Hôm nay mình xin giới thiệu với cả nhà quyển tiểu thuyết "Giết con chim nhại" của tác giả người Mỹ Harper Lee.
Image result for giet con chim nhai
Nguồn: Adayroi
Đầu tiên là hãy nói đến tên của quyển sách, lúc đọc nó thì thật không hiểu vì sao lại có tiêu đề, có vẻ hơi có khuynh hướng bạo lực. Giết luôn mà. 😄
Và rồi khi đọc hết quyển sách rồi thì cũng chưa hiểu dụng ý của cái tiêu đề này lắm. Mình đoán là việc liên quan đến cách mà ông bố Atticus Finch dạy những đứa con của mình, là đừng giết những con chim nhại, vì chúng không làm hại gì đến ai cả mà chỉ mang tiếng hót vui vẻ đến cho người khác. Có thể hàm ý là muốn những đứa trẻ biết điều gì là đúng và điều gì là sai, biết thương yêu người khác. Mà nếu vậy thì tựa đề là "Đừng giết con chim nhại" (Don't kill the mockingbird) nghe sẽ nhân văn hơn chứ nhì.
Mình bắt đầu đọc cuốn sách này vì trong một khoảng thời gian bận rộn, mình không muốn đọc các sách kinh tế nặng đầu, nên chọn một cuốn tiểu thuyết có vẻ là rất nổi tiếng để đọc giải trí. Mình cũng không đọc nó thường xuyên lắm, lúc nào rảnh thì lôi Kindle ra đọc thôi, thường là đọc sau khi ăn cơm tối và trước khi đi ngủ. 
Và có một điều mình vẫn chưa giải thích được, là đọc tiểu thuyết này rất hấp dẫn, nhưng mình không biết vì sao nó hấp dẫn. Cách kể chuyện rất mộc mạc, cũng không có các tình tiết gay cấn gì (ở khúc đầu câu chuyện), nhưng cứ khiến mình đọc say sưa từ trang này sang trang khác. Có thể là vì câu chuyện những đứa trẻ chơi với nhau, hoặc là những đoạn miêu tả nếp sinh hoạt của các nhân vật trong gia đình giúp mình hiểu về một thời đại của nước Mỹ. Nhưng nhìn chung là trải nghiệm đọc với quyển sách này của mình rất thú vị, hấp dẫn và không bào giờ bị buồn chán.
Trong những câu chuyện đó, nổi lên lớn nhất là những trò trẻ con của những đứa trẻ, khi chúng kết bạn với nhau, bày trò để chơi, và luôn có một sự tò mò lớn đối với những điều bí ẩn. Cách chúng trò chuyện với nhau rất tự nhiên, và cách dịch giả dịch nhân xưng "mày-tao" giữa những đứa trẻ này giúp mình thấy những đoạn giao tiếp rất gần gũi với tuổi thơ của mình.
Chắc cũng như nhiều bạn khác, nhân vật ưa thích của mình là Scout, chỉ chừng 6 tuổi nhưng là nhân vật kể lại câu chuyện. Qua cách Scout miêu tả lại mọi thứ, chúng ta vừa được hiểu câu chuyện qua góc nhìn của một cô bé, ngây thơ và thành thật. Và cái khéo của tác giả là khiến cho câu chuyện dù được kể bởi một đứa trẻ 6 tuổi mà vẫn trọn vẹn, giúp người đọc hiểu được hết câu chuyện và thậm chí cả những giá trị sâu sắc của nó nữa.
Scout là một cô bé năng động, "quậy phá" theo đúng như cái tuổi của em. Mẹ em mất từ nhỏ và em lớn lên dưới sự nuôi dưỡng và dạy bảo từ bố Atticus, là một luật sư trong vùng. Khác với những đứa trẻ gái cùng thời, được dạy phải khuôn phép thế này, ăn mặc thế kia, thì Scout được bố cho tự do, không bắt ép em gì cả. Cũng có những khi những người họ hàng quở trách rằng ông phải "chỉnh đốn" lại Scout, bố chỉ cười. Nhưng không phải bố Atticus để mặc cho Scout, mà đúng hơn là bố để cho cô bé sự tự do và tự lập cần thiết. Ông vẫn luôn rất tận tụy trò chuyện và dạy bảo cô bé những điều tốt đẹp, những điều đúng đắn. Chính điều đó tạo cho Scout dù chỉ là một cô bé có phần ngỗ ngược bên ngoài, nhưng bên trong rất hiểu chuyện, biết đúng sai và biết lo cho bố và anh trai. Có lẽ vì chơi với anh trai Jem từ nhỏ với toàn các trò con trai nên cô bé có tính cách mạnh mẽ, sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ đứa con trai nào. Và chi tiết làm tôi ấn tượng nhất chính là những suy nghĩ của cô bé khi nghĩ cho bố của mình, rằng em sẽ không đánh nhau nữa, không phải vì em sợ mình bị mắng, mà em muốn làm bố vui, không muốn bố phải phiền lòng khi em tham gia các trò đánh đấm đó. Em thương bố bằng chính hành động kiểm soát bản thân mình, dù rất khó nhưng em cố gắng hết sức.
Và khi nghĩ về những điều đó, hẳn chúng ta ai cũng mong muốn một người bố như vậy. Ông kiệm lời, nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ và trò chuyện với con như những người trưởng thành và hiểu chuyện. Chính sự chín chắn đó đã dạy cho hai anh em Jem và Scout một tinh thần tự lập rất cao và đã biết về chuyện đúng sai ngay từ khi còn nhỏ.
Tiểu thuyết này còn cho độc giả khá nhiều điều thú vị nữa. Có thể bạn sẽ thích vì được tìm hiểu về xã hội nước mỹ hồi xa xưa, về đời sống của những con người thời đó. Hay bạn cũng có thể thích chủ đề về phân biệt chủng tộc, và những con người đứng lên để bảo vệ sự công bằng. Và cả tình anh em, tình bạn giữa những đứa trẻ với nhau.
Đối với mình thì đây là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, hấp dẫn, thú vị và đi kèm một bài học rất lớn về giáo dục. 
Đó chính là sự giáo dục từ trong gia đình.
Qua những câu chuyện, những câu đối thoại giữa bố và con, và cách mà bố Atticus bảo vệ lũ trẻ và trao cho chúng sự tự do cũng như tự lập, chúng ta hiểu thêm rất nhiều điều về sự quan trọng của giáo dục trong gia đình trong quá trình phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Những ông bố bà mẹ rất nên đọc cuốn sách này, để thấy rằng vai trò của mình rất lớn đó. Có ai đó đã nói "Con trẻ là tấm gương phản chiếu lại bố mẹ". Và cách giáo dục tốt nhất chính là làm gương. Muốn con nói điều hay thì mình hãy luôn nói những điều hay lẽ phải. Muốn con trung thực thì mình cũng sẽ phải luôn trung thực. Muốn con yêu thương người khác thì mình cũng luôn phải rộng lượng với tình thương. Không chỉ dạy trẻ bằng những lời nói, mà quan trọng hơn hết chính là hành động, chính là bản thân con người chúng ta hành xử mỗi ngày như thế nào.
Vâng, đây là một cuốn sách hay, rất đáng đọc. Và cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự nổi tiếng và cái mác gọi là “tác phẩm kinh điển” của nó. Nó là một câu chuyện rất nhẹ nhàng thôi. Hãy dành lại đôi chút thời gian mỗi tối trong lịch trình bận rộn của mình, đọc cuốn sách, không cần đọc nhanh đọc nhiều, cứ đọc và cảm nhận là đủ. Tôi tin rằng khi gấp quyển sách lại, bạn sẽ có một cảm giác rất lạ, rất đẹp, và tươi mới.
Thân,