Singularity (điểm kỳ dị công nghệ) đã đến
Công nghệ quảng cáo với trí thông minh nhân tạo (AI) đang đầu độc xã hội của chúng ta.
Bài viết của Ayad Akhtar trên trang The Atlantic
Bài viết này được lấy từ bài phát biểu tại Thư viện Công cộng Newark để vinh danh nhà văn Philip Roth.
Điều gì đó rất khác thường đang diễn ra. Những đồng điệu giữa chúng ta ngày càng tách xa khỏi quyền sở hữu đơn thuần của ta, thay vào đó chúng được lựa chọn sẵn vì mục đích lợi ích kinh tế tự động. Quá trình tự động hóa nhận thức con người và sức mạnh tiên đoán của công nghệ nhằm trục lợi từ hành vi, từ chính tư duy của chúng ta, đang làm biến đổi không chỉ bộ mặt xã hội và diễn ngôn giữa con người, mà còn biến đổi cả hóa học thần kinh bên trong ta. Đây là chương cuối của một câu chuyện lớn hơn, câu chuyện về lối tư duy mua bán trao đổi đã thâm nhập sâu sắc vào địa hạt lý tưởng triết học của con người như thế nào. Công nghệ này không chỉ dừng lại ở việc định hình thế giới quan xung quanh chúng ta nữa, mà nó còn quyết liệt tái định hình chúng ta từ bên trong.
Việc chúng ta luôn chịu sự giám sát của công nghệ kỹ thuật số chẳng phải là tin tức gì mới mẻ nữa. Tuy vậy, quy mô giám sát của nó vẫn không ngừng thách thức khả năng tưởng tượng của cúng ta. Mọi hoạt động trong thế giới ảo, mọi đặc tính của chúng ta đều được số hóa. Mỗi bước chân của ta trong không gian, mỗi hơi thở của ta vào ban đêm, từng thói quen tiêu dùng, lướt mạng, lịch sử tìm kiếm, các cuộc trò chuyện trong bếp và phòng ngủ - tất cả đều được lẳng lặng quan sát, chẳng phải bởi một cá nhân cụ thể, mà được lược giản thành cơ sở dữ liệu nhằm phân tích tạo ra các khuôn mẫu và tiên đoán hành vi tiêu dùng.
Nhưng, mô hình này không chỉ dừng lại ở việc tiên đoán. Nó còn tác động lên con người. Công trình mang ảnh hưởng của Daniel Kahneman ở lĩnh vực tâm lý học hành vi đã chứng tỏ tác động hữu hiệu của việc nhồi nhét vô thức (unconscious priming). Dù bạn vô tình hay cố ý đọc được một từ nào đó, từ ngữ đó cũng ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Đây là lý do tại sao công nghệ có thể hoạt động hiệu quả đến thế. Các màn hình ảo bao phủ một không gian lớn trong nhận thức hàng ngày của chúng ta, chúng hoạt động như một hệ thống chuyển phát cho quy trình nhồi nhét vô thức. Dưới cái tên khác là công nghệ quảng cáo, đây chính là hệ thống đằng sau các biểu ngữ website, các cột quảng bá sản phẩm trong Gmail, bài đăng story trong Instagram mà chúng ta lướt qua, tên thương hiệu mà mắt ta vô tình liếc phải trong tiêu đề email, từ ngữ và hình ảnh được khéo léo lông ghép giữa nhiều bài đăng trên đủ loại trang chủ. Chính những quảng cáo ta không thèm để ý tới lại định hình chúng ta nhiều hơn ta biết – nó là một góc trưng bày mà nền tảng công nghệ sử dụng cho việc kích thích giác quan, tất cả chúng phối hợp với nhau để thu hút chúng ta mạnh mẽ hơn.
Thu hút mạnh mẽ. Đó chính là điều mà công nghệ khát khao đạt đến - một quy chuẩn mà bản thân nó vừa có thể điều tiết và vừa tối ưu hóa. Càng kéo dài thời gian trên một nền tảng nào đó - trên Youtube hay Facebook, trên Amazon, trên ứng dụng của tạp chí New York Times - chúng ta càng lướt sâu hơn, càng tiếp cận nhiều thông tin hơn, càng dễ bị ảnh hưởng hơn. Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được cách nền tảng mạng cố tình hoạt động như thế nào, chúng được thiết lập để tối đa hóa sự chú ý của chúng ta ra sao. Trên thực tế, những nền tảng này đã được xây dựng rồi, và đã đang tối ưu hóa sự chú ý của chúng ta, khiến chúng ta bị thu hút chặt hơn, mạnh mẽ hơn.
Tốc độ in tiền giấy khó mà so được với tốc độ tích lũy lợi nhuận của các sàn đấu giá công nghệ quảng cáo.
Các thương gia mua bán sự chú ý đã nhận thấy rằng không có gì gắn chúng ta vào cái bẫy của họ chặt chẽ hơn là cảm xúc, và rằng một số cảm xúc có khả năng tạo ra sức gắn kết nhiều hơn một số cảm xúc khác. Những thứ mới và những thứ hấp dẫn, những thứ đặc biệt dễ thương. Sự rạo rực phấn khích trước viễn cảnh mâu thuẫn hay bạo lực. Nỗi bất hạnh của người khác. Và, có lẽ cảm xúc tượng trưng nhất là lòng căm phẫn, thù ghét và công lý. Tất cả những cảm xúc này lóe lên trong một phần não bộ chúng ta, và sẽ không bao giờ nhả ta ra khỏi vòng cai trị độc tài của chúng. Đầu ngón tay của chúng ta tìm kiếm nó. Cái tên “những con nghiện công nghệ” đơn thuần không thể diễn tả hết được quy mô của cái thực tế đang diễn ra.
Các bộ máy được xây dựng để giữ trạng thái dính chặt của chúng ta, duy trì dòng chảy dopamine đều đặn, và hệ thống đó ưu tiên năng suất, tức là các nền tảng tối đa hóa hiệu năng dựa vào phản ánh thực nghiệm. Một kỹ sư lâu năm của mô hình công nghệ quảng cáo đã viết rằng cuốn từ điển đơn ngữ lớn nhất trên thế giới, Từ điển tiếng Hà Lan, có hơn 350,000 mục từ, thế nhưng bản thân nó
không thể sánh nổi danh sách mục từ mà các chuyên gia công cụ tìm kiếm soạn thảo. Cũng như bất kỳ một nhà quản lý danh mục đầu tư nào - người nắm giữ thông tin giá cổ phiếu hiện thời và lý thuyết, nhà quản lý thông tin tìm kiếm được trả tiền là người nắm giữ cuốn bách khoa gồm danh sách các từ khóa tìm kiếm cùng giá trị đô-la của chúng, đồng thời liên tục điều chỉnh các phiên đấu giá để phản ánh hiệu suất ghi nhận được “luật sư ly hôn ở reno” / trị giá mỗi cú click $1.45 / doanh thu mỗi cú click $0.90 "ly hôn giá rẻ ở nevada" / trị giá mỗi cú click $0.75 / doanh thu mỗi cú click $1.10 "luật sư ly hôn ở nevada" / trị giá mỗi cú click $5.55 / doanh thu mỗi cú click $2.75
Một thập kỷ trước, các luật sư tìm kiếm thiệt hại và thu lợi từ phí dự phòng đã đẩy giá thầu của từ khóa mesothelioma lên đến mức $90 mỗi cú click, khiến nó trở thành từ đắt nhất trong tiếng Anh. Tốc độ in tiền giấy khó mà so được với tốc độ tích lũy lợi nhuận của các sàn đấu giá công nghệ quảng cáo.
Về bản chất, công nghệ này có khả năng tự điều chỉnh - như vi-rút cần lấy mẫu lành mạnh từ cộng đồng để tạo ra các biến thể, nó tiến hóa. Để công nghệ trở nên tương thích và chuyển phát quảng cáo dưới nhiều dạng khác nhau, nó cũng cần những nhãn cầu. Nền tảng nào có càng nhiều nhãn cầu càng tăng khả năng kết dính và tạo ra doanh thu cao.
John Stankey, CEO hiện tại của AT&T (tập đoàn viễn thông lớn tại Mỹ) đã đưa ra chỉ thị rõ ràng đến mức khác thường tới các nhân viên của mình tại HBO - vốn vừa được AT&T mua lại.
"Chúng ta cần đạt được mục tiêu nhiều giờ hơn mỗi ngày," Stankey đang nhắc đến mục tiêu tổng thời gian người dùng bỏ ra cho các chương trình của HBO. "Không phải nhiều giờ một tuần, cũng không phải nhiều giờ một tháng. Chúng ta cần người xem kênh nhiều giờ hơn một ngày. Ta đang phải tranh giành sự chú ý của người xem với các thiết bị nằm gọn trong tay họ, sẵn sàng bắt lấy tâm trí họ mỗi 15 phút." Stankey nói thêm về chủ đề đó: "Tôi cần nhiều giờ tương tác từ khán giả hơn. Tại sao ư? Bởi vì ta sẽ thu thập được nhiều dữ liệu và thông tin người dùng hơn, đồng nghĩa với việc thu được nhiều lợi hơn từ các hình thức quảng cáo xen kẽ, hay từ dịch vụ đăng ký trả tiền."
Những nền tảng sản xuất nội dung với tốc độ chóng mặt gần như thiết lập phản hồi cảm xúc của người tiêu thụ nội dung ngay trong thời gian thực. Xem một video trên YouTube, hay nhấn thích một bài đăng trên Facebook hay Twitter, bạn sẽ luôn được đề xuất các nội dung tương tự, thêm một bài đăng nữa, thêm một video nữa, và thêm nữa. Ẩn sau những nội dung được đề xuất là một logic về phản hồi cảm xúc. Công nghệ này cố gắng khai thác sự kích động của bạn, bất cứ thừ gì lôi kéo bạn sâu hơn và thôi thúc bạn bấm vào. Không có gì lôi kéo chúng ta mạnh mẽ hơn cảm xúc giận dữ. Chúng là những cơn giận dữ đạo đức. Những người mà ta cho là đáng ghét; những người chúng ta chọn yêu thích vì họ ghét cùng người với ta. Đây chính là logic đằng sau những chiến dịch rầm rộ đã dẫn đến sự tàn sát nhóm người Rohingya ở Myanmar; cũng là logic đằng sau sự chia rẽ đầy thù hằn giữa cánh tả và cánh hữu của nước Mỹ ngày nay. Với động cơ khai thác sự chú ý và lợi nhuận đi kèm, mỗi phe tách khỏi nhau ngày càng xa hơn, và khoảng cách càng lớn thì cơ hội kiếm lời càng cao. Đằng sau vấn đề xung đột văn hóa ở Mỹ hiện nay tồn tại khía cạnh kỹ thuật điện tử nhiều hơn chúng ta có thể nhận thấy.
Từ hơn một thế hệ trước, các tiểu thuyết gia và những người hâm mộ khoa học viễn tưởng đã đưa ra nhiều đồn đoán về khả năng và sự nổi lên của điểm kỳ dị công nghệ (singularity) - tức là, thời điểm mà AI (trí thông minh nhân tạo) rốt cuộc sẽ vượt quá trí thông minh của con người. Đối với nhiều người, điều này có nghĩa là robot sẽ có khả năng tư duy với vốn tri thức vượt xa giới hạn của chúng ta rất nhiều. Quả thật, các xã hội tiên tiến của ta đang được vận hành bởi một ma trận kỹ thuật số gồm quy trình thu thập dữ liệu, nhận biết khuôn mẫu, đưa ra quyết định mà chúng ta không thể nào hiểu hết được - và nó vẫn đang hoạt động hiệu quả mỗi một khoảnh khắc nhỏ của giây. Sức mạnh tổng hợp của công nghệ dữ liệu, tốc độ và dung lượng bộ máy xử lý điện tử, và khả năng kết nối với nhau một cách hoàn hảo - tất cả những điều này đã mở ra khả năng trao đổi, dịch vụ giao nhận, sản xuất hàng hóa; tăng trưởng vốn, và, quan trọng nhất, với độ bao phủ và phổ biến của hệ thống, nó có một tập hợp danh mục dài vô tận tất cả các giao diện tương tác của chúng ta, dù chỉ thoảng qua hay gián tiếp. Điểm kỳ dị công nghệ đã đến - chúng ta có thể gọi nó là kỷ nguyên tự động hóa - và dấu ấn mạnh mẽ của nó trên cuộc sống nội tại của ta đã quá rõ ràng.
Để theo đuổi cái mà John Stankey gọi là nhiều giờ hơn mỗi ngày, công nghệ đều đặn đem đến cho chúng ta các niềm vui sướng nho nhỏ, như phần thưởng cho sự chú ý lâu dài của ta. Một cái chạm vào màn hình - như con chuột phòng thí nghiệm phản ứng với kích thích – để nhận lại thứ mà ngày nay hay được gọi là một liều dopamine (a dopamine rush).
Theo sau việc tương tác với các thiết bị là quy trình học hỏi của máy, ở đó hệ thống tiếp thu các phản hồi của chúng ta và bắt đầu định hình chúng. Mô thức tôn sùng của con người vốn hoạt động một cách vô thức và khó nắm bắt, nay được gán cho một con số thứ tự sau khi công nghệ biến cái bản năng vô thức mờ mịt của ta thành ra rõ ràng như trong toán học, những ham muốn sâu thẳm nhất trong chúng ta được chuyển hướng đến các đầu mối bán buôn của hệ thống. Quá trình giám tuyển bộ máy hạnh phúc của con người một cách hệ thống, tỉ mỉ và không ngừng nghỉ này trở nên một lực tác động lớn hơn trong tâm trí của chúng ta, khi các thiết bị cố ý gia tăng nhỏ giọt sự kích thích, và từ đó chúng đồng nhất với chính nền tảng nhận thức của chúng ta.
Có thể chúng ta không nhận ra rằng khoảng cách giữa những thời điểm mình không cầm điện thoại ngày càng ngắn hơn. Mỗi 15 phút ư? Đó là câu chuyện của năm 2018 rồi. Ở năm 2021, thôi thúc tiếp cận các loại màn hình trở nên bình thường, như sự bất kiên nhẫn chính đáng đối với bất kỳ thể loại buồn chán nào. Nhưng vấn đề không phải vậy. Vấn đề nằm ở việc cai nghiện. Sự thiếu hụt hóa học thần kinh lặp lại liên tục sẽ sinh ra một cảm quan và một suy luận kiểu: Nếu mọi thứ im lặng quá, chắc chắn là có gì đó không ổn. Luôn luôn có thứ gì đó diễn ra trên màn hình. Không có gì bất ổn miễn là mình còn lướt trên màn hình này. Thói quen khuất phục trước những suy luận kiểu này - hàng ngày, hàng giờ, hàng phút - vạch ra một hướng mới trong địa hạt mất niềm tin của tâm trí. Mất niềm tin vào sự yên bình nội tại, dù cho nó là gì đi nữa. Một mặt, chỉ có sự lo lắng và bất an; mặt khác, thường trực chán nản.
Ẩn bên trong âm mưu xao nhãng vô tận này là một logic sâu sắc hơn. Hệ thống công nghệ đã học hiểu được giá trị nền tảng của việc khẳng định cho ta biết rằng quan điểm của ta là đúng, phản chiếu hình ảnh của thế giới theo góc nhìn của chúng ta, cài đặt thiên kiến chủ quan của ta làm mặc định. Đây chính là ý nghĩa thật sự của thực tế ảo hiện đại. Trong không gian ảo, công nghệ thay chúng ta tranh đấu và sửa chữa những thất vọng hay nản lòng của ta trong thực tế - bất chấp mong muốn và sự hiểu biết, theo định nghĩa.
Tôi tìm kiếm. Tôi tìm thấy những gì tôi biết. Tôi thích thú với sự nhận biết bản thân. Qua thời gian, tôi được rèn luyện để đặt niềm tin vào con đường dẫn đến sự hiểu biết - sự hiểu biết vượt qua những gì quen thuộc, sự hiểu biết vượt qua tôi. "Tôi" là người quyết định cái gì là thật. Còn gì thật hơn tôi nữa?
Ở hình thái cơ bản nhất - đừng nhầm lẫn, hình thái càng cơ bản, mức độ tương tác càng cao - những gì chúng ta đang miêu tả ra đây là một sự hỗ trợ công nghệ mạnh mẽ cho tính ái kỷ nguyên thủy. Chúng ta không cần phải có một Ovid (triết gia Hy Lạp, tác giả câu chuyện hoàng tử ái kỷ Narcissus) trong đời để hiểu được hiểm họa của việc ám ảnh quá mức chính mình; tuy vậy, có lẽ chúng ta không hình dung được mức độ lan tỏa đến thái độ xã hội mà khuynh hướng này chủ động gây ra.
Ám ảnh cá nhân như con đường dẫn đến nhận thức bản ngã dĩ nhiên chẳng phải là ý tưởng gì mới. Ngành công nghiệp quảng cáo của Mỹ đã nhồi nhét ý tưởng hư cấu này vào chúng ta trong suốt một thời gian dài, phóng đại sự chú ý đến những ham muốn thoảng qua hay thậm chí tầm thường nhất, khuyến khích chúng ta nghĩ đến việc thỏa mãn các ham muốn đó như thể mục đích tối thượng của chính trị quốc gia vậy. Nhưng sức ảnh hưởng của nó như hiện nay là chưa từng có. Công nghệ tràn vào mọi khu vực; nước không bao giờ rút đi. Xuyên suốt quá trình này, hình ảnh và chức năng của nó đã được tái tạo hoàn toàn. Phơi bày sự tự tin khẳng định chính mình được nhập làm một với các điển hình về chống đối chính trị. Các bản tụng ca bản thân nhan nhản khắp nơi. Từ 'tôi' và 'của tôi' đã được nâng lên thành những phạm trù nhận thức luận. Và giờ đây, cái tôi được nhìn nhận như một bản thể mong manh dễ vỡ ngày càng phổ biến, chẳng phải xuất phát từ hoàn cảnh ngẫu nhiên của cá nhân, mà là do xã hội không có khả năng bảo vệ và nhận ra 'tôi' nữa.
Một khi đã quen với sự thỏa mãn dễ dàng đến từ các dịch vụ đăng ký và quảng cáo, bị cuốn hút và thuyết phục bởi những luận điệu đạo đức bào chữa cho thói phụ thuộc vào công nghệ như thể đó là hành động đúng đắn, chúng ta cũng đang nội tại hóa một sự dối trá độc hại khác, gây tổn hại sâu sắc đến cấu trúc xã hội - điển hình là niềm tin rằng thỏa mãn cá nhân sẽ trở thành con đường dẫn đến sự cứu rỗi và đổi thay, và rằng chúng ta không cần phải chịu đựng một chút bất tiện nào để có thể tận hưởng những thỏa mãn đó. Có thể mượn cách nói yêu thích của làn sóng văn hóa cổ vũ sự tự tin đương đại, chúng ta xứng đáng có được sự thỏa mãn vì ta xứng đáng được nhiều hơn; ta xứng đáng cảm thấy hạnh phúc.
Tri thức là con đường dẫn đến trí tuệ, còn thông tin thì không.
Tất cả những điều này đã chỉ ra một bản thể luận xã hội mới, một tập hợp những hành vi mới được khuyến khích bởi sự phát triển của công nghệ. Đó là mô hình quảng cáo của tư tưởng; mô hình giải trí của ý thức. Tự biến mình thành hàng hóa, tự quảng cáo, tiếp thị bản thân - những hành động này giờ đây không khác gì màn phê bình hay chú giải chính thống; thiên kiến của chúng ta không ngừng được khẳng định, từ đó củng cố càng mạnh mẽ các lập trường đạo đức mà ta có. Đây là điểm phức tạp của các tương tác xã hội trong phạm vi công cộng mới, nơi mà ý tưởng như một món mồi nhử, khiêu khích hàng giờ sự chú ý của ta, và là một minh chứng khác cho mức độ tái định hình mối quan hệ giữa con người do công nghệ gây nên. Trên thực tế, các cỗ máy kiếm tiền sử dụng chúng ta y như cách các nhà máy xay bột, như gia súc kiếm ăn trên những bãi đất hấp thụ từ xương của chúng, công nghệ trộn lẫn những thầm kín sâu thẳm nhất của con người với chất thải kỹ thuật số của hệ thống, rồi lại đem về cho chúng ta tiêu thụ. Xuyên suốt quy trình đó, ta được tái tạo bởi thứ mà ta tiêu thụ. Nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie nói rằng: "Tôi thấy một điều càng ngày càng đáng lo ngại: một sự chộp giật máu lạnh, một cơn thèm khát nhận lấy và nhận lấy, nhưng không bao giờ cho đi;... một sự dễ dãi với thói xảo trá, giả tạo và ích kỷ ẩn trong ngôn ngữ mang mác chăm sóc bản thân; sự mong đợi nhận giúp đỡ và phần thưởng dù có xứng đáng hay không;... một mức độ ái kỷ thật đáng kinh ngạc; một huyễn tưởng về chủ nghĩa thuần túy đến từ người khác; sự thổi phồng năng lực quá mức hoặc ảo tưởng về tài năng bản thân; thiếu khả năng xin lỗi người khác một cách chân thành và trọn vẹn mà không đưa ra bất kỳ biện hộ nào, một màn trưng bày đức hạnh khéo léo và nhiệt huyết trên diễn đàn công khai như Twitter nhưng lại không phải trong không gian thân mật của tình bạn." Những từ ngữ thật khuấy động. Chắc chắn ai cũng nhận ra ít nhiều sự thật từ lời cô ấy nói. Nhưng còn một điều thậm chí còn kinh khủng hơn ẩn sau bản cáo trạng mạnh mẽ này, đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan của những người góp phần trong nó. Tất cả chúng ta. Bởi vì, làm gì có ai, trung thực mà nói, lại dám nghĩ rằng mình nằm ngoài bảng cáo trạng đó?
Rốt cuộc thì, tác giả chỉ có thể sống sót khi tác phẩm của họ chứa đựng trí tuệ. Một trăm năm sau, người đọc sẽ phải tự nhận ra các khuôn mẫu cảm xúc của chính mình, bất chấp bối cảnh xã hội của tác giả thời bấy giờ. - Vivian Gornick
Là một tác giả, tôi cảm thấy dường như sự phát triển tai hại nhất trong cuộc sống tập thể hiện đại chính là sự vượt trội của một hành vi rút tỉa từ việc công nghệ kỹ thuật số đánh đồng thông tin với tri thức. Bởi lẽ tri thức là con đường dẫn đến trí tuệ, còn thông tin thì không. Đặc biệt là trong bối cảnh thông tin được sử dụng như một phần thưởng hướng đến ta, với nỗ lực mở rộng của công nghệ nhằm đạt được sự cải tạo vĩnh viễn.
Việc thành kiến của bạn không ngừng được khẳng định từ một thác thông tin qua tuyển chọn để trùng khớp với sở thích và quan điểm của bạn, mỗi giây mỗi phút, có thể hình dung rằng nó đang tạo ra một ảo tưởng nhất định về sự chắc chắn. Nhưng cái xác tín đó không giống với trí tuệ; trên thực tế, có thể nó còn ngược lại với trí tuệ. Trí tuệ: sự hiểu biết liên tục bị giằng xé bởi mâu thuẫn - một sự hiểu không thể nằm ngoài sự không chắc chắn. Mượn lời nhà văn Philip Roth trong cuốn American Pastoral:
Dẫu sao thì hiểu được người khác cũng chẳng phải là toàn bộ ý nghĩa của việc sống. Ngược lại, hiểu nhầm người khác mới thật sự là sống, hiểu nhầm và hiểu nhầm, và sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ta lại hiểu nhầm họ một lần nữa. Đó là cách ta biết rằng mình thật sự đang sống.
Dám cam kết với việc nhận ra rằng ta sai, đến sự cần thiết của sai lầm trong đúc kết và rằng phải tìm hiểu một lần nữa, liên tục như vậy - đó chính là con đường mà Gornick cho rằng có thể giúp văn chương tồn tại. Đối với nhà văn Saul Bellow, tiểu thuyết là bài kiểm tra cho các ý tưởng tốt nhất của ông - các ý tưởng mà ông hy vọng, hay đúng hơn là đoán trước, rằng rốt cuộc rồi cũng thất bại. Sự xác tín chính là lời nguyền đối với nghệ thuật, và sau cùng, như Roth mượn nhân vật Nathan Zuckerman đẻ bày tỏ, nó là lời nguyền của sự sống.
Sự trỗi dậy của màn hình kỹ thuật số tác động đến nhận thức của con người đã thúc đẩy tầm quan trọng của sự chắc chắn trong phạm vi đời sống công khai, càng ngày càng khó phân biệt với đời sống riêng tư của chúng ta. Đối với các tác giả, điều này càng báo động hơn nữa, bởi tác giả không thể đặt niềm tin vào xác tín của mình để dẫn đưa tác phẩm của họ, nó đang đánh cắp những đồng điệu mà ta chọn để chia sẻ cùng nhau (đồng điệu chọn lựa), và thay vào đó biến chúng thành những tập hợp được lựa chọn sẵn cho chúng ta. Bằng cách sử dụng thuật ngữ "đồng điệu chọn lựa" (elective affinity), tôi đang đưa ra một ý tưởng bắt nguồn từ thuật giả kim cho đến tư tưởng Goethe và khoa học xã hội vào thế kỷ 19. Khái niệm cho rằng các nguyên tố hóa học, con người, hay các dạng văn hóa khác nhau cùng sinh ra những đồng điệu và kết nối khắng khít, từ đó, chúng xâm nhập vào mối quan hệ giữa con người. Đối với một tác giả, sự đồng điệu chính là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi đường dẫn lối.
Nó cũng như thế đối với Roth, một nhà văn có những đồng điệu đầy can trường và đam mê. Ông có sự đồng điệu với những nhà văn Mỹ vĩ đại, ngay cả vào thời điểm mà người ta đánh giá ông theo thứ tự đầu tiên là người Do Thái, sau đó mới được xem là người Mỹ; sự đồng điệu đã khiến ông say mê một người theo chủ nghĩa bài Do Thái tàn độc như Céline. "Céline chính là Proust của tôi!" Roth từng bày tỏ. "Thậm chí khi tư tưởng bài Do Thái của Céline khiến ông ta thành một người tồi tệ, không thể chịu đựng nổi. Khi đọc ông, tôi...đành kìm hãm lương tâm Do Thái của mình... Céline là một nhà giải phóng vĩ đại." Con đường của sự đồng điệu thường dẫn đến mâu thuẫn, như cách mà nhà văn Mỹ gốc Do Thái là Roth dám noi theo tấm gương một nhân vật bài Do Thái cuồng nhiệt đến như vậy. Mâu thuẫn, theo F. Scott Fitzgerald, nếu như ông đúng về phép thử của một bộ óc thượng hạng, chỉ là một dạng thức khác của trí tuệ.
Trong cuốn Here We Are của Benjamin Taylor, một câu chuyện cảm động ghi lại tình bạn của ông với Roth, Taylor thuật lại cảnh Roth đọc to một đoạn trong cuốn Lord Jim của Joseph Conrad:
Kẻ được sinh ra rơi vào trong giấc mộng cũng giống như người ta rơi xuống biển vậy. Nếu ta cứ cố gắng trèo lên không trung như cách những người thiếu kinh nghiệm vẫn làm, hẳn ta sẽ chết đuối. Cách làm đúng là phải quy phục bản thân vào cái môi trường hủy diệt kia, và nỗ lực dùng tay và chân trong nước để khiến biển sâu giữ ta trên mặt nước... Nhúng mình vào môi trường hủy diệt đó.
Sau đó Roth ngước lên và nói: "Đó là điều tôi vẫn luôn dặn mình trong nghệ thuật và, khốn thay, trong cả cuộc sống nữa. Quy phục những vực sâu. Hãy để chúng nâng ta lên." Dòng chảy xuống là dòng chảy có thể nâng ta lên. Hay màn trèo lên mà chìm "chậm như con diều" theo cách Elizabeth Hardwick miêu tả trong cuốn Sleepless Nights. Có nhiều con đường khác nhau dẫn đến trí tuệ của sự mâu thuẫn, đó là thứ giúp cho bất kỳ nghệ sĩ nào cảm nhận được một con đường khả dĩ, nhận thức được sự đồng điệu của mình, cũng sẽ không chùn bước chỉ vì quan ngại của người khác.
Khó mà biết được liệu những mối bận tâm của số đông bây giờ có nhiều hơn trước hay không. Nhưng có lẽ chúng ngày càng trở nên khó tránh khỏi hơn. Một đặc trưng của công nghệ tự động hóa là hiệu quả của nó trong việc dắt mũi dư luận chẳng kém gì hiệu quả kiểm soát dư luận. Công nghệ đã tạo ra những nơi gặp gỡ cho phe phái các luồng thiên kiến khác nhau. Các tụ điểm của cuồng nộ này không chỉ đơn thuần là thiên tả hay thiên hữu, nó còn tràn ngập những khẩu hiệu phe phái, các giáo điều được mài dũa cẩn thận - như slogan của các nhãn hiệu, cho đến những cách ngôn sáo rỗng. Hệ quả là những tiếng la ó đinh tai nhức óc đòi trừng trị ở khắp mọi nơi.
Đối với những tác giả ngày nay, ở đâu chăng nữa, họ cũng không được phép thu minh lại bởi nỗi sợ - mặc cho nỗi sợ có thật như thế nào đi chăng nữa, mặc cho những áp bức, thù ghét và bài trừ. Họ phải hiểu rằng con đường viện dẫn tri thức đến trí tuệ trong văn chương, rốt cuộc, chỉ có thể bắt nguồn từ cảm nhận của chính bản thân họ. Thông tin giả dạng tri thức sẽ không đưa họ đến đó, cũng như huyễn tưởng rằng mình thuộc về đám đông và được chấp nhận – được khẳng định về mặt đạo đức để trục lợi, sẽ không cứu rỗi họ. Có thể thứ duy nhất mà họ có để tiếp tục hành trình của mình chỉ là sự đồng điệu, dù nó ở hình thức kỳ dị đến thế nào; và họ phải tranh đấu với nỗi sợ để tiếp tục cùng nó. Đó là lý do khiến bất kỳ lời bào chữa nào cho văn chương, cho việc viết – hay nói rộng ra – cho việc đọc và dạy – chỉ có thể đủ mạnh khi người ta sẵn sàng lưu tâm đến nó. Về cơ bản, đây không phải là chủ đề lý tính để phán xét, nó không dành cho tòa án công luận hay bất kỳ hình thức nào khác. Đây là chủ đề của trái tim, là chủ đề của một dạng trí tuệ mà chúng ta gọi là tình yêu.
Bài viết trên nằm trong ấn phẩm giấy của tạp chí The Atlantic, in tháng 12 năm 2021.
Ayad Akhtar là nhà biên kịch đoạt giải thưởng Pulitzer, nhà văn và chủ tịch của hiệp hội PEN America.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất