SUY NGẪM VỀ SỰ NHIỆM MÀU CỦA PHẬT PHÁP
Tôi xin tóm tắt một câu chuyện theo Kinh Kevaddha (Trường bộ kinh II) như sau: Có một người đề nghị Đức Phật cho các đệ tử của Ngài...
Tôi xin tóm tắt một câu chuyện theo Kinh Kevaddha (Trường bộ kinh II) như sau:
Có một người đề nghị Đức Phật cho các đệ tử của Ngài biểu diễn thần thông để thu hút quần chúng và tăng thêm niềm tin cho tín đồ.
Đức Phật đã từ chối và giải thích rằng thần thông không phải là điều quan trọng nhất trong Phật giáo. Đức Phật nói rằng có ba loại thần thông gồm:
-Biến hóa thần thông là khả năng làm các phép lạ như đi trên nước, bay giữa hư không, xuyên qua vách đá...
-Tha tâm thần thông là khả năng biết được tâm niệm của người khác.
-Giáo hóa thần thông là khả năng giảng dạy và giúp đỡ người khác đạt được giác ngộ.
Đức Phật cho rằng biến hóa thần thông và tha tâm thần thông không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Chúng có thể bị lợi dụng để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của con người. Thay vào đó, Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo hóa thần thông.
Đức Phật cũng nói rằng thần thông không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách, phẩm hạnh đạo đức của một người hay mức độ tu hành, giác ngộ của người tu đạo. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới mang lại an lạc hạnh phúc cho con người.
Vừa qua, dư luận trong giới phật tử nói riêng và cả nước nói chung trở nên xôn xao về câu chuyện xá lợi tóc của Đức Phật được trưng bày tại một ngôi chùa. Hình ảnh nổi bật của câu chuyện là đông đảo tín đồ đến để lễ bái, trong đó, nhiều người đã vỡ òa cảm xúc trước sự di chuyển vi diệu của vật được cho là xá lợi tóc.
Theo sau câu chuyện là những khủng hoảng truyền thông về tính xác thực của “thánh vật” nói trên.
Với tôi, cọng tóc chuyển động hay không chuyển động không quan trọng, thánh vật là giả hay thật cũng không quan trọng. Suy cho cùng, sự nhiệm màu của phật pháp không nằm ở một cọng tóc biết chuyển động nói riêng hay những câu chuyện về những hứa hẹn phước lành vô biên khi tin vào phật nói chung.
Sự nhiệm màu thật sự nằm trong những triết lý của phật giáo, nằm trong cách mà chúng ta áp dụng những hệ tư tưởng của Phật giáo vào đời sống và nằm trong cách mà phật giáo giải thoát con người khỏi khổ đau.
Như Phật từng nói: “Ta là phật đã thành, chúng sanh là phật sẽ thành”, phước lành, phép màu, giác ngộ có hay không là do chính bản thân con người. Phật pháp cho chúng ta khả năng tự làm chủ vận mệnh của mình, cớ sao nhiều người cứ trao khả năng ấy lại cho phật pháp.
Thông qua bài viết này, tôi không nhằm mục đích dạy đời hay chứng tỏ về một tư duy “Phật giáo thượng đẳng”, chỉ mong những người cùng chung niềm tin về phật giáo có thể nhìn nhận sâu thêm một khía cạnh của Phật giáo mà có lẽ họ đã bỏ lỡ.

Chú thích hình: Bard (Gemini - Trí tuệ nhân tạo của google) cố gắng giải thích cho tôi quan điểm của nó về phật giáo.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này