SỰ RA ĐỜI HỒI GIÁO (P1) – BỐI CẢNH CẦN THỐNG NHẤT CỦA BÁN ĐẢO A-RẬP
Đạo Islam hay còn gọi là đạo Hồi hoặc đạo Thiên Phương, đạo Thanh Chân được các ghi chép sử sách xưa của Trung Quốc gọi tên dựa theo...
Đạo Islam hay còn gọi là đạo Hồi hoặc đạo Thiên Phương, đạo Thanh Chân được các ghi chép sử sách xưa của Trung Quốc gọi tên dựa theo dân tộc Hồi Hột. Do quá trình tồn tại và truyền bá đến Việt Nam, cái tên Hồi giáo được coi là tên gọi phổ biến dành cho tôn giáo Islam. Đạo Islam là tôn giáo độc thần duy nhất và chỉ có một vị thánh tối cao Allah, lưu hành phổ biến ở châu Á, châu Phi, cụ thể là ở các vùng Tây Á, Bắc Phi, đại lục Nam Á và Đông Nam Á cùng một số cộng đồng Hồi giáo nhỏ lẻ phân bổ khắp thế giới. Theo thống kê của Pew, tính đến năm 2015 thế giới có khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi – chiếm khoảng 24% dân số toàn cầu.[1] Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã sử dụng Hồi giáo làm quốc giáo chính của đất nước. Thực tế cho thấy rằng, sự phục hưng và vai trò của đại Hồi đã ảnh hưởng cực kì lớn tới bối cảnh thế giới trong thời đại ngày nay. Cột mốc từ sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 - khi không tặc liên quan đến nhóm khủng bố Al-Qaeda đâm máy bay chở khách vào một số mục tiêu ở thành phố New York và Washington DC - và các cuộc tấn công tiếp theo như vụ đánh bom London vào ngày 7 tháng 7 năm 2005. Đến ngày nay, một cuộc chính biến ở Afghanistan vào tháng 9 năm 2021 được tổ chức Hồi giáo Taliban chính thức cầm quyền gây xôn xao thế giới về vấn đề nhân quyền. Hồi giáo là một chủ thể chính được thảo luận, phần lớn cuộc tranh luận này xung quanh các câu hỏi về khủng bố và hỗ trợ cho bạo lực. Rõ ràng, cho tới hiện tại, tầm ảnh hưởng của Hồi giáo đối với toàn cầu và sự trỗi dậy của các phong trào phục hưng Islam đã thể hiện rõ xu thế phát triển.
Nhận thấy vị thế đặc biệt của đạo Islam, việc tìm hiểu nguyên nhân ra đời của đạo Islam là một yếu tố quan trọng để cung cấp một phần kiến thức tổng quan cơ bản về đạo Islam. Từ những luận điểm đó, mình xin được làm bài viết trình bày và phân tích tiền ra đời của đạo Islam giúp mọi người biết được nguyên nhân vì sao tôn giáo này ra đời.
Hiểu chung về đạo Islam
Đạo Islam (theo tiếng Ả-rập là “phục tùng Chúa”), một tôn giáo được gọi là đạo Hồi – tên gọi này bắt nguồn theo cách gọi của người Trung Quốc. Từ Hồi giáo (Islam), theo nghĩa thuần túy tôn giáo là sự phục tùng Thượng đế, thể hiện sự thuần khải độc thần giáo do Mahomet rao giảng ở bán đảo Ả-rập vào thế kỷ VII và phổ biến qua các thời đại trên một phần trái đất có người sinh sống. Nó cũng thích hợp để chỉ cộng đồng các tín đồ của tôn giáo này và nền văn minh.[2]
Đây là một tôn giáo độc Thần – Allah, tiêu biểu nhất, vì tính cách cứng rắn của nó, muốn cho mọi người đều phải theo Hồi giáo, đưa người Hồi giáo đến chỗ lẫn lộn giữa Đạo và Đời. Theo Giáo lý của Hồi giáo, tất cả mọi người mọi vật, dù ở trên trời hay ở trên mặt đất đều do Thượng Đế tạo nên. Hồi giáo được chính thức mở ra từ ngày 16-7-622 (sau kỷ nguyên Tây lịch 622 năm) tại thành phố Medina của nước Á-Rập, và ngày này được chọn là ngày mở đầu kỷ nguyên Hồi giáo. Người sáng lập ra Hồi giáo là Giáo Chủ Mahomet. Quyển sách căn bản của Hồi giáo là Thánh Kinh Coran (Qur’an), ghi chép lại tất cả những lời giảng dạy của Giáo chủ Mahomet.[3]
Có thể thấy, đạo Islam hay còn được gọi là đạo Hồi là một tôn giáo độc thần thờ thánh Allah. Người sáng lập ra tôn giáo là Mahomet và giáo lý cơ bản là Kinh Coran cùng với số lượng tín đồ ngộ đạo đông đảo.
