Martin Heidegger: Các cậu đã bao giờ tự vấn bản thân về ý nghĩa cuộc sống bao giờ chưa? Khi đối mặt với khủng hoảng về thời gian hay những giây phút sinh tử, liệu có con đường nào đưa chúng ta tới sự giải phóng? Có vẻ như con người vẫn chưa tìm được thuốc giải cho hàng loạt căn bệnh tinh thần như một kết cục không thể tránh khỏi của lối sống hiện đại thời nay. 
Albert Camus: Thời đại hiện nay đang bị thống trị bởi một loại đại dịch mà con người có vẻ như hoàn toàn dửng dưng trước sự tồn tại của nó. Họ quá bận rộn sống một cuộc sống bị dẫn dắt bởi miếng cơm manh áo mà quên mất bản chất thật sự của cuộc sống. Chúng ta thường hay nghĩ đến đại dịch dưới hình thức virus lây truyền, vaccine chữa trị, số ca nhiễm, hồi phục và tử vong. Nếu ngẫm về sự vô nghĩa của cuộc sống, tôi nghĩ cái chết có thể xem như một đại dịch mà con người không thể trốn tránh, như một sự kiện có khả năng chấm dứt ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trong gang tấc. 
Martin Heidegger: Vấn đề khiến tôi bận tâm nhất đó là thái độ thờ ơ của con người trước sự tồn tại của bản thân. Thay vì chạy theo sự năng suất của văn hoá nhộn nhịp hối hả, chúng ta nên trân trọng những giây phút rất đỗi con người của mình nhiều hơn như việc đạp xe quanh thành phố, nấu một bữa ăn ngon, hay xem phim một mình vào cuối tuần. Chúng ta nên đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những điều dị thường trong cuộc sống ví dụ như tại sao sự vật lại hiện hữu theo bản chất của nó, hoặc tạo sao chúng ta lại ở đây thay vì một nơi nào khác.
Jean-Paul Sartre: Theo tôi, thuyết hiện sinh được kiến tạo dựa trên nền tảng thứ nhất là bản chất kỳ quặc của tạo hoá. Con người nên chuẩn bị tinh thần để đối mặt với sự lạ lẫm về ý nghĩa hay giá trị của các thói quen thường nhật khi thoát khỏi những giả định áp đặt của xã hội. Tôi xin lỗi nếu câu nói tiếp theo phá hỏng suy nghĩ của các cậu về buổi hẹn hò lý tưởng, nhưng bản chất của một bữa tối lãng mạn với tôi thật ra chỉ là cách diễn đạt hoa mỹ của hai cá thể người tiến hóa cùng nhau tiêu thụ thức ăn để đảm bảo sinh tồn. Lý thuyết thứ hai tôi muốn đề cập liên quan đến sự tự do cá nhân. Thú thật với các cậu là tự do sinh sống trong một thế giới thiếu vắng mục đích hay sự định đoạt của Chúa trời chẳng khác gì nỗi thống khổ về thể xác và tinh thần. Con người tự chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình và mỗi sự lựa chọn đều phần nào phản ánh họ muốn sống một cuộc sống kỉ luật kỉ cương hay bê tha phóng túng. 
Søren Kierkegaard: Thay vì thừa nhận thế giới như một thực thể kỳ lạ tôi nghĩ rằng đã đến lúc con người thức dậy khỏi những ảo tưởng uỷ mị để đối mặt với hiện thực tàn khốc. Niềm tin vào gia đình, công việc; sự chung thuỷ trong tình yêu hay lẽ thường về mục đích và ý nghĩa cuộc sống đều là những chiêu bài mang tính thiển cận. Đã từ bao giờ mà ý nghĩa cuộc sống bỗng xoay quanh việc thoả mãn kế sinh nhai, rằng trở thành thẩm phán của quan toà tối cao hay cưới một vị hôn phu, hôn thê giàu có là mục tiêu của đời người cơ chứ. Những lúc bế tắc tìm không ra giải pháp tôi chỉ còn cách cười trên sự đau khổ và bất lực của mình thôi các cậu ạ. 
Martin Heidegger: Yên tâm đi Kierkegaard, tôi biết cũng có nhiều người nhìn đời qua lăng kính hài hước và châm biếm khi phải đối mặt với thử thách mà. Quay lại với vấn đề chính, điều tiếp theo khiến tôi trăn trở là con người đôi khi quên mất rằng mọi sự tồn tại đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Con người dành phần lớn thời gian quá coi trọng vị trí xã hội thông qua nghề nghiệp của mình mà đối xử với thiên nhiên như một công cụ vô tri vô giác nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Chúng ta cần có một cái nhìn rộng mở, nhân ái hơn đối với tất cả sự sống trên trái đất và trân trọng mọi sự hiện hữu cho dù bé nhỏ nhất. Đây có thể nói là nền tảng cơ bản nhằm đề cao sự hợp nhất, hài hoà của mối quan hệ tồn tại song phương giữa con người và thiên nhiên.
Jean-Paul Sartre: Một điều nguy hiểm khác mà con người phải đối mặt với cuộc sống hiện đại thời nay đó là đặt niềm tin mù quáng vào những điều không tốt. Con người đôi khi cống hiến bản thân quá nhiều với vòng xoáy năng suất của công việc mà đánh mất bản chất thật sự của việc làm người. Không ai có thể ngăn cấm một người bồi bàn tự do trở thành một nhà soạn nhạc, nhà văn, hay thậm chí đảm đương ở những vị trí khác đi ngược lại định kiến đám đông. Chúng ta nên thoát ly khỏi những suy nghĩ gò bó rằng sự nghiệp định nghĩa vị thế của một người trong xã hội. 
Martin Heidegger: Mối quan ngại thứ ba của tôi đồng quan điểm với ý kiến mà Sartre nêu trên, con người thật sự đang dần hy sinh bản thân mình để sống theo sự kỳ vọng của người khác. Quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn xã hội, định kiến, kỷ luật cứng nhắc đã từ lâu là những gồng xích nhằm thao túng suy nghĩ và hành động của con người. Chúng ta không nên quá gò bó quan điểm của mình dựa trên những chuẩn mực đương thời mà thay vào đó hãy không ngừng tìm tòi các giá trị nhân sinh quan trên phạm vi toàn cầu. Giây phút chúng ta lựa chọn sống vì bản thân mình, chúng ta đã dấn thân trên con đường hướng đến sự trung thực bởi vì cuộc đời quá ngắn ngủi để làm hài lòng mọi quan điểm của đối phương.
Søren Kierkegaard: Cuộc sống bày ra trước mắt con người quá nhiều sự lựa chọn nhưng chúng ta lại không có đủ kiến thức và tầm hiểu biết để quyết định hành xử một cách tối ưu. Và chúng ta dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình đầu hàng trước sự bất lực của bản thân, đày đọa tinh thần trong sự tiếc nuối, hối hận từ những sự việc trong quá khứ. Cuộc đời chỉ có thể được chiêm nghiệm từ phía sau, nhưng con người phải luôn tiến về phía trước mà sống. Cảm giác lo lắng không ngừng này còn ngụ ý rằng sự bất hạnh, bằng cách nào đó, đã khắc sâu vào kịch bản cuộc đời mỗi con người và không một ai có thể vỗ ngực tự tin nói rằng mình hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống của họ.
Albert Camus: Khi đối mặt với cơn khủng hoảng, bản tính con người thường lựa chọn kế “chạy là thượng sách”, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là cách giải quyết nhất thời, và thiếu hiệu quả. Đồng ý là chúng ta khó có thể đạt được sự an toàn tuyệt đối, nếu con người san sẻ yêu thương nhiều hơn và giúp đỡ nhau trong cơn hoạn lạc thì tôi nghĩ họ sẽ giảm bớt đi phần nào những gánh nặng và nỗi lo âu của mình. Những cá thể đã và đang trải qua áp lực xã hội, trầm cảm, mặc cảm, hay bệnh kinh niên về mặt tinh thần chẳng khác gì những bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp.
Jean-Paul Sartre: Dựa trên quan sát gần đây tôi cũng để ý rằng sự phổ biến của chủ nghĩa tư bản khiến tiền bạc dần đóng vai trò quyết định trong việc cho phép con người tận hưởng những trải nghiệm trong cuộc sống. Chủ nghĩa duy vật khiến con người tin rằng họ phải làm việc theo một khung giờ nhất định, mua những sản phẩm nhất định mà quên mất đi sự tự do của chính mình. Cuộc sống vốn dĩ không tồn tại một ý nghĩa cố hữu nào hoá ra lại có mặt tích cực của nó, bởi nếu chúng ta phải sống trong một thời đại bị thao túng bởi vật chất và lợi nhuận như thế thì tôi thà làm kẻ điên để sống một cuộc đời tự do với những giá trị nhân sinh quan của riêng mình còn hơn.
Đọc thêm: