Sông dài cá lặn biệt tăm
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây: Đã lâu lắm rồi. Đó là giai đoạn ban đầu đất nước...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Với cô khi đó, anh cao vời vợi và đầy mơ ước. Nghe đâu anh học giỏi lắm, trong một ngôi trường nổi tiếng nhất thành phố này. Ngoại ngữ của anh rất siêu. Khi lũ trẻ con như cô mới tập tành xem nhạc MTV thì anh đã biết hát những bài hát của The Beatles, ABBA và Bee Gees.
Trong một lần trò chuyện, anh bảo với cô rằng sẽ đi du học. Mắt anh sáng long lanh khi kể về những điều anh muốn học, muốn trải nghiệm, muốn thử sức. Em biết không, có quá nhiều thứ mình có thể mang về được. Kiến thức. Công nghệ. Đầu tư. Sự văn minh. Nước mình nhiều tiềm năng lắm, chỉ cần những chất xúc tác đó thôi là sẽ đi lên nhanh vô cùng. Anh nói như một giáo sư về kinh tế phát triển.
Rồi anh có về không? – Cô hỏi. Bố cô bảo những người đã bỏ đi xa xứ, từng nếm trải chốn phồn hoa rồi thì sẽ chẳng thiết về đâu. Họ chỉ hứa thôi. Mẹ cô đi xuất khẩu lao động rồi không trở về. Từ đó đến nay ông vẫn ở vậy, không đi bước nữa. Lũ trẻ trong xóm vẫn hát trêu ông “Có vợ mà cho đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ Hồ”. Bị ông đuổi, bọn nó bỏ chạy toán loạn. Trẻ con lúc nào chả ác như thế. Toàn là người lớn dạy cả.
Anh bảo nếu không về thì anh đi làm gì. Anh là cái cây đã mọc bám rễ ở đất này, sẽ không thể nào đi đâu xa lâu được. Vì hoàn cảnh gia đình nên anh đã từng ở nước ngoài vài năm. Dù khi đó còn nhỏ chẳng biết gì, nhưng anh không thích lắm. Ở nhà mình sướng hơn. Và anh ở lì trong nước từ đó đến giờ.
Nhưng để ở nhà sướng thật thì phải làm cho nó tươi đẹp và đàng hoàng hơn. “Vài năm. Vài năm là đủ. Thôi cùng lắm là chừng này năm. Người ta cũng không để cho ở lại đâu”. Anh chỉ vào khu nhà tập thể xây từ thời bao cấp và hồ nước ở bên cạnh rồi thốt lên: Cái nhà này là núi, cái hồ này là sông. Non xanh nước biếc vẫn đây. Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu. Sẽ còn gặp lại.
Ôi cái đồ quân tử Tàu.
…
Anh để lại cho cô một tập sách học ôn thi và một quyển từ điển đơn ngữ rất dày. Em đừng dùng từ điển Việt – Anh hay Anh – Việt nữa. Muốn học tốt thì phải tra thẳng từ điển Anh – Anh. Cô vâng dạ rồi lặng lẽ cất vào tủ, định bụng khi nào anh về cô sẽ trả lại anh nguyên vẹn. Cũng cần có người bao bọc, gìn giữ chúng chứ?
Trước khi anh đi, cô gửi anh năm lá thư. Một để anh đọc lúc mới sang bên đó. Một cho khi nào anh thấy mình khám phá ra điều gì mới. Một lá thư để anh đọc khi nào buồn. Một để nhỡ có lúc anh bị ốm. Một lá thư để dành khi anh chuẩn bị trở về. Cô bảo anh không được mở ra trước. Đừng tò mò. Sự chờ đợi và đúng lúc mới ý nghĩa.
Cô lo lắng cho anh. Cô sợ anh sẽ không ăn uống điều độ. Sợ anh sẽ béo phì. Sợ anh sẽ mải chơi game hay đàn đúm bạn bè mà không chăm lo cho bản thân. Như một người mẹ lo cho đứa con của mình. Nhưng với anh, cô chỉ là một cô bé chẳng biết gì. Cô có khuyên, anh sẽ chỉ cười cho qua chuyện.
Vèo một cái anh đi mất. Cô phải chờ đợi một tuần mới thấy tin anh. Cái ngày ấy Internet và điện thoại rất hạn chế. Những kênh liên lạc duy nhất là email và Yahoo Messenger. Anh bảo ở bên này rất lạnh. Không khí khô và sạch lắm. Anh bắt đầu nhập học, cũng dần quen với múi giờ mới. Giao thông công cộng cũng rất tiện. Ra khỏi nhà là có xe buýt, sau đó lên tàu, rồi vào đến trường học – tất cả đều có sưởi ấm. Đồ ăn nước ngoài rất ngon và lạ, mặc dù chẳng có nhiều lựa chọn.
Cô mừng cho anh. Nhưng đột nhiên cảm thấy trống trải đến kỳ lạ. Cô biết anh không thích nước mắt. Ngày tiễn anh đi, cô cũng không khóc. Từ bé, cô đã rất ít khóc.
…
Cô quay về với cuộc sống cũ của mình. Ngày ngày đạp xe đi học, chơi với lũ bạn gái, chiều về nấu cơm cho bố. Sau bữa tối, cô xin phép chạy vội ra hàng Internet để chờ email hay một vài dòng tin nhắn của anh. Khi đó, chẳng mấy gia đình có máy tính và Internet ở nhà, mà đều phải ra ngoài hàng.
Cô không hình dung được nhiều về cuộc sống của anh bên ấy. Tất cả những gì cô mường tượng được chỉ qua lời anh kể, và có chăng qua một vài bộ phim nước ngoài do đài truyền hình chiếu muộn. Đất nước con người ở nơi đó có văn hóa và lối sống thật kỳ lạ. Những người cô quen chẳng có ai đi du học. Bố cô thì không bao giờ muốn nhắc đến hai chữ “nước ngoài”.
Thỉnh thoảng anh mới trả lời thư hoặc tin nhắn của cô. Có lẽ anh còn bận học, bận cuộc sống mới. Hoặc cũng có thể anh có những mối quan tâm khác. Cô chỉ là một trong số những mối quan tâm đó. Anh có một cái blog, thỉnh thoảng viết vài chữ. Cô đọc, coi như được cập nhật về anh. Cô tự nhủ đó là một điều tốt, miễn là anh bình an.
Nhưng thời gian trôi qua, cô nhận thấy anh có điều không vui. Những lời chia sẻ của anh với riêng cô và cả viết lên blog dường như bớt tươi sáng hơn. Những háo hức ban đầu được thay bằng thực tế. Hóa ra đi du học không dễ như anh tưởng. Ngoại ngữ anh có giỏi đến đâu thì khi lên lớp phải nghe, nói, đọc, viết với người bản địa lại là một câu chuyện khác. Và ngay cả khi anh có thể nghe, nói, đọc, viết thì những giao tiếp xã hội với người bản địa lại càng khác hơn.
Một lần, anh đứng ở bến tàu điện ngầm chờ bạn, thì thấy ba bốn người bước nhanh về phía mình. Anh quay người lại và bất chợt một ai đó ập tới bẻ quặt tay anh ra sau lưng. Một tấm thẻ cảnh sát được chìa ra. Chúng tôi nghi ngờ anh bán thuốc lá lậu. Mùi ẩm của rêu, mặt anh chà sát vào tường. Hai cổ tay đã đặt cứng trong còng số tám. Một viên cảnh sát nhanh chóng khám khắp người anh. Anh giấu thuốc lá ở đâu? Anh có hiểu tôi nói gì không? Mọi người cứ bình tĩnh, mọi chuyện đều ổn, chúng tôi là cảnh sát. Anh cố gắng giải thích rằng tôi hiểu các ông nói gì. Tôi là sinh viên, tôi đứng chờ bạn. Tôi hiểu các ông nói gì. Còn các ông, các ông có hiểu tôi đang nói gì không?
Lần khác, cũng ở bến tàu điện ngầm. Một bà già đang lúi húi với những chiếc vali quá khổ bên cầu thang. Anh bước đến và đề nghị. Tôi có thể giúp đỡ bà được không? Đáp lại anh là một cái nhìn ngờ vực. Không. Đừng động vào tôi. Hãy tránh xa tôi ra. Anh có hiểu tôi nói gì không? Mọi ánh mắt đổ dồn vào anh. Anh bỏ đi, như một kẻ ăn cắp suýt bị phát hiện. Hàng ngàn người chen chúc trong bến tàu. Anh đụng phải một cái bụng tướng. Một bàn tay lông lá đẩy hất anh ra. Đi đứng như thế à? Có hiểu nói gì không?
Tất nhiên cuộc sống của anh ở đó không phải lúc nào cũng xám xịt. Anh cũng có bạn bè để đàn đúm, chơi bời những trò dại dột của con trai. Đi học cũng có những lúc được điểm cao anh khoe với cô. Và hình như anh cũng có bạn gái ở bên đó. Có lẽ là một cô gái gốc Việt nào đó. Nhưng rồi lại nhanh chóng chia tay. Cô biết là anh đau khổ.
Khi những kỳ vọng đi qua, sự chán nản bắt đầu nhen nhóm. Anh hút thuốc. Cô buồn, nhưng không nói với anh.
Cô chẳng thể giúp gì được cho anh. Cô chỉ là một con bé ở cái xứ kém phát triển này. Dù cô có trốn bố bán xe đạp đi, thì cũng không đủ tiền mua vé máy bay để sang thăm anh được. Và với anh, cô chưa đủ trưởng thành và biết đủ thực tế những gì anh đang trải qua để có thể chia sẻ được. Bao giờ thì anh về chơi? Một lần duy nhất cô hỏi. Cũng không biết nữa. Về để làm gì? – anh hỏi lại mà không đợi câu trả lời.
Rồi anh bắt đầu nổi cáu với cô. Sự cộc cằn của anh đẩy cô ra xa dần. Cô thấy nghẹt thở không chịu nổi. Sự u ám của anh truyền sang cho cô. Anh có quyền gì làm vậy với cô?
…
Sợi dây giữa hai người cứ thế thưa dần, thưa dần rồi mất hẳn. Con đường tách ra làm hai hướng từ đó. Mọi sự đổi thay cũng dần trở thành điều bình thường mới.
Rồi cô cũng quen. Cô vẫn sống trong đời sống cũ. Ngày ngày đi học, chơi với lũ bạn gái, chiều về nấu cơm cho bố. Buổi tối cô không ra hàng Internet nữa, mà đi dạy học cho trẻ con. Thời gian có thể mãi chẳng chữa lành, không giúp tái sinh, nhưng ít nhất cũng khiến người ta quên dần đi chuyện cũ.
Vài năm trôi qua như thế. Cô từ một cô bé con nay đã lớn thành một thiếu nữ. Sự đổi thay nhanh đến ngỡ ngàng. Cái xe đạp cô vẫn đi đã được đổi thành xe máy tay ga. Khu tập thể thời bao cấp được xây lại thành một tòa chung cư khang trang. Cái hồ ở cạnh đó được kè lại, trở thành nơi người dân đi lại tập thể dục. “Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu”. Cái xứ kém phát triển của cô ấy vậy mà chẳng cần anh về đã có những bước đi rất dài, trở thành ngôi sao tăng trưởng của châu Á, thành điểm đến của du lịch, của đầu tư. Và trở thành nơi xuất phát của dòng người xuất ngoại.
Bạn bè cô bắt đầu nói với nhau về việc đi du học. Những trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học mọc lên ngày một nhiều. Lũ bọn cô giờ đã biết đọc TOEFL, IELTS và SAT thế nào cho chuẩn. Hai chữ “nước ngoài” được cụ thể hơn thành những Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Hàn, Úc, Singapore, Trung Quốc...
Trong trào lưu đó, cô cũng bắt đầu nghĩ về việc du học – điều mà ngày trước với cô tưởng chừng như xa vời lắm. Càng lớn, làm được nhiều thứ hơn, cô càng dần cảm nhận thấy cuộc sống ở nhà đang nhỏ lại, những tò mò và mới lạ cũng ít đi. Dường như trong sâu thẳm, cô hiểu có lẽ đã đến lúc mình cần những khám phá và tìm tòi mới.
Với cô, ý định đó hình thành một cách tự nhiên, chẳng ép buộc hay đao to búa lớn gì, lặng lẽ như nhánh cỏ bên đường. Đi để học cho mình khá hơn, mình nhìn thấy nhiều điều hơn. Thế thôi, chẳng cần cứu thế giới hay cầm tấm bằng Ivy League về mà lòe thiên hạ.
Nghĩ đơn giản như vậy. Mà hóa ra với cô, việc đi được cũng đơn giản. Miễn đừng kỳ vọng quá cao, đừng gồng mình căng thẳng. Cẩn trọng từng bước, rồi đâu sẽ vào đó. Học tiếng Anh, liên hệ trường, viết bài luận, xin thư giới thiệu, đăng ký. Có lẽ ở thời của cô, mọi sự chuẩn bị đều dễ dàng hơn ngày trước.
Cô được một số trường kha khá nhận học. Học bổng mà người ta cho cô không được cỡ chục tỷ để được lên báo trở thành thần đồng đất Việt, nhưng cũng đủ để cô sống một mình bên đó mà không phải làm thêm ngoài. Cùng lắm thì đi giúp việc ở thư viện trường thôi. Đấu tranh đàm phán một tí. Thế là xong. Cô tiết kiệm đã quen, chẳng có nhu cầu gì, quần áo đủ ấm là được, ăn thì ít. Nào có gì phải lo.
Cô chỉ thổ lộ với bố về việc mình định đi du học khi đã nhận được kết quả của trường. Ông im lặng mất mấy hôm rồi bảo cô cứ đi đi, đừng lo cho ông. Ông còn khỏe, có thể chăm sóc bản thân. Ông buồn, nhưng tự hào. Ông cũng không hỏi rằng cô đi rồi có định về lại hay không. Lúc đó, chỉ cần ông nói đừng đi nữa thì cô cũng sẽ vứt hết mà ở nhà với ông. Chắc là sẽ học tiếp, rồi kiếm việc, lấy chồng, sinh con sớm, phụng dưỡng bố. Với cô, cũng không vấn đề gì cả.
Và thế là cũng như bao nhiêu người khác cùng thế hệ mình, cô ra nước ngoài du học.
…
Cô không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập vào cuộc sống mới, dù có rất nhiều khó khăn lúc ban đầu: ngôn ngữ, luật lệ, văn hóa, tổ chức cuộc sống cá nhân để thích nghi với lịch học dày đặc. Cô đã cố gắng đến khôn cùng. Cô đến trường học, chăm chỉ sớm tối. Cô vượt qua những kì thi, giành được những kết quả tốt.
Từng bước, từng bước một, cô làm chủ được cuộc sống của mình và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bên đó. Cô đi làm thêm, dần dần trở nên thoải mái trong chi tiêu, dần dần đắp lên mình thêm những thứ người ta coi là giá trị: những bộ cánh hợp thời trang, những đôi giày rất mốt, những mùi nước hoa và kiểu tóc quý phái.
Cô cũng trải qua những vấp váp, chán nản. Cũng có những khi bị kì thị, coi thường, thậm chí bị quấy rối. Và cũng cả có những cám dỗ mà chỉ cần buông tay ra là rơi tõm xuống vực thẳm. Nhưng với cô, có lẽ mọi thứ đơn giản hơn. Được thì được, không được thì thôi, sai thì sửa, nhầm thì làm lại. Miễn là mình vẫn tồn tại, không bị sao cả, thì mọi thứ đều còn có thể.
Cô lớn lên và cao hơn ngày xưa, những kiểu tóc cũng đã khác đi nhiều. Cô đã biết trang điểm mỗi khi bước ra đường, biết dùng kem dưỡng da, biết mặc áo đẹp và đi giày cao gót. Sáng nhìn vào gương, cô tự nhận đôi môi mình đỏ mọng, ngực mình tròn đầy, thân hình mình thon thả. Đôi khi cô cũng thấy tự hào khi đi dạo trên phố và có những ánh mắt ngưỡng mộ nhìn theo.
Vài năm sau đó, thành công nối tiếp thành công. Cô ở lại học cao hơn và được nhận bằng của một trường đại học hàng đầu, nghe ai cũng biết. Cô đi làm, và được ghi nhận. Cứ như thế, từ một con bé chẳng biết gì ở cái xứ kém phát triển đó, cô dần khẳng định được mình, chơi một sân chơi quốc tế, đi đi về về.
Cô thuê một căn hộ nhỏ ở nước ngoài, đi làm cho tiện. Thỉnh thoảng cô bay về nước thăm bố. Ông vẫn khỏe, thế là cô yên tâm. Ông không bao giờ hỏi cô có về lại hẳn hay không? Ông biết. Câu hỏi đó là lỗi thời, với một đất nước hội nhập như bây giờ, với hàng triệu người Việt tỏa đi khắp năm châu bốn bể, những ranh giới không còn nữa. Vật đổi sao dời sau một cơn mê ngủ.
Mặc dù cô luôn cố gắng tránh những hư vinh, nhiều người biết cô, thỉnh thoảng có một vài bài báo trong nước nhắc đến cô. Cô được một tạp chí uy tín bầu là một trong những gương mặt trẻ nổi bật. Con vịt ngơ ngẩn ngày nào đã thành thiên nga. Những ngày xưa cũ như thể một kiếp khác.
Nhưng dẫu những ánh hào quang ấy không vụt tắt, thì trong sâu thẳm vẫn có một điều gì đó thiếu sót. Bản thân cô cũng không hiểu ra nổi.
Sẽ chẳng ai biết rằng khi cô trả lời email công việc và cả chuyện riêng tư trong một căn phòng bừa bộn, đồ đạc lung tung, giấy tờ lộn xộn và giày dép mỗi chiếc một nơi. Trên giường là một mớ hỗn độn đồ lót hàng hiệu, với những món hàng chợ rẻ tiền thô kệch, mặc vào rất thoải mái nhưng sẽ chẳng một gã đàn ông nào chịu nổi.
Sẽ chẳng ai biết đến khi cô viết những tin nhắn đầy nữ tính trong bộ dạng thiếu ngủ với đôi mắt thâm quầng, vận trên mình bộ pijama đã xỉn màu rộng thùng thình. Mái tóc cô rối bời và xơ xác. Cô bị sốt, người mướt mồ hôi và bẩn kinh khủng. Miệng cô vẫn còn chua mùi dịch vị sau trận nôn hồi sáng.
Và cũng sẽ chẳng ai biết đến cô vào một buổi chiều cuối tuần khi tiếng chuông điện thoại réo lên liên tục rủ đi chơi phố. Cô không hề nhận bất cứ một cuộc gọi nào mà chỉ nằm co quắp, quằn quại trên giường một mình, vật lộn với thuốc giảm đau và băng vệ sinh. Cô không kêu rên một tiếng nào... có lẽ nếu như cô kêu toáng lên, rồi ai sẽ nghe cô?
Những lúc như thế cô thấy mình thật nhỏ bé và tệ hại. Bộ váy đầm sang trọng nằm im lìm trong tủ, đôi giày cao gót tráng lệ vẫn ở trong hộp. Cô nằm một mình, căn phòng tối lắm, lấp lóa từ khung cửa sổ là ánh đèn đường.
Cũng đã có người đến với cô bằng sự cảm thông vô bờ, bằng yêu thương tuyệt đối. Người ấy nói sẽ luôn ở bên cô, mãi mãi, dẫu cho cô có trở nên già nua, xấu xí, hôi hám hay bệnh tật như thế nào. Cô đã rung động biết bao trước lời nói đó.
Cô đã từng những tưởng mình đã hạnh phúc, mình đã được ổn định, mình đã là một con thuyền tìm về tới bến bờ. Cô đã những tưởng mình có thể khác...
Chỉ là có những điều như thế.
…
Sau mỗi buổi tối, cô trở về với căn phòng nhỏ. Đường phố ngoài kia lạnh lẽo với những ánh đèn vàng. Thành phố câm lặng lác đác những tiếng ô tô qua và bước chân người đi bộ. Ở đây, màn đêm thường đổ rất sớm vào mùa đông. Như thể có người vừa kéo rèm lại. Mới ít phút trước còn sáng, ngoảnh đi một cái là đã tối om.
Có người từng muốn đưa cô về cho đỡ nguy hiểm. Nhưng cô từ chối. Ở trời Tây là tự lập. Cô có mang theo bình xịt cay. Cô cũng thủ sẵn vài ba thế võ phòng thân học được từ một lớp kỹ năng sinh tồn cho phụ nữ. Nhưng trước khi làm vậy, cô sẽ lấy điện thoại ra trò chuyện với một người bạn, cố gắng nói thật to rằng mình đang ở đâu. Người ta hãy tự biết ý đừng có động vào cô.
Cũng không nhất thiết mọi hiểm nguy đều đến từ con người. Vài năm trước có một trận bão tuyết lớn kéo dài nhiều ngày. Một người phụ nữ trung niên đi qua đoạn đường này bị trượt chân ngã ngất đi. Những đợt tuyết rơi phủ lấp. Thi thoảng có người đi qua, nhưng chỉ nghĩ đó là một ụ tuyết dày.
Cô tự nhủ dù ở đâu thì cũng có những điều rình rập như thế. Ở xứ của cô, đi ra đường cũng có thể chẳng may giàn giáo thi công đổ ập xuống, ngồi trên vỉa hè cũng có thể bị ô tô say rượu lao đến, hay có ở trong nhà thì cũng có thể bị ngạt thở vì quên tắt bếp ga… Và cả những sự vô hình khác, con người luôn rình rập nhau…
Mà thôi, cô lại nói về con người làm gì… Cô nghĩ về anh.
…
Chẳng bao giờ cô gặp lại anh nữa. Anh biến mất tăm như thể chưa từng tồn tại. Điều nực cười là thế giới ngày nay đã quá khác nhiều năm trước. Liên lạc không chỉ còn email mà có thể nhắn tin, gọi điện, video trực tuyến không mất tiền. Nếu thất lạc nhau thì có thể lên Facebook hay LinkedIn. Tưởng chừng như dễ dàng vô cùng, ấy vậy mà anh như nhân vật của một câu chuyện khác, không liên quan gì đến cô bây giờ cả.
Cô biết là anh vẫn ở đâu đó, đang sống trong nước hoặc ở nước ngoài, hoặc cũng có thể anh hay đi đi về về như cô. Có những khoảnh khắc nào đó giữa phố đông người, từng gặp nhưng chính cô cũng không nhận ra anh. Cũng có khi đơn giản là anh quên hẳn cô bé ngày xưa rồi. Hoặc cũng có thể vì cô hiện diện ở nhiều nơi, nên anh ngại, lảng tránh cô. Anh chẳng có gì, còn cô thì như vậy..
Những thành công của cô ở xứ người chỉ càng khiến cô hiểu về anh khi đó hơn. Có lẽ, anh còn quá trẻ, quá mơ mộng, quá đa cảm. Anh và bố của cô giống nhau. Chỉ một lần sụp đổ là sẵn sàng buông xuôi, bỏ cuộc, coi như là mất hết. Sự bền bỉ là món quà được dành riêng cho phụ nữ Việt.
Nhưng anh chẳng bao giờ hiểu, rằng nhờ có anh mà có cô bây giờ. Quyển từ điển đơn ngữ anh gửi mà không bao giờ trở về để lấy lại đó đã giúp cô rất nhiều trong việc ôn luyện ngoại ngữ. Ánh mắt sáng long lanh của anh khi kể về điều anh muốn học, muốn trải nghiệm, muốn thử sức đã gieo vào tâm trí non nớt của cô những ý niệm ban đầu. Và những niềm vui nỗi buồn, sự thất bại của anh đã trở thành những bài học để cô vượt qua được quãng đường gian nan của chính mình.
Thoáng chốc đã đi hết một phần đời.. Giữa danh và lợi. Giữa được và mất. Giữa cho và nhận. Anh chẳng bao giờ hiểu. Dẫu anh có ra sao, tồi tệ và thê thảm đến thế nào, cô đâu có quan tâm.
Cô viết cho anh những dòng cuối cùng.
…
Về đây đi
anh ơi
Về đây đi giữa phố phường
nghe tiếng còi xe
Về hòa mình
vào khói bụi
Hít một hơi dài
một hơi dài những nhớ thương
Về đây đi,
anh ơi
Bao nhiêu ngày tháng
tha phương
dẫu trở về không còn ai chờ đợi
Về đây đi,
anh ơi
Dòng đời xa vời vợi
Em đã khóc
mỗi khi anh thầm thì
Em đã khóc
nhìn đôi chân anh bước đi
Hoa trôi hữu ý…
Về đi
hỡi tâm hồn vô định
mà đắm mình trong nhân gian
Về mà rời xa những đêm trở trăn
vô vàn
Nếu như anh không ngủ được
về đi chợ hoa đêm với em,
anh nhé
Ta lang thang trên con đường dài đến thế
trời tối om..
em mỉm cười
nhìn sang anh
Nào anh biết gì đâu
và em lại mỉm cười
Về đây đi,
anh ơi
Về khẽ rít một hơi điếu cày
Quẳng đi bao Marlboro
Về ta cùng chén tạc
chén say
không còn một mình
không còn độc ẩm
Về đây đi,
cho bõ những giọt nước mắt âm thầm
giữa nửa đêm
không ai nhấc điện thoại
Về đây đi,
anh ơi
Về mà nghe tiếng cười tiếng nói
dẫu lòng có chút đắng cay
Về rồi để nghe
câu chửi bậy cũng thấy hay
cần gì đâu hoa mỹ..
anh nhỉ?
Nơi xa xứ
quan tâm sáo rỗng
và thấu hiểu hời hợt
mật ngọt rót vào tai
Nơi xác thân
hòa vào nhau trong bất chợt
Lời thốt ra trộn nhào
với tiếng Anh,
Pháp,
Đức..
Nơi tình thương yêu chỉ là trong một lúc
Những lời nói
đầu môi
Nơi lòng người cũng sẽ chỉ thế mà thôi
Giấc mơ anh ôm mãi..
Về đây đi anh ơi,
xa rời những người đàn bà khiến anh sợ hãi
những kẻ vò nát trái tim anh
Anh à
cởi ra chiếc áo Armani
giũ bay cái hương Hugo Boss
cao sang hay nghèo hèn
Anh ơi
em nhìn anh mà chua xót
tấm thân kia..
Năm tháng qua rồi
giữa dòng đời
và em vẫn đợi..
Dẫu anh không còn là anh
mà em vẫn chờ đợi
Dẫu em cũng từng chờ đợi những ai kia
em cũng đã từng chia lìa
cũng từng khóc
khi tim mình vỡ nát..
Về đây đi,
anh ơi
mà ngước lên nhìn
trời xanh,
cánh chim bay cao đến thế..
Về mà tìm em,
Anh nhé..
Về đây đi,
anh ơi
chân trần chạm nền đất
Bàn tay với lấy gió phảng phất
Ngửi mùi mồ hôi
Anh về mặc áo không là,
gấu quần đã rách..
Về đây đi,
não nề
Về thở vào một chút bụi
dẫu cho có hắt xì hơi,
ngứa râm ran
trong cổ họng..
Về đây đi,
anh ơi
Xứ người sẽ cưu mang anh một đời
Nhưng tâm hồn anh
là bơ vơ
là vô vọng..
Về đây đi
cho dù chẳng còn ai trông ngóng
Anh hãy về mà nuôi lại tóc
tóc mơ xanh
mộng mị
Trong giấc an lành
một ai đó sẽ xoa dịu
niềm đau đáu..
Anh ơi
Dẫu cho trái tim kia có rỉ máu
Hãy về đi,
dù chỉ một chốc,
chốn quê nhà
Giọt máu đào rỏ nơi đất phương xa
cho hoa nào mọc nổi
Giọt máu đào rỏ nơi đất phương xa
cho hoa nào mọc nổi
Về đây đi,
anh ơi
Vô tận những chuyến tàu
Vô tận những đêm trắng xóa..
Về mà xem bình minh lên
Chói lóa
May ô quần đùi mà đi tập thể dục
cùng người ta
Về nghe thỉnh thoảng phố cất tiếng hát ca
mà thẫn thờ
“hình như ai kia ..
ở đâu đấy..”
Về đây đi,
anh ơi
mà nghe lời gian dối
thật hơn
mà sự bội phản
thật hơn
mà những toan tính
thật hơn
Thật hơn là..
Những đồng cảm
si mê
Những quan hoài
Anh chẳng biết bao giờ sẽ biến mất..
Anh à
Anh về đây
Em sẽ chải tóc gọn gàng,
trang điểm qua loa
Em sẽ đứng chờ anh
từ rất xa
lại nhìn dáng anh
như ngày xưa cũ..
Anh à
Tỉnh dậy đi
đừng thiếp ngủ
Mê muội kia qua rồi
Ác mộng cũng qua rồi
Anh à
Mải miết bao lâu nữa
cho thỏa kiếp người
Bàn tay này chai sạn
Trái tim kia xơ xác..
Anh ơi
Sao anh không cười?
Em nhí nhảnh như thế..
Anh sẽ về
Anh nhé
Em sẽ đợi anh ở đây,
Đừng hỏi lại em nơi nào
Anh nhé,
Vì em biết
Anh chẳng thể quên đâu
“ngày xưa ấy”…
Anh ơi ..
Em gọi lời nhớ thương..
Một lần thôi..
Về đi anh
Một lần thôi..
Nhớ thương biết mấy..
“Sông dài cá lặn biệt tăm,
Chín thu cũng đợi,
mười năm cũng chờ.”
(Bài viết đã đăng trong sách "Du học ký: vạn dặm có chi?" - Spiderum)
Đọc thêm:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất