Sách hay cho những cái đầu tò mò về loài người.


Một trong những mục tiêu đọc sách của mình năm nay là đọc ít nhất một cuốn sách lịch sử. Và cái tựa tiếng việt của cuốn sách: Sapiens - Lược sử loài người nghe quá ư là lịch sử, tràn trề lịch sử, rất lịch sử đó chứ. Thế là mình chọn đọc. Sách của tác giả là giáo sư sử học người Israel Yuval Noah Harari nhé.
Cũng phải nói trước nữa là mình được nhiều người khen ngợi cuốn sách này rồi, nói rằng đó là cuốn sách hay, chứa đựng những ý tưởng rất căn bản mà mọi người cần biết trong xã hội ngày nay, hay có thể gọi là kiểu sách "kinh điển". Thế nên lại càng có động lực để đọc nó hơn.
Và cuốn sách không làm mình thất vọng. Thậm chí vượt trên cả kỳ vọng.
Cuốn sách trình bày về lịch sử loài người từ thời xa xưa lắm rồi, từ hồi loài khỉ dáng đi thẳng lận cơ. Sau đó đi qua các quá trình phát triển, từ cách mạng trong nhận thức, đến cách mạng nông nghiệp, rồi cách mạng công nghiệp để dần dần hình thành nên xã hội loài người ngày hôm nay. Một điểm mình thích là cuốn sách trình bày khá khiêm tốn về những giả thuyết mà loài người đã đi qua, chứ không phải khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột là chúng ta đã từng thế này thế nọ. Mà đúng thật là phải thế thôi, chứ có ai sống từ hồi đó đến nay kể lại và xác thực mọi chuyện đâu. Các nhà khảo cổ học và nhà khoa học chỉ có thể suy đoán dựa trên số lượng bằng chứng rất ít ỏi, như một mẩu xương ngón tay, hay hình vẽ nguệch ngoạc trên các thành hang động. Và lịch sử mà chúng ta biết đến ngày nay chỉ là những suy đoán "có cơ sở và hợp lý nhất cho đến nay", không chắc rằng đó là thật sự những gì đã diễn ra. Nói vậy để chúng ta hiểu vai trò của những nhà sử học, và các nhà khoa học đã phải nghiên cứu rất nhiều mới có những thứ hay ho mà chúng ta đọc hôm nay. Cảm ơn các nhà khoa học.
Nhưng mình thấy nếu sách này về lịch sử 1, thì nó nói về xã hội loài người 3. Chúng ta không chỉ biết về lịch sử của loài người, mà tác giả còn trình bày rất nhiều điều của xã hội loài người trong suốt quá trình lịch sử đó. Chúng ta sẽ luận bàn về đời sống nông nghiệp, về mối quan hệ của con người và thiên nhiên, nói về đế quốc, hay về buôn bán nô lệ, rồi chuyện bình đẳng giới, tôn giáo và chính trị. Có rất nhiều khía cạnh của xã hội loài người được tác giả mổ xẻ bàn luận, cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ và cũng rất thú vị nữa. Chúng ta sẽ chẳng thế kết luận chủ nghĩa đế quốc là xấu hay tốt một cách đơn thuần, mà chúng ta sẽ hiểu được những đóng góp mà nó mang lại cho loài người, đồng thời cả những nỗi khổ đau nó đã gây ra cho rất nhiều người khác. Và đây lại chính là điều làm mình thích cuốn sách này, rất rất thú vị các bạn à.
Đúng thật học lịch sử không phải để đi thi và tốt nghiệp, mà học lịch sử để biết về con người, về những thứ đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta ngày nay. Nếu giả như chủ nghĩa đế quốc không phát triển ở châu Âu, thì ngày nay tôi và bạn có thể đang gò lưng đập lúa để có cơm ăn, hoặc cũng có thế đang nghỉ mát ở một hòn đảo xa hoa nào đó. Chẳng biết được lịch sử nếu khác đi thì ngày nay chúng ta sẽ như thế nào, chúng ta chỉ biết và hiểu được rằng lịch sử nó đã xảy ra như vậy thôi.
Một đoạn mình rất thích trong cuốn sách là đoạn tác giả nêu ra phân tích về hạnh phúc. Quả thật có nhiều cách để chúng ta diễn giải hạnh phúc, là nhiều niềm vui, hay là ý nghĩa cuộc sống, hay là kiểm soát bản thân,... và cách nào cũng có những giá trị khác nhau mà chúng ta có thể áp dụng cho cuộc sống của mình. Đoạn trình bày này giúp mình mường tượng rõ hơn về câu hỏi "Hạnh phúc là gì" mà mình vẫn đi kiếm tìm bấy lâu. Tất nhiên là mình vẫn chưa có câu trả lời, nhưng cũng đã có những ý tưởng rõ ràng hơn trong đầu rồi.
Đọc sách này cũng sẽ cho bạn những góc nhìn mới lạ rất thú vị, chẳng hạn như việc chúng ta hay nghĩ là loài người đã thuần hóa lúa nước và khiến nó phục vụ chúng ta, nhưng có vẻ không đúng lắm. Đúng hơn thì lúa nước đã thuần hóa loài người, biến chúng từ một loài cây mọc rải rác trở nên phổ biến khắp các ruộng đồng, con người phải đắp ruộng đào mương để nuôi chúng, làm những công việc nặng nhọc và có hại cho cột sống mà trước đó những tổ tiên hái lượm của chúng ta không phải làm. Từ đó trở đi, loài lúa nước trở nên phổ biến, nhưng cuộc sống của loài người trở nên nặng nhọc hơn, phụ thuộc vào cây lúa cũng như thời tiết hơn. Thành quả duy nhất loài người đạt được có lẽ là sự gia tăng dân số lên gấp trăm lần và chẳng thế nào đảo ngược lại được thời kỳ săn bắt hái lượm nhàn hạ và hạnh phúc như xưa.
Điều khiến cuốn sách này thành công không hẳn là nội dung. Chúng ta có thể đọc được các kiến thức lịch sử này từ nhiều cuốn sách khác. Điều thành công nhất của cuốn sách này là tổng hợp được rất là nhiều nội dung hay ho vào trong một quyển sách không quá dày. Và cách viết của tác giả rất lôi cuốn, như kể một câu chuyện lịch sử khiến người đọc bị thu hút vào cuốn sách, khiến nó trở thành cuốn sách bình dân và hầu như mọi tầng lớp đều có thể đọc nó.
Một số bạn đọc khắt khe có thể chỉ trích cuốn sách này rằng nó là sách khoa học nhưng thiếu những bằng chứng định tính để tăng tính thuyết phục cho các nhận định. Bạn có thể thấy tác giả thường đưa ra những nhận định và kèm với minh họa mà không tập trung quá nhiều vào việc chứng minh để tất cả mọi người đều bị thuyết phục. Mình nói ra để bạn nếu định đọc cuốn này thì biết trước như vậy, chứ cũng không trách gì tác giả cả, vì nếu viết dài quá thì cũng khó để chúng ta đọc. Quan trọng là chúng ta hiểu được những quan điểm thú vị từ cuốn sách là tốt rồi.
Và tiêu đề mình đã đề cập, đây là một cuốn sách hay cho những cái đầu tò mò về loài người. Sách cung cấp cho ta rất nhiều thông tin thú vị, nếu như bạn quan tâm và tò mò. Còn nếu bạn không quan tâm thì cũng không sao cả, bỏ qua cuốn sách này cũng chẳng phải là điều đáng tiếc. Khi nào tò mò trở lại thì tìm đọc thôi.