Phóng tác từ bài Sông dài cá lặn biệt tăm của bác Sơ Nguyên, lấy góc nhìn của chàng trai trong câu chuyện. Nếu có thể, hãy đọc bài gốc trước để hiểu rõ bối cảnh hơn.
Ảnh bởi
Eva Darron
trên
Unsplash
Sau giờ tan trường, anh và cô ngồi trò chuyện bên bờ hồ khu tập thể. Sau vài chủ đề thường nhật về bạn bè, trường lớp, bất chợt anh bảo rằng anh sẽ đi du học. Đó là thời đất nước mới thoát khỏi cấm vận. Cánh cổng dẫn đến toàn cầu đã bắt đầu hé mở. Anh tin chắc rằng mình sẽ đi du học, vì nhiều lí do, chung quy lại cũng là thiên thời địa lợi nhân hoà. Cuộc đời anh đã được chuẩn bị cho việc này từ lâu.
Bố anh vốn làm ngoại giao, đã từng ra nước ngoài công du vài năm. Lúc đó anh còn bé tí, chỉ nhớ rằng bố đem cả gia đình sang nước ngoài sống. Hết vài năm nhiệm kỳ rồi về, cả nhà ở trong nước từ đó tới giờ. Vừa khéo để anh đi học tiểu học trong nước.
Anh lớn lên với những tờ báo ngoại quốc xếp chồng trên bàn ăn, những cuốn sách ngoại văn nặng trịch bố đem về, những cuộc điện thoại đầy thuật ngữ xa xôi vọng ra từ phòng làm việc của bố. Gia đình hướng cho anh học ngoại ngữ từ nhỏ. Tivi lúc nào cũng rộn ràng tiếng MTV. Lớn lên anh học chuyên Anh ở một trường phổ thông nổi tiếng nhất nhì thành phố. Trong cặp lúc nào cũng có từ điển và sách ôn thi, cứ có thời gian rảnh là lôi ra luyện tập. Mọi sự như đã định sẵn việc du học của anh.
Anh khao khát trải nghiệm và học hỏi những thứ mới lạ. Em nghĩ mà xem, họ đi trước mình cả trăm năm. Hấp thụ kiến thức nơi phương trời xa, đem về hát cho đồng bào ta nghe. Qua rồi cái thời bom đạn thắt lưng buộc bụng. Đây là lúc để hội nhập, đuổi kịp năm châu bốn bể. Anh tin chắc là vậy.
Rồi anh có về không? Cô hỏi.
Về chứ. Hoà nhập chứ không hoà tan - anh quả quyết. Anh chỉ tay vào cái hồ trước mặt: em nhìn xem, cái hồ là trung tâm của khu phố này. Đường đi làm, đường đi học, đường đi chơi, rồi cũng sẽ dẫn về đây. Chắc là đi vài năm, hoặc cùng lắm là từng ấy năm. Rồi ta lại về ta tắm ao ta. Miễn là ta làm ao ta to đẹp sáng sủa hơn.
Rồi anh ứng tuyển một loạt trường bên trời tây. Thư báo kết quả về cả xấp. Có đỗ, có trượt, vào cả danh sách chờ. Suy đi tính lại, anh chọn trường vừa sức, ngành học ổn, hỗ trợ nhiều học phí, lại ở thành phố lớn.
Trước khi đi, anh để lại cho cô bộ sách ôn thi và từ điển. Anh cùng cô ra quán nét, tạo tài khoản Yahoo Messenger để nhắn tin qua lại. Anh còn tạo blog riêng để ghi lại những mới lạ sắp tới, hướng dẫn cô cách truy cập. Về phần cô, cô gói cho anh năm bức thư. Một bức để anh đọc lúc mới sang. Một bức cho lúc khám phá ra điều mới. Một để khi buồn. Một để khi ốm. Một để khi trở về. Anh hứa đi, không được tuỳ tiện mở ra xem đâu nhé. Anh gật đầu, rồi ngoắc tay cô để đảm bảo.
Anh ra sân bay với hai va li nặng trịch và tâm thế háo hức. Khi mảnh đất quê hương trôi dần qua ô cửa sổ máy bay, anh thì thầm hẹn ngày trở lại. Thành phố nơi anh ở giờ chỉ còn là một chấm sáng tí hon ngoài khoảng không vô tận.
Điều đầu tiên anh cảm nhận được khi tới nơi là lạnh và khô. Có đại diện của trường tới đón ở sân bay, đưa về tận kí túc. Qua cửa kính xe, đường phố về đêm vẫn náo nhiệt và sáng rực rỡ. Đến nơi, vứt vali vào góc phòng, anh nhẹ nhõm chìm vào giấc ngủ mê mệt. Cuối cùng anh cũng ở trời tây. Cuộc sống nay đã sang trang mới.
Những điều mới mẻ cứ dần xuất hiện. Anh bị jetlag, mấy hôm đầu anh ngủ li bì từ trưa đến đầu tối. Đồ ăn nhiều, kỳ lạ, đầy dầu mỡ và trông na ná nhau. Ngoài phố có cả da trắng và da đen, cả mắt xanh và mắt đen, cả tóc vàng và tóc nâu, cả áo hai dây và áo trùm mặt kín mít. Cứ vài ngày anh lại viết blog một lần, kể về những thứ lâu nay anh chỉ được xem qua phim ảnh nay được trực tiếp trải nghiệm.
Ấy nhưng sau giai đoạn trăng mặt đầy lãng mạn và thơ mộng, những khó khăn dần nhen nhóm. Anh nghĩ anh giỏi ngoại ngữ lắm, nhưng sang bên này giao tiếp với người bản địa lại là một câu chuyện khác. Nhiều lúc những thứ họ nói không giống với những thứ trong sách ôn thi của anh. Có những lúc thầy giáo nói câu đùa gì đó mà cả lớp cười, trừ anh. Quyển từ điển thì làm quái gì nói đến văn hoá đại chúng của bên họ? Rồi anh đi làm thêm, anh cảm thấy sự kỳ thị ngầm của họ với anh. Họ cứ hỏi anh có hiểu họ nói gì không, như thể anh là một du khách ngoại quốc đến du lịch vài ngày vậy.
Nhưng rồi mọi thứ cũng dần trở lại quỹ đạo. Nghe người khác nói chuyện, anh cũng bỏ túi vài từ lóng, hiểu vài cách giao tiếp bình dân. Xem thêm chút phim, nghe thêm chút nhạc, thế là cũng hiểu sơ sơ văn hoá của họ. Và anh cũng quen với sự kỳ thị ngầm, đối phó bằng cách ậm ừ cho qua chuyện. Anh cũng kết thân được với vài đứa, cả tây cả gốc Á. Rồi anh cũng có bạn gái gốc Việt, học chung lớp chuyên ngành. Đến với nhau vì cảm thấy tương đồng, nhưng chẳng bấy lâu sau lại chia tay vì đầy xung khắc về những giá trị văn hoá cốt lõi.
Anh cũng chẳng thiếu những niềm vui trong cuộc sống xa nhà. Điểm cao. Nhận lương. Xin thêm được học bổng. Trúng tuyển thực tập. Tiệc tùng cùng bạn bè. Thử chất kích thích. Du lịch xuyên đất nước. Tán tỉnh và được tán tỉnh.
Anh thi thoảng vẫn chat Yahoo với cô. Anh vẫn thi thoảng chăm sóc blog của mình. Cô bảo rằng cô đọc hết. Đợt này cô hỏi thăm kỹ hơn bình thường, chắc cô biết anh không vui. Anh không muốn cô thấy anh thất bại. Anh thấy bất an, vì những hào quang lúc ban đầu giờ đã biến mất. Những viễn cảnh anh kể cô nghe bên bờ hồ vẫn chỉ là viễn cảnh. Cuộc sống xa nhà của anh không màu hồng như anh từng nghĩ. Giờ là lúc thể diện và lòng tự ái của anh bị động chạm. Anh nổi cáu, bảo rằng cô chẳng biết gì cả. Em đâu hiểu được tình cảnh của anh. Em đâu biết được những thứ anh phải trải qua. Cứ thế cuộc nói chuyện đi vào bế tắc. Một bên cố chối bỏ, còn một bên thì cố đào sâu, ắt chỉ làm nhau đau. Những cuộc hội thoại thưa dần, rồi tịt hẳn. Cả hai tài khoản không còn sáng đèn nữa.
Bẵng đi vài năm, anh tốt nghiệp và kiếm được một công việc ổn. Đúng chuyên ngành, thu nhập đủ sống, làm văn phòng. Âu cũng gọi là vừa đủ. Thi thoảng anh vẫn nhớ về cô. Thời buổi hiện đại, gõ vài chữ lên LinkedIn hay Facebook là thấy. Thì ra cô cũng đi du học. Anh và cô, mỗi người một phía của đại tây dương.
Đi làm thuê vài năm, anh có ý tưởng kinh doanh, thử mở công ty riêng. Trụ sở đặt ở nước nhà, còn vốn thì từ nhà đầu tư nước ngoài. Cũng có chút thành công bước đầu. Cũng có một đội ngũ nhỏ. Cũng có chút tiềm năng hoá rồng hoá phượng. Nhưng rồi kết quả kinh doanh không khả quan. Những quyết định sai lầm nối tiếp nhau. Nhân viên rời đến bến đỗ khác. Nhà đầu tư cứ thế ra đi. Hết tiền, hết nhân sự, anh lại quay về với vạch xuất phát. Giấc mơ cống hiến cho đất nước của anh đã vụn vỡ như vậy.
Cứ một hai tháng anh lại ngó thử LinkedIn của cô. Mỗi lần xem là mỗi lần thay da đổi thịt. Cô tốt nghiệp. Cô hoàn thành cao học, trường xịn ai cũng biết. Thi chứng chỉ đều đặn. Tham gia hội thảo ở mấy thành phố lớn. Làm ở tập đoàn đa quốc gia. Trở thành gương mặt trẻ nổi bật trên mặt báo. Trở thành người có chút ảnh hưởng trong ngành.
Còn anh thì sau thất bại khởi nghiệp, anh quay lại với cuộc sống văn phòng. Anh ở hẳn trong nước, thi thoảng đi công tác nước ngoài vài tuần vì yêu cầu công việc. Anh không dám liên lạc với cô, mặc dù việc này chẳng khó khăn như thời đăng blog và chat Yahoo. Anh thấy ngại, vì cô bé ngày nào nay đã là một người phụ nữ thành đạt. Anh thấy yếu đuối và bất lực, vì người hiện thực được ước mơ của anh ngày xưa lại là cô chứ không phải anh. Anh đã trở về quê hương, nhưng chẳng hoàn thiện được lời hứa cống hiến mà anh ghi tâm ngày xưa. Đi thật xa để trở về, chỉ là không giống anh kỳ vọng.
Đứa trẻ ngày nào, giờ đã là người trưởng thành, đã đi qua nhiều hỉ nộ ái ố, hư vinh của cuộc đời. Anh tự hỏi liệu cô còn nhớ tới anh, người ngày xưa đã thao thao bất tuyệt về ước mơ xuất ngoại, người đã đưa cô bộ sách ôn thi, người đã nổi nóng và đẩy cô ra xa. Giờ cô đã có học vấn, có sự nghiệp, có danh tiếng. Anh nghĩ rằng, với cô, có lẽ anh chỉ là một kỷ niệm cũ kỹ. Kể cả có cơ hội được gặp lại cô, anh cũng không dám nắm lấy.
Vì giờ anh và cô đã là hai đường thẳng song song.