[Stoicism] - Dịch Seneca (117): Ta nghiên cứu triết, phải chăng để phân biệt giữa sự thông tuệ (wisdom) và trạng thái sáng suốt thông hiểu (being wise)?
Lời tựa : Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không...
Lời tựa:
Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.
Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.
Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:
Bức thư số 117
Bạn thân mến!
Bằng việc cứ cho tôi những câu hỏi vụn vặt như thế, bạn đang khiến tôi bận rộn mà không nhận ra rằng bạn đặt tôi vào thế lưỡng nan giữa một loạt những tranh biện đầy rắc rối. Tôi không thể cứ vô tình mà chống lại trường phái của mình trong những điểm như thế, nhưng bên cạnh đó thì tôi cũng không thể cứ nhắm mắt đồng ý với họ, khi đã thâu suốt hiểu biết của mình. Bạn đang hỏi về thực hư câu tuyên bố của Stoicism rằng sự thông tuệ (wisdom) là thứ tốt đẹp, nhưng trạng thái sáng suốt thông hiểu (being wise) thì không. Đầu tiên tôi sẽ giải thích những luận điểm của Stoicism, sau đó sẽ đưa ra quan điểm của riêng mình.
Stoicism cho rằng thứ gì tốt đẹp thì cũng phải thực sự hiện hữu, vì thứ gì tốt đẹp sẽ có thể hành động, và bất cứ thứ gì hành động thì cũng phải hiện hữu. Thứ gì tốt đẹp thì có lợi, nhưng để một thứ được coi là có lợi, nó phải hành động; và nếu nó có thể hành động, nó hiện hữu. Stoicism tất nhiên cho rằng sự thông tuệ là một thứ tốt đẹp. Vậy nên họ cũng phải chấp nhận rằng nó hiện hữu. Nhưng họ không cho rằng trạng thái sáng suốt thông hiểu có cùng đặc điểm như vậy: nó vô hình và phụ thuộc vào một thứ khác - chính là sự thông tuệ (ý Seneca ở đây mình đoán là phụ thuộc vào việc sự thông tuệ có biểu hiện ra hay không, nếu có, thì đối tượng ở vào trạng thái sáng suốt thông hiểu, nếu không, trạng thái ấy sẽ không tồn tại). Vậy nên nó không hành động hay trở thành có lợi với đối tượng khác. "Vậy là sao? Chẳng phải chính Stoic các ông nói rằng trạng thái sáng suốt thông hiểu cũng là một thứ tốt đẹp?". Đúng là Stoicism đã nói vậy, nhưng là ám chỉ thứ nó phụ thuộc vào, tức chính là sự thông tuệ.
Đối lập lại những thành viên Stoicism ấy, bạn hãy thử nghe câu trả lời bởi những người khác trước khi tôi đưa ra quan điểm của chính mình. "Theo cách đó", những người có quan điểm khác nói, "trạng thái sống trong hạnh phúc (living happily) cũng không phải là thứ tốt đẹp. Dù có ưa quan điểm ấy hay không, trường phái các ông sẽ phải trả lời một cuộc sống hạnh phúc (happy life) thì tốt đẹp, nhưng trạng thái sống hạnh phúc thì không". Luận điểm phản đối sau đây cũng được đưa ra: "Các ông muốn trở nên thông thái, bởi vậy trạng thái sáng suốt thông hiểu là một sự lựa chọn chính đáng; và nếu nó chính đáng, nó phải là thứ tốt đẹp". Khi đó những người Stoic sẽ bị buộc phải uốn nắn ngôn từ và đòi hỏi việc thêm một âm tiết vào chữ "xứng đáng chọn lựa" (choiceworthy), thứ không có trong ngôn ngữ La tinh của chúng ta. Nếu bạn cho phép, tôi sẽ làm điều đó thay họ. "Thứ tốt đẹp là", họ sẽ giải thích, "thứ xứng đáng được lựa chọn", thứ đến với ta khi ta đạt được sự tốt đẹp mình mong muốn. Vậy nên việc chọn lựa thứ tốt đẹp không tự nó tốt đẹp, mà chỉ là thêm vào cái tốt đẹp mà ta đang cam kết.
Tôi không có cùng quan điểm, và tôi cho rằng những thành viên Stoicism khác rơi vào cái bẫy này bởi chính họ đã bị trói buộc vào mối quan hệ tiền đề và từ đó không có tự do để thay đổi lập luận. Vì chúng ta có thói quen quá dễ dàng chấp nhận những thứ đã được chấp nhận bởi đám đông, và ta thường cho rằng nếu mọi người cùng đồng ý ở một điểm thì điểm đó phải đúng. Ví dụ, ta nghiệm rằng đấng thiêng liêng tồn tại (với một vài lý do khác nữa) nhưng quan trọng nhất là bởi vì mọi người đều thấm nhuần ý kiến này và không một dân tộc nào ở bất cứ đâu quá tách biệt khỏi luật lệ và những phong tục đến nỗi không tin vào sự tồn tại của đấng thiêng liêng. Khi ta bàn đến sự bất tử của tâm hồn, ý kiến ấy rất có sức nặng đến nỗi mọi người thường sẽ đồng ý với nó và hoặc là sợ hãi hoặc là cầu nguyện cúng bái bóng tối của âm ty. Vậy, tôi sẽ sử dụng chính đặc điểm này để phản ánh rằng: bạn sẽ không tìm thấy bất cứ ai phản đối nhận định rằng cả sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu đều tốt đẹp.
Nhưng tôi cũng sẽ không làm thứ mà những đấu sĩ thua cuộc làm và chấp nhận ý kiến của đám đông (đấu sĩ ngày xưa có luật nếu thất bại có thể bỏ vũ khí, qùy xuống cúi đầu, đám đông bảo giết thì giết, còn bảo tha thì sẽ được sống). Hãy để ta chiến đấu với vũ khí của chính mình. Đầu tiên, ta cần xét thứ tác động ở đây là từ bên trong hay bên ngoài. Nếu nó từ bên trong, thì nó cũng sẽ hiện hữu như thứ nó tác động lên. Vì không thứ gì tác động lên thứ khác mà không chạm vào nó, và thứ gì có thể chạm thì cũng sẽ hữu hình; không thứ gì tác động mà không có hành động, và thứ gì có thể hành động thì hữu hình. Nếu nó từ bên ngoài, thì nó phải được thu lại sau khi đã tác động. Nếu nó được thu lại, thì nó có thể dịch chuyển, và thứ gì có thể dịch chuyển thì cũng hữu hình.
Bạn đang hy vọng tôi sẽ từ chối ý kiến rằng một cuộc đua (race) thì khác với trạng thái đang đua (racing), hay nguồn nhiệt (heat) với đốt nóng (heating), hay nguồn sáng (light) với trạng thái chiếu sáng (lighting). Tôi đồng ý rằng chúng khác biệt nhưng không cho rằng chúng thuộc về tình trạng khác biệt nhau. Nếu sức khỏe là một thứ không khác biệt, thì ở trạng thái khỏe mạnh cũng vậy. Và nếu vẻ đẹp bên ngoài là một thứ không khác biệt, thì ở trong tình trạng xinh đẹp cũng thế. Nếu công bình là một thứ tốt đẹp, thì trạng thái công bình cũng thế; nếu hổ thẹn là một thứ xấu xa, thì ở trong trạng thái đáng hổ thẹn cũng thế, cũng giống như, nếu đau mắt là một thứ tồi tệ, thì việc ở trong tình cảnh có mắt bị đau cũng thế. Một bằng chứng là, hãy xem xét: không thứ gì có thể tồn tại mà không có thứ còn lại. Một người có sự thông tuệ thì sáng suốt, và một người muốn ở trong trạng thái sáng suốt thông hiểu thì phải có sự thông tuệ. Không thể nghi ngờ rằng một thứ cũng giống hệt thứ còn lại; thực ra, rất nhiều người chấp nhận rằng chúng là một.
Nhưng tôi muốn hỏi những người phản đối điều này: vì mọi thứ đều hoặc là tốt hoặc là xấu hoặc là không khác biệt, thì loại nào họ sẽ chọn để áp với trạng thái sáng suốt thông hiểu? Theo quan điểm của họ, nó không phải một thứ tốt đẹp, và nó chắc chắn chẳng thể được coi là một thứ xấu xa. Vậy nó phải được đặt ở trung gian. Nhưng những thứ trung gian cũng là những thứ Stoicism gọi là không khác biệt, ý chỉ tiều bạc, vẻ đẹp bên ngoài, và danh vọng quyền lực, những thứ có thể thấy ở cả người xấu lẫn người tốt. Nhưng cái ta đang xét, trạng thái sáng suốt thông hiểu, không thể thấy ở bất cứ ai không thông thái. Bởi vậy nên nó không thể được đặt cùng loại với những thứ không khác biệt. Và, như đã nói, nó chắc chắn không thể là một thứ xấu, vì không một kẻ xấu xa nào có thể có được nó. Bởi vậy nên nó phải là thứ tốt đẹp. Những thứ mà chỉ có người thông thái mới có thì chỉ có thể là tốt đẹp. Chỉ có những người thông thái mới có thể ở trong trạng thái sáng suốt thông hiểu. Bởi vậy nên nó phải là một thứ tốt đẹp.
Người ta có thể nói: "Nó là một thứ tác động tới sự thông tuệ". Với ý này, tôi sẽ hỏi liệu thứ họ gọi là trạng thái sáng suốt thông hiểu sẽ kích thích sự thông tuệ hay được kích thích bởi sự thông tuệ. Vì dù theo cách nào trong 2 cách đó, khi nó kích thích hay được kích thích, nó đã hành động, và vì vậy mà nó hiện hữu. Vì bất cứ thứ gì hành động, kích thích hay được kích thích, đều sẽ hiện hữu. Và nếu nó hiện hữu, nó là một thứ tốt đẹp; vì lý do duy nhất họ có thể đưa ra để nói nó không phải là thứ tốt đẹp là nó không hiện hữu.
Những người Peripatetic cho rằng không có khác biệt giữa sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu, vì cái này bao hàm cái kia. Bạn sẽ không thể thực sự tin, phải không, rằng có ai đó có thể đạt đến trạng thái ấy mà không sở hữu sự thông tuệ, hay ai đó thực sự sáng suốt mà không sở hữu sự thông tuệ? Nhưng những kẻ nghiên cứu logic về ngôn ngữ trước đây cố tình tạo ra sự phân biệt giữa hai thứ ấy, và từ chính bọn họ mà sự phân biệt ấy đến với Stoicism. Hãy để tôi giải thích cho bạn. Có sự khác biệt giữa "một khoảng ruộng" và "sở hữu một khoảng ruộng" đúng không, vì thứ sau nhắm đến người sở hữu, chứ không phải khoảng ruộng. Tương tự, họ kết luận rằng có sự khác biệt giữa sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu. Tôi tin bạn sẽ đồng ý là có hai thứ ở đây: thứ sở hữu và thứ được sở hữu. Sự thông tuệ là thứ được sở hữu, và con nguời thông thái là đối tượng sở hữu nó. Sự thông tuệ là một tâm trí hoàn hảo, hay tâm trí đến được tầm cao nhất của nó; hay ta có thể nói, sự thông tuệ là nghệ thuật của cuộc sống. Vậy thì trạng thái sáng suốt thông hiểu là gì? Tôi không thể diễn tả nó như một tâm trí hoàn hảo, mà là trạng thái của người sở hữu tâm trí hoàn hảo. Vậy nên một tâm trí hoàn toàn là một thứ, trong khi việc sở hữu một tâm trí như thế là thứ khác.
Người phản đối tôi sẽ nói: "Có những dạng khác nhau của hiện hữu: ví dụ, đây là một con người, và kia là con ngựa. Những dạng ấy được gắn với những sự thay đổi trong suy nghĩ dẫn đến sự thay đổi trong dạng hiện hữu của chúng. Những thay đổi ấy có đặc điểm riêng biệt của chúng, tách biệt với những đặc điểm hiện hữu. Ví dụ, tôi có thể nhìn thấy Cato đang bước đi: những giác quan cho tôi thấy điều đó, và tâm trí tôi tin điều đó. Thứ tôi thấy là sự hiện hữu, và sự hiện hữu đó là thứ tôi đang hướng chú ý của tâm trí và mắt mình đến. Sau đó tôi nói: 'Cato đang đi'. Điều mà tôi đang nói ra không phải là sự hiện hữu của cơ thể đó, mà là thứ phản ánh sự hiện hữu ấy, hay người ta thường gọi là lời tuyên bố, hay sự khẳng định, hay thứ được nói. Tương tự, khi tôi nói sự thông tuệ, tôi hiểu là một thứ hiện hữu; khi tôi nói 'là sáng suốt' (is wise), tôi đang nói về một trạng thái của sự hiện hữu. Có sự khác biệt lớn giữa việc hướng tới một thứ gì với nói về một đặc điểm của thứ đó".
Hãy thử giả dụ rằng ta đang xem xét hai thứ tách biệt (lưu ý tôi vẫn chưa đưa ra quan điểm của mình). Điều gì có thể khiến chúng thôi khác biệt nhau? Tôi vừa đưa ra ví dụ về sự khác biệt giữa "một khoảng ruộng" và "sở hữu một khoảng ruộng". Rõ ràng, người sở hữu có đặc tính tự nhiên khác biệt với thứ được sở hữu. Một là mảnh đất ruộng, một là con người. Nhưng trong vấn đề ta đang bàn, hai thứ có chung đặc tính tự nhiên, cả người sở hữu sự thông tuệ và sự thông tuệ chính nó. Bên cạnh đó, trong trường hợp khoảng ruộng người sở hữu và thứ được sở hữu thực sự rất khác biệt, nhưng ở đây, người sở hữu và thứ sở hữu ở cùng trong một cơ thể. Trong khi khoảng ruộng được sở hữu một cách hợp pháp, thì sự thông tuệ được sở hữu một cách tự nhiên. Khoảng ruộng có thể được bán hay chuyển cho người khác, nhưng sự thông tuệ thì không thể tách rời chủ nhân của nó. Bởi vậy nên bạn không nên đưa ra so sánh giữa những thứ không thực sự khác biệt như vậy.
Tôi đã bắt đầu nói rằng những thứ ta đang bàn đến có thể là hai nhưng cả hai đều có thể là tốt đẹp. Ví dụ, sự thông tuệ, và người thông thái là hai thứ, nhưng bất cứ ai cũng sẽ phải thừa nhận rằng cả hai đều tốt đẹp. Cũng giống như không gì có thể ngăn cản sự thông tuệ và người sở hữu nó tốt đẹp, thì cũng không gì có thể ngăn sự thông tuệ và việc có được nó, tức là ở trong trạng thái sáng suốt thông hiểu, là tốt đẹp. Tôi muốn là một người thông thái chỉ vì chính lý do đó mà thôi: tôi sẽ được ở trong trạng thái sáng suốt thông hiểu. Nếu vậy thì, chẳng phải thứ sau cũng tốt đẹp hay sao, vì nếu không có nó, thứ đầu tiên cũng chẳng phải thứ tốt đẹp nữa? Vì chính bạn chẳng đã thừa nhận, rằng sự thông tuệ sẽ không được tiếp nhận nếu nó chẳng thể được sử dụng hay sao? Vậy đâu là ứng dụng của sự thông tuệ? Để trở nên thông thái. Đó là điều khiến sự thông tuệ đáng quý đến vậy. Loại bỏ khả năng ứng dụng ấy, và sự thông tuệ sẽ trở thành vô giá trị. Nếu tra tấn là xấu, thì việc ở trong trạng thái bị tra tấn cũng sẽ xấu; thực tế, nếu bạn loại bỏ những hậu quả, thì tra tấn cũng chẳng phải xấu nữa. Sự thông tuệ là biểu hiệu của một tâm trí hoàn hảo, và trạng thái sáng suốt thông hiểu là ứng dụng của tâm trí hoàn hảo. Làm thế nào mà ứng dụng của một thứ lại có thể không tốt đẹp nếu chính thứ ấy cũng không tốt đẹp nếu không được sử dụng?
Tôi hỏi bạn liệu sự thông tuệ có đáng cho ta lựa chọn. Bạn trả lời rằng có. Tôi hỏi bạn liệu ứng dụng của sự thông tuệ có đáng. Bạn cũng trả lời có. Thực tế, bạn nói rằng bạn sẽ không chấp nhận sự thông tuệ nếu bạn bị ngăn cản, không được phép sử dụng nó. Và thứ gì đáng cho ta lựa chọn thì tốt đẹp. Trạng thái sáng suốt thông hiểu là ứng dụng của sự thông tuệ, cũng giống như việc ăn nói trôi chảy là ứng dụng của tài hùng biện và nhìn là ứng dụng của đôi mắt. Bởi vậy nên nếu ứng dụng của sự thông tuệ là đáng cho ta lựa chọn; thì trạng thái sáng suốt thông hiểu cũng là đáng lựa chọn. Và nếu nó đáng, nó phải là một thứ tốt đẹp.
Trong tất cả những lời ấy, tôi đang tự trách mắng bản thân mình vì đã phải đi theo đám người mà chính tôi phê phán, và phí lời vào những vấn đề vô thưởng vô phạt ấy. Có ai nghi ngờ rằng nếu nhiệt là xấu, thì việc phải chịu nóng cũng là xấu hay không? Hay nếu cái lạnh là xấu, thì vì phải chịu lạnh cũng xấu? Rằng nếu cuộc đời là tốt đẹp, thì việc đang sống cũng là tốt đẹp? Dù những điểm ấy thích hợp với suy nghĩ phát xuất từ sự thông tuệ, thì chúng cũng không nằm trong bản chất của sự thông tuệ. Và ta chỉ nên dành thời gian của mình với những thứ thực sự đến từ bên trong sự thông tuệ mà thôi.
Cứ cho là ta muốn xem xét vấn đề tranh luận ấy theo những góc tiếp cận khác nhau, thì triết cũng sẽ cho ta rất nhiều hướng. Hãy nghiên cứu đặc tính tự nhiên của các đấng thiêng liêng, hay năng lượng của những vì sao và quỹ đạo khác nhau của chúng, và liệu có đúng rằng những sự kiện đến với đời người sẽ tuân theo những quỹ đạo ấy hay không, hay liệu có phải chính sự di chuyển của chúng là nguồn gốc của di chuyển vật chất và tâm hồn trên trái đất, hay liệu thứ được gọi là tình cờ thực ra có tuân theo những quy luật bất biến và không có gì thực sự xảy ra một cách thực sự đột ngột. Những chủ đề ấy đúng là rất ít liên quan đến đạo đức, nhưng chúng nâng tầm tâm trí và khiến tâm trí hiểu được đúng chuẩn mực của nó. Còn những thứ ta vừa bàn đến thì hạ thấp tâm trí, khiến nó chìm trong những thứ tủn mủn nhỏ nhặt; chúng không khiến tâm trí trở nên rõ ràng linh hoạt hơn, như người ta thường cho là, mà chỉ làm cho nó hẹp hòi và thiển cận mà thôi. Tôi hỏi bạn, liệu ta có nên phí sức lực vào những thứ có thể sai, nhưng chắc chắn là vô dụng? Ta cần phải cẩn trọng trong nỗ lực của mình - ta nợ nó cho những thứ vĩ đại và tốt đẹp thực sự! Làm sao tôi có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu tôi biết liệu sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu có khác biệt nhau hay không, hay trong việc biết rằng cái đầu là tốt đẹp còn cái sau thì không? Nào, ta hãy thử chơi cờ bạc. Hãy tung xúc xắc: nếu bạn được sự thông tuệ, còn tôi được trạng thái sáng suốt thông hiểu. Ta sẽ chỉ kết thúc trong hòa mà thôi.
Tôi thà để bạn chỉ cho tôi thấy cách để có thể đạt đến những điều đó. Nói cho tôi thứ tôi cần tránh và thứ tôi cần hướng tới, sự rèn luyện nào có thể làm vững vàng hơn tâm trí dễ lung lay của mình, hay làm cách nào tôi có thể ngăn những thứ khiến tôi bất ngờ và đau buồn, làm thế nào tôi có thể đối mặt với một loạt những bất hạnh, làm thế nào tôi có thể được giải thoát khỏi những vấn đề đã xảy đến với tôi và những vấn đề tự tôi đem lại cho mình. Dạy tôi làm thế nào có thể chịu đựng đau khổ mà không than vãn và thành công mà không khiến người khác phải chịu đựng, và làm cách nào để không chờ đợi trong thụ động giờ khắc cuối cùng mà có thể tự quyết khi nào mình sẽ rời bỏ thế giới này. Với tôi, không gì đáng hổ thẹn hơn là cầu xin được chết. Nếu bạn muốn sống, tại sao bạn lại cầu xin được chết? Còn nếu bạn không muốn sống, tại sao phải hỏi Chúa thứ mà Ngài đã trao cho bạn ngay từ khi bạn sinh ra đời? Cũng giống như việc chắc chắn bạn sẽ chết một ngày nào đó, dù bạn có muốn hay không, thì cái chết cũng luôn trong quyền của bạn có thể tự định đoạt cho mình. Một đằng thì cần thiết cho bạn, còn đằng kia là lựa chọn của chính bạn.
Tôi mới đọc được đoạn mở đầu cực sốc của một bài diễn văn nổi tiếng: "Giá như tôi có thể chết càng sớm càng tốt". Thật điên khùng, ngươi đang cầu xin một thứ đã có sẵn trong tay mình. "Giá như tôi có thể chết càng sớm càng tốt" Vậy ngươi thậm chí đã già như ngươi nói chưa? Nếu chưa, tại sao phải chờ đợi? Không ai có thể dừng hành động đó của ngươi. Hãy tìm bất cứ cách nào ngươi có thể. Chọn bất cứ hình thức nào của thế giới tự nhiên, và để nó cung cấp cho ngươi cách để tự giải thoát bản thân mình. Xem xét những phần mà thế giới vận hành, nước, đất, không khí: chúng không cho ta nhiều nguyên nhân của sự sống hơn là cách thức để chết. "Giá như tôi có thể chết càng sớm càng tốt"? Ngươi có ý gì khi nói "càng sớm càng tốt"? Tại sao phải định ngày? Cái chết có thể xảy ra nhanh hơn là lời cầu nguyện của ngươi. Những lời ấy đến từ một tâm trí yếu ớt ẻo lả, thứ dùng những lời ấy để cầu xin sự thương hại. Bất cứ ai cầu xin được chết đâu thực sự muốn chết. Hãy cầu xin Chúa cuộc sống và sức khỏe. Nhưng nếu thứ bạn muốn là cái chết, nó có đặc quyền này: bạn không cần phải cầu xin.
Đó là những thứ ta nên ngẫm nghĩ, bạn của tôi, đó là những cách thức để cải thiện và rèn giũa tâm trí. Thực tế, đó chính là sự thông tuệ, hay trạng thái sáng suốt thông hiểu: không tập trung vào những tranh biện chẳng có giá trị và chỉ toàn lý thuyết hay ngôn từ. Khi vận mệnh trưng bày trước bạn hàng loạt những vấn đề mà bạn chưa thể giải quyết, liệu bạn còn đứng đó để uốn nắn câu chữ? Ngờ nghệch đến mức nào khi vẫn cứ đứng khua những thanh kiếm gỗ dùng cho tập luyện sau khi bạn đã nghe hồi tù và báo hiệu chiến trận! Hãy từ bỏ những thứ đồ luyện tập ấy! Bạn cần những thứ thực sự có tác dụng. Nói cho tôi biết cách nào để có thể giữ tâm trí tôi thông suốt không bị sao nhãng bởi bất cứ đau khổ hay sợ hãi nào, cách để có thể chấm dứt gánh nặng từ những ham muốn ẩn sâu ấy. Hãy thực sự làm một thứ gì đó có giá trị ấy!
"Sự thông tuệ thì tốt đẹp, nhưng trạng thái sáng suốt thông hiểu thì không". Đây chính là lý do mà chúng ta bị cho là không thông thái, và toàn bộ triết bị giễu cợt như một trò tốn thời gian.
Tôi sẽ nói với bạn rằng có cả cuộc tranh luận về việc liệu sự thông tuệ trong tương lai là tốt hay xấu. Nói cho tôi biết: bạn có bao giờ phân vân liệu vựa lúa có cảm thấy vụ mùa sắp đến? Liệu trẻ em có sức mạnh hay sự vững vàng nào để khiến chúng cảm giác về sự trưởng thành sắp đến? Trong khi người ta đang ốm đau, họ không thu được gì từ sức khỏe (trong tương lai) nhiều hơn là những vận động viên điền kinh hay đấu vật được sảng khoái bởi kỳ nghỉ vẫn còn ở rất xa hàng nhiều tháng tới. Không ai vô tâm đến nỗi không biết sự thực rằng những thứ trong tương lai thì không tốt đẹp, chính vì chúng ở trong tương lai. Bất cứ thứ gì tốt đẹp cần phải hữu dụng, và chỉ những thứ trong hiện tại mới có thể hữu dụng mà thôi. Thứ gì không thể hữu dụng thì không tốt đẹp, còn nếu nó hữu dụng, nó đã tốt đẹp rồi. Tôi sẽ trở nên thông thái trong tương lai. Nó sẽ trở nên tốt đẹp cho tôi khi nó đến, nhưng ngay lúc này thì không. Một thứ cần phải tồn tại trước khi nó có được những đặc tính nhất định.
Làm thế nào, tôi hỏi bạn, mà một thứ vẫn chưa tồn tại có thể lại tốt đẹp? Nếu tôi nói về một thứ: "Nó ở tương lai", chẳng phải đó chính là chứng cứ rõ ràng nhất rằng nó chưa tồn tại hay sao? Thứ vẫn đang đến tức là chưa thực sự hiện hữu ở thời điểm hiện tại. "Xuân sẽ đến": tôi biết rằng đang độ đông. "Hạ sẽ sang": tôi biết rằng hiện tại không phải mùa hạ. Lập luận đanh thép nhất của tôi về một thứ không hiện hữu thời điểm này chính là nó ở tương lai. Tôi sẽ trở nên thông thái, tôi hy vọng thế, nhưng ngay lúc này thì không. Nếu tôi có nó, thì tôi đã có thể được tự do khỏi những thói xấu và sai lầm của mình. Trạng thái sáng suốt của tôi là ở tương lai. Vậy nên bạn có thể nhận ra là tôi chưa thông thái. Một người không thể cùng một lúc vừa có trạng thái tốt đẹp ấy vừa ở trong trạng thái xấu như bây giờ được. Vì đó là hai trạng thái không thể cùng tồn tại: xấu và tốt không thể cùng được thấy trong một con người.
Vậy nên hãy bỏ qua những vấn đề nhỏ nhặt mà rắc rối ấy và gấp gáp với những thứ có thể thực sự có ích cho ta. Không ai đang cuống cuồng tìm gọi người đỡ đẻ cho con gái lại đi còn đứng đọc thông báo và bản chương trình của hội hè. Không ai đang chạy về chữa cháy nhà mình lại đi nghiên cứu bàn cờ để xem những nước bẫy và cách thoát như thế nào. Nhưng, lạy chúa, những tin tức đó thực ra lại đến với bạn từ mọi phía: nhà đang cháy, con cái bạn đang gặp nguy hiểm, dân tộc bạn đang bị bao vây, và những thứ bạn sở hữu đang bị lục lọi cướp phá. Chồng lên chúng là cả những đắm tàu, động đất, và mọi thứ khiến bạn sợ hãi khác. Khi bạn đang bị vây quanh bởi tất cả những thứ đó, liệu bạn có còn thời gian cho những suy nghĩ lan man? Liệu bạn có còn đả động gì đến việc nghiên cứu sự khác biệt giữa sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu? Liệu bạn có buộc rồi nới những nút thắt, khi mà cái khối nặng ấy của đời người đang đè trên đầu bạn?
Tự nhiên không hề tốt bụng và hào phóng với khoảng thời gian nó cho ta để ta có thể lãng phí. Hãy xem xét bao nhiêu thời gian ngay cả người cẩn thận nhất cũng mất đi. Mỗi người đều sẽ mất một khoảng thời gian trong cuộc đời cho đau ốm, hoặc chính bản thân hoặc người nhà; rồi cho những vấn đề cần thiết, hay những nghĩa vụ của công dân trong cộng đồng xã hội; và ngủ cũng chiếm một phần lớn thời gian cuộc đời. Khi mà thời gian còn lại của ta là cực kỳ eo hẹp và nó còn trôi đi rất nhanh, thậm chí là bay đi, thì liệu ta còn để mình lãng phí thêm với những thứ nhỏ nhặt ấy hay sao? Hãy nhớ rằng tâm trí cũng ưa thích việc suy nghĩ lan man hơn là thực sự rèn luyện và cải thiện chính nó, và chính tâm trí cũng góp phần khiến triết trở thành thú giải trí thay vì thực sự là phương thuốc. Tôi không biết có gì khác biệt giữa sự thông tuệ và trạng thái sáng suốt thông hiểu. Tôi cũng không biết liệu có gì khác biệt giữa việc tôi biết hay không biết kiến thức ấy. Nói cho tôi: khi tôi nắm được sự khác biệt ấy, liệu tôi có thể trở nên thông thái hay không? Tại sao, nếu không, bạn lại khiến tôi bận rộn với những thuật ngữ hơn là thực sự áp dụng sự thông tuệ vào cuộc sống? Hãy khiến tôi dũng cảm hơn, tự tin vào bản thân mình hơn, và khiến tôi có thể đối mặt với vận mệnh trong một trận chiến vinh quang. Và tôi sẽ có thể vượt trên vận mệnh nếu tôi có thể tập trung mọi thứ tôi học được vào mục đích ấy.
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất