Trong giai đoạn từ 1955-1965, có một số người ở Viện Sử Học miền Bắc theo sát định nghĩa của Stalin về dân tộc, cho rằng chỉ trên cơ sở phát triển của chủ nghĩa tư bản thì các dân tộc mới có thể ra đời. Một số người còn lại thì cho rằng dân tộc Việt Nam đã xuất hiện trước thời kỳ tư bản chủ nghĩa, không cần tới tư bản chủ nghĩa thì dân tộc Việt Nam vẫn hình thành từ lâu. Trong cả hai quan điểm trên thì quan điểm thứ nhất là chiếm ưu thế.
Sau đó, trong giai đoạn từ 1965-80, đặc biệt là từ 1976-80, đã có một nỗ lực ngược lại thừa nhận rằng dân tộc Việt Nam hình thành từ sớm trước tư bản chủ nghĩa/xã hội chủ nghĩa, đồng thời phê phán định nghĩa của Stalin về dân tộc, cho rằng ông chưa nghiên cứu đầy đủ về quá trình hình thành dân tộc trong trường hợp của phương Đông. Quan điểm này thể hiện rõ trong hội thảo “Vấn đề hình thành dân tộc và Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20” của GS Phan Huy Lê.
Từ những năm 90 trở lại đây, mặc dù đồng tình với lý thuyết dân tộc Việt Nam xuất hiện từ sớm nhưng các học giả Việt Nam vẫn chưa nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này, chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng về loại hình dân tộc nào có trước dân tộc hiện đại (theo định nghĩa Stalin) ở Việt Nam. Vấn đề này chính thức kết thúc mà không được tiếp tục thảo luận trên diễn đàn khoa học ở VN nữa.
Ở đây cũng cần nói thêm, năm 1950 Stalin đã từng đề cập rằng “narodnost” xuất hiện trước “nacija”(dân tộc) nhưng ông không đưa ra định nghĩa “narodnost” là gì. Nếu search từ “narodnost” trên gúc gồ thì sẽ ra là “quốc tịch” nhưng từ “quốc tịch” không phải và cũng không diễn tả hết ý nghĩa của “narodnost” mà Stalin nói. Bản chất “narodnost” đề cập đến một thứ gì đó giống như “điều kiện để hình thành một dân tộc” chứ không phải khái niệm “quốc tịch” (thứ sẽ được hiểu theo kiểu có dân tộc hiện đại rồi thì mới có quốc tịch).
Rất may mắn cho chúng ta, vào những năm 1980, học giả người Anh Anthony Smith đã xem xét chi tiết chủ đề này trong cuốn “The Ethnic Origins of Nations”. Smith lập luận rằng trước khi có dân tộc hiện đại thì đã tồn tại một loại hình mà ông gọi là “sắc tộc” (ethnie).
Tất nhiên, thuật ngữ này, ngày nay cũng được các học giả VN biết đến nhưng dường như họ vẫn chưa nhận ra ý nghĩa thực sự mà Smith nhắm tới thông qua thuật ngữ đó. Thuật ngữ “sắc tộc” được các học giả VN sử dụng như một thuật ngữ chung cho một cái gì đó có trước “dân tộc”, hoặc có thể họ dùng lẫn lộn luôn hai thuật ngữ này như nhau, nhưng Smith đã có định nghĩa cụ thể về “ethnie”.
Khác với các nhà theo thuyết modernism cho rằng các dân tộc xuất hiện ở thế kỉ XIX và XX cùng với quá trình hiện đại hóa, Smith cho rằng từng có những dân tộc tồn tại trong thời trung đại hay cổ đại. Tuy nhiên ông không có ý định bác bỏ hay thay thế các lý thuyết của trường phái hiện đại mà chỉ bổ sung hoặc chỉnh sửa những hệ hình quá thiên về chính trị-kinh tế mà thôi.
Khác với các nhà theo thuyết modernism cho rằng các dân tộc xuất hiện ở thế kỉ XIX và XX cùng với quá trình hiện đại hóa, Smith cho rằng từng có những dân tộc tồn tại trong thời trung đại hay cổ đại. Tuy nhiên ông không có ý định bác bỏ hay thay thế các lý thuyết của trường phái hiện đại mà chỉ bổ sung hoặc chỉnh sửa những hệ hình quá thiên về chính trị-kinh tế mà thôi.
Trên thực tế, Smith lập luận rằng có hai loại sắc tộc (ethnie) khác nhau: Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang (lateral-aristocratic ethnie) và Sắc tộc bình dân theo chiều dọc (vertical-demotic ethnie).
“Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang” là một nhóm người nổi bật, đối lập với những người bình thường trong vương quốc/đất nước của họ. Họ thực hiện điều này thông qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như sử dụng một ngôn ngữ mà người dân bình thường không hiểu (tiếng Latin, tiếng Phạn, tiếng Trung cổ), bằng cách kiểm soát một tôn giáo và thông qua hôn nhân dị chủng.
Đối với “Sắc tộc bình dân theo chiều dọc”, đây là một nhóm có khả năng đoàn kết tất cả mọi người từ tầng lớp thượng lưu đến bình dân, và Smith đã lập luận cho khái niệm này như sau:
“Ngược lại với sự linh hoạt và cởi mở của sắc tộc quý tộc, các cộng đồng bình dân hoặc theo chiều dọc nhấn mạnh về mối liên kết sắc tộc, mối liên kết giúp họ đoàn kết chống lại “người lạ” hoặc “kẻ thù”. Điều này đòi hỏi sự nhấn mạnh rõ rệt vào các ranh giới rõ ràng, với các lệnh cấm về chủ nghĩa hỗn hợp tôn giáo, về sự đồng hóa văn hóa và thậm chí là về cả hôn nhân dị chủng.”
Nếu nhìn vào nước Việt Nam thời tiền hiện đại, rõ ràng chúng ta có thể thấy sự tồn tại của một “Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang”. Tầng lớp tinh hoa Việt Nam thời tiền hiện đại coi mình là những người tham gia vào một thế giới văn hóa “Hoa” phổ quát (Văn hiến chi bang). Họ đọc và viết tiếng Trung cổ điển. Họ mặc áo choàng giống như các quan chức Trung Hoa (Y quan Chu chế độ, Lễ nhạc Tống quần thần). Đó 100% là một “Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang” (lateral-aristocratic ethnie).
Và mặc dù có những lúc thế giới Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột, nhưng nó chưa bao giờ đạt đến mức cho phép một “Sắc tộc bình dân theo chiều dọc” xuất hiện (tức là phải đến nửa sau của thế kỷ XX).
Nếu chúng ta coi Trung Quốc là “người lạ” hay “kẻ thù” mà người Việt tự xác định là luôn chống lại, thì ở cấp độ của giới thượng lưu tinh hoa, tôi không tìm thấy bằng chứng nào ở Việt Nam thời cận đại “thực sự nhấn mạnh rõ rệt vào ranh giới rõ ràng” với thế giới Trung Quốc. Thay vào đó, tôi tìm thấy những điều ngược lại. Tôi thấy rằng trong các bối cảnh về “sự khác biệt” thì người “Việt” vẫn đang cố gắng chứng minh mình cũng giống với người “Trung Quốc”. Lấy ví dụ, trong bài Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi có viết một đoạn:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Yếu tố “phong tục Bắc Nam cũng khác” này có vẻ như gợi ý chúng ta đến một dấu hiệu nào đó về “Sắc tộc bình dân theo chiều dọc”. Nhưng thực tế có phải như vậy? Nguyễn Trãi tự hào mình là “Văn hiến chi bang”, đó là điều chắc chắn nhưng ông có tự hào về phong tục phương Nam của mình khác biệt với phương Bắc hay không? Hay ông còn có ý gì khác?
Nguyễn Trãi đã bày tỏ ý tưởng tương tự này trong một số tác phẩm. Điển hình là bức thư Nguyễn Trãi viết cho quân Minh đang trấn giữ thành Xương Giang. Bức thư đó bắt đầu như sau:
“Ta nghe nói: Người có người xứ nam, người xứ bắc. Đạo thì không có đạo nọ, đạo kia. Hạng người có đức, hạng người quân tử, thì không đâu là không có. Nước An Nam tuy xa ngoài núi Ngũ Lĩnh mà vẫn gọi là nước Thi Thư.”
Điều thú vị là những ý tưởng của Nguyễn Trãi trong bức thư này khá giống với ý tưởng trong cuốn sách Lục Tổ Đàn Kinh của Huệ Năng. Huệ Năng là một trong những vị Tổ của truyền thống Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc.
Huệ Năng đến từ khu vực ngày nay là tỉnh Quảng Đông, một khu vực xưa được người Trung Quốc gọi là “Lĩnh Nam” (nghĩa là phía nam núi Ngũ Lĩnh), núi Ngũ Lĩnh là một dãy núi chạy dọc theo biên giới phía bắc của các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay. Ngoài ra, khu vực này trước đây còn được người Trung Quốc xem là vùng đất “man rợ”.
Có một lần, khi Huệ Năng đang học Phật, ngài đến gặp người lúc đó là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Theo Lục Tổ Đàn Kinh, cuộc trò chuyện của họ diễn ra như sau:
Tổ hỏi: Ông là người phương nào, muốn cầu việc gì?
Năng đáp: Ðệ tử là dân Tân Châu Lĩnh Nam, từ xa đến lễ bái, chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác.
Tổ nói: Ông là người Lĩnh Nam, cũng là người "man rợ", làm sao có thể làm Phật được?
Năng đáp: Người có Nam có Bắc, "Phật tánh" vốn chẳng có Nam Bắc, thân hèn hạ này với thân Hoà Thượng chẳng đồng, nhưng "Phật tánh" đâu có sai biệt!
Đối với tôi, rõ ràng là Nguyễn Trãi đang vận dụng trường hợp Phật giáo này và sử dụng nó để tạo nên một thứ “lý luận Nho giáo tương đương”, ông muốn bào chữa rằng “Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang” ở phương Nam và phương Bắc là không có sự khác biệt, hệt như cách Huệ Năng đã lý luận với Ngũ Tổ về “Phật tánh” vậy. Sự so sánh phong tục Bắc Nam của ông trong Cáo Bình Ngô chẳng phải là hiện thân của một kiểu “Sắc tộc bình dân theo chiều dọc” vì Nguyễn Trãi đã không hề tự hào về sự khác biệt đó. Tôi sẽ giải thích rõ hơn về điều này.
Giống như Huệ Năng, Nguyễn Trãi cố gắng thuyết phục các quan nhà Minh đang chiếm đóng thành Xương Giang phải đầu hàng bằng cách nêu ra quan điểm rằng: mặc dù người phương Nam bị người phương Bắc xem là man rợ nhưng nước của ông vẫn là nước “thi thư”, vẫn là nước “văn hiến”. Do đó hành động của người phương Nam như Nguyễn Trãi không phải vô lễ như các bạn phương Bắc nghĩ, người phương Nam vẫn là những người theo chính đạo nên các bạn phương Bắc có thể nghe theo lời mà đầu hàng. Điều đó đã được thể hiện rõ trong bức thư của ông:
“Thế cho nên, chúng ta đây, phàm làm việc gì cũng theo đúng lễ nghĩa, theo trời, thuận người. Các người nếu ra được khỏi thành, cùng ta hòa thân thì ta coi như anh em, ruột thịt, đâu phải chỉ riêng có lợi bảo toàn tính mệnh vợ con thôi.”
Giống như Huệ Năng, Nguyễn Trãi cũng nêu ra “có người xứ Nam, người xứ Bắc” như ngầm chấp nhận quan niệm đã có từ lâu trong văn hóa Hoa Hạ rằng người xứ Nam thì thường đến từ “vùng đất man rợ” bởi vậy nên cả 2 ông đều không hề "tự hào" về vùng đất của mình. Nguyễn Trãi và Huệ Năng tôn trọng đến một thứ lý tưởng cao hơn. Trong khi Huệ Năng đề cập đến “Phật tánh” để bào chữa cho xuất xứ của mình thì Nguyễn Trãi lại đề cập đến “Văn hiến”.
Bây giờ thì chúng ta đã hiểu được ý nghĩa thật sự của đoạn văn mà Nguyễn Trãi đã viết trong BNĐC. Ông tự hào là “Văn hiến chi bang” - một thứ giống với người phương Bắc. Ông không tự hào về phong tục khác phương Bắc của mình nhưng vẫn nêu lên như chấp nhận một quan niệm đã có từ lâu trong văn hóa Hoa Hạ hay ông xem đó là một quy luật tự nhiên trong "thiên hạ" mà nhà Minh không nên cố gắng thay đổi.
Ngày nay nhiều người Việt Nam đọc được dòng đó và hết sức tự hào khi nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã tuyên bố “văn hóa Việt Nam” khác với “văn hóa Trung Quốc”. Nhưng rõ ràng, Nguyễn Trãi đã không hề tự hào như vậy. Nếu không xét một bối cảnh tương tự như Huệ Năng lý luận với Ngũ Tổ thì rõ ràng chúng ta không thể hiểu hết được tư duy của người thời xưa, đặc biệt là của Nguyễn Trãi trong Cáo Bình Ngô.
Trở lại chủ đề chính thì nếu chúng ta định sử dụng ý tưởng của Smith về một điều gì đó xuất hiện khi nhìn vào Việt Nam tiền hiện đại, thì rõ ràng chúng ta có thể thấy sự tồn tại của một “Sắc tộc quý tộc theo chiều ngang” (lateral-aristocratic ethnie). Điều đáng tiếc là thứ gần với khái niệm “dân tộc” (nation) hiện nay hơn phải là “Sắc tộc bình dân theo chiều dọc” (vertical-demotic ethnie), và nó đã không xuất hiện ở VN thời kì tiền hiện đại. Vì vậy hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng nationalism đã không xuất hiện ở VN trước thế kỷ XIX.
Điều này quan trọng vì Smith đã thực hiện chính xác điều mà hội nghị “Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam” năm 1980 tại Hà Nội còn thiếu: ông nghiên cứu sâu hơn về những hình thức cộng đồng tồn tại trước khi các dân tộc hiện đại xuất hiện, và ông đã đưa ra một bản mô tả rất chi tiết và rõ ràng khi nghiên cứu về chủ đề đó.