Binh lính Mỹ ở Kansas mắc cúm Tây Ban Nha năm 1918 (Nguồn: Wikipedia)
Một ngày đẹp trời, bạn bật bản tin lên và thời sự đưa tin: một bệnh nhân mắc một loại virus lạ gây ra căn bệnh truyền nhiễm chết người vừa mới được phát hiện ở khu vực bạn sống. Ngay khi đó bạn cần phải hiểu ngay là một đại dịch đang có nguy cơ bùng nổ. 
Việc bạn cần làm ngay là ghi nhớ những thông tin cần lưu tâm. Cụ thể như sau:
1. Thời gian: Người bệnh được phát hiện vào ngày nào? Nhập viện vào ngày nào? Thời gian bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện triệu chứng là từ bao giờ? Thời gian ủ bệnh ước tính là bao lâu?
2. Địa điểm: Bệnh nhân đang nằm ở viện nào? Bệnh nhân nhà ở đâu? Trong thời gian ủ bệnh và phát bệnh thì bệnh nhân đã ở những đâu?
3. Bệnh nhân đã tiếp xúc với bao nhiêu người? Những người đó trong những ngày tiếp theo có biểu hiện triệu chứng không? Có trường hợp nào xảy ra trên các nhân viên y tế chưa? Phản ứng của các quan chức ngành y tế ra sao? WHO đã lên tiếng gì về việc này chưa?
Đó là những thông tin bạn cần phải nắm chắc. Biết rõ những điều này để có thể tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế qua lại nơi cư trú và dưỡng bệnh của bệnh nhân, và hạn chế tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, chẳng hạn như các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
Khi các ca nhiễm mới bắt đầu xuất hiện, cũng phải đảm bảo rằng bạn nắm rõ những thông tin về thời gian và địa điểm nơi các bệnh nhân cư trú và dưỡng bệnh. Đồng thời, hãy chuẩn bị cho sự hoang mang tột độ của xã hội - điều tất yếu sẽ xảy ra. Hãy chuẩn bị các đồ dùng, trang thiết bị y tế cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm.
Lời khuyên dành cho bạn nếu bạn muốn đi mua các trang bị đó vào thời điểm này, đó là hãy mua từ sớm, càng sớm càng tốt. Những mặt hàng như nước rửa tay có cồn, găng tay cao su và khẩu trang y tế cần phải được ưu tiên trước nhất. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng mọi người đổ xô đi mua các trang bị y tế khi mà mọi chuyện đã quá muộn - dẫn đến sự hỗn loạn tột độ và gia tăng đột biến nguy cơ lây nhiễm chéo tại các nhà thuốc và công ty dược phẩm; đồng thời cũng tránh được việc các nhà thuốc nâng giá những sản phẩm này lên cao để trục lợi. Không nên đặt mua trên mạng, để giảm thiểu tối đa khả năng mua phải hàng kém chất lượng hoặc hết đát.
KHẨU TRANG Y TẾ: DÙNG LOẠI NÀO MỚI ĐÚNG?
Nhớ kỹ một điều: đeo khẩu trang KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BẠN ĐÃ THỰC SỰ AN TOÀN khỏi các loại vi khuẩn, virus truyền nhiễm. Nhiều người không hề biết điều này, bởi khẩu trang đã tạo một cảm giác an toàn giả tưởng cho họ và khiến họ hoàn toàn bỏ qua các nguyên tắc quan trọng không kém như là rửa tay thường xuyên hay hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn cản các loại dịch cơ thể từ người bệnh, ví dụ như nước bọt hoặc đờm khi họ ho khan hoặc hắt hơi, do đó ngoài đeo khẩu trang khi ra ngoài, bạn cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc khác về an toàn vệ sinh dịch tễ.
Nhiều người thích lựa chọn các loại khẩu trang bằng giấy, do chúng thông thoáng hơn khẩu trang vải và có nhiều loại màu sắc cho bạn lựa chọn (tôi thậm chí còn từng thấy loại mày hồng). Tuy nhiên, do hoàn toàn làm bằng giấy và không có màng lọc nên chúng hoàn toàn vô dụng trước các loại vi khuẩn, virus lây truyền qua dịch cơ thể. Khẩu trang vải cũng tương tự như vậy. Chúng chỉ có một ưu điểm là có thể tái sử dụng, và chỉ có một tác dụng duy nhất là cản bụi. Chấm hết. Nếu bạn đang tìm kiếm những chiếc khẩu trang tốt để đồng hành cùng mình trong cơn đại dịch, hãy bỏ qua tất cả các loại khẩu trang vải tiện lợi hay khẩu trang giấy đen ngầu lòi tòi phòi đi. 
Tất nhiên những loại khẩu trang "dày" đến mức phải gọi là mặt nạ cũng không được khuyến khích quá nhiều. Một bộ phận không nhỏ cư dân cho rằng phải dùng đến mặt nạ chuyên dụng N95 của các nhân viên y tế thì mới chống được dịch. Điều này đúng và sai. Mặt nạ N95 bao gồm nhiều lớp lọc và cản giúp ngăn chặn tới 95% các hạt bụi nhỏ hơn 0.3 micromet, đồng thời có khả năng chống thấm vượt trội. Đeo nó vào thì cũng như đeo một cái mặt nạ phòng độc vậy, như vậy là sự cẩn thận không cần thiết. Hơn nữa, mặt nạ N95 không hề dễ để đeo đúng cách, mà khi đeo nó đúng cách, đảm bảo rằng bạn sẽ cực kì khó thở. Đưa mặt nạ N95 cho một công dân bình thường không có chút kiến thức hay nghĩa vụ y tế nào cũng giống như việc đưa cho một tân binh những món vũ khí hiện đại, tốn kém và khó vận hành nhất rồi cầu Chúa là anh ta sẽ may mắn tìm ra cách sử dụng chúng trước khi bị địch phát hiện và giết chết vậy.
Loại khẩu trang y tế tối ưu nhất để bạn lựa chọn trong trường hợp này sẽ là các loại khẩu trang xanh dùng trong phẫu thuật. Màng lọc nylon của nó đảm bảo rằng các loại dịch cơ thể sẽ không thấm qua được, cả từ trong ra ngoài lẫn từ ngoài vào trong. Khẩu trang phẫu thuật không bó quá chặt vào mặt bạn, do đó bạn vẫn có thể hít thở được dễ dàng. Mặt hàng này có giá thành tương đối dễ chịu (trong trường hợp không bị đầu cơ hoặc đội giá) và có thể được tìm thấy ở bất cứ nhà thuốc nào. Nhược điểm duy nhất của nó là mỗi khẩu trag chỉ dùng được một lần duy nhất, và chỉ có thể được sử dụng liên tục trong tối đa là 4 tiếng đồng hồ. 
Khi đeo khẩu trang, mặt màu xanh luôn luôn hướng ra ngoài. Trùm nó qua mũi và miệng bạn, đảm bảo là hai bộ phận trên được che đậy đàng hoàng. Chỉ được cầm vào dây đeo khẩu trang để đeo nó vào hoặc tháo nó ra, tuyệt đối không chạm vào mặt ngoài của khẩu trang bằng tay trần nếu bạn không muốn lũ vi trùng bò lổm ngổm trên các đầu ngón tay của bạn. Không kéo khẩu trang xuống trong bất cứ hoàn cảnh nào trừ khi bạn đang được yêu cầu thực hiện các thủ tục an ninh bắt buộc ở những khu vực như bãi gửi xe hoặc sân bay.
Khẩu trang phẫu thuật
Có nhiều người thậm chí còn muốn sử dụng cả các loại mặt nạ phòng độc chuyên dụng. Đúng là khi đeo mặt nạ này thì không gì có thể chui vào mũi của bạn luôn, kể cả khí độc. Tuy nhiên sử dụng nó trong trường hợp có bệnh dịch nổ ra thì thực sự là lãng phí. Tại sao phải đầu tư mua một cái mặt nạ phòng độc có giá lên đến tiền triệu trong khi một chiếc khẩu trang phẫu thuật là đủ để giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi dịch cơ thể của người bệnh. Nếu bạn nghĩ chuyện ai đó mặc giáp trụ đầy đủ và dùng một thanh đao khổng lồ chỉ để đập một con gián là điều nực cười, hãy bỏ ý định tậu một chiếc mặt nạ phòng độc đắt lòi mắt đi.
CHUẨN BỊ ĐỒ DỰ TRỮ
Bạn sẽ không thể biết liệu bệnh dịch sẽ trở nên tồi tệ đến mức nào. Có thể, chỉ sau một vài tuần thì số ca nhiễm và tử vong sẽ quay đầu đi xuống, và chính quyền sẽ có thể sớm tuyên bố "mọi chuyện đã ổn". Nhưng cũng có thể, số ca nhiễm sẽ bắt đầu tăng theo cấp số mũ và cuộc sống thường nhật của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Mọi người sẽ đổ xô đến các chợ đầu mối và trung tâm thương mại để tích trữ nhu yếu phẩm, đồ hộp, mì ăn liền, quần áo, thuốc men, dụng cụ, nhiên liệu,... và tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Trong bối cảnh bệnh dịch đang lây lan với tốc độ siêu thanh, chen chân vào giữa một đám đông hỗn loạn như vậy sẽ là điều cuối cùng bạn muốn làm. 
Cảnh này được cắt ra từ trailer của bộ phim Hàn The Flu (2013) - khi mà chính quyền đang ra lệnh phong tỏa một trung tâm thương mại và đám đông bên trong thì hết sức hỗn loạn (Nguồn: CGV Việt Nam)
Tích trữ nhu yếu phẩm dự phòng càng sớm càng tốt, và càng nhiều càng tốt. Tập trung vào thức ăn đóng hộp, mì ăn liền, nước đóng chai, dụng cụ y tế, thuốc men... Nếu người khác thấy bạn mang về nhà 2, 3 thùng mì tôm cùng một lô xích sông đồ hộp trong thời điểm này, họ có thể nghĩ rằng bạn đang phản ứng thái quá, hay thậm chí là bạn bị điên. Mặc kệ họ. Họ có thể nghĩ đến chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cài dây an toàn khi lái ô tô, lắp chuông báo động chống trộm quanh nhà và mua bảo hiểm thân thể cho gia đình họ, nhưng họ lại bỏ qua hoàn toàn việc bảo vệ bản thân và gia đình họ trước những mối đe dọa toàn cầu lớn hơn một vụ tai nạn giao thông hay mất trộm rất rất nhiều. Họ nghĩ bạn điên, cứ kệ họ. Chỉ có kẻ mất bò mới lo làm chuồng mới bị điên thôi. Hãy nhớ: khi Noah đóng thuyền, người ta cũng cười nhạo ông rất nhiều.
NẾU PHẢI ĐẾN BỆNH VIỆN?
Một lời khuyên chân thành cho bạn: khi đại dịch nổ ra, ĐỪNG CÓ DẠI MÀ TỚI BỆNH VIỆN TRỪ KHI BẮT BUỘC. Trong khoảng thời gian này, bệnh viện sẽ là một tòa nhà tập trung hàng trăm người - trong đó có cả những người mang mầm bệnh và những người thường xuyên tiếp xúc với họ. Trừ khi vì một lí do nào đó bạn cần sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp ngay lập tức, hoặc chính quyền yêu cầu bạn tới cơ sở y tế để thực hiện cách ly bắt buộc, tốt nhất là bạn nên tránh xa các bệnh viện.
Khi chính quyền yêu cầu bạn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cách ly theo dõi, hãy chấp nhận nó và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện chống đối. Thực hiện cách ly kịp thời và nghiêm túc sẽ giúp bạn có được sự chăm sóc y tế khi cần thiết, dồng thời có thể phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh và bảo vệ được người thân và bạn bè của bạn. Chống đối lại lệnh cách ly sẽ chỉ khiến bạn trông như một tên khủng bố liều chết trong mắt cơ quan chức năng.
Trong thời gian ở bệnh viện, nếu không phải là vì cách ly bắt buộc, bạn phải tự bảo vệ mình. Đeo khẩu trang và mang găng tay y tế mọi lúc, mọi nơi. Hết sức cẩn thận với những người ở xung quanh bạn, kể cả là y bác sĩ hay nhân viên vệ sinh. Bạn đâu thể biết được ai đang mang mầm bệnh và ai vừa tiếp xúc với người mang mầm bệnh, hoặc chất thải của họ. Giữ khoảng cách với tất cả mọi người. Cẩn thận với những kẻ chán sống: đã có những trường hợp bệnh nhân của một căn bệnh truyền nhiễm chết người do quá tuyệt vọng nên đã tìm cách "kéo người khác xuống chết cùng" và lao vào những người khỏe mạnh như con thiêu thân lao vào ngọn đèn vậy.  
Khai báo với nhân viên y tế những địa điểm mà bạn đã đi tới trong khoảng thời gian vừa qua, những người bạn đã tiếp xúc... một cách trung thực và chính xác. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác cho họ, bạn đang tự giúp đỡ bản thân và cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Sau khi rời khỏi bệnh viện, hãy thực hiện tự cách ly tại nhà trong vòng ít nhất một tuần tới. 
TỰ CÁCH LY TẠI NHÀ
Trong trường hợp bạn nằm trong nhóm các đối tượng cần phải tiến hành tự cách ly tại nhà, hãy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu dưới đây:
    - Tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định, tốt nhất là cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp nhà không có phòng riêng thì giường ngủ của bạn nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng cách ly.
- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế 2 lần về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân (nếu bạn là đối tượng bắt buộc tự cách ly theo chỉ đạo của chính quyền).
- Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
- Không rời khỏi nhà.
- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và xử lý theo quy định xử lý rác thải y tế của địa phương.