[Spoil] Hạ cánh khẩn cấp vs Chuyến tàu sinh tử
Trước tiên mình xin cảnh báo bài này có Spoil. Vậy nên nếu bạn chưa đi xem phim thì không nên đọc bài này. Xem xong về đọc cũng không...
Trước tiên mình xin cảnh báo bài này có Spoil. Vậy nên nếu bạn chưa đi xem phim thì không nên đọc bài này. Xem xong về đọc cũng không muộn. Bài viết theo quan điểm cá nhân nên sẽ đánh giá chủ quan thôi. Bạn đọc có thể chia sẻ thêm góc nhìn để chúng ta có thêm nhiều góc nhìn thú vị hơn về bộ phim này. Rồi, bắt đầu thôi nào.

Hôm trước mình có đi xem phim "Hạ cánh khẩn cấp" (Emergency Declaration - viết tắt là ED) vì thấy phim này đang hot lắm, quảng cáo là đứng top đầu phòng vé Hàn Quốc. Mình khá là tò mò không biết lý do gì mà phim đạt được hiện tượng này. Lúc đầu chưa biết nội dung, chỉ xem trailer và dàn cast thì thấy cũng ổn đấy. Xem xong thì... không ổn. Vừa xem mình vừa nghĩ về Train to Busan (viết tắt là TtB) bởi vì nó "giống quá". Thế là mình quyết định viết 1 bài so sánh giữa 2 phim này để chỉ ra điểm giống, điểm khác giữa 2 bộ phim.
1. Kịch bản
Giống nhau: phim đều nói về một thảm họa mang tính chất sinh tồn, trong một không gian chật hẹp nhưng có nguy cơ bùng phát trên phạm vi lớn hơn, mang tính an nguy quốc gia.
- TtB: Zombie tấn công đoàn tàu.
- ED: Virus lạ từ khủng bố sinh học tấn công máy bay.
Khác nhau: Khi nhắc tới khủng bố sinh học, virus chết người có khả năng lây lan nhanh, chúng ta nghĩ ngay tới Sars - covid. Đây là thứ khiến cả thế giới điêu đứng suốt mấy năm nay nên khi 1 bộ phim nhắc đến nó sẽ gây chú ý nhiều. Zombie có thể còn xa vời, chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, còn Virus, khủng bố sinh học là thứ chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn, có dẫn chứng thực tế nên gây ấn tượng hơn, cảm giác thật hơn.
2. Tuyến nhân vật
Vì có nhiều nhân vật chính (tới nỗi tôi không biết ai mới là nhân vật chính) nên sẽ điểm qua một số tuyến nhân vật giống và khác nhau.
Nhân vật chính 1: Cựu phi công
Giống nhau: Cả 2 phim đều có hình tượng nhân vật chính giống nhau:
TtB: Hai cha con (cha + con gái còn ít tuổi), thiếu vắng hình ảnh người mẹ (chỉ xuất hiện qua cuộc điện thoại). Người cha ban đầu cũng là một người có nhiều vấn đề. Trong suốt hành trình của phim người cha thay đổi dần để hoàn thiện mình hơn. Thể hiện tình yêu với con gái một cách mãnh liệt, là động lực chính để anh ta làm được những điều "không tưởng".
ED: Cũng là hai cha con. Ở đây người cha là cựu phi công, vì lỗi lầm của mình trong quá khứ mà dằn vặt, bỏ nghề. Nhưng chính vì tình cảm với con gái mà anh ta đã dám đưa ra hành động đột phá cuối cùng, một hành động "không tưởng" với bản thân nhân vật - hạ cánh khi máy bay hết nhiên liệu để cứu tất cả mọi người trên máy bay. Tuy động lực đó không phải 100% từ tình cảm cha con nhưng có thể thấy đó là động lực chính.
Khác nhau: Điểm khác ở tuyến nhân vật này có lẽ là việc thể hiện tình cảm giữa 2 cha con. Cảm nhận của mình là: TtB tuyến nhân vật này diễn đạt hơn, thể hiện sâu sắc hơn. Còn lý do tại sao thì mình không nói rõ được, có lẽ do cảm nhận của mỗi người. Hoặc vì nó giống nhau quá nên bị "lối mòn", khiến cùng 1 cảm xúc xuất hiện tới lần thứ 2 thì cảm xúc lần sau nhẹ hơn, không đủ "chạm".
Nhân vật chính 2: Ngài thanh tra
Giống nhau: giống cả về ngoại hình lẫn tính cách. Một người hết lòng yêu vợ, sẵn sàng làm tất cả để cứu vợ. Nhân vật này thậm chí xuất hiện và ảnh hưởng tới phim còn nhiều hơn cả nhân vật chính. Những tính cách của anh ta thì tuyệt vời, gần như đối lập với nhân vật người cha ở trên.
Khác nhau: điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là người vợ của ngài thanh tra. Người vợ này nhạt nhòa hơn, xa cách hơn (về địa lý) so với người vợ mang bầu ở TtB. Nếu hình ảnh một cô vợ mang bầu đi bên cạnh thì động lực để người chồng hành động lớn hơn nhiều, hợp logic hơn nhiều so với 1 người vợ ở xa. Điều này tạo cho nhân vật ngài thanh tra năng nổ, quyết liệt quá mức. Bởi vì quá giống về hình tượng nhân vật nên khi so sánh giữa 1 người có vợ mới cưới, đang mang bầu, lại ở ngay bên cạnh với 1 người vợ đã cưới lâu, ở xa, lại trong cảnh "không thể tự quyết" thì việc làm của ngài thanh tra là "quá mức, bất khả thi, phi logic". Để đảm bảo tính logic trong hành động của ngài thanh tra thì phải có thêm nhân vật nữ bộ trưởng. Điều này khiến có thêm 1 nhân vật "phụ quan trọng" khiến thời lượng khai thác tâm lý nhân vật chính bị giảm đi.
Các nhân vật phụ
Có kha khá nhân vật phụ trong 2 bộ phim này và họ lại giống nhau, từ hình tượng những nữ học sinh, các bà cô lớn tuổi, một ông chú phân biệt đối xử. Họ có cách hành xử khá giống nhau đến mức tưởng như copy-paste.
Điểm khác biệt: trong TtB các nhân vật phụ này có điểm nhấn hơn, còn ED thì nhạt nhòa hơn. Có lẽ do thời lượng không đủ, các tình tiết quá nhiều dẫn tới không có đất diễn cho các nhân vật phụ này. Thế thì đưa vào làm gì nhỉ? Mình khá khó hiểu điều này. Một sự lãng phí tài nguyên không cần thiết, trong khi vốn dĩ tuyến nhân vật chính còn chưa xong. 180 phút là không đủ để thể hiện quá nhiều thứ như vậy.
3. Thông điệp chính của phim
Giống nhau: đều nói về vấn đề tình người, cách con người đối xử với nhau trong khoảnh khắc sinh tồn, cách họ đối diện với sự vô cảm của đám đông, cách họ đối diện với cái chết, cách họ nỗ lực sinh tồn khi chỉ còn 1 tia hy vọng mong manh. Có lẽ vì kịch bản giống nhau nên thông điệp chính cũng có phần giống nhau.
Khác nhau: Khác biệt đến ở ED nhiều hơn (do phạm vi khai thác rộng hơn nên có nhiều thứ để nói hơn). Sự khác biệt này có nhiều điểm đột phá hơn so với TtB như:
Khác biệt đầu tiên đến từ "tâm lý kẻ khủng bố". Khai thác khía cạnh này tạo ra một điểm nhấn cho phim, giúp nó mang tính "thực tế" nhiều hơn là một đại dịch zombie. Sự chuyển biến tâm lý của 1 kẻ "chán đời, khủng bố, điên khùng" diễn đạt khá hay, nhưng nhân vật phản diện "lộ hình" quá sớm khiến mình thấy nhân vật ấy bớt hay, bớt nguy hiểm, bớt điên cuồng đi nhiều. Hơi tiếc vì nếu khai thác sâu hơn, lộ hình muộn hơn, nói về quá khứ của anh ta nhiều hơn thì sẽ hấp dẫn hơn đấy. Thời lượng không cho phép nên... ok fine!
Khác biệt tiếp theo đến từ yếu tố "xã hội": có màn bỏ phiếu giữa quyết định cho phép máy bay hạ cánh không. Xem đoạn này mình lại nhớ đến phim "The Dark Knight" với bàn bỏ phiếu kích hoạt quả bom ở tàu còn lại của Joker. Tuy nhiên cách giải quyết của ED thì có phần "vội và thiếu chiều sâu" hơn. Việc 1 bộ trưởng đủ khả năng chịu trách nhiệm dựa trên 1 thử nghiệm tức thời của thuốc thì khá là "phi logic". Việc đó cũng khó có thể xoay chuyển tâm lý của đám đông đang biểu tình được. Đây là 1 bước sáng tạo nhưng chưa "tới", chưa đủ thuyết phục.
Khác biệt đến từ quyền lựa chọn cách "hy sinh". Mình cứ nghĩ phim sẽ kết ở đây - hình ảnh máy bay cứ bay trên bầu trời trong sự vô vọng của người thân, trong sự cuồng nộ của những kẻ biểu tình, trong sự bất lực của chính quyền... đó là một cái kết đầy ám ảnh và đọng lại nhiều suy nghĩ trong lòng người xem. Nhưng không! kết có hậu hơn nhiều so với TtB. Mình không phải đạo diễn nên chỉ xem và cảm nhận thôi. Xem xong mình thấy kết như vậy là "non quá" hoặc "già quá". Dành thời gian khai thác tâm lý nhân vật sâu hơn, dành nhiều sự trăn trở cho khán giả hơn, cái kết khó đoán hơn thì sẽ hay hơn. Thật đấy!
Một sự khác biệt nữa là tinh thần "dân tộc". Đây là một trong số ít ỏi phim nói về tinh thần dân tộc của HQ mà mình từng xem. Dù không quá nổi trội nhưng nó tạo một dấu ấn lớn về vấn đề tinh thần dân tộc của người HQ. Việc nói thẳng tới các quốc gia như Mỹ, Nhật khiến mình có cảm giác phim này hơi nặng nề tính chính trị. Nó vừa rủi ro, vừa là cơ hội để phim tạo được điểm nhấn. Dù sao thì khi xem xong mình thấy ok, chi tiết này được đấy. Táo bạo và kết quả là ổn.
4. Kỹ thuật quay phim (khung hình, cảnh quay, kỹ xảo)
Điểm giống chỉ là không gian khá kín trong toa tàu, trong khoang máy bay. Không ảnh hưởng nhiều tới nội dung phim hay gây khó chịu khi so sánh.
Điểm khác: Đây là điều mình đánh giá cao ở ED: việc quay với 1 chiếc máy bay khó hơn nhiều 1 con tàu. Bộ phim đã thể hiện cảm giác trên máy bay rất thật. Rất nhiều cảnh quay khó trên máy bay nhưng họ đã làm rất tốt.
Cảnh máy bay cất cánh ở đầu phim, cảnh hạ cánh ở sân bay Narita, cảnh hạ cánh khi hết nhiên liệu... đều là những cảnh rất "chất lượng". Gần như mình đã không liên tưởng tới bất cứ thứ gì khác ngoài cảm giác đang ngồi trên máy bay.
Cảnh ngài thanh tra ngồi trên xe ô tô khi truy đuổi cũng là 1 cảnh rất hay, nhưng lại là cảnh "phụ", không quá ảnh hưởng tới phim nên cũng hơi tiếc. Giá như đó là cảnh đuổi theo kẻ mang vacxin hay một thứ gì đó đặc biệt quan trọng, liều chết để đuổi theo thì hợp mạch phim hơn. Tuy tình tiết này là cầu nối tới 1 tình tiết khác quan trọng hơn nhưng tại sao lại phải "bắc cầu" thế nhỉ? trong khi vốn thời lượng phim đã hạn chế rồi. Tiếc!
Kết
Mình vốn không hay so sánh, nhưng 2 bộ phim này quá giống nhau (dễ tới 60-70%) nên trong đầu mình luôn hiện lên sự so sánh khi xem phim. Mình kể ra cũng để mọi người cùng thảo luận, trò chuyện giúp mình có thêm góc nhìn, để thoát khỏi sự so sánh. Nếu bạn thấy mình có thiên hướng "chê" phim ED thì bạn cảm nhận đúng rồi, mình cũng công nhận như thế. Mình cho rằng nếu chưa có 1 TtB hay đến thế thì ED sẽ là 1 phim hay. Nhưng việc ED đi vào lối mòn mà TtB đã đi qua thì lại bớt hay đi nhiều. Có một cảm giác tiếc nuối khi xem phim ED do mình đoán được khi nào tình tiết xúc động sẽ xuất hiện, và khi xuất hiện thì nó sẽ giống TtB như thế nào. Việc đoán trước này cũng giống việc bị spoil. Vậy nên mình cũng không thích Spoil. Mình đã cảnh báo từ đầu rồi nên đến đây đừng bảo mình cũng là Spoiler nhé.
Rất mong nhận được những chia sẻ từ các bạn đã xem phim!
Chấm điểm: 7.5 / 10

Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất