Là cuốn sách này đây
Tác giả/Dịch giả: James W. Stigler & James Hiebert
Đây có lẽ là cuốn sách nghiêm túc về giáo dục đầu tiên mà tôi đọc một cách nghiêm túc. 😄
Gọi là sách "nghiêm túc" thì không đúng lắm, vì thật ra sách đa phần đều nghiêm túc cả mà, đâu có mấy sách đùa cợt nhả đâu. Đúng hơn là sách chuyên môn, sách chuyên sâu, sách học thuật.
Mình đọc nó là bởi vì nhìn nó rất có vẻ học thuật, và mình muốn đọc thử. Trước đây chỉ đọc thử một vài tiểu thuyết liên quan đến giáo dục là "Totto Chan bên cửa sổ", "Giết con chim nhại" và "Chiến binh cầu vồng" và cảm nhận, đúng là chỉ cảm nhận thôi, đôi điều về giáo dục. Còn một cuốn sách chuyên môn về giáo dục sẽ cho chúng ta những góc nhìn khái quát và chuẩn hóa hơn. 
Vì là sách chuyên môn nên đúng thật là đọc hơi nhàm chán, không hấp dẫn như tiểu thuyết (đương nhiên). Nhưng cũng không quá khó đọc, vì tác giả cũng kể lại quá trình nghiên cứu và phân tích việc dạy và học ở 3 quốc gia và từ đó đưa ra những kết luận, nên nếu chúng ta cứ bám theo cái mạch này thì cũng hiểu hết được cuốn sách. Và thêm nữa là cuốn này mỏng, khổ nhỏ và chỉ khoảng 200 trang nên đọc khá nhanh. Với một người mới bắt đầu nghiên cứu về giáo dục như mình thì quyển này là phù hợp rồi.
Nói về nội dung cuốn sách, là sự trình bày ngắn gọn lại nghiên cứu của nhóm tác giả, để tìm ra phương pháp tốt hơn nhằm cải tiến giáo dục tại Mỹ. Người ta nhận định là đã cả trăm năm nay rồi nhưng giáo dục Mỹ không có sự tiến bộ đáng kể nào cả, dù rất nhiều cải cách đã được đặt ra nhưng hiệu quả thì vẫn không có. Nghe cũng quen quen đối với chúng ta phải không nào. Và quá trình nghiên cứu đó rút ra một số kết luận quan trọng mà chính giáo dục Việt Nam chúng ta cũng có thể áp dụng.
  • Giảng dạy là hoạt động văn hóa, có nghĩa là nó gắn kết chặt chẽ với xã hội, với những con người tham gia vào đó như thầy cô giáo, học sinh, nhà quản lý, phụ huynh. Và những điều thuộc về văn hóa thì rất khó thay đổi, hay đúng hơn là sự thay đổi muốn diễn ra phải thật sự từ từ và chậm rãi. Thế nên những cải cách giáo dục rầm rộ hay "sâu rộng" hay "toàn diện" chắc chắn sẽ thất bại. Không thể thay đổi trong một sớm một chiều được, mà chúng ta cần một hệ thống thích hợp để việc giảng dạy có thể cải thiện dần dần trong thời gian dài.
  • Và một cách tác giả đề xuất đó là thực hiện việc nghiên cứu bài học. Cụ thể là các thầy cô giáo sẽ cùng nhau nghiên cứu các bài học cụ thể, ví dụ như là Định luật 3 Newton chẳng hạn, rồi dạy thử, rồi đánh giá bài học xem thử mức độ thành công và hiệu quả đối với những học sinh như thế nào, sau đó chỉnh sửa và tiếp tục dạy thử. Quá trình này diễn ra liên tục trong thời gian dài sẽ dần dần cải tiến tất cả các bài học trong chương trình, nâng cao hiệu quả giảng dạy.
  • Và để đạt được điều này thì chúng ta cần sự thay đổi, tạo điều kiện để các trường, các thầy cô giáo có thể thực hiện được nó: cho thầy cô có thời gian hơn, có người hướng dẫn trong giai đoạn đầu, một cơ chế để đánh giá và khen thưởng thích hợp, những hỗ trợ về vật chất... Những điều này đều quan trọng để thầy cô giáo có thể thực hiện tốt công việc nghiên cứu và cải thiện bài giảng của mình.
  • Tác giả nhấn mạnh vô cùng vai trò quan trọng của thầy cô giáo. Họ chính là những người trực tiếp thực hiện việc cải thiện giáo dục. Nhưng cũng hiểu một điều nữa là giảng dạy không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai, nên xã hội hãy bớt đặt những áp lực không đáng có lên các thầy cô giáo, và khoan bắt họ chịu trách nhiệm cho kết quả học tập của học sinh. Trách nhiệm thuộc về rất nhiều đối tượng, và chúng ta phải có sự cảm thông với sự khó khăn mà các thầy cô vẫn đang phải đối mặt.
Mình chỉ tóm tắt một số điều lớn mà mình học được từ cuốn sách này, còn nhiều điều khác cũng hay lắm, cụ thể và chi tiết hơn thì mình tin các bạn có thể tìm thấy khi đọc cuốn sách này.
Tóm lại đây là một cuốn sách chuyên môn về giáo dục rất hay, có đủ những kiến thức và xác lập tư duy đúng đắn cho người làm nghề giáo dục. Nếu bạn quan tâm sâu sắc đến giáo dục thì rất nên đọc..