Cơ sở hình thành đạo Islam
Theo sự tham khảo bố cục của nhiều học giả và tác phẩm nghiên cứu thì đều có một điểm chung đó là khu biệt thành hai phần: phần đầu nói về bối cảnh bán đảo Ả-rập và phần thứ hai bàn về cuộc đời của Muhammad.
Cụ thể, trong “giáo trình Tôn giáo học đại cương”[4], nhóm tác giả đã viết phần hoàn cảnh ra đời đạo Islam rất ngắn gọn nhưng có thể hiểu nội hàm chính làm viết về bối cảnh của bán đảo Ả-rập và cuộc đời của Muhammad. Ngoài ra, cuốn sách “Hồi giáo”[5] của Dominique Sourdel cũng tách biệt hai đề mục chính kể về bán đảo Ả-rập và tiên tri Muhammad. Cùng với đó, tham khảo qua cuốn sách kinh điển do dịch giả Nguyễn Hiến Lê trình bày trong tác phẩm “The lessons of history”[6] cũng đã tách biệt hai phần để nói về nguyên nhân hình thành của đạo Islam.
Từ những điểm chung như trên trình bày, có thể thấy rằng sự hình thành hay tiền đề ra đời của đạo Islam được cấu thành bởi hai nguyên nhân chính yếu, đó là:
Thứ nhất, nguyên nhân khách quan, bối cảnh địa chính trị của bán đảo Ả-rập,
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan, cuộc đời Muhammad gắn liền với đạo Islam.
Nguyên nhân khách quan bối cảnh bán đảo Ả-rập
Bối cảnh địa chính trị ở bán đảo Ả-rập thời kỳ đó là nguyên nhân khách quan dẫn tới sự ra đời của đạo Islam. Bán đảo Ả-rập là bán đảo lớn nhất thế giới, nó sở hữu trong mình một mạng lưới địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng phức tạp. Về phương diện địa chất, bán đảo đó tiếp tục sa mạc Sahara, là một phần của cái đai cát đi ngang qua Ba Tư, tới tận sa mạc Gobi, trong tiếng Arabe (Ả-rập) có nghĩa là sự khô khan.[7] Chính vì vậy, ở đây đã kiến tạo những mâu thuẫn về tâm lý, nhân cách sống của con người, và xung đột về kinh tế của từng khu vực trên bán đảo. Mặt khác, do những mâu thuẫn sâu xa về quá trình cải biến chế độ xã hội từ xã hội công xã thị tộc đi lên xã hội có tính giai cấp. Những điều kiện đó được xem như là những yếu tố quan trọng đã làm hình thành tôn giáo Islam trên bán đảo Ả-rập.
Về mặt địa chính trị bán đảo Ả-rập, bao gồm cả những vấn đề nội sinh và bên ngoài bán đảo đã làm sự ra đời đạo Islam phát triển thuận lợi nhưng đồng thời cũng gặp rất nhiều sự kiềm chế nhất định. Đầu tiên, bên trong bán đảo thể hiện rõ ràng sự bất cân đối trong trình độ phát triển xã hội của các khu vực trên bán đảo. Ở phía Nam, có những yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa tạo sự phát triển tốt trong việc sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, vùng đất Yemen nằm trong khu vực phía Nam được gọi là “Mảnh đất giàu có của Ả-rập”, và đã xuất hiện nhiều nền văn minh lớn trong lịch sử. Trong số đó như là những khu vực gần bờ biển, thỉnh thoảng có mưa nhiều nền trồng trọt thuận lợi từ đó nền văn minh cũng xuất hiện theo: nhất là bờ biển ở phía Tây, trong miền Hedijaz, nơi có những thị trấn Méc-ca và Me-đi-na, ở phía Tây Nam, trong miền Yemen, nơi có những vương quốc cổ của Ả-rập. Ở phía Bắc, ở đó đã sớm xuất hiện nhiều tiểu quốc nhỏ nhưng nằm trên con đường giao thương giữa Đông – Tây nên đã sớm bị thôn tính bởi quốc gia lân bang: đế quốc Bygiăngtin và đế quốc Ba Tư. Đặc biệt, khu vực phía Trung là bị thiệt thòi hơn cả hai vùng phía Bắc và Nam do ảnh hưởng bởi nét đặc trưng của bán đảo Ả-rập là sự khô khan. Người dân khu vực miền Trung thường dùng kinh tế chăn nuôi theo cách du mục nay đây mai đó, còn nghề nông thì hoạt động như một người nguyên thủy. Một phần, sự cô lập bởi địa hình bán đảo giữa nhiều hoang mạc và sa mạc rộng lớn, gồm nhiều đồi núi mấp mô đã khiến trình độ dân trí ở đây rất thấp. Từ đó, tín ngưỡng tôn giáo phát triển mạnh mẽ trong tâm lý người dân trước thiên nhiên khắc nhiệt, trong đó một số định chế tôtem đã xuất hiện và gắn cho các loài động vật như: ngựa, lạc đà, v..v.
Nói chung, vùng đất trung bộ đang ở trong quá trình tan rã nhanh chóng của xã hội theo chế độ thị tộc, xã hội có giai cấp đang dần dần hình thành, những tiến trình này ở các vùng đất thảo nguyên, sa mạc thì diễn ra tương đối chậm.[8] Quay lại với vùng đất phát triển ở phía Nam và Bắc của bán đảo Ả-rập, đặc biệt là Méc-ca. Thành thị Méc-ca nhờ vào sự phát triển của thương nghiệp, giao thương hàng hóa với nước ngoài nên đã có sự phân hóa tầng lớp rõ rệt. Vào đầu thế kỉ VI, trong các bộ tộc Ả-rập có sự biển đổi quan trọng. Đó là việc hình thành con đường buôn bán từ Tây sang Đông qua bán đảo Ả-rập. Nhờ đó nền kinh tế hàng hóa phát triển dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Một số trung tâm kinh tế, văn hóa như Méc-ca, Mê-đi-na, Tai-phơ ra đời. Những người có quyền lực nhờ việc thu thuế đối với các đoàn thương nhân trở nên giàu có. Nhiều quan hệ thị tộc, bộ lạc được thay thế bằng quan hệ mới trên cơ sở sở hữu tư nhân và sự bất bình đẳng trong xã hội.[9]
