SỰ DAY DỨT KHÔNG NÊN LỜI
8h tối (giờ Mỹ) ngày 17/9/2017, đài PBS sẽ chính thức công chiếu tập mở đầu của loạt tài liệu "The Vietnam War" của hai đạo diễn Ken...
8h tối (giờ Mỹ) ngày 17/9/2017, đài PBS sẽ chính thức công chiếu tập mở đầu của loạt tài liệu "The Vietnam War" của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick. Theo lời của các đạo diễn, người dân Việt Nam có thể xem bộ phim này miễn phí trên trang web của PBS.
Chưa bao giờ có một bộ phim tài liệu được chờ đợi như vậy, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn là ở Việt Nam. Lướt nhanh một vòng các trang mạng xã hội, người ta bình luận sôi nổi về bộ phim, chia sẻ cho nhau những bài review, trích dịch những mẫu phỏng vấn, phát biểu cảm nghĩ khi may mắn xem được toàn bộ bộ phim trước mọi người. Hôm American Center công chiếu đoạn trích 90' của bộ phim dài 18 tiếng này, khán phòng không còn một chỗ trống. Bên cạnh những mái tóc đã bạc xanh, minh chứng cho những kí ức sống về cuộc chiến, là những khuôn mặt trẻ tuổi hơn, những người chỉ biết về cuộc chiến lần đầu qua hệ thống giáo dục quốc gia. Có nhiều người thuộc thế hệ 9x, thế hệ duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20 sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng (tính từ thời điểm 1989 khi Việt Nam rút quân khỏi Cambodia).
Nhà văn Nguyên Ngọc dùng hai từ "day dứt" để mô tả cảm nghĩ của ông về người Mỹ. Ông nói rằng người Mỹ không sao quên được cuộc chiến, và lần mò tìm lại quá khứ để liên tục đặt câu hỏi điều gì đã xảy ra và tại sao nó lại như vậy. Và Nguyên Ngọc cho đó là sự vĩ đại của nước Mỹ - điều sẽ khiến nhiều người không hài lòng và gọi ông là tay xét lại (giá mà họ biết ông Ngọc đã gần với lằn ranh sống chết với lính Mỹ thế nào). Báo giới Việt Nam nói rất nhiều về cái gọi là "hội chứng Việt Nam" ám ảnh nước Mỹ và một bộ phận dân chúng họ, và ám chỉ đó là sự trừng phạt lớn nhất mà nước Mỹ phải gánh chịu. Người Mỹ chưa bao giờ né tránh điều đó. Những cảnh phim chiếu lên với gương mặt thảng thốt của anh lính thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ mô tả đêm tối mịt mù ở vùng biên cương và nỗi sợ quân thù xuất hiện, hay sự hối lỗi của một cựu binh Mỹ đã không giữ được đạo đức của mình trong thời khắc tối sáng của trận Mậu Thân ở Huế. Nhưng khán phòng ngày hôm đó ở American Center tập trung hơn vào những hình ảnh người Việt, những khuôn mặt Việt Nam. Họ nói giọng Bắc, hoặc giọng Nam, hoặc giọng Trung. Họ nói tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy sự nghẹt thở như vậy mỗi khi Bảo Ninh hay viên cựu tỉnh trưởng, hay vị thượng tá quân đội, hay anh sinh viên miền Nam mô tả lại cảm nhận của họ về cuộc chiến. Sau hơn 40 năm, cuộc chiến lẽ ra đã nguôi lạnh nhưng thế hệ trẻ vẫn không nguôi nghĩ về nó. Liệu rằng có phải vì họ không tin vào phiên bản lịch sử được bày ra trước mắt họ bởi hệ thống giáo dục và tuyên truyền quốc gia, để rồi dù đã 4 thập kỷ trôi qua, ước vọng chạm đến một phần sự thật vẫn còn nguyên vẹn thế hệ này sang thế hệ khác và tạo thành sự quan tâm đáng kinh ngạc này?
Có thể gọi đó là "hội chứng Mỹ". "Hội chứng Mỹ" khủng khiếp hơn hội chứng Việt Nam vì nó không có cơ hội được mổ xẻ, bàn thảo, tìm hiểu. Bóng ma kiểm duyệt và lời lăng mạ mang tính chính trị "xét lại" treo lơ lửng trên đầu mọi người khiến họ phải nén giấu băn khoăn vào lòng để rồi bột phát khi hai đạo diễn người Mỹ quyết định trình bày phiên bản lịch sử của họ. Trớ trêu chăng khi 4 thập kỷ trôi qua, người ta lại muốn hiểu kẻ thua cuộc nghĩ gì hơn là những gì người thắng cuộc ca tụng.
Suốt 90 phút bộ phim, mình thi thoảng nghe những tiếng nức nở của khán giả xung quanh. Có người khóc vì sự tàn bạo của chiến tranh, nhưng câu nói mình nghe nhiều nhất hôm đó đó là "cuộc chiến đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi". Điều đúng hơn có lẽ là những gì diễn ra sau cuộc chiến đã thay đổi tất cả. Ai cũng hiểu sự thay đổi đó không hề tích cực vì nếu như vậy, họ đã không khóc hay ngậm ngùi khi xem những hình ảnh của quá khứ. Nhưng có một điều lạ đó là, mình không thấy bất kỳ không khí thù hằn hay hậm hực nào trong buổi chiếu phim ngày hôm đó. Thay vào đó là bầu không khí hoài niệm nhưng kì vọng. Đó là sự kì vọng rằng rốt cuộc lịch sử sẽ được bàn thảo sòng phẳng, vô tư, khách quan. Vì chỉ có như vậy thì hoà giải thật sự mới đến. Còn không thì kí ức sẽ còn mãi và âm ỷ, đi kèm với sự day dứt không nói nên lời.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất