Sở thích của bạn là gì? (Chơi game, nghe nhạc hay xem phim?)
Note : Mình viết bài này cho mình và cho những người bạn trong lúc điều chỉnh nguyện vọng thi THPTQG. Bài viết đã được đăng trên page...
Note: Mình viết bài này cho mình và cho những người bạn trong lúc điều chỉnh nguyện vọng thi THPTQG. Bài viết đã được đăng trên page 11011, mình re-up lại trên Spiderum vì mong nhận được thêm những góp ý của mọi người. Không vòng vo nữa, bắt đầu vào bài viết nào.
Sắp tới, những bạn xét tuyển ĐH-CĐ bằng phương thức điểm thi THPTQG sẽ có một thời gian để suy nghĩ và điều chỉnh nguyện vọng của mình. Mỗi nguyện vọng được tạo thành từ rất nhiều yếu tố: lực học, điểm mạnh, điều kiện, quan hệ gia đình, trường học, vị trí địa lý và một tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua là sở thích. Trong thời gian đăng ký nguyện vọng, mình đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với mục tiêu để biết được bạn bè mình đăng ký những nguyện vọng gì. Kết quả cũng không quá đa dạng vì tập đối tượng khá hẹp. Nhưng mình nhận ra một điều là rất nhiều người không biết, không chắc chắn sẽ chọn ngành gì, trường gì cũng không biết và không chắc chắn mình thích gì, giỏi gì. Vì vậy, trong mấy ngày ngắn ngủi trước khi thay đổi nguyện vọng này, mình muốn chia sẻ một vài thứ mình biết để mọi người có thể có một cái nhìn rõ ràng hơn về sở thích của bản thân và phần nào hỗ trợ hay củng cố cho các thay đổi nguyện vọng sau kỳ thi THPTQG.
I. VAI TRÒ CỦA SỞ THÍCH
Có thể nói biết được sở thích của mình là một bước quan trọng để xây dựng sự tự nhận thức ( self-awareness). Xét cho cùng thì người ở lại với bạn đến cuối đời cũng chỉ có bản thân bạn, có chăng bạn cũng nên hiểu mình hơn một chút từ giờ thì cũng chưa muộn. Sau khi hiểu hơn về bản thân, bạn sẽ nhận được những lợi ích mình đã trải nghiệm:
Hình thành một danh tính đặc sắc, riêng biệt.Có chủ đề để nói chuyện với những người có chung sở thích: khi bạn hiểu rõ mình, bạn sẽ dần dần xác định được những vòng tròn quan tâm và ảnh hưởng, cùng đó là xây dựng các mối quan hệ đã được chọn lọc một cách thường xuyên và sâu sắc hơn.Xây dựng cuộc sống tinh thần cân bằng và ổn định: "If you do what you love, you'll never work a day in your life." - Marc Anthony. Tạm dịch: Nếu bạn làm những gì bạn thích thì bạn không phải làm việc một ngày nào trong đời cả. Biết mình thích gì và tích hợp, định hướng nó vào công việc sẽ giúp những giờ làm việc không còn nhàm chán hoặc nếu có thì bạn cũng biết nên làm gì để trở về một bản thân nhiều năng lượng hơn.Sử dụng thời gian tối ưu: dành thời gian làm những thứ mình thích, những người mình muốn ở bên thay cho việc tốn thì giờ cho những việc không phù hợp. Cụ thể trong thời gian này đó là việc chọn ngành, chọn trường. Nếu không biết mình thích gì thì làm sao có thể chọn được một ngành học phù hợp và theo đến cùng.
II. DỪNG LẠI VÀ NGHĨ
Bây giờ mình muốn bạn dừng lại một chút và suy nghĩ về những sở thích của mình, ghi nó ra giấy hay bất cứ ứng dụng soạn thảo nào. Bạn đã làm xong chưa? Nếu chưa thì hãy dành ra chút thời gian nữa nhé. Khi đã hoàn thành, hãy nhìn vào danh sách của bạn, liệu ngoài nghe nhạc, xem phim, chơi game, ngủ, ăn uống, thì điều gì làm bạn khác biệt? Nhiều người bạn của mình khi chưa xác định được ngành nghề muốn theo đuổi thì khi mình hỏi về sở thích cá nhân của họ, câu trả lời ban đầu vẫn là "không biết". Nhưng nếu bỏ chút thời gian quan sát và nói cho họ biết về những gì mình nghĩ về họ, về những gì họ có vẻ thích, dường như những đầu mối đã dần được hé mở. Có người thích xe hơi, tìm hiểu về sức khỏe, tính toán với những con số, có người lại thích thiên nhiên cây cỏ, thích ca hát, văn chương, đọc sách, chạy bộ, bơi lội, make-up, chụp ảnh,... Điều mình nhận thấy là khi được hỏi "sở thích của bạn là gì", người ta mặc định câu trả lời là "chơi game, nghe nhạc, xem phim". Vì tư duy sẵn có, gắn chặt như vậy nên khi thật sự nghiêm túc nghĩ về mình, về những thứ mình đã làm, đang làm và sẽ làm, người ta dường như bị trói chặt trong một dòng suy nghĩ không lối ra và cũng không muốn tìm lối ra vì sự an toàn của việc thuộc nhóm đa số. Để giải quyết vấn đề này và rất nhiều vấn đề khác nữa, ta cần đặt (nhiều) câu hỏi và chọn (nhiều) góc nhìn khác để trả lời.
A: Bạn thích gì?
B: Xem phim, nghe nhạc, chơi game.
A: Còn nữa không?B: Hình như chỉ có vậy.
A: Chắc chứ? Hôm bữa tụi mình đi đá banh cũng vui lắm mà.
B: Ừ, vậy chắc là mình cũng thích đá banh. Chắc hết rồi á.
A: Mình cũng thấy bạn hay nói về xe cộ, dòng này dòng kia nữa.
B: Hmmm, chắc là mình cũng thích mấy thứ về xe. Để xem lại coi... hình mình thích nhiều cái nữa: xem video nấu ăn trên Youtube, xem mấy con cún dễ thương, đi loanh quanh ngắm phố phường,...
A: Cũng nhiều mà đúng không, đâu chỉ có "xem phim, nghe nhạc, chơi game".
Vậy đó, dành ra một chút thời gian là có lẽ bạn sẽ biết được mình thích gì. Một chút tác động từ bên ngoài như bạn bè, gia đình, giáo viên sẽ phần nào đưa bạn ra khỏi sự mặc định của bản thân. Tuy nhiên những cuộc đối thoại nội tâm để hiểu hơn về bản thân mới là nguồn lực nội tại đáng tin và thường trực nhất.
III. CÁCH MÌNH TÌM RA SỞ THÍCH
Đây là cách mình dùng khoảng vài năm trước để có một danh sách thiệt dài về những điều mình thích. Mọi người có thể áp dụng nếu thấy phù hợp nha.
Đầu tiên, các bạn nên lập thói quen ngồi lại vào cuối ngày và suy nghĩ về những việc xảy ra trong ngày hôm đó. Hãy tua đồng hồ theo tuần tự từ sáng đến tối và đi sâu vào những sự việc đã xảy ra, để ý đến các chi tiết, hành động, lời nói. Bạn cảm thấy thoải mái về điều gì? Bạn nhớ đến đoạn phim, bài nhạc nào, việc gì bạn đã làm khiến bạn thấy thích thú, tự hào về bản thân, hãy đi từ những việc vụn vặt nhất. Ví dụ với một ngày hoàn hảo của mình nha. Buổi sáng mình dậy sớm và thấy trời sáng dần, không khí man mát và xung quanh thật im ắng. Mình thích cảm giác này. Sau đó mình sẽ đi vào bếp và hâm đồ ăn nấu sẵn từ tối qua, nhiều khi là chiên cơm với những thứ đồ đó cắt hạt lựu. Mình thích làm cơm chiên. Rồi mình làm một ly nước chanh không đường, khá chua. Mình biết mình không thích uống nước chanh kiểu này nhưng nó có vẻ tốt cho sức khỏe. Mình thích việc quan tâm đến sức khỏe. Tương tự, mình lại về phòng và bắt đầu tập theo một video yoga. Mình thích yoga, cụ thể là kênh Yoga With Adriene. Rồi mình thực hành "self-talk" - tự nói chuyện với bản thân, về ngày hôm qua, về những gì sẽ làm trong hôm nay và những cảm giác trong mình ngay lúc đó. Mình thích việc tìm hiểu bản thân. Rồi mình học lập trình, một sở thích có lẽ bắt nguồn từ xu hướng xã hội và những lựa chọn của mình trong quá khứ. Đến khi ta được công nhận ở một mức độ nào đó với việc ta giỏi, ta sẽ trở nên thích nó. Sau đó, mình nghe nhạc, nghỉ trưa, chơi game, viết blog, lau nhà,... làm những gì mình thích. Tất cả những gì mình cảm nhận là phù hợp, mình sẽ ghi chú vào Notion trong trang "Sở thích".
Có lẽ đến đây các bạn sẽ thắc mắc "làm sao có được một lịch trình cụ thể như vậy mà xác định là mình có thích việc đó hay không?". Câu trả lời rất đơn giản: "Cứ làm thôi". Những routine, thói quen và sở thích này không tự dưng xuất hiện và trở thành một phần trong cuộc sống của mình được. Đó là một quá trình thử và sai, chọn lọc và đánh giá mang tính cá nhân trong một thời gian dài. Sau đây là các bước mình đã thực hiện:
1. Theo dõi hàng loạt
Hãy nhớ lại lúc bạn mới dùng Facebook hay Youtube. Có phải bạn thường nhấn theo dõi một cách không mấy suy nghĩ với những kênh hay trang mà nền tảng đó đề xuất. Hồi đó mình nhớ có trend hoàng đạo, dự đoán tính cách rồi ghép cặp, nhiều thứ mà các mạng xã hội đề xuất lắm. Bây giờ hãy làm như vậy Mà mạng xã hội thì đề xuất nội dung theo số đông và dữ liệu cá nhân "được" mã hóa của bạn. Chỉ tiếc là khi bắt đầu bạn chưa có dữ liệu gì nhiều cho những nền tảng đó có thể đề xuất. Nguồn tin lúc này là chưa đủ, bạn tiếp tục Google những thứ như "những kênh youtube để luyện tiếng Anh", "những trang Facebook nên theo dõi" rồi cứ theo những top 10, top 20 đó mà nhấn like, share, subscribe. Trong lúc các bạn tham khảo các trang "xếp hạng những kênh nên theo dõi" đó, trong bạn sẽ dần hình thành một màng lọc thông tin, rằng nên theo dõi cái nào và bỏ qua cái nào.
2. Tích cực tham gia các hoạt động
Hãy mạnh dạn dấn thân vào những điều mới lạ. Tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đứng ra tổ chức các hoạt động ấy sẽ giúp các bạn biết thêm được nhiều thứ, ít nhất là biết được mình thích những công việc đó hay không. Đương nhiên, làm việc gì cũng phải có nỗ lực và kiên trì, vạn sự khởi đầu nan mà. Đâu thể nào vừa bắt đầu làm việc gì mấy tuần lại có thể khẳng định chắc nịch là mình không phù hợp với công việc đó. Lại nói về bản thân, 2 năm tham gia BCH Đoàn trường giúp mình nhận thức được mình thích làm gì và không thích làm gì một cách rất thực tế. Bởi vì trong BCH, mình được thử sức với nhiều vị trí, công việc khác nhau, từ hành chính, truyền thông, content, nhân sự, sự kiện,... nên ít nhiều mình cũng có những cảm nhận rằng bản thân có phù hợp hay không. Và chắc chắn không chỉ tham gia vào BCH Đoàn trường trong những năm phổ thông mới có thể giúp các bạn xác định được sở thích của mình một cách chân thực như vậy. Một dự án cá nhân, tổ chức một buổi sinh hoạt lớp đặc biệt hay hết mình trong những lần làm việc nhóm, các hoạt động ngoại khóa cũng có những lợi ích tương tự.
3. Sàng lọc
Sau một thời gian thử-sai, bạn sẽ có cho mình một danh sách sở thích mà bạn đã thêm vào mỗi tối khi hồi tưởng về cả ngày dài. Danh sách đó chắc hẳn sẽ ngày một nhiều mà thời gian của chúng ta thì có hạn. Việc chúng ta cần làm lúc này là sàng lọc ra những sở thích ta sẽ ưu tiên dành thời gian cho, tùy theo giai đoạn và mục tiêu của bạn. Có thể ưu tiên cho những sở thích liên quan đến học tập, công việc hay sức khỏe, tinh thần, giải trí và những thứ tạo nên danh tính của bạn trong một xã hội ồn ào và nhập nhằng. Việc chọn lọc và ưu tiên cho sở thích nào là một việc rất cá nhân, miễn sao bạn thấy cân bằng và thỏa mãn là được. Đối với bản thân mình, những sở thích tiêu biểu của mình lúc này là phát triển bản thân, sức khỏe, công nghệ, tài chính và môi trường. Đây là những thứ mình dành thời gian nhiều cho và cũng có thể sử dụng để giới thiệu bản thân. Hãy suy nghĩ về những thứ bạn thích, liệu bạn sẽ cam kết dành thời gian cho thứ gì?
Lúc này là giai đoạn bạn nên "dọn dẹp" newsfeed của mình, hãy mạnh tay bấm hủy theo dõi những page không còn phù hợp với mục tiêu của bạn, cả những người bạn "ảo" trên Facebook. Mình theo dõi rất ít người trên Facebook và tin mình đi, mình vẫn có những mối quan hệ tốt đẹp và chân thực với những người bạn ngoài đời thực, cùng đó rất nhiều thời gian được tối ưu để đào sâu và phát triển các sở thích cá nhân. Đây cũng chính là lợi ích nổi bật mà lối sống tối giản mình theo đuổi mang lại.
4. Chuyên môn hóa
Bạn thích truyền thông, thích được làm content, lên ý tưởng,... vậy bạn biết bao nhiêu về truyền thông, bạn có thể chia sẻ những gì cho người chưa biết gì về truyền thông? Mình nghĩ mỗi người sẽ có những mục tiêu khác nhau với những sở thích khác nhau. Riêng mình thì mình muốn đào sâu và có những kiến thức nhất định về các sở thích hơn là chỉ biết mình thích chúng và chỉ đơn giản là vậy. Tìm hiểu và kết nối những thông tin lại sẽ làm cuộc sống ta đặc sắc và có chiều sâu hơn. Muốn hiểu hơn về phát triển bản thân thì hãy xem các video liên quan, đọc sách, và quan trọng nhất là phải áp dụng vào chính cuộc sống của mình. Những thứ như Pomodoro, Journaling, quản lý thời gian, tạo mối quan hệ,... đâu phải chỉ nói thích là có thể biết và áp dụng được. Dần dần, từ những kiến thức được tiếp thu đó, mình tự phát triển và chỉnh sửa để cho ra một chương trình phù hợp nhất với cuộc sống của bản thân như daily story, tận dụng danh sách phát "Xem sau" sẵn có của Youtube, journaling cuối ngày với các tiêu chí cá nhân, kết hợp Todoist và Google Calendar,... Đối với khía cạnh môi trường, mình cũng có đủ hiểu biết cơ bản để tránh không dùng loại vật liệu nào và vận động bạn bè cùng thực hiện. Mình nhớ năm học 2019-2020, mình với BCH đã thống nhất nội quy rằng các thành viên trong BCH-CTV không được sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy có nhiều vấn đề xảy ra nhưng ít nhất trong ấn tượng của mọi người thì mình cuồng eco-friendly như thế nào.
5. Mở rộng phạm vi quan tâm, tìm kiếm những sở thích mới
Sau khi thấy bản thân đã đào đủ sâu, đủ để nói cho người khác biết về những sở thích của mình, các bạn nên đi tìm những sở thích mới. Một là để refresh bản thân, tạo nên một bản thể đặc sắc. Hai là để dễ dàng hòa nhập vào những cộng đồng đa dạng, mở rộng mối quan hệ. Ba là phát triển tư duy mở, không áp đặt rằng bản thân chỉ có những sở thích như vậy và sẽ mãi không thay đổi. Lúc này, bạn chỉ cần lặp lại từ bước 1 và chọn cho mình những sở thích hay ho mới. Với mình, mình có những sở thích mới khi quen biết những con người mới hoặc khi tìm hiểu về những người đã thân thuộc. Trước kia mình đâu biết đến Oddly Normal, nhưng thông qua một người bạn mới quen, mình dường như "nghiện" những thông tin kênh podcast này đem lại. Để rồi từ đó mình lại tiếp tục khám phá và chia sẻ thêm các nội dung podcast khác cũng hay không kém. Cũng có những khi, những điều mới mẻ lại xuất hiện khi mình tìm hiểu về những thứ đã biết, ở một góc độ, phạm vi khác. Ví dụ như khi tìm hiểu về môi trường, mình nhận ra rất nhiều nghịch lý như những cuộc thi tái chế thực chất tạo ra thêm nhiều rác, năng lượng xanh không thật sự "xanh" và rất nhiều những thông tin khác. Điều này làm mình nhận ra mình thích tìm tòi, thích tư duy phản biện và tìm ra sự thật, dù những thông tin đó chưa hẳn là sự thật tuyệt đối.
IV. NHỮNG LƯU Ý
Mình nhận thấy cốt lõi trong cách làm của mình đó là việc hồi tưởng lại một ngày vừa qua và chọn lọc, suy nghĩ về những thứ mình thích. Sự tự nhận thức sẽ giúp bạn tránh được những suy nghĩ mơ hồ, khủng hoảng danh tính, mất định hướng... Hãy nghiền ngẫm, xem xét những cảm nhận của chính bản thân mình đối với các sự việc đã diễn ra một cách sâu sắc. Hãy cho mình một khoảng không gian và thời gian để nhìn vào những suy nghĩ, tìm hiểu chúng một cách tò mò. Tưởng tượng như ta đang gỡ rối một cuộn len vậy, từ nút thắt này đến nút thắt kia, dần dà ta sẽ hiểu ra những điều cơ bản, gần gũi mà trước giờ ta không hề biết.
Có một đoạn trích mà mình rất thích trong truyện ngắn "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...". Không chỉ có giá trị văn học, nhận định này còn có một giá trị tinh thần to lớn. Đối với mình, ta không chỉ phiến diện với những người ở quanh ta nhiều khi với cả chính bản thân mình khi ta không cố mà tìm hiểu, quan sát. Vì vậy, để hiểu người khác, đầu tiên ta phải hiểu chính ta, biết mình thích gì, giỏi gì, muốn gì và sẽ thực hiện chúng như thế nào.
Bên cạnh sự tự nhận thức, bạn bè và gia đình cũng là những sự hỗ trợ hữu ích trong việc tìm ra và phát triển các sở thích của bạn. Khi kết bạn trên Facebook, ta sẽ tự động "theo dõi" họ, biết những gì họ đăng và dựa vào đó chọn cho mình những chủ đề bản thân thấy hữu ích. Theo chiều ngược lại, khi bạn biết được những thông tin thú vị, hãy chia sẻ với bạn bè và thảo luận, liên kết với những thông tin khác. Khi "dạy" lại người khác điều gì, chính ta cũng sẽ hiểu hơn về thứ đó. Mình cảm thấy rất may mắn khi có thể chia sẻ nhiều thứ với bạn bè và gia đình, cùng bàn luận, góp ý và đề xuất những nội dung liên quan đến chủ đề được đưa ra.
Một công cụ rất "quyền năng" khác đó chính là "hỏi". Hỏi từ bản thân cho đến gia đình, bạn bè, rằng họ nghĩ mình giỏi gì, phù hợp gì, nên như thế nào. Từng chút một thông tin bạn cóp nhặt được sẽ là cơ sở vững chắc để đưa ra những quyết định quan trọng. Đừng ngại, đừng sợ, cứ hỏi, cứ làm, cứ sai và sửa.
V. KẾT
Có thể tóm tắt các bước để tìm ra và phát triển sở thích của mình là:
1. Theo dõi hàng loạt
2. Tham gia hoạt động
3. Sàng lọc
4. Chuyên môn hóa
5. Mở rộng và tìm kiếm sở thích mới
Trong đó, các công cụ hỗ trợ hữu ích là
1. Sự tự nhận thức, suy nghĩ, hồi tưởng về một ngày đã qua và ghi chú lại là chìa khóa quan trọng nhất.
2. Chia sẻ thông tin 2 chiều với bạn bè, gia đình.
3. Đặt câu hỏi.
Mong bài viết này có thể giúp bạn xác định những sở thích của mình, phần nào định hướng cho các lựa chọn ngành học hay chỉ đơn giản là hiểu bản thân mình thêm một chút. Nếu các bạn có thắc mắc hay chia sẻ gì thì hãy để lại bình luận dưới bài viết nha.
Bài viết số 12
Ngày 24 tháng 08 năm 2021
#growwithme #self-awareness
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất