Có lẽ không thể dùng lời để diễn tả đầy đủ thứ cảm giác cuốn lấy đầu óc tôi những ngày đó, trong khi lần mò đi theo từng nhân vật, từng tính cách, chi tiết để giải mã về cái dòng chảy như bánh xe xoay vần của số phận đơn độc của một dòng tộc qua 7 đời.
Mở đầu bằng một ông lão (José Arcadio Buendía) một thời mạnh mẽ, cường tráng, trí tuệ sáng suốt, luôn luôn dấn bước để tìm tòi về thế giới, cuối cùng chết sau những năm tháng điên loạn, đơn độc làm bạn với hồn ma mà mình đã cắm lưỡi mác đem đến cái ám ảnh buộc phải trốn khỏi làng dưới gốc cây dẻ, và kết thúc bằng cái chết của đứa trẻ cuối cùng đời thứ 7 bị kiến tha đi, từ mối tình chất chứa tình yêu duy nhất sinh hoa kết trái trong suốt 100 năm nhưng loạn luân, giữa dì (Amaranta Buendía) và cháu trai (Aureliano Babiliano).
Nhân vật để lại ấn tượng rõ rệt nhất với tôi chính là vợ ông ( cụ José Arcadio Buendía) - cụ Úrsula, người có cái nhìn thấu suốt qua năm tháng, nhẫn nhục chịu đựng mất mát và đau đớn. Người luôn luôn vững chãi che chở cả gia đình qua những thời kì gian khó, cả khi chồng dùng hết tiền của để nghiền ngẫm đủ thứ thuật giả kim rồi thám hiểm mà chẳng đến đâu, con trai lớn (José Arcadio) bỏ nhà đi, trở về lấy chính em nuôi mình, còn thằng con thứ (Aureliano Buendía) trở thành đại tá, theo đuổi, trải qua bao nhiêu trận chiến cuối cùng chỉ cay đắng nhận ra cái kiêu hãnh tai hại của mình, giành cả đời làm cá vàng rồi lại phá, hai đứa con gái chết đi sống lại vì một thằng con trai rồi lại thôi khiến nó phải tự vẫn, và Amaranta của bà cả đời sống với nỗi cô đơn, thù hận và tội lỗi,...Nhưng sự minh mẫn của bà mềm mượt như dòng nước êm đềm chảy quanh số phận con cháu mình, và cả tầng tầng lớp lớp con cháu cứ theo dòng chảy của 2 cái tên Acardio và Aureliano phân thành hai nhánh. Một nhánh Arcadio thừa hưởng thân hình cường tráng, cuộc sống sôi nổi, nhưng buông tuồng, vô độ và thường để lại hậu duệ, nhánh còn lại Aureliano, yên tĩnh, lầm lì với những nghiền ngẫm của bản thân, tìm hiểu chính mình, tìm hiểu thế giới và luôn lao ra chiến đấu cho những điều mình cho là đúng đắn, nhưng thường chết trong sự cô độc và yên tĩnh.
Ngang ngửa với cụ Ursula chính là cô gái điếm Pilar Ternera, người đàn bà luôn hiểu thấu nỗi đau đớn của dòng tộc Buendía, nỗi đau đớn của cô đơn, của sự bất lực trước tình yêu không thể đáp lại, và những phán đoán chính xác hiển hiện cùng những lời khuyên mập mờ của bà với những lá bài, dõi theo từ xa hậu duệ của chính mình trong dòng tộc ấy.
Những mối quan hệ lộn xộn, chồng chéo trong gia tộc nhưng lặp lại như vòng tròn giữa 2 thế hệ (dì Amaranta Buendía đời thứ 2 và cháu trai Aureliano Buendía đời thứ 3, con hoang của Đại Tá và cô điếm Pilar) rồi sau đó lại là (dì Amaranta Ursula đời thứ 5 và cháu trai Aureliano Babilonia đời thứ 6). Việc chung chạ với cùng một người đàn bà thường xảy ra với 2 anh em ruột trong dòng tộc này cũng lặp lại như minh chứng kết nối trong máu thịt không thể chối bỏ dù có khác biệt đến mấy.
Ngoài yếu tố loạn lạc của gia tộc, cái khốc liệt của thời nội chiến, nỗi đau chiến tranh, sự mục ruỗng của hệ thống chính trị và tôn giáo, gió ngả đâu thì bẻ theo đấy, bỗng dưng ập đến phá nát cái yên bình vốn có của Macondo. Về sự biến chất của Đại Tá theo năm tháng và những cuộc chiến, những mệnh lệnh, đến khi nhận ra mình đã đi quá xa với cái kiêu hãnh của bản thân, ông từ bỏ chiến trường và sống với cái lạnh thấu xương từ trong chính mình, hẳn cái buốt giá ấy đã gắn ông với sự cô đơn không thể vượt qua với người khác, đồng thời giúp ông thanh thản những năm tháng cuối đời.
Ở đó cũng có một xã hội ngập tràn sự bất công, bất mãn khi công ty chuối đến theo chuyến tàu lửa, khai thác trên quê hương, đem đến bao nhiêu bất hạnh, một cuộc thảm sát hơn 3000 người bị xóa không dấu vết bằng chuyến tàu hỏa chở chuối, bằng cơn mưa dai dẳng 4 năm trời, làm Macondo quên mất chính bản thân mình, xóa nhòa sự thật, xóa nhòa quá khứ, xóa đi tất cả về dòng tộc Buendía... Và cuốn đi cả sự giàu có của Aureliano Segundo, sự giàu có vô lý chứ không phải sự kiên trì cần mẫn như những chiếc bánh con giống của cụ Ursula, sau cơn mưa dài không tưởng được, để những năm cuối đời, ông sống trong nghèo túng, nhưng lại được ơn hiểu ra giá trị của tình yêu, không phải trong lúc truy hoan, tiệc tùng quên trời đất mà là lúc cả hai đều lỡ thì, nhìn vào mắt nhau mà vẫn có thể nô đùa như hai chú chó nhỏ, hiểu được cái hạnh phúc hiếm hoi mà có lẽ chả mấy người trong dòng tộc này niếm trải.
Những hình ảnh ẩn dụ, hình tượng đan cài xuyên suốt, đôi lúc thật đẹp đẽ nhưng thường mang nhiều đớn đau bởi sự dính chặt giữa cô đơn và dòng tộc này, dòng máu tươi tìm về cụ khi con trai bị bắn chết, nồi sữa sôi sùng sục ngày đại tá bị bắt, ước vọng cứu rỗi nhờ dạy dỗ những đứa cháu nên một giáo hoàng vô lý cứ cuốn đi mãi... Những cánh bướm vàng luôn theo chân anh chàng thợ máy, dấu chỉ thánh giá nơi 17 người con của Đại Tá dẫn đến cái chết không thể thoát.
Về một Macondo chưa có nghĩa địa, cuối cùng lại là nhà của cả một dòng tộc Buendía... Cơn mưa những cánh hoa vàng ngày đưa ma đại tá hay những chú chim chết thảm ngày tiễn chân cụ Ursula. Chiếc khăn liệm đẹp nhất trần đời trong 4 năm đã giải thoát cho tâm hồn Amaranta, vết bỏng trong găng tay đen theo suốt cuộc đời như một lời thú tội dày vò dai dẳng. Hay ở căn nhà nơi nghĩa địa suốt những năm tháng đơn độc của Rebeca.
Cuối cùng là sự thông thái lạ kì của Aureliano Babilonia, bởi nó chẳng thể giúp gì khi đứng trước cơn lốc suy tàn không tránh khỏi của dòng tộc khi cậu được soi tỏ bởi ánh sáng từ tấm da thuộc hàng trăm năm của ông cụ người Digan mà có lẽ ông đã chết trước khi trở về làng để đem liều thuốc chữa căn bệnh mất ngủ dai dẳng, để dạy bảo con cháu qua các thế hệ, chờ đợi đến lúc tấm da thuộc dày đặc chữ Phạn và Hy Lạp chồng chéo được chính con cháu của dòng tộc này giải mã về mình, về mọi điều tiên đoán đã xảy ra, như người cô Remedios, đẹp đẽ không vẩn đục chút gì kể cả tình yêu, trở về trời với tấm vải giường thô sơ nhất, như sự thật về thân thế của cậu về nỗi sợ nguyên sơ nhất từ thời cụ cố cậu, về một đứa trẻ được sinh ra với cái đuôi lợn đã trở thành sự thật dẫn đến sự lụi tàn mãi mãi cùng cơn lốc.