(*Lời nói đầu: Có vẻ như Sonic ở Việt Nam không có cộng đồng fan lớn mạnh như ở các nước khác, hoặc so với các fandom khác ở Việt Nam, Sonic cũng còn khá lép vế (hiện mình biết một nhóm FB nhưng hoạt động cũng không mạnh lắm). Hy vọng viết xong bài này sẽ tìm thêm vài đồng râm nữa. (Hoặc là không ?) )
 
Sonic Adventure director eyes remake of Dreamcast classic - VideoGamer.com


Adventure không phải tựa game đầu tiên đưa chàng nhím xanh đến với không gian 3 chiều. Ý tưởng về không gian 3 chiều và thế giới mở thực ra đã phần nào đó xuất hiện từ các game Sonic 3D Blast (dù nó không hoàn toàn 3D) trên Genesis và Sonic Jam trên Saturn.
Về mặt hình ảnh, dù là một bước tiến lớn so với các game Sonic 3D chạy trên Sega Saturn và Windows được ra mắt trước đó, đồ họa của Adventure vẫn có thể nói là còn thô và chưa thật sự khai thác hết khả năng của máy Dreamcast, hay bất kỳ máy chơi game thế hệ 6 nào khác (nếu nó được sản xuất cho máy đó). Số đa giác cấu thành hình dạng ở mức thấp gây ra thiếu sự mượt mà và gọn gàng, bề mặt vật ít chi tiết và thiếu sự sắc nét, khung người của Sonic, Tails và Knuckles dùng lại khá nhiều yếu tố từ thiết kế cũ (Classic), sự tồn tại song song của “tường vô hình” và “tường xuyên được” ở nhiều vị trí, lắm lỗi kiểu bug và glitch, hay chuyển động miệng thái quá đến tức cười,… đều chỉ là số ít trong số những hạt sạn vẫn còn trong Adventure… và không may, cũng nằm trong số những thứ làm nên tên tuổi của nó. Các game ra sau như Adventure 2 (từ đây sẽ gọi tắt là SA2), Heroes (2 con game chất lượng), hay thậm chí cả Sonic 2006, một con game tuy khá nhưng cũng nhiều sạn không kém, vẫn thể hiện sự trau chuốt cao hơn hẳn về hình ảnh, âm thanh và cách chơi.