Cư dân thành thị ở Méc-ca chia ra hai thành phần, tầng lớp: một là tầng lớp quý tộc sở hữu vô cùng nhiều nô lệ, tài sản, hai là tầng lớp bần nông (người tự do), và nô lệ (chiến tranh hoặc bần cùng kinh tế). Ngoài ra, về phía bên ngoài bán đảo, sự giàu mạnh của hai đế quốc Bygiăngtin và Ba Tư đã có tham vọng nhằm khống chế con đường giao thương buồn bán của Ả-rập ở phía Bắc. Điều này đã nổ ra cuộc chiến chiến tranh La Mã-Ba Tư là một trong loạt các cuộc xung đột giữa quốc gia La Mã- Byzantine và hai Đế quốc Ba Tư liên tiếp. Tiếp xúc giữa Đế quốc Parthia và Cộng hòa La Mã bắt đầu từ năm 92 trước Công nguyên, các cuộc chiến tranh bắt đầu vào cuối thời Cộng hòa và tiếp tục kéo sang đến thời kỳ Đế quốc La Mã và Sassanid.[10] Tiếp diễn âm mưu xâm lược của hai đế quốc lớn đối với bán đảo Ả-rập, người Bygiăngtin tiếp tục điều khiển những đội quân du mục tiến đánh thành Yemen và cuối cùng đã thống trị Yemen. Vùng đất phía Nam tiếp tục trải qua nhiều đợt thiên tai do địa lý đem lại khiến người dân điêu đứng, nền kinh tế bị phá hủy. Từ đó, lực đẩy từ phía Nam và lực hút từ phía Phía Bắc đã thúc đẩy cư dân Yemen di cư, chấm dứt sự hưng thịnh của “mảnh đất giàu có của Ả-rập”. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo Yemen đẩy mạnh cuộc chinh phạt chiến tranh nhằm phát triển kinh tế những đều diễn ra thất bại, cùng với đó là nội chiến với tranh chấp sự cai quản của đế quốc Ba Tư và Bygiangtin. Đối mặt với nguy cơ xã hội ngày càng gay gắt, sự xâm nhập và uy hiếp không ngừng của ngoại tộc, các giai tầng trong xã hội đều tìm cách thoát ra khỏi tình trạng đó. Thoát khỏi sự khốn cùng, chống lại sự xâm lược của ngoại tộc, thực hiện liên minh bộ tộc và xây dựng đất nước thống nhất đã trở thành nguyên vọng chung, cũng là yêu cầu khách quan của tiến trình lịch sử, thời cơ thay đổi xã hội ngày càng đạt tới chín muồi.[11]
Bên cạnh những tiểu quốc ở Bắc và Nam, ngay cả trong những tiểu quốc đó nữa, trước thời Hồi giáo, tổ chức chính trị là một tổ chức gia tộc gồm thị tộc và bộ lạc. Mỗi bộ lạc hay thị tộc do một “sheik” thống trị, vị này được các đầu mục bầu trong một gia đình đã nhiều đời giàu có hơn, tài trí hơn hoặc chiến đấu anh dũng hơn các gia đình khác.[12] Nếu như thiên nhiên cho châu Mỹ một số lượng tài nguyên phong phú làm cho con người phóng khoáng thì ở Ả-rập tài nguyên khan hiếm đã làm bản tính có phần keo kiệt. Họ cho rằng sa mạc là của riêng họ, những dân tộc khác ngoài họ muốn đi trên con đường buôn bán ở sa mạc phải đóng tiền lộ phí. Dường như chính những nhân tố như vậy đã xác định một tính định danh chính trị hay chủ nghĩa dân tộc của nhân dân vùng Ả-rập. Cho đến cùng, nó như là một cầu nối cho sự truyền bá của đạo Islam sau này. Ngoài ra, sự thống trị của nam giới là một xu hướng ở bán đảo Ả-rập là vì mỗi bộ lạc luôn cần những chiến binh. Vì vậy, vai trò nữ giới trở thành một “cỗ máy” sản xuất chiến binh để bảo vệ bộ lạc, hoặc chiến tranh giữa các bộ lạc. Từ đó, vai trò của chiến binh nam giới ngày càng có một vị thế lớn tới tâm lý chung của bán đảo Ả-rập. Chính vì vậy, Muhammad vừa là vai trò của thủ lĩnh chiến binh, tôn giáo nên dễ dàng trở thành vị thần trong mắt mọi người. Mặt khác, thơ ca theo truyền thống Ả Rập bắt nguồn từ văn hóa Bedouin du mục, nơi loại hình nghệ thuật này được lồng ghép để kể chuyện, giải quyết các vấn đề trong xã hội, chào đón khách khứa hoặc giải trí trên những hành trình xuyên sa mạc.[13] Để khi thơ ca trở thành nét đặc sắc trong con người Ả-rập thì những vần thơ hùng hồn trong giáo lý của Islam đã dễ dàng đáp ứng nhu cầu nhân dân để thực hiện truyền bá. Mỗi bộc lạc đều có những tín ngưỡng sùng bái riêng biệt, thường là tin là nguồn gốc thuộc một hậu duệ và thờ phụng đã thần. Tín ngưỡng đa thần là nổi bật hơn cả, ba bị thần chủ yếu được thờ phụng là: nữ thần Al.lat (thần Mặt trời), Al.Uzza (thần Vạn năng), Manat (thần Vận mệnh). Họ thông qua những nghi lễ phức tạp cho các thần bảo hộ mà bộ lạc của mình thờ cúng, từ đó thần linh đó dần trở thành tổ tiên của bộ lạc và các cư dân bộ lạc tự xưng hậu duệ. Trung tâm của sự thờ phụng đó là thành thị Méc-ca, thánh địa này có được một vị trị đắc địa ở giữa đường trên bờ biển phía Tây, cách không xa biển Đỏ. Méc-ca trở thành một thành phố thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán từ miền Nam bán đảo Ả-rập lên tới vùng đất Ai Cập, Palastine và Syria. Nơi đây tụ tập của rất nhiều dân cư thuộc nhiều bộ lạc trên khắp mọi nơi ở bán đảo Ả-rập. Cho nên Méc-ca tồn tại nhiều tượng thần và đặc biệt là phiến đá đen linh thiêng đặt ở điện Kaaba để cho thương nhân dễ dàng thờ phụng thần linh giúp đỡ họ buôn bán suôn sẻ. Người Hồi giáo tin rằng thánh Allah đã ra lệnh xây dựng Kaaba. Đây là nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất Trái Đất, được cho là từng được người ngoại giáo sử dụng trước khi đạo Hồi ra đời. Theo đạo Hồi, nhà tiên tri Muhammed đã đặt tảng đá vào bức tường của Kaaba năm 605.[14] Nơi đó có rất nhiều hình ảnh, đồ vật mà mỗi thứ tượng trưng cho mỗi vị thần linh. Vì vậy, những mâu thuẫn mối quan hệ giữa thần linh của bộ lạc này với bộ lạc kia để thể hiện sức mạnh tối cao của thần linh mà mình tôn thờ. Một trong những vị thần này tên là Allah, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là thần của bộ lạc Koraishite và ba vị thần Mặt trời, Vạn năng, Vận mệnh kể trên đều là con gái của Allah. Như vậy, bộ lạc Koraishite đã khẳng định quan niệm nhất thần luận đầu tiên ở Méc-ca và cho rằng Allah là thần đất đai sản sinh ra sự tồn tại của loài người. Đây chính là khởi thủy của thần Allah trước khi tiếp nhận sự kế thừa của Muhammad trong Allah của đạo Islam. Trong khi đó, đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc ở bên ngoài bán đảo Ả-rập đang phát triển mạnh mẽ và một phần ảnh hưởng không hề nhỏ tới cư dân bán đảo. Nhiều người dân vùng Yemen đã cải đạo sang đạo Do Thái nhưng việc phát triển trên toàn bán đảo dường như không khả thi, bởi lẽ những giáo lí của tôn giáo này đối với người dân là không dễ hiểu. Sự hiểu biết của người dân bán đảo Ả-rập suốt ngày chỉ gắn liền với thiên nhiên và đời sống du mục. Cùng vào thời kì đó, quan niệm nhất thần luận không chỉ có ở bộ lạc Koraishite mà có hẳn trường phái “Hanif” có khuynh hướng nhất thần luận. Họ chỉ thừa nhận một thần duy nhất, phản đối sùng bái thờ thần tượng, nhưng bản thân họ không có giáo nghĩa và nghi thức tu luyện hoàn chỉnh, chú trọng vào tu luyện cá nhân, cấm dục. Sự tồn tại và phát triển của trường phái này đã có tác dụng thúc đẩy và gián tiếp dẫn tới sự ra đời của đạo Islam.
KẾT
Tựu trung lại, bối cảnh lịch sử của bán đảo Ả-rập là tiền đề khách quan cho ra đời đạo Islam. Từ sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc dẫn tới chuyển đổi hình thức xã hội cho đến những cuộc chiến tranh diễn ra khắp bán đảo. Có thể thấy, bán đảo Ả-rập thời kì đó rơi vào tình trạng không ổn định, bất cân bằng và cần thiết về nhu cầu thống nhất. Nhu cầu từ tinh thần bởi người dân kém hiểu biết, đau khổ bởi chiến tranh, công cụ lao động hạn chế trước thiên nhiên to lớn. Từ đó, cần thiết cho một tôn giáo xuất hiện nhưng phải khắc phục được sự phức tạp trước lễ nghi, sự tin tưởng về thế giới bên kia của tín ngưỡng đa thần. Không những vậy, tình trạng bất ổn định, xung đột cả trong và ngoài bán đảo Ả-rập nảy sinh nhu cầu thống nhất về hòa bình bán đảo. Vì vậy, nhu cầu tôn giáo mới ra đời phải đáp ứng được mục tiêu kép, vừa phải đảm bảo đời sống tinh thần vừa xây dựng cuộc sống hòa bình thực tại ở bán đảo Ả-rập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Michael Lipka, (2017), “Muslims and Islam: Key findings in the U.S. and around the world”, https://www.pewresearch.org/fact-tank/2017/08/09/muslims-and-islam-key-findings-in-the-u-s-and-around-the-world/
[2] Dominique Sourdel, (2020): Hồi giáo, Nxb Thế giới (bản dịch), Hà Nội, trg.3.
[3] Hà Hoàng Kiệm, (2016), “Tìm hiểu về đạo hồi (Islam)” http://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/tim-hieu-ve-dao-hoi-dao-islam-1436.html
[4] Trần Đăng Sinh – Đoàn Đức Doãn, (2005): Tôn giáo học đại cương, Nxb Đại học Sư Phạm, tr.93-95.
[5] Dominique Sourdel, (2002): Hồi giáo, Nxb Thế giới (bản dịch), trg.3-18.
[6] Will Durant, (2018): Lịch sử văn minh Ả Rập, Nxb Hồng Đức (bản dịch), tr.15
[7] Will Durant, (2018): Lịch sử văn minh Ả Rập, Nxb Hồng Đức (bản dịch), trg.17.
[8] Hoàng Tâm Xuyên, (1999): Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia (bản dịch) trg738.
[9] Hoàng Tâm Xuyên, (1999): Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia (bản dịch)trg.93.
[10] Hồng Sơn (dịch), (2012), “Chiến tranh La Mã – Ba Tư”, https://nghiencuulichsu.com/2012/09/25/chien-tranh-la-ma-ba-tu/
[11] Hoàng Tâm Xuyên, (1999): Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia (bản dịch), trg.740.
[12] Will Durant, (2018): Lịch sử văn minh Ả Rập, Nxb Hồng Đức (bản dịch), trg.18.
[13] “Văn hóa và truyền thống của Dubai”, https://www.emirates.com/vn/vietnamese/discover-dubai/dubai-culture-and-tradition/
[14] Hồng Hạnh, (2015), “Hắc Thạch – đá thiêng tại thánh địa Hồi giáo Mecca”, https://vnexpress.net/hac-thach-da-thieng-tai-thanh-dia-hoi-giao-mecca-3285312.html
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất