Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.                                                             Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.#
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 121

Bạn thân mến!
Có lẽ bạn sẽ thưa kiện tôi, nếu biết tôi đã để mình chú tâm vào một vấn đề nhỏ trước khi viết cho bạn, vấn đề mà hai ta đã vướng bận quá lâu rồi. Bạn sẽ lại hét lên rằng: "Thứ ấy có gì liên quan đến đạo đức cơ chứ?" Hãy cứ bắt đầu hét lên; nhưng trong khi đó, để tôi tìm cho bạn một vài đối tượng khác để thưa kiện, đó là Posidonius và Archedemus: chính họ mới là người phải lên toà đối chất với bạn. Tiếp đó, để tôi nhắc lại rằng thứ gì liên quan đến đạo đức thì vẫn chưa chắc có thể tạo ra một sự tuân thủ chuẩn mực đạo đức trong thực tế (Lời người dịch: câu này bản tiếng Anh hơi tối nghĩa, nhưng cả bản wiki cũng thế, nên thôi mình đành theo. Nhưng mình đoán ý Seneca ở đây phải là: Không phải cứ thứ gì liên quan đến đạo đức thì sẽ có tác dụng trong việc tuân thủ đạo đức trong thực tế. Và tương tự, những thứ tưởng như không liên quan đến đạo đức lại có thể sẽ có tác động đến việc tuân thủ ấy). Một người nghiên cứu những thứ dinh dưỡng của con người, người khác về rèn luyện thể chất, rồi về phục trang, hay ngay cả việc tiếp thu kiến thức, rồi giải trí: tất cả những thứ đó đều liên quan đến các khía cạnh cuộc sống của con người, dù không phải tất cả chúng đều có thể khiến người ta trở nên tốt đẹp hơn. Tương tự, với đạo đức, tính tình, cách hành xử của con người bị ảnh hưởng bởi những thứ khác nhau theo những cách khác nhau: có vài thứ trong số đó chỉnh đốn và đề ra các luật lệ, những thứ khác lại nghiên cứu về tự nhiên và nguồn gốc của mọi thứ. Khi tôi hỏi tại sao tự nhiên tạo ra con người và tại sao nó khiến con người trở nên thống trị muôn loài, liệu bạn có kết luận rằng tôi đã từ bỏ phạm trù đạo đức? Kết luận đó sẽ không chính xác. Ý tôi là, làm sao bạn có thể biết rằng cách cư xử nào nên được tuân theo nếu bạn không tìm hiểu về thứ gì là tốt đẹp nhất cho con người, hay nghiên cứu về đặc tính tự nhiên của con người? Bạn sẽ không thể hiểu được mình nên làm gì và không nên làm gì, bao lâu bạn còn chưa học được thứ gì bạn thực sự được ban cho từ nguồn gốc tự nhiên của mình.
"Tôi muốn", bạn nói, "học cách làm thế nào có thể giảm bớt những ham muốn và sợ hãi của mình. Hãy giúp tôi rũ bỏ những mê tín hay tin tưởng vô căn cứ. Dạy cho tôi rằng thứ thường được gọi là hạnh phúc thực ra chỉ nhỏ nhặt và vô nghĩa, và rất dễ dàng có thể đặt thêm tiền tố để trở thành đối ngược (unhappiness)". Tôi sẽ chiều lòng bạn: tôi sẽ khích lệ những phẩm cách trong bạn và đẩy lùi những thói xấu. Ngay cả nếu ai đó thấy tôi hơi thái quá và không còn giữ được sự đúng mực trong nhiệm vụ ấy, tôi sẽ không dừng việc khủng bố những thói xấu ấy, chặn đứng những cảm xúc mãnh liệt chúng dấy lên, và kiểm soát sự bành trướng của tiện nghi hưởng thụ, thứ sẽ sớm chuyển thành nỗi đau, và chống lại những thứ mà người thân bạn bè thường mong cầu cho ta (như tiền bạc, của cải, quyền chức). Phải, đó là ý tôi; vì những thứ họ mong cầu thì thực ra chỉ tệ cho ta mà thôi, và khi họ được hài lòng là lúc ta cần được an ủi (vì bị chi phối bởi những thứ bên ngoài đó).
Trong khi đó, cho phép tôi bàn đến chủ đề có vẻ hơi xa cách những thứ hai ta đang quan tâm. Ta từng bàn về việc liệu các loài động vật có nhận thức riêng của chúng hay không. Bằng chứng cốt lõi cho bên nhận định rằng chúng có là sự chuyển động một cách linh hoạt và thuần thục của chúng, như thể chúng được huấn luyện để làm vậy. Không một sinh vật nào thiếu đi sự linh hoạt để quán xuyến sự sống của nó. Bạn có thể dễ dàng quan sát cách một người thợ xây thuần thục với dụng cụ của mình; hay một hoa tiêu nắm trong lòng bàn tay phải lái con thuyền của mình như thế nào; hay một người vẽ chân dung sẽ rất nhanh chóng chọn được đúng nguồn màu sắc và di chuyển nhanh bằng mắt và tay giữa bảng màu và giá vẽ. Một con vật thì cũng linh hoạt như thế trong mọi cử động khi nó sử dụng cơ thể mình. Ta thường thán phục những vũ công kịch câm, vì chính đôi tay của họ đã truyền tải mọi ý nghĩa thông điệp và cả cảm xúc, và những vận động của họ có thể bắt kịp cả với tốc độ của lời nói. Tóm lại, có vẻ như những thứ nghệ thuật ban cho người nghệ sĩ, thì tự nhiên cũng ban cho các loài động vật. Không một loài nào gặp khó khăn trong việc sử dụng các cơ chi; và không loài nào thất bại trong việc sử dụng chúng. Hơn thế nữa, chúng thực ra làm được như thế từ thời điểm chúng sinh ra trên đời - những kiến thức ấy chúng có được ngay từ khi bắt đầu cuộc sống. Hay nói cách khác, chúng sinh ra đã như được rèn luyện rồi.
Một người có thể nói: "Lý do các loài động vật có thể thông thạo việc sử dụng cơ chi là vì chúng sẽ cảm thấy đau đớn nếu di chuyển theo bất cứ cách nào khác. Chúng bị bắt buộc phải tuân theo như vậy, đúng như cách những người trường phái các ông vẫn nói; và thứ khiến chúng di chuyển một cách thuần thục là nỗi sợ, chứ không phải ý muốn". Điều ấy hoàn toàn sai. Những di chuyển bởi sự cần thiết, trong điều kiện bị bắt buộc thì chậm chạp; trong khi sự linh hoạt là dấu hiệu của di chuyển một cách tự phát. Thực tế, thay vì buộc phải di chuyển theo cách linh hoạt ấy vì nỗi sợ đau, chúng sẽ thậm chí cố gắng có được cách di chuyển tự nhiên ngay cả nếu điều đó đi kèm với đau đớn. Hãy quan sát cách một đứa trẻ muốn đứng dậy và bắt đầu quen với với việc hỗ trợ cơ thể mình: ngay khi nó bắt đầu muốn thử xem những hỗ trợ ấy mạnh đến đâu, nó sẽ ngã; nhưng nó sẽ lại đứng dậy, vẫn khóc lên khóc xuống, cho đến khi nó đã, một cách đau đớn, rèn luyện bản thân mình theo thứ mà tự nhiên đòi hỏi. Khi những loài động vật vỏ cứng bị lật ngược, chúng sẽ cứ mãi lăn lộn và thậm chí đào xuống với những cái chi của chúng và xoay sang bên cho đến khi chúng có thể trở lại được tư thế đúng. Một con rùa bị lật ngược không cảm thấy đau đớn, nhưng nó sẽ bị xáo trộn vì mất đi trạng thái tự nhiên và sẽ cứ mãi tìm mọi cách để có thể quay lại. Vậy nên ta có thể nói tất cả các loài vật có nhận thức về trạng thái tự nhiên của chúng, và điều đó giải thích tại sao chúng thuần thục đến vậy trong việc sử dụng cơ thể mình. Thực tế, đây là bằng chức rõ ràng nhất ta có để chỉ ra rằng chúng được sinh ra cùng nhận thức ấy: không một loài động vật nào không có kỹ năng sử dụng cơ thể.
"Theo những người thuộc trường phái các ông", người phản đối nói, ‘tổ chức suy nghĩ của chúng là thứ điều khiển tâm trí, và nó được sắp xếp sẵn cùng sự liên kết với cơ thể’. Làm cách nào mà một đứa bé mới sinh hiểu được một thứ quá rắc rối và đã qua tinh chế, thứ ngay cả các ông cũng khó có thể mô tả một cách rõ ràng? Mọi loài vật phải được sinh ra như những nhà ngôn ngữ mới có thể hiểu được những thứ khó hiểu cho phần lớn người La Mã”. Lời phản đối đó sẽ có hiệu lực nếu tôi nói rằng loài vật cũng hiểu được định nghĩa chung về tổ chức nhận thức, chứ không phải là tổ chức nhận thức của chính nó. Sẽ dễ dàng để hiểu được tự nhiên hơn là diễn tả nó. Vậy nên đứa trẻ mới sinh thì không có khái niệm về tổ chức ấy, nhưng lại có ý niệm về tổ chức ấy của chính đứa trẻ. Nó không biết loài vật là gì, nhưng nó nhận thức được chúng.
Hơn thế nữa, cái hiểu của nó về tổ chức nhận thức của chính nó thực ra cũng rất mơ hồ, sơ bộ, và không rõ ràng. Bạn có thể thấy nó cũng tương tự như việc chúng ta biết rằng mình có một tâm trí, nhưng vẫn không hiểu tâm trí là gì, ở đâu, nó thực sự trông thế nào, và từ đâu nó đến. Ta nhận thức được về tâm trí của mình, ngay cả khi ta không biết về trạng thái tự nhiên và vị trí của nó. Cách loài vật có nhận thức về tổ chức suy nghĩ của chúng cũng tương tự như vậy. Một cách cần thiết, chúng có nhận thức về thứ mà từ đó chúng biết về những thứ khác; chúng biết chúng phải tuân theo điều gì, và thứ sẽ chỉ đạo chúng. Mỗi người trong chúng ta đều hiểu rằng có thứ gì đó làm dấy lên những thôi thúc, nhưng ta không thực sự biết đó là gì. Một người hiểu rằng có một yếu tố truyền động lực cho anh ta, nhưng anh ta không biết đó là gì và từ đâu nó đến. Tương tự, ngay cả trẻ con và loài vật cũng có nhận thức về phần chỉ đạo chúng, nhưng nhận thức ấy thì không rõ ràng để có thể diễn tả ra được.
"Bạn nói rằng mỗi loài từ khi bắt đầu sự sống đều đã được gắn cho nhận thức về tổ chức suy nghĩ của nó, nhưng đồng thời cũng nói tổ chức ấy ở con người là lý trí. Bởi vậy nên loài người thực ra không phải là một sinh vật sống, mà là một sinh vật lý trí, vì loài người trở nên tốt đẹp bằng sức mạnh, phẩm cách của phần làm nên con người ấy. Vậy, làm thế nào mà trẻ em được gắn cho tổ chức lý trí khi chúng chưa có khả năng sử dụng lý trí?"
Thực ra mỗi giai đoạn của cuộc đời có tổ chức nhận thức riêng: một cho mới sinh, một cho đứa trẻ, một cho giai đoạn thanh niên, một cho trưởng thành. Mỗi giai đoạn ta lại được gắn với một tổ chức nhận thức riêng như thế. Cũng giống như đứa bé mới sinh thì không có răng, và tổ chức nhận thức của nó phù hợp với điều kiện hoàn cảnh ấy. Rồi thì răng mọc; và đứa bé thay đổi tổ chức nhận thức cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Vì ngay cả một lá lúa, thứ sau đó sẽ sinh ra hạt, cũng có một tổ chức chi phối khi nó mới chớm và hiếm khi cao hơn luống cày, một tổ chức chi phối khác khi nó đã có sức sống và có thể vươn lên từ thân, thứ dù mềm, vẫn có thể chịu được sức nặng của nó, và rồi lại một tổ chức khác khi nó phát triển đến độ và những hạt lúa nặng trĩu xuống, báo hiệu mùa gặt đã về. Bất cứ tổ chức chi phối nào cây lúa đạt đến, nó cũng sẽ duy trì và tích hợp được. Những giai đoạn trong đời là khác biệt - từ lọt lòng, đến tuổi thơ, đến thời niên thiếu, đến tuổi trẻ, đến trưởng thành. Nhưng tôi, từng là một đứa trẻ, một cậu trai, một chàng thanh niên, thì vẫn là một. Vậy nên, dù tổ chức nhận thức thay đổi, thì chủ thể vẫn luôn có thể gắn và tích hợp với nó. Sự tích hợp tự nhiên thì không giống nhau với đứa trẻ như với một cậu thanh niên hay như với một người trưởng thành, nhưng đều là cho tôi như một con người. Bởi vậy nên đứa trẻ thì được gắn với tổ chức nhận thức của nó, rồi thì cậu nhóc với tổ chức nhận thức khác, và sẽ khác biệt với tổ chức nhận thức của một cậu thanh niên. Dù sau này khi trưởng thành thì tổ chức nhận thức có vẻ cũng đạt đến trạng thái cao hơn, sâu rộng hơn, điều đó không đồng nghĩa là tổ chức nhận thức của một đứa trẻ thì không thuận theo tự nhiên.
Một con vật được gắn đầu tiên với bản thể của nó; vì phải có thứ gì đó để mọi thứ khác được hướng đến. Tôi tìm kiếm thoải mái tiện nghi. Cho ai? Cho bản thân mình. Vậy tức là tôi đang chăm lo cho chính mình. Tôi tránh đau đớn. Cho ai? Cho bản thân mình. Vậy tức là tôi đang chăm lo cho chính mình. Nếu tôi làm mọi thứ chỉ vì chăm lo cho chính mình, thì sự quan tâm đang có đỉnh là tôi, trên tất cả mọi thứ khác. Sự quan tâm ấy, ta sẽ thấy chúng ở các loài động vật, nó không phải được áp lên chúng, mà được thấm nhuần từ khi chúng sinh ra. Tự nhiên nuôi dưỡng tất cả giống loài của nó và không từ bỏ một sinh linh nào. Và vì đối tượng bảo vệ tốt nhất là đối tượng ở gần nhất, nên mỗi cá thể đều được giao phó cho chính mình. Vậy nên, như tôi đã viết trong thư trước, ngay cả những con vật nhỏ bé mới sinh hay nở ra từ trứng, ngay lập tức biết rằng thứ gì có hại, và phải tránh thứ gì có thể giết chúng. Chúng thậm chí còn thể hiện cả những phản ứng sợ hãi với bóng của những loài bay lượn trên bầu trời, vì quá mong manh trước những loài chim ăn thịt. Không một loài vật nào đến với cuộc đời mà không mang theo mình nỗi sợ chết.
"Làm thế nào động vật lúc mới sinh có được nhận thức về thứ hoặc là tạo cảm giác an toàn hoặc là nguy cơ chết chóc?". Đầu tiên, câu hỏi của chúng ta là liệu chúng có thể hiểu những thứ đó, chứ không phải như thế nào. Việc các loài động vật có được nhận thức ấy có thể được chứng minh từ thực tế rằng nếu chúng phải tiếp nhận những thứ ấy sau này, chúng cũng sẽ không làm gì khác với những hành động chúng đã làm trước đó. Bạn có bao giờ hỏi tại sao con gà mái thì không tránh xa con công hay con ngỗng, nhưng tránh diều hâu, loài nhỏ hơn nhiều so với những con kia, và thậm chí là loài mà bọn gà có thể còn chưa một lần nhìn thấy? Tại sao gà lại sợ chồn mà không sợ chó? Rõ ràng bằng chứng cho thấy chúng có những nhận thức ấy một cách bản năng, chứ không phải từ kinh nghiệm, thứ sẽ khiến chúng bị thương; vì chúng tránh những nguy hiểm ấy trước cả khi chúng có được kinh nghiệm.
Thứ hai, để bạn khỏi nghĩ rằng điều đó xảy ra một cách may mắn, chúng không sợ nhiều thứ hơn chúng cần phải sợ, và chúng không bao giờ quên những cảnh giác và chú ý ấy. Nói cách khác, chúng luôn không đổi trong việc tránh những hiểm nguy. Thêm nữa, chúng không trở nên nhút nhát hơn trong sự sống của chúng (mình đoán ý Seneca là chúng sẽ không sợ những loài nào khác nữa ngoài những loài chúng đã biết sợ từ bẩm sinh). Điều đó cho thấy chúng đã được sinh ra với điều kiện nhận thức, không phải bởi kinh nghiệm, mà là kết quả của nhận thức tự nhiên để bảo vệ bản thân mình. Thứ kinh nghiệm sau này có thể dạy chúng thì quá chậm và không đồng đều trên tất cả cá thể; còn nhận thức tự nhiên ban cho thì ngay lập tức và giống nhau trong mọi cá thể.
Nhưng nếu bạn ép tôi, tôi sẽ nói với bạn rằng loài vật không thể không nhận ra những nguy hiểm. Chúng nhận thức được rằng chúng có cơ thể; và vì vậy chúng biết những thứ có thể xé xác hay thiêu đốt hay đè nát, và những loài nào khác có thể làm hại chúng. Loài vật thu nhận một ấn tượng rằng những thứ đó thì nguy hiểm và thù địch. Những xu hướng ấy thì liên kết với nhau: mỗi loài được gắn với nhận thức để bảo vệ bản thân mình, đồng thời chúng cũng biết tìm kiếm những thứ có lợi tương tự như cách chúng tránh những thứ có hại. Được thôi thúc tìm đến những thứ hữu ích là một đặc tính tự nhiên, thì tránh những thứ trái ngược cũng thế.
Bất kể thứ gì tự nhiên ban cho thì đều sẽ ngay lập tức có thể sử dụng mà chẳng cần đến việc suy ngẫm để nhớ, hay chuẩn bị trước. Chẳng lẽ bạn không thấy rằng loài ong thông minh đến thế nào trong việc làm ra tổ của chúng, hay phối hợp nhịp nhàng thế nào trong việc thực hiện những nhiệm vụ? Hay bạn không thấy mạng nhện hoàn toàn vượt trên khả năng con người có thể sao chép, và nhiệm vụ ấy khó khăn thế nào để chăng từng sợi, nhiều trong số chúng phải thẳng để có thể hỗ trợ, còn một số lại giăng vòng một cách ngày càng siết, để những con vật bé nhỏ phải bị vướng vào và giữ chặt như một cái lưới không thể thoát ra? Cái nghệ thuật ấy phải là bản năng, chứ không phải được học. Đó là lý do không con nào trong cùng loài lại có kỹ năng vượt trội hơn các con khác. Bạn sẽ thấy mạng của những chú nhện khác nhau thì vẫn giống nhau, hay trong tổ thì mỗi tảng ong sẽ giống nhau. Bất cứ một sự trui rèn nào cũng sẽ phải di dịch và không thể giống y khuôn; nhưng bản năng tự nhiên thì được phân phối cân bằng.
Tự nhiên không ban cho loài nào nhiều hơn những bản năng cần thiết để tự bảo vệ và duy trì sự sống của mình, đó là lý do tại sao các loài vật bắt đầu học cách sống ngay thời điểm chúng sinh ra. Và không ngạc nhiên rằng chúng được sinh ra với chính xác khả năng mà nếu không có thì sự sống của chúng sẽ vô vọng. Đó là trang bị đầu tiên của tự nhiên ban cho chúng để có thể tiếp tục tồn tại - gắn chặt với bản thể của mình và có tình yêu với nó. Chúng sẽ không thể có đủ sức mạnh để tồn tại nếu khao khát tồn tại không được nhen nhóm trong chúng. Dù đúng là nếu chỉ riêng khao khát ấy thì không đủ để giúp chúng, nhưng nếu không có nó thì cũng không gì có thể hỗ trợ cả. Bạn sẽ không tìm được bất cứ loài vật nào mà coi thường sự sống của bản thể của mình, hay thậm chí chỉ là không quan tâm đến. Ngay cả những loài vật câm lặng, dù rất ngu ngốc ở rất nhiều khía cạnh, cũng vẫn cực kỳ thông minh trong việc duy trì sự sống. Bạn sẽ thấy những loài như thế, vô dụng với kẻ khác, lại hoàn toàn không kém cỏi chút nào với sự sống của chính chúng.
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)