Khi nói về ảnh hưởng vang dội của Mikhain Sholokhov đối với thế giới, nhà văn Xô Viết Iu. Bônđarep đã viết rằng: “Tên tuổi này dường như đã tách rời khỏi một con người và giờ đây thuộc về nền nghệ thuật Xô Viết, đồng thời thuộc về toàn bộ nền văn hoá thế giới”. Và khi nhắc đến người nghệ sĩ tài hoa – Mikhain Sholokhov, ta không thể không nhắc đến bộ tiểu thuyết đồ sộ “Sông Đông êm đềm”, và cũng sẽ thật thiếu sót biết bao, khi chúng ta không đề cập đến “Số phận con người” – một đứa con tinh thần xuất sắc của ông vào thời kì hậu chiến. Tuy chỉ là một truyện ngắn, nhưng với dung lượng tư tưởng lớn và đậm đà tính sử thi, tác phẩm đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, đánh giá và phê bình văn học gọi là một “tiểu anh hùng ca”.
“Số phận con người” được đăng lần đầu trên số báo “Sự thật”, vào đầu năm 1957 (số ra ngày 01/01/1957). Đây là một tác phẩm mà để có thể viết được nó, nhà văn đã phải ấp ủ trong suốt gần 10 năm trời. Vào mùa xuân năm 1946 - mùa xuân hòa bình đầu tiên sau chiến tranh, trong một chuyến công tác qua thôn Volokhovsky, thuộc trấn Elanskaya, tại một bến phà, Mikhain Sholokhov đã làm quen được với một người lái xe đi cùng với một cậu bé. Người lái xe đã kể cho nhà văn nghe về cuộc đời chìm nổi, nhiều nước mắt của mình. Câu chuyện đặc biệt này đã làm cho nhà văn xúc động và nung nấu ý định viết nên một truyện ngắn kể về người lái xe ấy. Tuy nhiên, phải mười năm sau, ý tưởng ấy mới có thể trở thành hiện thực.
Thời điểm bắt đầu của câu chuyện là mùa xuân năm 1946 - mùa xuân hòa bình đầu tiên sau cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của dân tộc Nga, chống phát xít Đức (1941 – 1945). Ở đầu tác phẩm, người kể chuyện khoan khoái tận hưởng không khí thanh bình của đất trời thiên nhiên. Trên bờ sông, người kể chuyện gặp một người đàn ông dắt tay một em bé chừng năm, sáu tuổi. Người đàn ông ấy vốn làm nghề lái xe, tưởng người kể chuyện cũng là lái xe như mình, nên đã thân mật dừng lại bắt chuyện và tâm sự về cuộc đời mình. Người đàn ông ấy tên là Andrey Sokolov.
Andrey Sokolov sinh năm 1900, tại một làng thuộc tỉnh Voronezh. Trong thời gian cách mạng và nội chiến, anh từng phục vụ trong Hồng quân. 1922, Sokolov trôi dạt tới Kuban làm thuê kiếm sống. Khi trở về, thì bố mẹ và em gái anh đã chết đói trong thời kì Nội chiến. Sokolov rơi vào hoàn cảnh tứ cố vô thân, cô độc một mình. Sokolov bỏ lên thành phố làm cho một hợp tác xã mộc, rồi làm thợ nguội. Ít lâu sau, anh cùng Irina – một cô gái “lớn lên trong trại mồ côi” kết hôn. Cuộc sống của họ dần dần được ổn định, như cuộc sống của hàng triệu người dân Xô Viết khác. Họ có ba người con: Anatoli giỏi toán, hai cháu gái Olga và Nastia ngoan hiền. Andrey Sokolov học lái xe, và rất yêu công việc này của mình. Gia đình anh dành dụm được một ít tiền, mua một căn nhà nhỏ gần xưởng sản xuất máy bay cùng với hai con dê.
Tháng 6/1941, cuộc chiến tranh Vệ quốc nổ ra. Andrey Sokolov lên đường ra mặt trận. Gia đình hạnh phúc của anh phải trải qua nỗi đau chia lìa khôn xiết. Đánh giặc chưa được một năm, Sokolov bị thương hai lần vào tay và chân. Nhưng trong thời gian ấy, anh vẫn viết thư về nhà và nói rằng mọi thứ vẫn ổn. Anh khinh miệt những người lính hay than thở, nói nhiều về những mất mát, tổn thương. Anh chiến đấu dũng cảm, nhưng không may bị rơi vào tay phát xít Đức và phải trải qua hai năm đoạ đầy trong các trại tập trung. Có lần, bọn Đức bắt giải Andrey đi cùng đoàn tù binh đến một nhà thờ bị bom làm sạt mất vòm, khoá trái cửa lại. Có người theo đạo muốn đi vệ sinh thì bị chúng xả súng bắn chết tại chỗ. Tối hôm đó, Andrey được một bác sĩ quân y chữa cho khỏi bong gân và anh đã giết chết một kẻ định phản bội lại đồng đội của mình. Sau khi bóp chết tên phản bội, Andrey cảm thấy khó chịu, vì đó là lần đầu tiên trong đời, anh giết người.
Dọc đường, đoàn tù binh bị rơi rụng đi nhiều, người thì chết do không đủ sức đi tiếp, người thì bị bọn Đức bắn chết. Tại trại B – 14, tên trưởng trại tàn ác Miiler cho gọi Sokolov lên vì một câu nói đùa của anh. Miiler mang Sokolov ra làm trò tiêu khiển: thử xem sau bao ngày nhịn đói, Sokolov có còn giữ được tư chất người khi đứng trước rượu và thức ăn ngon hay không. Nhưng bọn Đức không thể bẻ gãy được ý chí của Sokolov, anh đã chứng tỏ được dũng khí của một người Nga. Miiler tha chết cho anh, và thưởng cho anh “khúc bánh mì không to lắm và một miếng thịt mỡ”. Khi chưa thoát hoàn toàn ra khỏi vùng nguy hiểm, suy nghĩ đầu tiên của Sokolov là nghĩ về những người có cùng cảnh ngộ. Anh quyết định sẽ mang bánh về và “chia đều cho tất cả”.
Mặt trận tiến dần về phía tây, tinh thần quân Đức ngày càng trở nên rệu rã. Bọn Đức bắt anh phải lái xe, chở một tên thiếu tá kĩ sư. Nhờ vào mưu mẹo, anh đã lái xe vượt chiến tuyến về với quân Nga, thoát khỏi chốn địa ngục trần gian ấy. Sokolov nhận được tin từ một người hàng xóm về tình hình ở quê nhà: từ tháng 6/1942, một quả bom đã rơi trúng ngôi nhà gần xưởng sản xuất máy bay của gia đình anh. Vợ và hai cô con gái của anh đã mất trong trận bom đó. Niềm tự hào, niềm hi vọng cuối cùng của Andrey Sokolov là Anatoli – con trai của anh, giờ đã là một đại uý pháo binh đang chỉ huy một đơn vị tiến vào Berlin. Ngày 9/5/1945 – ngày chiến thắng phát xít Đức, anh nhận được tin con trai mình đã hi sinh trong trận đánh cuối cùng. Sokolov đã đau đớn đến tột cùng. Ra khỏi cuộc chiến tranh, Andrey Sokolov bỏ đến Uriupinsk và tiếp tục làm lái xe. Ở đây, anh sống cùng hai vợ chồng người đồng ngũ không có con, và cũng là nạn nhân của chiến tranh. Anh cô đơn đến cùng cực, lắm lúc vùi đầu vào men rượu. Nhưng rồi, trong một quán giải khát, anh đã gặp cậu bé mồ côi Vania. Hai con người côi cút, hoàn toàn xa lạ, đã nương tựa vào nhau trong sự đùm bọc, yêu thương để tiếp tục chống chọi với số phận.
"Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, nóng bỏng lăn trên má anh".
Ít lâu sau, Sokolov lái xe vô tình đâm phải một con bò, vì vậy, mà bị tịch thu bằng lái. Hai bố con lại phải dắt díu nhau sang Kashary, với hi vọng làm thợ mộc chừng nửa năm, rồi sẽ lại được tỉnh cấp lại bằng lái mới. Tác phẩm được khép lại bởi những dòng cảm xúc trữ tình của người kể chuyện.
“Hai con người còi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Tự nhiên tôi muốn nghĩ rằng con người Nga đó là người có ý chí kiên cường không gì bẻ gãy được, và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường, nếu như Tổ quốc kêu gọi”.
Câu chuyện bình thường của một người lính về cuộc đời của mình, về hành trình gian khổ và những nỗi đau buồn trong chiến tranh đã biến thành lời trần thuyết đau thương, mang âm hưởng anh hùng về lòng dũng cảm, sức chịu đựng và sức mạnh tinh thần ghê gớm của người Nga. Trong “Lịch sử văn học Nga”, Đỗ Hồng Chung từng nhận xét: “Sokolov đã trụ lại được trước mọi sự thử thách của chiến tranh, anh không phải là một nạn nhân, anh là một chiến sĩ. Đây là một nhân cách trong mọi sự biểu hiện đều có sự tự do bên trong”. Các hành động, hành vi của Sokolov đều bị chi phối bởi quan niệm riêng của anh về phẩm giá con người. Trong tù, tự anh quyết định khử tên phản bội, tự anh nhận quyết đấu với tên chỉ huy trưởng phát xít. Sự tự do bên trong của nhân cách, đó là một phương diện hết sức quan trọng của tư tưởng nhân đạo được khẳng định trong văn xuôi Xô Viết giai đoạn này.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau thì ở lại. Trong cuộc chiến này, mọi người vẫn thường nhắc đến một nước Nga anh hùng, vẻ vang đã giành được chiến thắng, tự do từ tay phát xít Đức. Nhưng bên cạnh đó, chiến thắng còn là sự đánh đổi bằng sinh mệnh, bằng máu và nước mắt của hơn 28 triệu con người. Đau thương góp phần làm nên chiến thắng, nhưng chiến thắng dù có vẻ vang cách mấy cũng không thể che lấp được đau thương. Nỗi đau của sự mất mát do chiến tranh gây ra đã trở thành một đề tài lớn cho nền văn học thời hậu chiến.
Nhà văn Sholokhov đã nhìn chiến tranh thông qua số phận của một con người. Đó là số phận của một con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống hiện tại – những con người chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư cá nhân, để đấu tranh cho hạnh phúc chung của cả dân tộc. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, qua việc khám phá và khai thác các khía cạnh tâm lí, tình cảm của một mảnh đời cụ thể, Sholokhov đã khái quát lên được hình tượng của con người Nga vào thế kỉ XX. Đó là những con người của kỉ nguyên tàn khốc, con người của kỉ nguyên cô đơn – kỉ nguyên của những “hạt cát côi cút”, con người của kỉ nguyên nhân văn – kỉ nguyên của những điều đang chờ phía trước.
“Số phận con người” như một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của phát xít Đức. Không chỉ ca ngợi sự anh hùng của dân tộc Nga trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Sholokhov đã đề cập đến bi kịch bị chà đạp lên quyền sống, quyền làm người và quyền được hạnh phúc của con người. Qua truyện ngắn sử thi này, bằng một trái tim luôn yêu đời, đau đời, thương đời, nhà văn bày tỏ được thái độ cảm thông, chia sẻ, đồng thời là những khát vọng thầm kín nhưng mãnh liệt về một cuộc sống hạnh phúc cho những người có phẩm chất tốt đẹp. Hơn thế nữa, Sholokhov đã thể hiện được sự lạc quan,  niềm tin vào sức mạnh vươn lên, làm chủ số phận. Nhà văn đã dùng ngòi bút của mình củng cố niềm tin vào một kỉ nguyên mới – một tương lai tươi sáng trong lòng người dân Liên Xô lúc bấy giờ. Ông tin rằng, chỉ có lòng nhân ái, sự yêu thương giữa người với người mới có thể ngăn chặn được những bạo lực khủng khiếp, giúp làm lành những vết thương do chiến tranh hằn sâu vào trái tim của mọi người. Nhà văn đã đặt ra vấn đề nóng bỏng và bức thiết đối với con người trên toàn bộ hành tinh của chúng ta: Nhân loại có thể chiến thắng đau thương và mọi sự tàn phá, huỷ diệt do chủ nghĩa phát xít Đức và các thế lực đen tối khác gây nên hay không? Con người có thể vượt qua hậu quả chiến tranh để phục hồi cuộc sống thanh bình trên đống hoang tàn của chiến tranh khốc liệt hay không? Sholokhov đã dùng hình tượng Sokolov để trả lời vấn đề này một cách tích cực và khẳng định với một âm hưởng lạc quan, đầy sức mạnh.
Sholokhov quan niệm “Cần phải nói với người đọc một cách trung thực, cần phải nói với mọi người sự thật - sự thật nhiều khi là khắc nghiệt nhưng luôn ngoan cường”. Và không chỉ viết về hiện thực như nó vốn có, ông còn tập trung đào sâu đến từng ngóc ngách của vấn đề. Với “Số phận con người”, nhà văn đã khai thác triệt để nỗi đau sau chiến tranh, tố cáo mạnh mẽ chiến tranh, kêu gọi nhân loại đừng để đau thương kia phải lặp lại. Tác phẩm có giá trị sánh ngang với một tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ, là một khởi đầu mới cho một thời kì mới của mảng văn xuôi nói về đề tài chiến tranh.
Trên cái nền thảm khốc của thời đại, nhà văn cố gắng đi tìm lời giải cho câu hỏi số phận con người rồi sẽ đi về đâu. Bởi lẽ, người ta hàn gắn vết thương chiến tranh, rồi nhận ra có những mất mát không thể nào nguôi ngoai được. “Số phận con người” khiến người đọc suy nghĩ nhiều hơn về số phận của từng cá nhân sau chiến tranh. Tác phẩm còn cho thấy một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh, không tô hồng, cũng không ngủ quên trong chiến thắng mà thay vào đó là sự đồng cảm, sẻ chia. Hơn hết, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm và nghị lực của con người chính là chiếc chìa khóa giúp họ vượt lên số phận. Tuy nói về khía cạnh đau thương của chiến tranh nhưng không gợi lên cảm giác tuyệt vọng chán chường mà đằng sau đó là tiếng nói phản kháng chiến tranh một cách mạnh mẽ; đằng sau cơ hồ đau thương mất mát là những giá trị nhân văn cao đẹp của con người.
Nói về đề tài cũ bằng một cái nhìn mới, truyện ngắn “Số phận con người” đã trở thành một hiện tượng văn học mang tầm cỡ thời đại, là dấu mốc quan trọng của văn học Xô Viết, một nốt nhạc bi thương xen vào bản hùng ca; đau đớn mà hào hùng, khó khăn mà vẫn ngời sáng niềm tin. Tác phẩm đề cập đến một vấn đề rất thiết thực và ý nghĩa, không chỉ đối với thế kỉ XX mà còn có giá trị cho đến tận bây giờ: Thế giới “không chỉ cần những khối óc, những bàn tay mạnh mẽ chặn đứng bạo lực, mà cần hơn cả là trái tim, tấm lòng và nước mắt. Lòng nhân ái sẽ chiến thắng đau thương và thù hằn, đưa con người xích lại gần nhau hơn để cùng sống chung hạnh phúc và hoà bình”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Duy Bình, Trần Vĩnh Phúc, Hà Ngọc, Nguyễn Thị Thìn (dịch), Mikhain Sôlôkhốp tuyển tập, NXB. Cầu vồng Mátxcơva, 1987.
Đỗ Hồng Chung, Lịch sử văn học Nga, NXB. Giáo dục, 2006.
Hà Minh Đức, Lí luận văn học, NXB. Giáo dục, 2006.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB. Giáo dục, 2011.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giáo trình Tiến trình văn học, 2015.
Trần Thị Nâu, Giáo trình Văn học Nga, 2016.
Đỗ Hải Phong, Giáo trình Văn học Nga, NXB. Đại học Sư phạm, 2012.