Sáng nay đi chợ nên kể về việc đi chợ.
Quầy thịt nhưng thay thịt bằng rau củ quả
Để chuẩn bị cho một buổi đi chợ hiệu quả thì trước hết ta cần phải chuẩn bị:
+Về thời gian: 
Nên sẵn sàng dậy sớm một tí, tầm 6-7h sáng, khi các quầy, sạp vừa mở, lúc đó đồ vừa tươi mới, đường đi lại thông thoáng, khí trời thì thật là mát mẻ, thiệt là thoải mái! Ngoài ra thì việc chợ thông thoáng cũng là một dịp tốt để ta có thể đi do thám, có thể lướt một vòng chợ để cập nhật những "món ngon của ngày". Nếu chưa có kể hoạch cụ thể thì việc đi sớm sẽ giúp ta xác định được món hàng nào đang có giá tốt, đang vào mùa, đặc biệt là trái cây, còn gì ngon bằng trái cây trúng mùa, đủ cả ngon-bổ-rẻ.
Thật ra lúc 8-9h thì chợ không phải là hết đồ, chỉ là, khi đó mặt trời nắng chói, người người chen chúc, bóp kèn xe kèn mồm inh ỏi, một không khí vô cùng rộn ràng, ai mà thích đông vui tí thì chắc cũng không ngại. Chỉ có cái xấu là, dân mình chưa coi trọng việc xếp hàng, khiến việc chen lấn ở các quầy hàng "hấp dẫn" là một "lợi thế", không phải là người bán không biết, chỉ có cái là họ ngại làm mất lòng khách nên không nói thôi. 
+Về tinh thần:
Để tránh tình trạng kẹt xe cục bộ tại một quầy hay kẹt xe toàn chợ thì trước khi đi ta nên tạo một danh sách những gì cần mua, một "sốp-ping lít", chi tiết thì có thể ghi cụ thể từng cọng hành hạt gạo, không thì ít nhất ta cũng cần ghi mục đích mua đồ lại (Vd: rau nấu canh, thịt làm món mặn, cá vì hôm qua ăn thịt, đồ đắp mặt,...) Danh sách này sẽ là phao cứu sinh giúp ta không bị bì bõm trước hàng rau hàng thịt, thà tốn 15 phút nằm ở nhà và suy nghĩ trong yên bình còn hơn là 15 phút ở giữa chợ, giữa chốn người xe, giữa những tiếng rao, tiếng kèn, giữa những con người vội vã.
+Về tài chính:
Mua rau ở chợ thì rẻ hơn siêu thị là cái chắc, thịt thà thì chợ tuy có phần đa dạng hơn, nhưng giá cả cũng không rẻ hơn mấy, được cái là thịt ở trong siêu thị thì được bảo quản trong ngăn mát và nhìn sạch sẽ hơn.
Có một câu châm ngôn là đã đi chợ thì nên trả giá. Phần vì giá ở chợ thường được quyết định bởi chủ quan người bán (dựa trên giá mà các tiểu thương mua vào+ lãi dự kiến) nên có khi họ có thể "nhầm lẫn" và khiến giá của sản phẩm cao hơn nhiều so với giá trị thị thật của nó. Việc "trả giá" là hoạt động "trả" giá của sản phẩm về gần hơn với mức giá trị, về mức mà người bán vẫn có lời nhưng người mua không bị "hớ". Qua thời gian thì hoạt động này bị biến tướng thành việc người bán "hét giá" lên thiệt cao để khi người mua có "trả" thì mình vẫn lời (to), thế lại hình thành bộ phận người mua hay "trả" giá xuống dưới cả vốn, vì không tin được vào thông tin của người bán. Một vòng lặp luẩn quẩn để rồi thiện chí và niềm tin của hai bên mất đi, để lại sự ngờ vực và cay cú, lúc nào cũng chưa thỏa mãn của cả hai bên.
Về phần mình thì, mình chọn mặt gửi vàng thôi. Với niềm tin rằng sau một hồi giao dịch và tạo dựng niềm tin thì sạp nớ hoặc là sẽ giảm giá chút chút hoặc tăng sản lượng sản phẩm chút chút, thế là hai bên đều vui. Còn nếu cảm thấy rằng có sạp khác có giá cả tốt hơn và "chăm sóc khách hàng" tốt hơn thì mình lượn qua đó thôi. 
Kết 
Đi chợ là một trải nghiệm thú vị, càng đi càng thú, cảm giác như đang bước chân vào giày của mẹ, tuy hơi to nhưng mùi rất quen thuộc.