Các bản phái sinh và tái bản của game cũng chẳng khá hơn là mấy. Sonic Adventure DX – Director’s cut (Mình vẫn không hiểu Director’s cut ở chỗ nào cơ đấy), một tái bản được nâng cấp của Adventure, dù ra mắt sau vài năm, được bổ sung thêm các tính năng mới như đồ họa “thật” hơn, mẫu nhân vật có số đa giác lớn hơn và gần hơn với hình tượng và thiết kế mới, mini game đi kèm (bản pc hình như thiếu cái này), lại bị chửi nhiều hơn cả bản gốc. Cũng đáng, bởi thay vì sửa các lỗi quan trọng, tái bản này lại sinh thêm lỗi khác. Và dù ra sau SA2 cũng như bốc một vài cải tiến về đồ họa từ game này, SADX vẫn không làm cho tới. Ví dụ điển hình bao gồm cách phối màu các chi tiết được cho là mờ nhạt và thiếu thẩm mỹ so với bản gốc, cũng như các nhân vật “bóng như đồ nhựa”, “mất hiệu ứng” và các mẫu mới ghép vào không được tinh chỉnh [1]. Thế là mớ hổ lốn nay được tăng thêm độ hổ lốn, càng tái bản càng nát (chào mừng đến với bản Steam).
Nhưng Sonic Adventure liệu có đáng ghét đến vậy ?
Tùy bạn thôi. Thực ra nó cũng đáng bị chửi, bị tranh cãi thật. Các đánh giá trên các trang IGN, GameSpot, Steam,… cũng cho ra các kết quả khác nha. Những để đáng bị ghét và thực sự bị ghét ? Không, mình không nghĩ vậy, ít ra là so với nhiều game sau Sonic Unleashed.
Adventure có thể không phải game Sonic đầu tiên áp dụng lối chơi trong không gian 3 chiều, nhưng nó là game đầu tiên khai thác hết khả năng đồ họa, điều khiển và tương tác với thế giới trong không gian 3 chiều. Bạn có thể vừa nhìn xung quanh, nhìn lên trời rồi nhìn ra không gian xa xăm đằng kia, trong khung cảnh thoáng đãng với góc nhìn tạm cho là thích hợp. Đồ họa 3D so với thời Sonic R là cả một bước tiến lớn về mật độ vật thể, độ chi tiết, và có thể nói là khá chân thực nếu không soi quá kỹ. Hệ thống spindash và homing/phóng thẳng ra xa trên không có thể được dùng một cách tự do để bay nhảy tung tăng và phóng tới những vị trí khó ngờ nhất, nhưng vẫn không mất kiểm soát như cơ chế Boost của các game gần đây.
Đặc biệt hơn cả, lối chơi thế giới mở được khai thác tối đa trong Adventure. Thế giới chính mở rộng ra nhiều khu vực khác nhau, đa dạng về hình ảnh, bố cục và vai trò trong cốt truyện. Trong đó, các nhân vật phải khám phá một số vị trí nhất định và thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới cốt truyện, bao gồm việc tìm và nhặt vật, tìm chỗ đặt vật vừa nhặt, tìm đồ nâng cấp hoặc phải đến các vị trí hoặc tương tác với các nhân vật liên quan để kích hoạt diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Việc này cần bạn phải đi lòng vòng, tìm mọi ngóc ngách, từ trên cành xuống dưới cống, thậm chí phải tìm cách đi đường vòng để mở khóa khu vực chứa các điểm kích hoạt trên. Điều này khiến cho cốt truyện trở nên quan trọng hơn trong Adventure và làm game này có phần giống một game nhập vai hơn là chỉ đơn thuần “chạy về đích” như phần lớn các platformer khác.
Kiểu “thế giới mở” này còn áp dụng cho các màn chơi khi chúng được thiết kế theo dạng mê cung với nhiều đường và nhiều khoảng không mở rộng thay vì theo dạng tuyến tính chỉ bám theo một trục chính và đi tới đích như các game trước và sau nó. Người chơi có thể vùng vẫy, bắn ra mọi hướng, lơ lửng giữa không trung, hoặc bay tự do đến các vị trí ngoài trục chính của màn chơi, việc đôi lúc có thể giúp bạn bỏ qua một đoạn kha khá của màn một cách đầy thỏa mãn. Có thể nói, người chơi có thể trải nghiệm một phần sự tự do và cảm giác được chơi các trò mạo hiểm, những thứ khó để được trải nghiệm trong thế giới thực.
Về âm nhạc, sự phong phú các thể loại nhạc nền theo màn chơi, cộng thêm sự xuất hiện của các bài hát có lời về nhân vật theo các phong cách thích hợp với mỗi người họ cũng là một điểm cộng lớn. (Crush40 forevah) Sự đa dạng về thể loại, âm thanh chơi từ nhạc cụ thật và cách phối của các nhà sản xuất thật sự rất đã tai và đáng để nhún nhảy hoặc phiêu dạt, nếu không phải đang chơi.
Cũng lạ ở chỗ, những lỗi trong SADX không phải lúc nào cũng phiền toái và có hại như trong một số game khác. Thậm chí chúng còn thỏa mãn cái sở thích tạo ra những sự lạ trong game, như spindash liên hoàn giúp phóng nhanh, hay việc đi xuyên tường giúp người chơi thấy được những “mặt ngoài”, “vùng ngoài” của các màn chơi. Một số vấn đề khác trong game còn xứng đáng được đưa lên làm meme giải trí (như biểu cảm của Sonic và các đoạn lồng tiếng lỗi).

Ngoài ra, sự tồn tại của bản PC cũ (2004) đã cho phép cộng đồng người chơi được chỉnh sửa, trau chuốt hoặc thậm chí là biến đổi các yếu tố trong game nhằm khắc phục hoặc làm mới hoàn toàn một sản phẩm vốn đã quá cũ để được chính chủ làm lại. Sự đa dạng của các bản mod và hướng dẫn tạo mod giúp người chơi thỏa mãn những gì họ chưa thỏa mãn về game.
Sau cùng thì Sonic Adventure đối với mình giống như một viên ngọc quý chưa được khai thác hết của thế giới Sonic. Đồng thời con game này cũng đã gắn liền với một quá trình nghịch ngu thời trẩu tre của mình (đến tận bây giờ). Nó lẽ ra đã có thể được khai thác tốt hơn và sống tốt hơn cùng với thời gian như một thể loại, một nhánh của Sonic, thay vì phải nhường hẳn chỗ cho thể loại chỉ biết dùng Boost để phóng và chạy màn một cách đơn điệu như hiện tại. Nhưng Sonic là của Sega, và Sega mới có quyền quyết định.
~ 3-3-21 ~
[1]: https://dreamcastify.unreliable.network/index.php/character-model-downgrades/
Nơi chứa các mod cho SADX PC: https://gamebanana.com/games/5892