Siddhartha Mukherjee sinh năm 1970 là nhà sinh vật học, bác sĩ chuyên khoa ung thư và nhà nghiên cứu Y học người Mỹ gốc Ấn Độ. Ông đã thực hiện một công việc có lẽ là công phu nhất từ trước đến nay trong biên tập sách về lịch sử ngành y học. Ông đã “vẽ lên một bức tranh lớn mang hơi thở như chính cuộc sống, xuyên suốt từ thời cổ đại cho đến hiện nay”.
Mình biết đến tác giả với cuốn “Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh”. Ấn tượng của mình khi cầm trên tay cuốn sách dày 700 trang về đề tài hoàn toàn khoa học, là có chút run rẩy, những 700 trang đấy. Tuy nhiên, với lối dẫn chuyện dí dỏm, hấp dẫn, lượng kiến thức khổng lồ được tác giả khéo léo lồng ghép tinh tế theo dòng chảy của thời gian, và bạn, một khi đã bắt đầu đọc là không thể dừng lại được.
Cuốn sách còn cung cấp những thông tin về lịch sử lâu dài trong quá trình điều trị và nghiên cứu ung thư, kể từ lần đầu tiên nó được mô tả vào năm 2.600 trước công nguyên bởi vị thầy thuốc người Ai Cập tên là Imhotep. Ung thư tiếp tục tồn tại một cách im lặng trong dòng chảy vô tình của lịch sử cho đến tận ngày hôm nay. Bên cạnh đó là hành trình dài với vô vàn khó khăn trong quá trình tìm kiếm các liệu pháp điều trị căn bệnh này, cho dù ngày nay chúng ta mới chỉ tạo ra được sự thuyên giảm tạm thời. Thông qua cuốn sách, tác giả cũng đề cập đến rất nhiều thông tin, cũng như các kết quả nghiên cứu và các phương pháp điều trị mới nhất đối với căn bệnh này.
Như lời tác giả chia sẻ, mục đích tác giả viết cuốn sách “Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh” là để giúp trả lời câu hỏi muôn thuở của nhân loại: "Tôi sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, nhưng tôi cần biết tôi đang chiến đấu với cái gì."
Trong thời gian chờ đợi một cuốn sách không kém phần “nặng” khác của tác giả, với 800 trang sách - cuốn “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại”, tôi đã đọc “Định luật y học”, bởi lúc này, Siddhartha Mukherjee đã là tác giả Idol trong lòng tôi rồi.
Định luật y học” là một cuốn sách có thể nói là khiêm tốn so với 2 cuốn sách trên. Cuốn sách cũng chính là câu trả lời cho vấn đề luôn trăn trở trong lòng tác giả khi còn là bác sĩ nội trú “Liệu y học có phải là một ngành khoa học không”.
Y học là một ngành nghề có tính chất đặc biệt, yêu cầu vận dụng khéo léo kiến thức trong điều kiện thiếu chắc chắn, và là một chuyên ngành vẫn đang không ngừng học hỏi để kết hợp giữa kiến thức thuần túy với kinh nghiệm thực tế. Y học vừa là ngành khoa học non trẻ nhất và cũng là ngành khoa học nhân đạo nhất, đó cũng có thể là ngành khoa học đẹp đẽ và mong manh nhất mà chúng ta từng nghiên cứu.
Quay lại với cuốn sách mới nhất của tác giả, nếu “Lịch sử ung thư - Hoàng đế của bách bệnh” được coi là câu chuyện kể về mã di truyền đã suy tàn và không thể cứu chữa, thì “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại” chính là tiền truyện về hành trình dài đằng đẵng của gen trong lịch sử loài người.
Cuốn sách mở đầu được dẫn dắt từ chính câu chuyện của gia đình tác giả với hai người chú và một người anh họ bị tâm thần phân liệt, cùng với nỗi sợ dù không rõ ràng nhưng đã bắt đầu nhen nhóm về mầm mống của một căn bệnh đang được nuôi dưỡng bên trong mình.
Xuyên suốt tác phẩm là những lát cắt lịch sử của từng cá nhân, từng tập thể, gắn liền với những sự kiện, câu chuyện, có lúc được kể theo chuỗi thời gian, nhưng cũng có lúc “nhảy cóc” để đối chiếu với những điều mà “tiền nhân” đã khám phá, để so sánh điểm đúng, điểm chưa đúng và cả không đúng với những tri thức hiện tại của khoa học về Gen.
Mới mẻ và bi thương, sự phát hiện gen, như tác giả đã viết, có thể coi là “một trong những ý tưởng mạnh mẽ và nguy hiểm nhất trong lịch sử khoa học.” Công nghệ chỉnh sửa, viết lại mã di truyền đưa thế giới khoa học bước chân vào một cơn bão đầy tranh cãi: thay mặt Chúa trời hồi sinh tất cả các thiên thần và ác quỷ từ trong truyền thuyết.
Có lẽ, bản thân Gen là một câu chuyện dài và rõ ràng hơn ung thư - thứ bị chìm đắm trong lịch sử bởi chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh. Như chính lời tác giả chia sẻ “ung thư đã dần rút cạn mọi câu chuyện của tôi, tịch thu hộ chiếu của tôi, và bắt làm con tin cái tương lai của tôi với tư cách một tác giả; tôi không còn gì để mà kể nữa”. Bởi vậy, nên nếu bạn đọc “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại”, và cảm thấy có đôi chút gì đó hụt hẫng, một cảm giác hình như chưa trọn vẹn, thì bạn có thể tìm và đọc thêm cuốn “Tế bào gốc” của Paul Knoepfler. Theo ý kiến của riêng mình, “Tế bào gốc” có thể nói là một mảnh ghép hoàn hảo, một câu trả lời rõ ràng hơn cho một phần trong chương cuối của cuốn sách.
P/s: Hình như mình cũng bị rút cạn ý tưởng cho một lời kết hoàn hảo dành cho tác giả Idol của mình.