[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 4 : Dear Catherine
Dear Catherine là một commisson mới hoàn thiện gần đây của mình. Đó là cuốn bar menu dành cho một speakeasy bar cùng tên. Quá trình...
Dear Catherine là một commisson mới hoàn thiện gần đây của mình. Đó là cuốn bar menu dành cho một speakeasy bar cùng tên. Quá trình thực hiện đã cho mình rất nhiều thử thách mới cũng như cơ hội để mình bộc lộ tính thẩm mỹ cá nhân trên một chất liệu khác ngoài giấy và bút. Dù là một cuốn menu, nhưng mình đóng nó theo đúng cách mà một cuốn sách cùng loại được đóng, vì vậy nên không có lý gì để không coi trọng nó như những cuốn sách khác mình từng thực hiện.
I. Ý tưởng thiết kế, vật liệu
Ngay sau khi được chủ quán Dear Catherine liên hệ để đặt làm cuốn menu thì mình đã có ngay hướng đi để thực hiện nó ra sao. Đó là một kiểu đóng mà mình đã đọc trong sách được một thời gian khá lâu, dành cho sách kiểu Pamphlet - một dạng sách mà chỉ có một tay sách, các cuốn sách báo mà bạn thấy được ghim lại ở giữa chính là một dạng đó (nhưng rất là thô, dĩ nhiên). Theo mô tả trong sách của Arthur Johnson - Hand Bookbinding Manual thì lõi sách được khâu cùng với một miếng da, sau đó dán vào với bìa đã được bọc da sẵn (gọi là case), lót thêm 2 tấm doublure ở trong. *insert image
Đây là lần đầu tiên mình làm theo kiểu sách này nên mình cũng rất háo hức, bởi thiết kế cấu trúc đơn giản sẽ để lại cho mình rất nhiều thời gian chăm chút trong việc thiết kế, cũng rất muốn làm một design binding sau khi kết thúc khóa học tháng 6 với cô Karen. Sáng, chủ quán, người đặt mình cuốn menu nói rằng bạn ấy muốn có một menu kiểu dạng sách vải thế kỷ 19-20 với các mề đay nổi trên bìa, nhưng cá nhân mình thấy rất khó để thực hiện được bởi sự thiếu thốn vật liệu và cả sự hạn chế trong cấu trúc sách này. Vì bìa của menu rất mỏng, nên rất khó để có chỗ tán đinh vít cho loại mề day thông dụng, mà nếu dùng loại đặt riêng thì rất đắt. Có thể dùng bìa dày hơn để đáp ứng điều đó tuy nhiên sẽ làm tỉ lệ bìa - lõi trông hết sức chênh lệch, nên nhớ lõi sách pamphlet này chỉ vỏn vẹn có vài trang.
Thế nên mình hướng khách tới dạng bìa hiện đại hơn, có các hình minh họa trang trí liên quan tới quán, và có phác ra được một vài ý tưởng để gửi. Tuy nhiên chúng không phù hợp lắm, rồi mình với chủ quán phải ngồi với nhau để tìm ý tưởng. Cuối cùng thì bọn mình chọn theo chủ đề lấy cảm hứng từ bức tranh tìm được ở pinterest dưới đây, rất xin lỗi vì mình không biết tên họa sĩ.
Mình thấy chủ đề rất hợp với quán và bắt đầu biến từ cảm hứng này thành ý tưởng của riêng mình, nói về các mối quan hệ. Mình sẽ không cũ thể quá ở đây vì có lẽ mỗi người sẽ muốn nhìn nhận nó theo một cách khác nhau.
Thiết kế có hình minh họa cảnh cầu thang bộ, với 2 cặp nam nữ đi lại trên đó. Ở bìa trước 2 người chạm mặt nhau còn ở bìa sau 2 người đi 2 hướng. Chúng được tạo hình với kỹ thuật back-pared onlay và inlay. Tông nền lúc đầu là màu xanh lá, nhưng vì nó khá ngở ngẩn khi đi với thiết kế này nên mình chuyển sang tím khói. Mình chọn da Alran Patnat - một loại da có hiệu ứng vân rạn rất bắt mắt cho việc này. Các hình khác mình chọn cùng tông với màu chính : tím than, đỏ bordeaux, nâu rượu vang. Rất may mắn là cùng đợt bên cửa hàng cung cấp các loại da mình thích - 3Q Leather có một đợt sale lớn nên mình có thể tậu được một đống da đủ màu về.
Giấy mình chọn giấy dó của chị Huyền bên Giấy dó Ngô Đức, xong bên quán viết menu bằng tay rồi gửi cho mình.
II. Quá trình thực hiện
Công đoạn làm lõi pamphlet thì khá đơn giản. Các trang giấy đơn cỡ A5 được mình nối vào với nhau bằng giấy craft, sau đó khâu cùng với tấm da mà đã lạng (làm mỏng) xuống 0.3mm. Các cạnh của giấy dó được làm bằng tay nên có các cạnh thô (rough-edges) rất đẹp và tự nhiên.
Ở tấm da nền thì mình chỉ lạng xuống 0,8mm do sợ việc nó bị biến dạng khi mình làm những miếng đắp onlay. Các tấm da onlay được lạng xuống 0,3mm với máy Scharffix. Đó là một dụng cụ lạng thủ công hoạt động bằng cách cố định lưỡi dao lam (dao cạo) rồi cho tấm da chạy qua đó.
Mình dùng giấy than để scan bằng tay lại các hình người từ tờ thiết kế sang một tờ khác, sau đó sử dụng hình đó ra để làm đường dẫn cho việc cắt các miếng onlay thành hình. Mình làm các đó đơn giản bằng việc dán chúng lên miếng da. Hồ (paste) được sử dụng cho việc đó, bởi nó có thể dễ dàng bóc ra sau khi miếng onlay được đắp lên nền, và tuyệt hơn là nó không để lại các vết dơ trên bề mặt.
Với những miếng onlay được cắt xong xuôi, thì công việc tiếp theo là làm thế nào để đặt nó lên đúng vị trí trên tấm da nền. Lần đầu thực hiện nên mình còn khá lúng túng, nhưng cuối cùng cũng chọn được cách sử dụng tờ plastic cắt thành hình bậc thang, mà các hình người này sẽ nằm phía trên. Dán chúng lên thì rất đơn giản, chỉ cần dùng keo PVA.
Mặc dù các miếng da này vốn đã rất mỏng, nhưng vẫn tạo nên chỗ lồi đáng kể trên bìa sách. Nếu không xử lý thì chúng sẽ rất dễ bị tổn thương, bị cậy lên trong quá trình sử dụng. Vì vậy nên kỹ thuật backpared - lạng mặt sau của tấm da phải được thực hiện để làm chúng chìm xuống bề mặt. Dụng cụ ưa thích của mình để giải quyết vấn đề này đó là chiếc bào spokeshave Stanley 151, vốn dành cho nghề mộc, nhưng đã được chỉnh sửa để có khả năng lạng da. Mình mua và độ nó từ năm ngoái nhưng giờ mới có dịp sử dụng.
Giờ đây những hình đó không còn chút gợn nào, thì việc bọc còn lại khá đơn giản, mình sẽ bỏ qua nó. Phần cuối cùng của công đoạn làm bìa đó là làm miếng inlay hình cầu thang kia. Mình dùng tấm plastic cho việc dán các miếng onlay vào vị trí nói ở trên để làm đường dẫn cho việc cắt bỏ da trên mặt bìa. Sau đó bọc lại một tấm da khác có hình tương đồng lại vào vị trí. Lần nữa, việc dán da bằng hồ trở nên rất hữu dụng khi mình có thể bóc chúng ra một cách dễ dàng.
Sau khi nối lõi vào với bìa (bằng cách dán tấm da khâu cùng với lõi giấy vào) thì có 2 khoảng trống nằm giữa mỗi bên (gọi là doublure) để trang trí thêm. Mình quyết định dùng nhung để phủ chúng, bởi đây là chất liệu mình rất thích. Êm ái khi chạm vào, và có độ bóng mờ ảo quý phái, mà mình nghĩ sẽ phát huy rất tốt trong môi trường ánh sáng ở quán.
Cách để dán chúng lên mới là một vấn đề. Sau khi mua mình mới phát hiện ra là tính chất của nhung khá co giãn, và rất khó để ăn keo. Mình thử bồi nó bằng hồ lên giấy vài lần nhưng không ăn thua, sau cùng phải chuyển sang dùng PVA. Mặc dù vẫn có những trục trặc nhưng may mắn thay nó cũng dính được. Tuy nhiên ngay cả khi đã giải quyết vấn đề đó thì mình cũng biết thêm là cắt vải nhung ra sẽ để lại các vết nham nhở, vụn vải bị xổ ra trông không đẹp mắt cho lắm. Mình vẫn quyết định sử dụng nó lần này, tuy nhiên nếu có lần sau chắc mình phải suy nghĩ lại.
Cuốn menu hoàn thiện với việc đánh tên quán lên bìa, và mình cũng để lại dấu ấn của mình bằng chữ ký nhỏ ở phía sau.
Một số hình ảnh khác của cuốn menu :
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Để xem thêm về các cuốn sách khác mình làm thì các bạn có thể ghé qua page Papel y Tinta trên Facebook, hoặc theo dõi trang Instagram của mình. Ở số tiếp theo mình sẽ viết về tiếp về các cấu trúc của một cuốn sách, cách khâu, đóng, kiểu đặc trưng của các nước, etc...
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất