keo kiệt sẽ không nghe theo lời khuyên của bạn về cách sử dụng tiền hợp lý, và những kẻ hèn nhát thì sẽ không thể đối mặt một cách lý trí với những tình huống đe dọa đến chúng. Bạn cần phải làm cho kẻ keo kiệt hiểu rằng tài sản tiền bạc không tốt cũng chẳng xấu (mà quan trọng là cách một người sử dụng chúng); bạn phải chỉ cho anh ta thấy những kẻ giàu nứt đố đổ vách mà vẫn đau khổ bất hạnh trong cuộc đời. Bạn phải khiến những kẻ hèn nhát hiểu rằng bất cứ thứ gì khiến đám đông run sợ cũng đều không thực sự đáng sợ như cách người ta đồn đại, rằng không có nỗi đau nào đến mức không thể chịu đựng được mà kéo dài mãi, hay không ai có thể chết nhiều hơn một lần; rằng sự an ủi vĩ đại nhất dành cho cái chết, thứ mà đằng nào chúng ta cũng sẽ phải đối mặt, chính là việc không ai sẽ phải chịu đựng nó đến lần thứ hai; rằng tất cả những đau đớn của cơ thể đều có thể được đối mặt bởi sự vững vàng của tâm trí, thứ khiến con người có thể lao vào nguy hiểm, và khiến những sự nguy hiểm ấy trở nên dễ dàng; rằng một điểm then chốt về những cơn đau của cơ thể mà người ta thường hay quên là chúng không thể quá mức chịu đựng, hoặc nếu quá mức chịu đựng, thì sẽ không thể kéo dài; và cuối cùng, rằng ta cần phải kiên cường chấp nhận bất cứ thứ gì mà bản thân ta thấy là cần thiết.
Khi một người được trang bị những nguyên tắc ấy, và rèn luyện cho mình một tâm trí sáng suốt để có một cái nhìn đúng đắn về mọi hoàn cảnh, hiểu rõ rằng một cuộc đời hạnh phúc không phải là một cuộc đời trong tiện nghi thoải mái, mà là sống thuận theo tự nhiên, tôn thờ và tuyệt đối tuân theo phẩm cách, thứ duy nhất thực sự tốt đẹp ở con người, tránh những hành động đáng hổ thẹn, thứ duy nhất thực sự xấu xa, và biết rằng mọi thứ khác - của cải, danh tiếng, ngay cả sức khỏe, sức mạnh, và địa vị - đều chỉ là những thứ trung gian, tức chúng không tốt cũng chẳng xấu. Khi ấy, anh ta sẽ không cần người hướng dẫn cho từng hoàn cảnh cụ thể, để nói: "Đi đứng như thế này, ăn uống như thế kia", hoặc "Đây là thứ thích hợp cho một người đàn ông, kia là thứ hợp cho phụ nữ, đây là cách làm chồng, hay đây là một người chưa lập gia đình".
"Những người quá cẩn thận đến nỗi đưa ra kiểu lời khuyên cặn kẽ chi tiết thì lại chính họ không thể hành động đúng như thế. Đó là những lời khuyên của giáo viên cho học sinh, hay bà cho cháu nhỏ. Người giáo viên nào nói rằng một người không bao giờ nên tức giận thì chính anh ta lại thường mất bình tĩnh. Nếu bạn đi đến những ngôi trường cho trẻ nhỏ, bạn sẽ thấy những lời khuyên kiểu ấy, được đưa ra bởi các triết gia, thì thực ra lại có đầy trong sách cho bọn trẻ con ở đó".
"Hơn thế nữa, liệu những lời khuyên chi tiết ấy có thẳng đuột hay có thể bị nghi vấn. Những thứ thẳng đuột thì không cần người hướng dẫn, còn những thứ có thể bị nghi vấn thì không đáng tin. Vậy nên đưa ra những lời khuyên như thế là thừa thãi. Hãy xem xét như thế này: nếu lời khuyên của bạn là mập mờ không rõ ràng, bạn sẽ cần bổ sung cho nó bằng lý lẽ dẫn chứng; và nếu bạn đưa thêm lý lẽ dẫn chứng, thì chính những lý lẽ dẫn chứng ấy lại có thể rõ ràng và hiệu quả hơn. Hãy nghĩ thử xem: "Đây là cách một người nên đối xử với bạn mình, hay đây là cách hành xử của một người dân lương thiện, hay đây là cách hành xử của một đồng minh". Tại sao? 'Vì chúng là đúng đắn'. Vậy chẳng phải tôi có thể học được chúng trong bài học về sự đúng đắn, sự công bình hay sao?".
Những bài học ấy cũng đã cho tôi hiểu rằng sự đúng đắn tự nó có giá trị, rằng ta không bị bắt buộc phải tuân theo nó vì bất cứ nỗi sợ hay động cơ tiền bạc nào; rằng ai hướng đến bất cứ một lợi ích nào khác trong các hành động đúng đắn ngoài chính phẩm cách của mình thì đều không còn đúng đắn rồi. Một khi tôi đã thuyết phục bản thân mình như vậy, thì những lời khuyên chi tiết còn có tác dụng gì, khi chúng được nói với một người đã thực sự vững vàng với những kiến thức ấy?
"Đưa ra lời khuyên chi tiết cho những người hiểu biết là không cần thiết; trong khi nếu người đó chưa có được những hiểu biết ấy, thì những lời khuyên lại là không đủ, vì anh ta không những cần nghe thứ anh ta nên làm, mà còn phải hiểu tại sao nữa. Để tôi nhắc lại, liệu những lời khuyên chi tiết ấy có cần thiết cho một người đã vững vàng với hiểu biết của anh ta về những thứ tốt đẹp và xấu xa, hay chỉ cho người chưa có những kiến thức hiểu biết ấy? Những người chưa biết sẽ không được hỗ trợ nhiều bởi những lời khuyên chi tiết; vì tâm trí anh ta đã được nhồi nhét quá nhiều ý kiến từ đám đông, mà những ý kiến đó lại thường đi ngược lại lời khuyên răn của bạn. Còn người có hiểu biết vững vàng, sáng suốt về thứ anh ta cần theo đuổi và thứ anh ta cần tránh, thì cũng đã biết phải làm gì mà không cần đến những lời khuyên chi tiết ấy. Bởi vậy nên toàn bộ những lời khuyên ấy, mà vẫn được coi như một phần trong hệ thống triết học, thực ra không quan trọng và có thể loại bỏ"
Có 2 lý do cho những khiếm khuyết của chúng ta: một là những ý kiến sai lạc đã thấm vào tâm trí và khiến nó có những động cơ không tốt, hai là, ngay cả nếu nó chưa bị kéo theo những suy nghĩ sai lạc ấy, thì nó cũng thiên theo chúng và thường nhanh chóng bị lôi kéo bởi một vài thứ bên ngoài gợi lên định hướng không tốt ấy. Vậy nên ta cần phải hoặc là chữa trị hoàn toàn tâm trí trong cơn bệnh và khiến nó được tự do khỏi những tư tưởng sai lầm, hoặc chặn tâm trí mà chưa thực sự lâm bệnh, dù nó đã để lộ ra thiên hướng theo những thứ sai lầm ấy. Những nguyên tắc của triết sẽ thực hiện cả 2 nhiệm vụ đó; vậy nên việc đưa ra những lời khuyên chi tiết là không có tác dụng.
Hơn thế nữa, nếu ta đưa ra lời khuyên cho những tình huống cụ thể, thì sẽ có quá nhiều lời khuyên được đưa ra. Người cho vay tiền, nông dân, thương nhân, người có những mối quan hệ với giới quý tộc, những người ở vị trí cao hơn anh ta, hay thấp hơn - mỗi mối quan hệ đều sẽ cần những lời khuyên được đưa ra. Về hôn nhân, bạn sẽ phải đưa ra lời khuyên về cách một người đàn ông cần đối xử với vợ mình nếu cô ta còn trong trắng trước khi cưới, vì nó sẽ khác với khi đó là một người đàn bà đã trải qua hôn nhân trước đó, hoặc với một người giàu, hoặc với người mà không có chút hồi môn. Không lẽ bạn không cho rằng có những khác biệt giữa một người đàn bà đã hết thì và một cô gái trẻ trung tươi tắn, giữa một mụ già và một nàng thiếu nữ, giữa mẹ ruột và mẹ kế? Ta không thể cứ xem xét từng trường hợp riêng biệt. Mỗi trường hợp đòi hỏi một cách cư xử cụ thể, trong khi những quy luật của triết thì chính xác và tổng thể.
Bên cạnh đó, những lời khuyên cần phải được xác định rõ và có giới hạn cụ thể. Những thứ mà không có giới hạn thì người ta sẽ không thể dùng đến sự thông tuệ của lý trí, vì nó chỉ có thể xử lý những thứ có giới hạn rõ ràng mà thôi. "Bởi vậy nên phần triết học liên quan đến những lời khuyên nên bị loại bỏ, vì nó không thể cung cấp cho tất cả mọi người thứ mà nó chỉ hứa có tác dụng cho một vài người. Nhưng sự thông tuệ thì được áp dụng cho tất cả mọi người. Điểm duy nhất khác biệt giữa sự điên khùng của đám đông và sự điên khùng được bác sĩ chẩn đoán là trong khi cái sau là kết quả của bệnh tật, thì cái đầu là những suy nghĩ sai trái. Một loại là hậu quả của bệnh tật, một loại là kết quả của sự suy đồi trong tâm trí. Bất cứ ai đưa ra lời khuyên cho kẻ điên về việc anh ta cần phải đi đứng hay ăn nói cư xử như thế nào, khác nhau thế nào ở chỗ đông người và ở nơi riêng tư, thì thậm chí còn điên hơn cả kẻ anh ta đang khuyên nữa. Điều cần làm trong trường hợp ấy là chữa cho anh ta khỏi bệnh điên trước. Tương tự như thế, sự suy đồi trong tâm trí phải được chữa trước, nếu không thì những lời khuyên của bạn cũng sẽ bay theo gió thôi.
Đọc thêm:
Đó là toàn bộ những lập luận của Aristo. Tôi sẽ đi vào từng điểm một trong số chúng.
Đầu tiên, để trả lời cho lời khẳng định của ông ta rằng nếu có thứ gì ngăn cản ta nhìn, thì nó cần bị lấy đi, tôi thừa nhận rằng trong trường hợp ấy đôi mắt sẽ không cần đến lời khuyên mà cần đến sự hỗ trợ để lấy đi thứ đó. Vì việc nhìn là một kỹ năng tự nhiên, vậy nên việc lấy đi thứ ngăn cản nó là thích hợp, để tự nhiên lại có thể được tiếp tục vận hành. Nhưng tự nhiên đâu có dạy ta nghĩa vụ trong từng trường hợp cụ thể. Tiếp theo, sau khi vật cản đã được lấy ra, người bị ảnh hưởng không những không thể ngay lập tức có lại thị giác của mình, mà còn không thể dùng thị giác đấy để cải thiện thị giác của người khác, nhưng nếu ta có thể cải thiện tâm trí thì rất có thể những người xung quanh ta cũng được hưởng lợi. Vì mắt thì không cần những lời khuyến khích hay lời khuyên để hiểu sự khác nhau giữa màu sắc, nó có thể một cách tự nhiên phân biệt trắng đen. Nhưng tâm trí thì lại cần rất nhiều lời dạy để có thể xác định nhiệm vụ của nó trong cuộc đời. Hơn thế nữa, ngay cả những người chữa bệnh về mắt cũng đưa ra lời khuyên chứ không chỉ chữa bệnh.
Họ sẽ nói: "Bạn không nên ngay lập tức dùng thị lực với cường độ ánh sáng mạnh. Hãy bắt đầu từ bóng tối, đến ánh mờ, rồi từ từ làm quen lại với ánh sáng ban ngày. Bạn cũng không nên học ngay sau bữa ăn hoặc cứ cố ép mình dùng thị lực khi mắt vẫn sưng đỏ. Tránh những luồng gió lạnh thốc thẳng vào mặt" và những lời chỉ dẫn tương tự, những thứ cũng có tác dụng như là thuốc. Vì y học kết hợp cả chữa bệnh và những lời khuyên.
"Nguyên nhân của những lỗi lầm là sự thiếu hiểu biết", Aristo nói. "Những lời khuyên không giúp ta loại bỏ chúng, hoặc tẩy rửa những suy quan niệm sai lầm của ta về thứ gì tốt, thứ gì là xấu". Tôi đồng ý rằng những lời khuyên chính chúng thì không thể thành công trong việc xoay chuyển những quan niệm sai lầm đã ăn sâu vào tâm trí, nhưng chúng đâu có hoàn toàn vô dụng, nhất là nếu được kết hợp với những công cụ khác. Đầu tiên, chúng sẽ nhắc tâm trí nhớ lại (những thứ tốt đẹp). Thứ hai, những vấn đề quá phức tạp thì khó có thể xử lý một lượt, mà sẽ hiệu quả hơn nếu chia ra làm nhiều phần nhỏ. Nếu với cách lập luận của ông ta, bạn có thể nói rằng ngay cả những an ủi khi một người gặp bất hạnh mất mát hay những sự khích lệ cũng sẽ chẳng cần thiết; trong khi thực ra chúng rất hữu ích. Vậy thì điều tương tự cũng có thể được lấy để bảo vệ những lời khuyên.
Ông ấy tiếp tục: "Thật ngờ nghệch khi nói với người bệnh phải làm gì như thể họ là người khỏe mạnh; vì thứ cần làm là chữa trị cho họ trước. Nếu không chữa, thì những lời khuyên về sự đúng đắn chuẩn mực là hoàn toàn vô dụng". Vậy còn điều này thì sao: cả người khỏe lẫn người ốm cần được nhắc lại chính những thứ đúng đắn chuẩn mực ấy, đúng không? Ví dụ, không ăn uống một cách quá tham lam vô độ, hay tránh để bản thân mệt mỏi khiến lý trí không còn minh mẫn. Người khỏe mạnh, người bệnh tật, người giàu, người nghèo, có những lời khuyên dành cho tất cả bọn họ.
"Hãy trị chứng tham lam, và bạn sẽ không còn phải khuyên bảo ai nữa, cả người giàu cũng như người nghèo, khi mà những ham muốn của họ đã giảm đi". Có sự khác biệt giữa không cắm mặt chạy theo đồng tiền với biết cách sử dụng nó một cách sáng suốt. Những người vẫn bị mờ mắt bởi tiền bạc cần được dạy, được hướng dẫn về những tác dụng vô cùng nhỏ bé và hữu hạn của tiền; nhưng ngay cả những người không tham lam thì cũng nên học cách sử dụng nó.
"Loại bỏ những thứ sai trái, lỗi lầm của họ, thì những lời khuyên sẽ tự chúng trở nên vô dụng". Sai. Tưởng tượng khi mình không còn bị ham muốn chi phối, biết giới hạn và không vô độ, biết tự kiểm soát và kiềm chế những cẩu thả vội vàng, hay có thể chống lại sự uể oải lười biếng. Ngay cả khi những thói xấu ấy được loại bỏ, ta vẫn phải học thứ ta cần phải làm và cách để làm chúng.
"Lời khuyên áp cho người vẫn bị điều khiển bởi những thói xấu nghiêm trọng là không có hiệu quả". Cũng giống như thuốc thang đâu thể chữa những căn bệnh kinh niên không phương cách, nhưng ta vẫn phải dùng chúng, trong một số trường hợp để bệnh thuyên giảm, nhưng cũng có trường hợp để tác động đến tâm lý người bệnh. Ngay cả những nguyên tắc triết học toàn diện nhất, với tất cả sự đúng đắn và thẳng thắn của chúng, cũng không thể hoàn toàn loại bỏ những thói xấu của tâm trí khi chúng đã ngấm quá sâu và trong thời gian quá dài. Nhưng việc triết không thể chữa được tất cả mọi thói xấu ấy đâu có nghĩa là nó không có ích cho ta.
"Có ích gì trong việc chỉ ra những điều rõ ràng". Rất nhiều, vì thường khi ta không áp dụng những kiến thức ta nắm được vào cuộc sống. Một lời nhắc lại thì đúng là sẽ không cho ta thứ gì mới, nhưng nó thu hút sự chú ý của tâm trí; nó khích lệ ta, khiến tâm trí tập trung vào những thứ tốt đẹp và tránh bị lạc đường. Ta thường coi nhẹ rất nhiều thứ ngay trước mắt mình; việc nhắc lại là một dạng cổ vũ hay khích lệ. Tâm trí nhiều khi có khuynh hướng làm như nó không nhận ra những thứ rõ ràng, vậy nên nó cần phải được nhắc lại, ngay cả với những thứ quen thuộc nhất. Lời Calvus nói về Vatinius khá liên quan đến điểm này: "Mọi người đều biết rằng việc hối lộ vẫn đang xảy ra, và mọi người đều biết là ông biết điều đó". Bạn biết tình bạn đòi hỏi tuân thủ những nghĩa vụ nhất định, nhưng bạn lại không duy trì chúng. Bạn biết rằng một người chồng đòi hỏi sự chung thủy của vợ trong khi chính hắn lại đi quyến rũ vợ kẻ khác - là một tên chồng tồi tệ đáng khinh. Bạn biết rằng, cũng giống như cô vợ không có gì để dính líu đến kẻ quyến rũ cô ta, thì bạn cũng không nên có gì với những ả đào khác, nhưng hành động của bạn cứ trái với những điều bạn biết ấy. Bởi vậy nên bạn cần tâm trí mình phải được nhắc đi nhắc lại điều ấy. Những nguyên tắc không nên được lưu giữ, mà phải sẵn sàng để sử dụng. Ta cần thường xuyên nghĩ về chúng, cũng như dựa vào những khuyên, lời gợi nhắc có giá trị ấy, để không những nhớ về chúng, mà còn có thể tuân theo chúng bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Bên cạnh đó, ngay cả những thứ đã rõ ràng với ta cũng có thể được làm cho rõ ràng hằn sâu trong tâm trí hơn nữa.
Ông ta nói: "Nếu những lời khuyên không rõ ràng, bạn sẽ cần phải đưa thêm lý giải dẫn chứng; trong trường hợp đó, chính lý giải dẫn chứng ấy mới là thứ cần thiết chứ đâu phải lời khuyên". Chẳng lẽ ông ta quên rằng sự ảnh hưởng của người thầy, người đưa ra những lời khuyên thì đâu nhất thiết phải cần đến lý giải dẫn chứng, cũng giống như ý kiến của một người chuyên về luật pháp là có giá trị, ngay cả khi những lý do cho ý kiến đó không được bàn đến? Bên cạnh đó, ngay những lời khuyên cũng có giá trị riêng của chúng, đặc biệt khi chúng ở trong một câu thơ câu ca hay trong một đoạn dễ nhớ cho tâm trí, như lời của Cato: "Đừng mua thứ bạn có thể dùng đến, mà chỉ thứ bạn cần; vì với thứ bạn không thực sự dùng, một xu cũng là giá rất cao". Những lời uyên thâm như thế, hay "Hãy thật dè sẻn với thời gian của bạn", "Hiểu chính mình". Liệu bạn có yêu cầu lý lẽ dẫn chứng khi chúng được nêu ra.
Khi hành động sai đã được thực hiện, quên nó đi là cách để chữa lành (trích Publilius Syrus)Vận mệnh mỉm cười với người dũng cảm; nhưng hèn nhát thì bị đánh bại bởi chính trái tim yếu ớt của hắn (trích thơ Virgil)
Những câu nói ấy không đòi hỏi bất cứ lý giải dẫn chứng nào. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của ta, và hữu ích bởi chúng nhắc ta nhớ thế nào là thuận theo tự nhiên. Tâm trí ta luôn cất giữ một hạt giống của sự cao quý ngay thẳng, và hạt giống ấy sẽ được kích thích bởi những lời khuyên nhủ, cũng giống như cách một tia lửa nếu gặp một cơn gió sẽ có thể bùng lên rực rỡ. Phẩm cách sẽ có thể được nhen nhóm lại bởi một chút gợi nhắc hay khích lệ. Bên cạnh đó, có những mầm mống của suy nghĩ, dù chắc chắn tồn tại trong tâm trí, nhưng không dễ để ta nắm được chúng; tuy vậy, chúng sẽ bắt đầu trở nên rõ ràng khi được được truyền vào trong ngôn ngữ. Có những suy nghĩ nằm rải rác trong những phần khác nhau của tâm trí, và người không được rèn luyện (kiến thức, cách suy nghĩ) thì khó có thể tổng hợp chúng. Bởi vậy, ta cần phải tìm cách kết hợp và liên kết chúng, để chúng có thể trở nên hữu ích cho tâm trí họ. Nếu, ngược lại, những lời khuyên là vô dụng, thì có lẽ ta sẽ phải từ bỏ tất cả những hướng dẫn hay dạy dỗ, và để mặc cho tự nhiên mà thôi. Những người ủng hộ điều này không thấy rằng mọi người đều khác biệt, có những người cực kỳ nhạy bén và có khả năng lĩnh hội dễ dàng, nhưng cũng có những người chậm hơn, khó lĩnh hội hơn. Người xửa chẳng nói có người nọ người kia hay sao. Và với những người chậm hơn như chúng ta, thì tâm trí chắc chắn sẽ được khích lệ và củng cố bởi những lời khuyên, và từ đó tạo điều kiện khiến cho những thứ tốt đẹp của con người trong ta được phát triển và loại bỏ những thói xấu hay suy nghĩ sai lầm.
"Nếu một người thiếu những nguyên tắc đúng đắn, thì bao nhiêu lời khuyên hay răn đe cũng đâu có tác dụng gì, vì anh ta còn bị gắn quá chặt vào những thói xấu của mình?". Đơn giản là để giải thoát anh ta, vì bản chất tự nhiên của anh ta chưa hoàn toàn bị xóa bỏ mà chỉ bị che mờ hay chôn vùi mà thôi. Ngay cả thế, nó sẽ cố gắng tự giải thoát và đấu tranh với những ảnh hưởng xấu; với sự giúp đỡ và hỗ trợ của những lời khuyên nó có thể vực dậy, với điều kiện nó chưa bị hủy hoại bởi những thói xấu trong thời gian quá dài. Trong trường hợp ấy, ngay cả thứ triết học mạnh mẽ và toàn diện nhất cũng sẽ không thể cứu được nó.
Điểm khác biệt duy nhất giữa nguyên tắc triết học và những lời khuyên là sự tổng quát của những nguyên tắc và sự cụ thể của lời khuyên. Cả hai đều định hướng, một là về những thứ tổng quát, còn một là cho từng trường hợp cụ thể.
"Nhưng với một người có những nguyên tắc cao quý và đúng đắn, thì những lời khuyên là thừa". Hoàn toàn không. Người đó chắc chắn đã được học về những điều anh ta nên thực hiện và tuân theo, nhưng anh ta cũng vẫn chưa thực sự nắm được nó trong từng trường hợp cụ thể. Không chỉ cảm xúc khiến ta không thể hành động theo lý trí, mà cả sự thiếu kinh nghiệm trong việc nhận biết điều gì mỗi tình huống đòi hỏi. Tâm trí ta có thể có được sự bình thản, nhưng vẫn bị động và trở nên bỡ ngỡ trước những tình huống mới cần tới sự linh hoạt mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc, và đó là điểm mà những lời khuyên sẽ giúp ích.
"Loại bỏ những suy nghĩ sai lầm về tốt xấu, thay thế chúng bằng những suy nghĩ đúng đắn, và sẽ không còn gì để lời khuyên có thể tác động và hữu ích nữa". Đó đúng là cách để hệ thống lại tâm trí và hướng nó theo con đường đúng đắn, nhưng đó đâu phải là cách duy nhất. Và dù lý trí đúng là có thể được chỉnh đốn để lại có thể nhận biết rõ ràng về tốt xấu, thì những lời khuyên cũng vẫn có giá trị của chúng. Sự công bằng và cẩn trọng được thể hiện qua những nghĩa vụ, và nghĩa vụ thì có thể được định hướng bởi lời khuyên. Hơn thế nữa, sự đánh giá của ta về tốt xấu chỉ có tác dụng trong việc ta sẽ thực hiện những nghĩa vụ của mình như thế nào, và lời khuyên thì chỉ dẫn cụ thể hơn về cách thức thực hiện ấy. Chúng tạo thành một hệ thống liền mạch: những đánh giá khó có thể được thực hiện nếu không có những lời khuyên theo sau, và thực tế nếu những lời khuyên có tác dụng chứng tỏ rằng những nguyên tắc đã được tiếp thu trước đó.
"Nhưng có quá nhiều những lời khuyên". Không đúng. Chúng không thể có quá nhiều, nếu ta chỉ xét đến những gì quan trọng nhất mà thôi. Chúng đúng là sẽ hơi khác biệt tùy thuộc vào thời gian, địa điểm, và cả người áp dụng, nhưng những lời khuyên tổng quát thì sẽ áp dụng cho tất cả.
"Sự điên khùng không thể được chữa khỏi bởi lời khuyên, và thói xấu thì cũng tương tự". Hai trường hợp đó khác nhau. Khi mà sự điên khùng được chữa trị, bệnh nhân có thể trở lại làm một con người bình thường; nhưng việc loại bỏ một thói xấu thì không ngay lập tức khiến một người có được một hiểu biết rõ ràng về cách hành xử đúng mực - hoặc nếu có, thì những lời khuyên hay răn đe cũng sẽ củng cố suy nghĩ đúng đắn và cả sự đánh giá về tốt xấu. Cũng là sai khi nói rằng lời khuyên không có tác dụng với những kẻ điên khùng mất lý trí. Có thể chính chúng thì không có nhiều tác dụng, nhưng chúng cũng sẽ hỗ trợ cho cách chữa trị. Sự chỉ trích và khiển trách có thể làm giảm những điên khùng ấy (khi nói đến điên khùng ở đây tôi ám chỉ những người không thể sử dụng lý trí chứ không phải những kẻ đã hoàn toàn điên).
"Luật lệ không khiến ta cư xử như ta nên làm, và luật lệ thực ra chỉ là những lời khuyên được gắn thêm hệ quả". Đầu tiên, luật lệ không thể thuyết phục một người trở nên tốt đẹp chính bởi vì chúng có khía cạnh đe dọa trừng phạt, trong khi lời khuyên thì khuyến khích thay vì ép buộc. Thứ hai, trong khi luật lệ dựa vào nỗi sợ bị trừng phạt để khiến mọi người tránh những hành động xấu, lời khuyên lại khích lệ họ thực hiện nghĩa vụ một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, luật lệ hỗ trợ để một người hướng đến những tính cách tốt, nếu chúng có chỉ dẫn đi cùng với những yêu cầu ràng buộc. Ở điểm này tôi không đồng ý với Posidonius khi ông ta nói rằng:
"Tôi không đồng tình với Plato khi ông ta đưa thêm những lời tựa vào luật lệ. Luật chỉ nên ngắn gọn súc tích, để những kẻ ngờ nghệch cũng có thể dễ dàng ghi nhớ. Chúng nên được thiết kế như tiếng nói của bề trên: ra lệnh, thay vì bàn luận. Không gì tiểu tiết và thiếu thực tế hơn là các điều luật với lời tựa. Nói thẳng cho tôi biết thứ tôi phải tuân thủ. Tôi ở đây để tuân theo luật, chứ không phải để học hay bàn luận".
Nhưng trong thực tế những điều luật ấy lại hữu ích: đó là lý do bạn sẽ thấy những tính xấu trong những vùng có luật lệ không thỏa đáng.
"Chúng không hữu ích trong mọi trường hợp". Đúng, nhưng ngay chính triết cũng vậy, nhưng điều đó đâu có khiến triết trở nên vô dụng và không thể chỉnh đốn tâm trí con người. Hơn thế nữa, chẳng phải chính triết là luật lệ của cuộc sống sao? Và ngay cả nếu ta không chấp nhận rằng luật lệ hữu ích, thì cũng không thể dẫn đến việc cho rằng những lời khuyên hay răn đe thì cũng không hữu ích. Nếu điều đó được kết luận, bạn sẽ phải nói rằng cả những lời an ủi trong mất mát cũng tương tự, và cả những lời cảnh báo, khích lệ, tán dương ngợi ca, hay trách mắng. Có rất nhiều dạng lời khuyên hay răn đe, những con đường khác nhau dẫn đến sự toàn vẹn tâm trí.
Để làm cho tâm trí thấm nhuần những tư tưởng tốt đẹp, hay để chỉnh đốn những tâm trí đang dao động, hướng tới những suy nghĩ sai lầm, thực ra sẽ không gì có thể hữu ích hơn một người đồng hành đức hạnh. Khi họ được thường xuyên mục kiến ông ta, cũng như nghe ông ta, thì những ảnh hưởng ấy sẽ dần dần thấm sâu trong họ, đó cũng là cách những lời khuyên có thể được hấp thụ. Một lần diện kiến với thánh nhân thì chắc chắn là cực kỳ có lợi, vì ta có thể nhận được những lợi ích vô hình ngay cả khi ông ta chỉ im lặng. Làm thế nào điều đó xảy ra sẽ khó có thể giải thích được, nhưng tôi có thể cam đoan với bạn. Như Phaedo đã nói:
"Có những loài sinh vật nhỏ li ti mà khi chúng tấn công ta thậm chí không có chút cảm nhận nào. Nơi chúng đốt hay cắn có thể sẽ hơi sưng tấy, nhưng ngay cả những sưng tấy ấy cũng không thể tạo nên chút thương tổn thực sự nào".
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu bạn có cơ hội diện kiến thánh nhân. Bạn sẽ không nhận ra ông ta giúp ích cho bạn như thế nào, nhưng về sau bạn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng ấy.
"Điều ông muốn nói là gì?", bạn hỏi. Tôi trả lời rằng những lời khuyên đúng đắn, nếu chúng thường xuyên được bạn lưu ý, thì cũng sẽ giúp bạn như khi ở bên một người thông thái vậy. Pythagoras nói rằng trạng thái của tâm trí sẽ thay đổi khi người ta bước vào một ngôi đền (chùa) và nhìn thấy hình ảnh đấng thiêng liêng rất gần với họ và nghe thấy những lời truyền giảng. Sẽ không có ai phản đối rằng ngay cả những người vô tâm ngờ nghệch nhất cũng sẽ được cảnh tỉnh bởi một vài lời khuyên hay răn đe nhất định, giống như những lời ngắn gọn mà cực kỳ có trọng lượng này: "Cái gì quá cũng không tốt"; "Một tâm trí tham lam sẽ không bao giờ thoả mãn"; "Hãy tin rằng người ta sẽ đối xử với bạn đúng như cách bạn đối xử với họ". Những lời khuyên ấy có thể mang đến cho họ sự ngạc nhiên cảnh tỉnh, mà không khiến bất cứ ai phải nghi ngờ hoặc hỏi tại sao. Đó là cách mà chân lý tỏa sáng, ngay cả khi không một lý giải nào được cung cấp. Nếu tôn giáo có thể kiềm chế mọi người và kiểm soát lỗi lầm của họ, tại sao những lời răn đe lại không thể làm tương tự cơ chứ? Nếu sự hổ thẹn được tạo nên bởi những khiển trách, thì tại sao những lời khuyên hay răn đe không có hiệu ứng tương tự ngay cả nếu nó là những lời thẳng thắn khó nghe nhất? Đồng thời, chắc bạn cũng sẽ thừa nhận rằng một lời khuyên sẽ trở nên có hiệu quả và sẽ dễ thấm nhuần hơn khi nó bao hàm một vài lý do như tại sao một hành động cụ thể nên được thực hiện và lợi ích gì người thực hiện nó có thể mong đợi.
Nếu những nội quy là hữu ích, thì những lời khuyên hay răn đe cũng vậy; mà thực tế thì cho thấy rõ ràng là nội quy luôn có ích.
Có hai phần của phẩm cách: một là sự nghiên cứu tìm hiểu chân lý, và một là định hướng cho mỗi hành động hay cách cư xử trong đời. Cũng như việc nghiên cứu có thể được chỉ dẫn, thì những hành động có thể có những lời khuyên hay răn đe để tránh sai lầm. Những hành động đúng đắn thì vừa củng cố niềm tin của ta vào phẩm cách, vừa lại là sự thể hiện ra bên ngoài của chính những phẩm cách của ta. Nếu một người khi chuẩn bị hành động được trợ giúp bởi những sự khích lệ thuyết phục, thì anh ta cũng có thể được trợ giúp bởi những lời khuyên hay răn đe. Bởi vậy nếu những hành động đúng đắn là thiết yếu cho phẩm cách và những lời khuyên hay răn đe chỉ ra đâu là những hành động đúng đắn, thì những lời khuyên hay răn đe cũng cần thiết. Về cơ bản có hai thứ củng cố sức mạnh của tâm trí: sự cam kết với chân lý và sự tự tin vào chính nó. Lời khuyên hay răn đe hỗ trợ cả hai: chúng gợi nhắc về chân lý, và từ đó khích lệ tâm trí với khát vọng tốt đẹp (của việc tuân theo chân lý) và tạo cho tâm trí một sự tự tin từ bên trong. Bởi vậy nên những lời khuyên hay răn đe không phải là vô ích.
Một vĩ nhân, Marcus Agrippa - người duy nhất trong những người có được sự nổi tiếng và quyền lực từ nội chiến mà thực sự mang lại lợi ích cho chính quyền - từng nói rằng ông ta chịu ơn những lời này rất nhiều: "Hợp lại khiến những sức mạnh nhỏ trở nên vĩ đại; chia ra sẽ làm suy vong ngay cả kẻ thù mạnh nhất". Ông ta nói rằng những lời ấy khiến ông ta có được những người anh em và bạn bè tốt. Nếu những lời ấy, một khi thấm nhuần vào tâm trí, có thể chỉnh đốn nó và tiếp thêm sức mạnh cho nó, thì tại sao một phần của triết, bao gồm toàn những lời như thế, lại không thể có tác dụng tương tự cơ chứ? Phẩm cách bao hàm một phần do học hỏi và một phần do rèn luyện. Một người vừa phải học, nhưng cũng vừa phải rèn luyện, áp dụng và củng cố những bài học bằng hành động của mình. Vậy nên không chỉ những bài giảng triết là có ích mà cả những lời khuyên hay châm ngôn, thứ khiến ta nhận thức rõ ràng về cảm xúc của mình vào đưa chúng vào kiểm soát, như thể bởi luật lệ, và khiến chúng không thể khiến ta hoàn toàn mất đi lý trí của mình.
Những người đối lập sẽ nói: "Triết phân thành các phần: kiến thức và sự sắp xếp tâm trí. Một người đã học và tiếp nhận những thứ cần phải làm thì thực ra vẫn chưa hoàn toàn có được sự thông thái, ít nhất cho đến khi tâm trí anh ta đã chuyển hóa hoàn toàn những thứ anh ta đã học. Phần thứ ba, phần bao gồm những lời khuyên, chỉ là phần được phát triển từ hai phần đầu - những nguyên tắc về nhận thức và cách sắp xếp cũng như kiểm soát suy nghĩ. Vậy nên nó không cần thiết, vì hai phần kia đã là đủ để khiến một người thấm nhuần về phẩm cách". Cách suy nghĩ ấy sẽ khiến cả những lời an ủi động viên cũng sẽ trở thành vô dụng (vì nó cũng được phát triển từ hai phần cốt yếu đó), và tương tự những lời răn đe, thuyết phục, và ngay cả những dẫn chứng, vì chúng là sản phẩm của một cách sắp xếp tâm trí. Nhưng trong khi một sự sắp xếp tâm trí sáng suốt thông thái đúng là nguồn gốc của tất cả những thứ đó, thì chính nó cũng được củng cố từ chúng; nó vừa là nguồn gốc, và cũng là sản phẩm của chúng.
Hơn thế nữa, thứ mà họ đang bàn đến là về một người đã toàn vẹn được tâm trí anh ta và có được hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Nhưng để đến được mức ấy là một con đường dài. Trên con đường ấy, những kẻ chưa thực sự toàn vẹn, nhưng vẫn luôn kiên trì với việc hoàn thiện tâm trí cần được tiếp tục chỉ ra một cách rõ ràng cách để họ có thể tiến bước. Có lẽ đúng là sự thông thái thật sự thì tự nó bao hàm tất cả những điều ấy, mà không cần đến những lời khuyên hay châm ngôn, một khi nó đã nâng tâm trí đến mức có thể thẳng tiến theo con đường ấy. Nhưng những tâm trí không vững vàng đến mức ấy cần ai đó đằng trước họ để nói với họ: "Đây là thứ bạn cần tránh; đó là thứ bạn cần thực hiện". Bên cạnh đó, nếu một người đợi đến khi anh ta biết chắc thứ gì cần làm, anh ta sẽ có thể bị lầm đường trước đó, và vì vậy mà sẽ khó để đến được mức mà tự anh ta hiểu sẽ phải làm gì tiếp theo. Bởi vậy nên anh ta cần được chỉ dẫn cho đến khi có thể hoàn toàn tin tưởng vào khả năng và sức mạnh tâm trí mình. Nên nhớ trẻ học bằng cách làm theo những hình mẫu. Những ngón tay của chúng được nắm lấy và dẫn đi theo những con chữ bằng bàn tay người hướng dẫn; sau đó chúng được dạy là làm tương tự với những đoạn khác với cùng thao tác và tiếp sau mới đến những đoạn chúng viết. Tương tự như thế, tâm trí ta cũng cần được hỗ trợ trong khi đang đi theo những hình mẫu ta có.
Đó là những lập luận để chứng tỏ rằng phần về lời khuyên hay châm ngôn của triết không phải là vô dụng. Có một câu hỏi mở rộng từ đó là liệu phần ấy có thể tự nó khiến một người trở nên thông thái hay không. Ta sẽ bàn về vấn đề này ở một lần khác. Giờ, bỏ sang bên những dẫn chứng, rõ ràng là ta sẽ cần đến một người hướng dẫn để đưa ra những lời khuyên trái ngược với tiếng nói của đám đông. Vì gần như không có từ ngữ nào của đám đông đến tai ta mà không làm hại ta: ta bị hại bởi cả những lời cầu nguyện tốt đẹp và những lời nguyền rủa. Trong khi những lời nguyền rủa gieo mầm một nỗi sợ hãi không nguyên cớ trong ta, thì sự ưu ái của bạn ta cũng có thể làm hại ta ngay cả khi họ hoàn toàn thiện chí, vì chúng hướng ta đến việc tìm kiếm hạnh phúc, sự tốt đẹp trong những thứ bên ngoài, không chắc chắn có được và lại dễ thay đổi, trong khi ta hoàn toàn có thể tự mang lại hạnh phúc cho mình. Với những điều ấy, tôi có thể khẳng định với bạn, ta sẽ không được phép tự mình tiến bước trên con đường thẳng. Cha mẹ, và ngay cả nô lệ của ta cũng khiến ta chệch đường. Không ai lầm lỗi chỉ với bản thân mình; những sai lầm của ta mở rộng ra mọi người xung quanh, và ngược lại. Đó là lý do tại sao trong mỗi cá nhân bạn có thể nhìn ra cả sự thoái trào của cả một quốc gia, vì chính quốc gia, hay đám đông đã lan truyền chúng cho anh ta. Mỗi người trở nên suy đồi trong chính việc làm hư hỏng kẻ khác. Anh ta học những thói xấu, rồi dạy chúng, nên những suy nghĩ xấu xa được lan rộng và trở thành một đám đông tồi tệ. Vậy nên ta cần có người canh giữ, để kéo tai ta, gạt bỏ những thứ người đời nói, và phản đối những sự tán dương ca ngợi của đám đông. Bạn đã sai khi cho rằng những thói xấu được nhen nhóm trong chính mình: phần lớn chúng được chất đống lên ta từ bên ngoài trong sự giao tiếp với xã hội. Đó là lý do những suy nghĩ trong đầu ta - nhưng thực ra là tiếng vọng của những âm thanh từ đám đông - nên được loại bỏ bằng những lời răn đe thường xuyên.
Tự nhiên không áp lên ta những thói xấu; nó tạo ra ta một cách toàn vẹn và tự do. Nó không đặt thứ gì đáng thèm muốn vào tầm mắt để kích động ta. Nó thực ra đã giấu vàng bạc dưới chân ta, và cho phép ta nén chặt và giẫm lên chúng như mọi thứ khác mà ta vẫn thường nén và giẫm lên. Thậm chí, nó còn hướng ta lên với bầu trời, và muốn ta nhìn những thứ thật đẹp và lung linh nó đã tạo ra: mặt trời mọc, ánh hửng sáng như đến từ thiên đường, sự thay đổi nhanh chóng của nền trời, thứ cho ta thấy trái đất vào ban ngày và thiên đường vào ban đêm; sự di chuyển của những hành tinh khác, thứ có vẻ chậm nếu bạn so sánh chúng với sự thay đổi của nền trời nhưng lại nhanh nếu bạn xem xét quỹ đạo chúng di chuyển với tốc độ không thay đổi; mặt trời và mặt trăng với quỹ đạo hình eclipse khi chúng che lấp lẫn nhau; và những ấn tượng khác mà bạn sẽ phải trầm trồ, cả những thứ đi theo quỹ đạo tròn quen thuộc và những thứ tiến lên trước khi bị thúc bởi một nguồn sức mạnh bất ngờ, như những vệt lửa dài trong đêm hay một ánh chớp trên bầu trời trong không mây với không một tia sét hay tiếng sấm; hoặc những hàng, những chùm sao, hay bất cứ một hiện tưởng như bốc lửa nào khác.
Mọi thứ mà ta cần tự nhiên đã đặt ra trước mắt ta; nhưng vàng, bạc, và những kim loại quý khác, những thứ không bao giờ có thể cho ta sự yên bình, tự nhiên đã chôn giấu chúng, như cách nó cố gắng báo hiệu sẽ là tồi tệ nếu ta có được chúng. Chính chúng ta là người đã đào chúng lên, để có thể chém giết nhau vì chúng; chính chúng ta là người đã lôi lên thứ vừa là nguyên nhân vừa là công cụ của những nguy hiểm bằng cách moi móc dưới lòng đất; chính chúng ta giao phó những hành động sai trái của mình cho vận mệnh và không lấy làm hổ thẹn trong việc xem trọng những thứ đã từng bị chôn vùi dưới đất sâu. Bạn muốn biết giá trị thực sự của những thứ ánh bạc vàng làm mờ mắt bạn? Không gì có thể bẩn thỉu và đen tối hơn những thứ kim loại bị chôn vùi dưới lòng đất và bị phủ một lớp xỉ bên trên. Chắc chắn thế. Khi chúng được đem lên bởi xe đẩy trong đường hầm tăm tối, không gì có thể xấu bằng chúng trong quá trình luyện tinh và tách chúng khỏi những thứ xỉ hay cặn bã bám cùng. Sau đó, hãy nhìn người thợ phải cạy những thứ đất khô gắn vào nó dưới lòng đất. Nhìn bồ hóng bám đầy người họ. Nhưng thực ra những kim loại ấy làm nhơ bẩn tâm trí nhiều hơn là cơ thể, và những người sở hữu chúng thì còn “dơ bẩn” hơn cả những người phải làm việc với chúng.
(Lời người dịch: ý cuối này hơi gắt. Nhưng một quan điểm có lẽ thuyết phục hơn: khi giá trị bên trong càng ít người ta càng phải chất thêm những thứ được cho là có giá trị bên ngoài).
Vậy nên cần thiết phải có những răn đe, có người hướng dẫn chính trực, và giữa rất nhiều những mập mờ rối rắm của cuộc đời, những lời nói giả trá lọc lừa, ta có thể nghe một giọng nói cuối cùng. Đó là giọng nói nào? Là giọng nói mà, ở giữa những ồn ào của sự tự đề cao, thì thầm vào tai bạn:
"Không có lý do gì để bạn phải ghen tị với những người thường được coi là vĩ đại và may mắn, không lý do gì để những người mặc áo tía với đội quân bảo vệ có thể khiến bạn chán ghét cái cuộc sống bình lặng của mình, không lý do gì để bạn đánh giá họ may mắn hơn bạn, chỉ vì con đường của họ được trải rộng không chút chông gai và những người bảo vệ họ đuổi bạn sang bên hè. Nếu bạn muốn có một vị thế hữu ích cho bản thân mà không phải gánh nặng cho bất cứ ai, hãy cố gắng loại bỏ những sai lầm hay thói xấu của chính mình. Rất nhiều người có thể đốt cháy nhiều thành phố, hay tiêu diệt cả đội quân phòng thủ được mệnh danh là vững vàng và đã ở đó bảo đảm an toàn cho nhiều thế hệ, để nâng những ụ đất cao bằng những bức tường lỗ châu mai và làm tiêu tan những tường thành với phiến gỗ phá thành và sự vây hãm. Rất nhiều người dũng mãnh tiến lên, gây áp lực lên giáp kẻ thù, và đẩy chúng đến bờ biển ướt sũng máu đối phương; nhưng những người ấy, để có thể đánh bại kẻ thù, lại chính họ đầu hàng trước những ham muốn tham vọng của mình. Họ dũng mãnh tấn công như không có bất cứ trở ngại nào, nhưng chính họ cũng không thể cản trở những tham vọng của bản thân và sự tàn bạo. Cùng lúc họ đang tàn phá quân thù, thì chính bản thân họ cũng bị tàn phá (từ bên trong)".
Lòng tham tìm cách chiếm đoạt đất đai của những đất nước xa xôi thấm nhuần tâm trí của Alexander bất hạnh và khiến ông lên đường đến những vùng đất mới. Liệu bạn thực sự đánh giá ông ta cao, người bắt đầu từ sự sụp đổ của Hy Lạp, nơi ông ta khôn lớn, người tước đoạt sự thịnh vượng của rất nhiều quốc gia lãnh thổ, bắt những người Sparta làm nô lệ, người Athen phải câm lặng? Không thỏa mãn với sự sụp đổ của tất cả những vùng mà Philip đã trị vì hoặc mua được, ông ta đạp đổ chỗ này, chiếm chỗ nọ, và quấy phá gần như toàn bộ thế giới (thời đó, bao gồm châu Âu, Phi, Á) với quân đội của ông ta. Như những con thú hoang cắn mỗi chỗ một chút, nhiều hơn cơn đói của nó đòi hỏi, sự tàn bạo và tham lam của ông ta không bao giờ có thể được thỏa mãn. Có lúc ông ta đã gộp rất nhiều những vương quốc vào thành một; khi khác cả Hy Lạp và Ba Tư sợ cùng một người; khi khác, ngay cả những người mà Darius cho tự do cũng phải chịu dưới ách của ông ta. Nhưng ông ta còn vượt biển và cả mặt trời, nghĩ rằng ông ta sẽ hổ thẹn khi những chiến công của mình không vượt xa như Hercules hay Bacchus, ông ta chuẩn bị để tấn công cả tự nhiên. Ông ta không muốn luôn luôn phải di chuyển, nhưng lại không thể dừng lại, cũng giống như một tảng đá khi lao xuống dốc thì không thể dừng lại, trừ khi nó đã xuống đến đáy mà thôi.
Động lực khiến Gnaeus Pompey quyết tâm theo đuổi những trận chiến cả ở ngoài lãnh thổ và trong thuộc địa không phải là phẩm cách hay sự tính toán công bằng mà là tham vọng điên rồ về một sự vĩ đại hão huyền. Lúc thì ông ta tấn công Tây Ban Nha và Sertorius, lúc khác ông ta thu hút những tên cướp biển và mang bình yên trên biển cả - với lý do thâm hiểm là che giấu sự mở rộng quyền lực của ổng. Biển sẽ đưa ông ta đến châu Phi, lên phía bắc, chống lại Mithridates, và cả Armenia, và tất cả mọi nơi trong lãnh thổ châu Á. Chỉ với một lòng ham muốn trở nên vĩ đại hơn nữa, vì chỉ có ông ta là còn chưa thấy sự vĩ đại của mình. Thứ thúc đẩy Caesar hợp nhất sự phá hủy của ông ta với nhà nước? Lòng kiêu hãnh, tham vọng, và sự vượt trội không giới hạn với mọi kẻ khác. Ông ta không thể chịu đựng việc có bất cứ ai hơn mình, dù ngay cả nền cộng hòa chấp nhận hai người trị vì.
Bạn có nghĩ rằng chính phẩm cách là động cơ để Gaius Marius - người một lần duy nhất có được chức vụ quan chấp chính, vì những lần khác ông ta đều dùng thủ đoạn mà chiếm lấy - tìm kiếm bao nhiêu hiểm nguy, khi ông ta chèn ép người Teuton và Cimbri và chiếm lấy Jugurtha qua sa mạc châu Phi? Không, Marius chỉ huy quân đội, nhưng chính tham vọng mới chỉ huy Marius. Trong khi những kẻ ấy khuấy đảo thế giới, thì tâm trí họ bị quay cuồng, cũng giống như trong những trận lốc xoáy, khi nó cuốn mọi thứ xung quanh bởi chính nó cũng đang xoay vòng, và vội vã với sức mạnh lớn lao bởi vì nó không thể tự ra lệnh ngừng cho mình. Vì vậy, sau khi mang đến vô số thiệt hại, họ cũng cảm thấy sự hủy hoại từ bên trong, với chính sức mạnh mà họ đã hủy hoại mọi thứ bên ngoài. Bạn đừng bao giờ tin rằng một người có thể trở nên hạnh phúc từ sự bất hạnh của người khác.
Ta cần phải đối lập lại những ví dụ đó, những thứ bị nhồi nhét qua cả mắt lẫn tai mình, và tẩy bỏ những lời nói nguy hại khỏi trái tim ta. Phẩm cách cần được lấp vào chỗ trống mà những lời nói ấy đã chiếm giữ, để nó loại bỏ hoàn toàn sự giả trá và những ý tưởng sai lầm, và có thể bảo vệ ta khỏi những tư tưởng phổ biến mà ta đã quá dễ dàng chấp nhận và tin tưởng, và đưa ta trở lại với những tư tưởng đúng đắn vững vàng. Đó, thực chất, chính là sự thông tuệ: trở về thuận theo tự nhiên và lấy lại được quyền tự kiểm soát mà những sai lầm thông thường của xã hội, của đám đông đã lấy mất của ta. Sự mực thước, đúng đắn bao hàm phần lớn là việc tránh được sự xâm phạm của những điên khùng và tránh càng xa càng tốt việc tiếp cận với những thứ có hại. Để biết rằng điều gì là đúng, bạn chỉ cần để ý sự khác biệt trong mỗi người khi họ biểu hiện trước đám đông và khi chỉ có một mình. Không phải sự cô đơn ấy dạy những người ngây thơ nhiều hơn là cuộc sống đồng quê dạy cho một người cách sống giản dị, nhưng khi mà một người không bị soi xét bởi những ánh mắt xung quanh, những thói xấu anh ta nhiễm từ đám đông sẽ mất dần ảnh hưởng. Bạn nghĩ thử xem, đâu có ai diện vào người những bộ áo choàng tía khi không có ai ngắm nhìn họ? Ai dùng những chiếc đĩa vàng khi anh ta ăn một mình? Ai ngồi xuống dưới bóng mát của một cây cao nơi đồng quê và khoe khoang sự giàu có của mình khi không có ai ở đó để trầm trồ? Không ai ăn diện chỉ để cho mình ngắm, hay ngay cả cho một vài người bạn thân: anh ta chất thêm vào người nhiều hơn những lễ phục trang sức khi có nhiều hơn những người xung quanh. Đó là cách sai lầm được phổ biến tới mọi người. Mọi mong muốn điên rồ đều được làm trầm trọng hơn bởi sự ngưỡng mộ trầm trồ của những kẻ xung quanh. Nếu bạn kiềm chế việc phô trương, bạn sẽ kiềm chế được ham muốn của mình. Tham vọng, sự giàu sang, và tính đồng bóng cần một sân khấu cho chúng; bạn sẽ dễ dàng chữa được chúng nếu bạn không cho chúng có đất lộ diện.
Bởi vậy, nếu ta thấy mình ở giữa một thành phố náo nhiệt, hãy có một người thầy ở bên cạnh ta và khiến ta nhớ về những thứ đối lập với những kẻ tán dương của cải, thay vào đó ngợi ca người có thể thỏa mãn với chỉ một chút tài sản, người biết nghĩ về tài sản theo giá trị sử dụng của chúng. Ngược với cả những người chuộng chức quyền, người thầy của ta nên khẳng định sự quan trọng của thời gian dành cho sự học tập rèn luyện bản thân, để tâm trí có thể phớt lờ những thứ bên ngoài và tập trung vào chính nó. Ông ta nên chỉ ra những kẻ hạnh phúc theo tiêu chuẩn của đám đông, mà thực ra lại sống trong ghen tị với những người cao hơn mình, đồng thời lo sợ và mất hết tinh thần vì những nhận thức của họ về bản thân khác xa những gì người đời nói về họ. Những nơi cao quý với kẻ khác với họ lại chỉ là vị trí bấp bênh tạm thời. Vậy nên họ lo sợ bất cứ khi nào nhìn xuống từ vị trí của họ, nghĩ rằng mọi thứ đều có thể xảy ra và lên càng cao càng dễ trơn ngã. Rồi họ sợ cả những thứ họ có được, và vận may khiến họ đàn áp người khác giờ lại đàn áp chính họ. Rồi họ ca ngợi thư nhàn và độc lập, chán ghét công danh, và cố thoát khỏi vị trí của họ trong khi vận may ấy vẫn bám lấy họ. Chỉ khi đó bạn sẽ thấy họ đến với triết, trong nỗi sợ hãi, tìm kiếm một cứu cánh cho số phận "quá may mắn đến phát ốm" của mình. Bạn thấy không, nó như thể vận may và những phẩm cách, đức hạnh tốt đẹp ở hai thái cực khác nhau vậy. Ta sẽ sáng suốt hơn trong gian khó, vì giàu sang lấy đi của một người sự đúng mực.
Tạm biệt!
A Dreamer
*******
Đặt mua sách Seneca tại: https://shp.ee/7vhvu5g
Bản tiếng Anh:
Lần đầu tiên đăng bài trên Spiderum mà dài quá lag cmn luôn :((
Anh em bản tiếng Anh đọc ở Wiki hay lấy sách trong Google drive của mình nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Các bài viết khác của tác giả:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất