[Stoicism] - Dịch Seneca (114): Bàn về sự xuống cấp trong ngôn ngữ mà bạn thắc mắc
Lời tựa : Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không...
Lời tựa:
Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.
Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.
Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:
Bức thư số 114
Bạn thân mến!
Lý do là gì, bạn từng hỏi, khiến một vài thế hệ lại có thể chuộng sự thoái hoá suy đồi trong ngôn ngữ (trong cách hành văn, cách ăn nói giao tiếp)? Tại sao lại xuất hiện những xu hướng của người viết ngả về hoặc thói xấu này hay thói xấu khác, để có những thời kỳ mà mọi thứ được viết ra đều dài dòng, khoa trương, thời kỳ khác lại ẻo lả nhu nhược và chuộng cái đều đều êm tai? Tại sao lúc khác sự kịch liệt lại lên ngôi - gắt hơn thứ họ thực sự muốn truyền đạt - và lúc khác nữa lại là những câu văn bỏ lửng không hoàn thiện và đầy ẩn ý, có tính gợi mở nhiều hơn những thứ được viết ra? Tại sao có những thời đại mà người ta không chút kiêng dè trong cách sử dụng ẩn dụ? Những thứ thường được nói, như cách ngôn của người Hy Lạp: Ta sống thế nào, thì ăn nói thế ấy (ý chỉ sự đời thường, không câu nệ cú luật). Cũng giống như cách hành xử của một người sẽ phản ánh phần nào cách ăn nói của anh ta, thì văn phong, phong cách diễn thuyết ở những thời khác nhau cũng phản ánh chuẩn mực của người dân, liệu rằng kỷ luật có bị lãng quên và sự suy đồi đã lan rộng. Sự xuống cấp của ngôn ngữ chắc chắn là một dấu hiệu của tính hưởng thụ tha hóa nếu người ta không chỉ thấy nó trong một vài cá nhân mà bắt gặp nó ở bất cứ đâu trong đám đông. Trạng thái của tài năng không thể khác với trạng thái của tâm trí. Nếu tâm trí sáng suốt, vững vàng, nghiêm túc, có khả năng tự kiểm soát, thì tài năng cũng sẽ nở rộ. Không lẽ bạn không thấy rằng nếu tâm trí mất đi sự sáng suốt của nó, thì tứ chi sẽ trở nên vụng về, và thậm chí chân không thể bước đi mà chỉ lê về phía trước? Nếu tâm trí bị ảnh hưởng xấu, thì sự mềm yếu thể hiện ở cả cách đi đứng; nếu nó mạnh mẽ và vững vàng, ta thấy những bước dài ngay thẳng; còn nếu nó điên khùng hay tức giận (sự tức giận thực ra chỉ là một biểu hiện khác của điên khùng), thì sự di chuyển của cơ thể bị ảnh hưởng và đối tượng sẽ đi đứng một cách vụng về thay vì linh hoạt. Vậy không lẽ những biểu hiện ấy lại không rõ ràng hơn với tài năng, vì tài năng thì hoàn toàn gắn kết với tâm trí và được tâm trí định hình, định hướng, cũng như kiểm soát?
Cách cư xử trong cuộc sống của Maecenas đã quá nổi tiếng, đến nỗi tôi sẽ chẳng cần phải nói thêm với bạn về cách ông ta đi đứng, sự suy đồi của ông ta, cách ông ta thậm chí còn lấy làm yêu thích những thói xấu của mình mà chẳng cần để tâm đến việc sửa đổi chúng. Vậy ta nhìn nhận được gì? Chẳng phải cách ăn nói của ông ta cũng lỏng lẻo như cái áo chẽn được mặc một cách xiêu vẹo của ổng? Chẳng phải cách chọn từ, cách nói của ông ta cũng “lòe loẹt” như quần áo, người hầu, nhà cửa, cả bạn đời? Ông ta đã có thể là một tài năng thực sự nếu giữ mình đi đúng đường, nếu ông ta không tự làm mình chệch hướng bằng cách cố gắng để người khác không thể hiểu mình, nếu ông ta không phóng đãng ngay cả trong lời ăn tiếng nói. Đó là thứ bạn sẽ thấy trong bài diễn thuyết của ổng: điệu bộ của một kẻ say - từ ngữ xoắn lại với nhau, lan man, và rất tuỳ tiện.
Theo dòng suối nhỏ, bên bờ, đống gỗ thân lớn
Thật đáng hổ thẹn. Thử cả câu này:
Họ xẻ đôi dòng nước với con thuyền và, uốn theo khúc cạn, bỏ lại khu vườn phía sau
Hay:
Ông ta uốn cong những lọn tóc mềm của mình và thủ thỉ trên bờ môi, thở ra trước khi nói, như những chúa rừng ban cho người đến cầu xin một cái cổ rũ xuống
Một nhóm linh hồn không tái sinh, thử thách những kẻ trong bữa tiệc; với cốc rượu họ làm tổn thương mọi gia đình và nhử người ta vào cái chết
Một kẻ thiên tài khó có thể chứng mục chính ngày hội của hắn
Những sợi tơ vàng của ngọn nến nhỏ và những miếng thịt giòn tan
Lò sưởi che phủ bởi mẹ hay vợ
Khi bạn đọc những dòng ấy, không lẽ chúng không khiến bạn liên tưởng ngay đến một người luôn rong ruổi trên đường phố với những phục trang xộc xệch của mình? Khi thay quyền Caesar vì Ngài vắng mặt, ông ta thậm chí không có đai lưng khi đưa ra khẩu lệnh. Đó là người đã xuất hiện ở tòa án công luận, bục diễn thuyết, và trong tất cả những hội hè của dân chúng với chiếc khăn choàng trên đầu, chỉ để lộ tai một bên, giống hệt kẻ nô lệ chạy trốn của tên chủ nô giàu có trong hài kịch. Đây chính là người ở vị trí rất cao trong cuộc nội chiến, với cả thành phố chìm trong hoảng loạn, ông ta đến giữa mọi người trong khi được bảo vệ bởi hai tên hoạn quan, những kẻ có lẽ còn bớt ẻo lả hơn ông ta. Đó là người cứ cưới đi cưới lại, dù ông chỉ có một bà vợ. Những từ ngữ ấy, được kết hợp một cách lung tung bậy bạ, tuôn ra một cách vô cùng cẩu thả thiếu kiểm soát, khác rất xa cách sử dụng ngôn ngữ thông thường, cho thấy tính cách của ông ta cũng kỳ dị, suy đồi, và ngược đời y như vậy. Vậy mà ông ta lại được ca tụng vì lòng nhân từ, vì không dùng đến đao kiếm và không muốn thấy máu đổ, chỉ lạm dụng quyền lực của mình trong những sự cẩu thả ấy mà thôi. Nhưng ông ta đã phá hỏng tất cả những ngợi ca ấy bằng sự màu mè giả bộ trong những lời méo mó, thứ cho thấy rõ ràng rằng ông ta không phải là khoan dung mà là ẻo lả. Bất cứ ai biết nhận định qua những con chữ lòng vòng ấy, hay cách diễn tả kỳ dị chẳng giống ai, hay những ý tưởng mơ hồ - dù có thể chúng rất đáng giá, thì những ý tưởng ấy cũng bị biến thành nhu nhược bởi cách ông ta thể hiện. Đó là một ví dụ về cách tâm trí đã bị suy đồi khi chìm trong tiện nghi.
Trong một vài trường hợp lỗi lầm thuộc về chính cá nhân; những những trường hợp khác nó đến từ thời đại. Khi sự thịnh vượng đem đến ảnh hưởng tràn lan của những hưởng thụ tiện nghi, thì điều đầu tiên xảy ra là người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vẻ bề ngoài, qua quần áo và những chải chuốt; tiếp đó, đến sự quan trọng hóa nội thất; rồi sự chú ý chuyển đến cả chính ngôi nhà: một phần "cánh" khiến ngôi nhà trở thành dinh thự; những bức tường trong nhà óng ánh với đá cẩm thạch nhập từ những vùng xa xôi; trần được dát vàng; và phủ lên một lớp ánh cho cân xứng với sàn nhà kiểu cách. Tiếp đó, sự xa hoa tìm đến bàn ăn. Những thứ mới mẻ, những thay đổi cho khác với truyền thống trở thành xu thế mới: thứ trước kia là món tráng miệng nay chế thành món khai vị; thứ trước kia được bày thiết khách mới tới nay lại dùng để tiễn họ ra về. Một khi tâm trí đã quen với thói từ chối tất cả những giá trị, thói quen truyền thống và thậm chí còn khinh rẻ chúng, nó sẽ tìm kiếm những sự đổi mới, ngay cả trong cách ăn nói. Đôi khi tâm trí họ sẽ tìm lại những từ khó và đã không còn mấy được sử dụng, rồi cố mang chúng trở lại; đôi khi nó (tâm trí) dùng một từ quen thuộc với nghĩa hoàn toàn khác và thậm chí sáng tạo ra những từ ngữ mới mà chưa ai từng nghe trước đó. Đôi khi - xu hướng của chính thời nay - một loạt những ẩn dụ khó hiểu, thường khiến người ta kinh ngạc lại được cho là thời thượng. Một vài người diễn thuyết dừng nói sớm hơn dòng suy nghĩ của họ, cho rằng với cách ấy họ sẽ cuốn hút người nghe hơn nếu câu chữ được bỏ lửng như một dấu hiệu để người nghe tìm đoán. Người khác lại không thể kết thúc một suy nghĩ mà cứ quay đi quay lại với nó, và bới tiếp ra. Người khác nữa lại kéo suy nghĩ xa đến mức sai lầm - việc thực ra một người thỉnh thoảng cũng nên làm, với một tầm nhìn cao hơn - nhưng rồi dừng tại đó, và lại đi yêu cái sai lầm ấy vì chính nó. Vậy nên bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một phong phái diễn thuyết suy đồi lại trở nên thời thượng, bạn có thể đoán được rằng những hành động khác trong cuộc sống ở nơi đó cũng đang suy đồi. Cũng giống như sự xa hoa trong ăn mặc và tiệc tùng là dấu hiệu của tha hóa trong xã hội, thì phong cách diễn thuyết kiểu cách thái quá, không có sự kiểm soát, nếu có thể trở thành phổ biến, sẽ chỉ ra rằng những tâm trí mà từ đó từ ngữ được tuôn ra cũng đã xuống dốc rồi.
Sự xuống cấp trong ngôn ngữ ấy không chỉ được hấp thụ bởi tầng lớp thấp kém, mà ngay cả những người có học thức. Bạn không cần phải ngạc nhiên: dù màu áo choàng của họ khác nhau, sở thích của họ lại không mấy khác biệt. Thứ có thể khiến bạn kinh ngạc hơn nữa là sự ca ngợi không chỉ nhắm đến những biểu hiện của nó trong các tác phẩm hay bài diễn thuyết, mà còn từ chính thói xấu ấy. Đó là thứ đã luôn xảy ra: không một tài năng nào trở nên phổ biến mà không được người ta châm trước một vài lỗi vụn vặt nho nhỏ. Cứ nêu ra bất cứ cái tên vĩ đại nào bạn muốn, và tôi sẽ chỉ cho bạn thấy thứ người cùng thời đã châm trước cho con người ấy, thứ họ xem là có thể lờ đi. Tôi có thể nêu ra cho bạn rất nhiều ví dụ về những người mà sự sai sót của họ không được dùng để chống lại họ, và thậm chí có cả những người mà sai sót chỉ càng làm họ thêm nổi tiếng. Đúng, tôi có thể cho bạn ví dụ về những người cực kỳ nổi tiếng, thậm chí được coi như hình tượng quốc dân, người có lẽ sẽ sụp đổ nếu ai đó nêu ra sai sót của họ, vì những sai sót đó gắn chặt với tài năng được tung hô đến nỗi nếu tách biệt thì sẽ chẳng còn gì để ca ngợi. Hơn thế nữa, thực ra không có một hệ quy chiếu nào nhất định về tài năng diễn thuyết: nó thay đổi theo xu hướng của xã hội, và không bao giờ duy trì một tiêu chuẩn trong thời gian quá dài.
Rất nhiều nhà diễn thuyết thời nay tìm kiếm từ cổ, để họ có thể nghe như thời Mười hai bàn nghị sự (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên). Gracchus, Crassus, và Curio quá gần và quá thông thường với họ: họ tìm trở lại tận Appius và Coruncanius. Những người khác làm ngược lại: họ không muốn dùng bất cứ một khẩu ngữ nào không được chấp nhận và sử dụng trong chính thời đại này, và vì vậy mà có lúc nghe rất thường và không có gì nổi bật. Cả hai thái độ ấy đều sai, cũng giống như việc chỉ dùng duy nhất những cụm có sắc thái nổi bật hay nên thơ, tránh những thứ thông thường và phổ biến vậy. Theo tôi thì tất cả những phong cách đó đều sai lầm. Một bên trau chuốt nhiều hơn cần thiết, bên còn lại lại quá xuồng xã; một bên nhổ cả lông chân, bên kia lại để mặc thậm chí cả lông nách (Lời người dịch: đọc đoạn này thực sự kiểu cười vd, chắc có lẽ là hình ảnh so sánh 'thô nhưng thật' nhất trong cả 124 bức thư).
Giờ hãy xem xét câu hỏi về cách sắp đặt ngôn từ. Có bao nhiêu những sai lỗi tôi có thể nói ra với bạn? Một số người ưa thích cách nói liến thoắng nhưng lại không liền mạch: họ sẽ lập tức chủ động thay đổi nếu có cụm nào đi liền một cách trôi chảy, muốn mọi thứ đặt cạnh nhau đều phải có độ lệch pha. Họ nghĩ rằng có một sự nam tính trong những thứ không trôi chảy và giật cục khi đến tai người nghe. Những người khác lại chuộng sự trôi chảy và nhẹ nhàng êm tai, đến nỗi không chỉ là nghe có nhịp điệu mà phải đúng như âm nhạc. Cần tôi phải nói cả về những người trì hoãn những từ nhất định và khiến ta phải đợi dài cho đến tận cuối cùng của câu? Và còn những người của thời đại chuyển đổi từ phong cách Cicero, như giữ ta trong trạng thái lơ lửng chờ đợi cho đến khi hạ thấp xuống theo một nhịp điệu nhất định? Và những sai lầm cũng không chỉ đến từ các dạng câu, mà còn từ chính những suy nghĩ không thông suốt, ngây ngô và không được kiểm soát, hơi quá táo bạo trong những khẳng định của mình; hoặc nếu chúng rất văn hoa và ngọt ngào; hoặc nếu chúng rất dễ nghe nhưng rỗng tuếch, không có chút giá trị nào.
Những sai lầm ấy có thể lan rộng chỉ bởi duy nhất một diễn giả, nếu người ấy thực sự nổi bật trong thời đại của ông ta; những người khác sẽ dần học theo ông ta và từ đó lại tiếp tục ảnh hưởng đến những người khác nữa. Ví dụ, thời của Sallust, chính từ ổng mà những câu nửa vời lấp lửng, những cái kết đột ngột trong cách nói, và những sự ngắn gọn nhưng khó hiểu, không rõ ràng được cho là thời thượng. Lucius Arruntius, một người vô cùng giản dị và là nhà sử học về chiến tranh Punic, là một người theo học Sallust và từ đó thể hiện tài năng của bản thân qua chính phong cách ấy. Sallust có đoạn viết: "Ông ta tác động đến đoàn quân với bạc"; mang nghĩa, ông ta mua họ. Arruntius cuồng lên với cách diễn đạt ấy và sử dụng nó gần như trong mọi trang viết. Ở một chỗ ông ta viết: "họ tác động đến đám đông vì người của ta"; trong đoạn khác, "Hiero, vua của người Syracus, tác động đến chiến tranh"; trong đoạn khác, "Tin tức ấy tác động đến sự đầu hàng của người Panhormus với người La Mã" (ý chỉ tin tức về người La Mã khiến người Panhormus đầu hàng). Và đó mới chỉ là vài đoạn nhỏ mà thôi, chứ cả cuốn sách của ông ta đầy đặc chúng. Thành ngữ cũng đôi khi được tìm thấy trong tác phẩm của Sallust, và bạn sẽ thấy chúng cũng dầy đặc trong tác phẩm của Arruntius; thậm chí, chúng xuất hiện gần như liên tiếp nhau, và có lý do cho việc đó: một người chỉ tình cờ nghĩ đến chúng, còn người kia tìm cách sử dụng chúng bất cứ lúc nào ông ta có cơ hội. Bạn thấy không, đó là điều xảy đến khi một người coi một sai sót, hay thói xấu như thứ để học theo và áp dụng. Sallust nói về "làm đông nước"; Arruntius trong Quyển 1 của cuốn sách Chiến tranh Punic viết: "Thời tiết bị làm đông một cách đột ngột", và một đoạn khác, với ý chỉ đó là một năm rất lạnh, "Cả năm bị làm đông"; và một đoạn khác nữa, "Sau đó ông ta gửi đi 60 thuyền chở hàng cho quân đoàn và cả những người thủy thủ cần thiết cho việc chuyên chở, vì cơn gió từ phương Bắc đang làm đông họ". Ông ta áp dụng cách sử dụng từ ấy bất cứ khi nào có cơ hội. Sallust nhắc đến trong một đoạn, "Giữa cuộc nội chiến ông ta tìm kiếm thanh danh trong sự đúng mực và công bằng". Arruntius không thể tự kiềm chế mình mà dùng nó ngay trong Quyển 1 rằng "thanh danh" của Regulus là rất lớn. Nhưng những sai lầm như thế, thứ đến từ sự học theo người nổi tiếng thực ra không nhất thiết phải là dấu hiệu của sự quá nuông chiều bản thân hay một tâm trí suy đồi. Bạn chỉ có thể đưa ra đánh giá ấy nếu chúng là sai lầm của chính anh ta, tức chúng đến từ bên trong thay vì ảnh hưởng từ bên ngoài. Khi một người tức giận, ngôn ngữ anh ta dùng cũng toát ra sự giận dữ; khi bị kích động, ngôn ngữ sẽ rối tung lên; hay nếu là một công tử bột, thì ngôn ngữ sẽ ẻo lả và không có sự ngay thẳng gãy gọn.
Hãy xem xét thứ bạn thấy ở những kẻ mày râu nhẵn nhụi, hay cạo chỉ một phần nhỏ xung quanh môi và để phần còn lại tự do mọc, hay mặc áo choàng với những màu sắc rực rỡ hay không thắt đai. Những kẻ ấy không muốn làm gì mà không thu hút được sự chú ý của người khác. Họ thậm chí cố bắt lấy ánh mắt của mọi người và khiến tất cả phải chú ý đến mình, không quan tâm đến những lời phê bình chế giễu miễn là họ được chú ý. Đó là phong cách của Maecenas và những tác giả khác mà sai lầm không phải bởi bất cẩn mà lại cố tình được tạo ra. Chúng đến từ một thói xấu nghiêm trọng của tâm trí. Cũng giống như khi một người uống rượu lời nói sẽ chỉ bắt đầu ấp úng khi mà tâm trí, bị choáng ngợp bởi cồn, trở nên biêng biêng và đầu hàng, vậy nên sự say xỉn trong phong cách (tôi còn có thể gọi nó thế nào khác đây) không ảnh hưởng đến một người nếu tâm trí anh ta không trượt dốc. Vậy nên hãy để ta cẩn trọng với tâm trí mình; vì từ đó mọi ý nghĩ và ngôn từ được tạo ra, rồi cách ứng xử, biểu hiện khuôn mặt, và cả cách đi đứng. Nếu tâm trí sáng suốt và vững vàng, ngôn ngữ cũng cứng cáp ngay thẳng, mạnh mẽ, rắn rỏi; còn nếu tâm trí trượt dốc, thì tất cả cũng suy đồi cùng nó.
Chỉ cần nhà vua còn, và tất cả sẽ đồng lòng nhất trí;
nhưng nếu ngài mất, tất cả sẽ mất đi niềm tin
Tâm trí chính là nhà vua của chúng ta: khi nó không bị ảnh hưởng xấu, tất cả những thứ khác đều rõ nhiệm vụ của chúng, duy trì sự tuân thủ và phục vụ tâm trí; nhưng nếu nó sai lầm, dao động, chúng sẽ lưỡng lự, và nếu nó bị cuốn theo hưởng thụ, thì khả năng kiểm soát cũng như hành động của nó sẽ yếu đi, và khi đó mọi nỗ lực đều trở nên lỏng lẻo, nhu nhược yếu mềm.
Vì tôi đã dùng so sánh ấy, tôi sẽ tiếp tục với nó. Tâm trí ta đôi khi là nhà vua, đôi khi là kẻ độc tài. Là nhà vua khi nó chú ý đến những thứ thiêng liêng cao quý ở con người, quan tâm đến sự phát triển toàn diện của cái cơ thể nó đang cư ngụ bên trong, và không khi nào yêu cầu (cơ thể ấy) thực hiện bất cứ hành động xấu xa hay đáng hổ thẹn nào; nhưng khi nó không kỷ luật, tham lam, dâm dật, nó sẽ chuyển thành ghê gớm, đáng ghét, như một kẻ độc tài. Rồi những cảm xúc mạnh sẽ chiếm lĩnh quyền kiểm soát và đè nặng lên nó. Ban đầu, chắc chắn nó sẽ vui mừng như đám đông dân chúng khi nhận được của bố thí, thứ cuối cùng sẽ dẫn đến sự lười nhác hư hỏng, được nuôi dưỡng mà không có mục đích, và dẫm đạp lên thứ nó không thể sử dụng. Nhưng khi mà căn bệnh độc tài này ngày qua ngày bào mòn sức mạnh của nó, khi sự hưởng thụ đã ăn mòn tận xương tủy, thì nó sẽ tìm vui trong việc nhìn những bộ phận khác của cơ thể, những thứ mà chính nó đã khiến chúng vô dụng vì sự tham lam vô độ: thay vì niềm vui thực sự của chính nó, nó tìm kiếm sự thay thế trong việc quan sát sự buông tuồng của những bộ phận khác ấy, trở thành kẻ đồng lõa và một nhân chứng cho sự tham lam của chúng, vì trong sự ăn uống vô độ nó khiến chính nó trở nên vô dụng. Dù có tất cả mọi tiện nghi để hài lòng, nó lại thấy trong chúng nhiều vị đắng hơn là sự thỏa mãn, vì nó không thể tọng tất cả những thứ ấy vào mồm và bụng mình, vì nó còn có thể cứ cuốn theo bọn hoạn quan và đám đàn bà: nó đau buồn, thực tế, rằng phần lớn niềm vui của nó không thể có được vì sự hạn chế của cơ thể.
Bạn của tôi, chẳng phải đó là sự điên rồ? Không một ai trong chúng ta nghĩ về sự hữu hạn của cuộc đời; hay nghĩ về những yếu đuối hạn chế của chính bản thân mình; thực ra, không một ai nghĩ mình chỉ là một con người! Hãy nhìn những căn bếp, với rất nhiều lò, và những đầu bếp chạy từ lò này qua lò khác: bạn có tin được chúng chỉ để phục vụ một cái dạ dày duy nhất, qua tất cả những chuẩn bị rộn ràng tấp nập ấy? Hãy nhìn hầm chứa rượu, như một cái kho lấp đầy bởi bao loại rượu khác nhau: bạn có tin chúng chỉ để phục vụ cho một cái dạ dày, khi chúng được lưu trữ từ rất nhiều năm và vùng khác nhau? Hãy nhìn cả vùng rộng lớn mà những hạt giống được gieo, bao nhiêu kẻ tá điền làm thuê đang cày cuốc và xới cỏ: bạn có tin chúng chỉ dành cho một cái dạ dày, khi đồng ruộng được chăm sóc cho nó ở cả Sicily và Bắc Phi? Khi nào ta mới có thể có được sự vững vàng và trọn vẹn với chính bản thân mình? Khi nào ta mới có thể kiểm soát những ham muốn? Khi mỗi người có thể đánh giá đúng về bản thân mình và hiểu được đúng những nhu cầu của cơ thể, và nhận ra rằng mỗi người chỉ cần một lượng ít ỏi thế nào và cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn mà thôi. Nhưng không gì có thể thực sự hữu ích cho khả năng tự kiểm soát trong mọi thứ như việc luôn ghi nhớ và nhắc lại rằng cuộc đời thực ra rất ngắn ngủi, và phần nhỏ bé mà ta có được thì luôn không chắc chắn. Trong mọi hành động của mình, hãy nhớ: cái chết ở rất gần ta.
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất