Hermann Hesse là nhà văn nổi tiếng của Đức, ông được trao giải Nobel Văn Chương năm 1946, tác phẩm Siddhartha là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Một cuốn tiểu thuyết ngắn, đọc xong dễ dàng trong một ngày, nhưng để thấu tuệ được những gì mà ông muốn truyền đạt tới hẳn phải cần rất nhiều chiêm nghiệm. Đúng như tác giả viết: "trí huệ không thể truyền đạt được...Người ta có thể truyền đạt được kiến thức, nhưng không truyền được trí huệ".
Tôi đã say sưa đọc một mạch cuốn truyện, mạch truyện dễ đưa con người quán tưởng vào những suy nghiệm về Đại Ngã và tính Nhất Thể của vạn vật. Lấy bối cảnh vào thời điểm Đức Phật còn tại thế, Siddhartha - nhân vật chính, cố gắng đi tìm sự giác ngộ. Để thấu hiểu bản chất của đời sống, Siddhartha đã phải trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách. Ban đầu là cố gắng trở thành trống vắng, diệt được Ngã (là cái "ta" thể tính trường tồn. Đạo Phật không công nhận sự hiện diện của Ngã. Theo đạo Phật, ý nghĩ có "ta", có "người" chính là vô minh, si mê. Từ đó phát sinh thù hận, tham khát và xa rời chân tính, đưa con người đến bể Khổ. Vì thế, muốn diệt Khổ phải diệt cái "ngã" vọng tưởng, đạt tới tâm "vô ngã").
Nhưng sau đó, với sự bế tắc không tìm là thấy điều mình muốn, Siddhartha đã phải quay về với cuộc sống trần tục, anh học lại những thứ đời thường, "xem mọi chuyện như trò chơi, anh cố gắng học những quy luật của nó". Anh yêu nàng Kamala và được nàng dạy dỗ về tình yêu : "tình yêu có thể cầu xin, mua, được tặng, tìm thấy trên đường phố, nhưng không cướp giật được".
Siddhartha tiếp tục vướng vào vòng tục luỵ, anh dần thấy căm ghét bản thân, với mái tóc thơm tho, mùi rượu và những cuộc chơi. "Giống như một người ăn uống thừa mứa, nôn ra một cách khó nhọc nhưng rồi mừng vì thấy dễ chịu", anh muốn vứt bỏ những hưởng thụ, những thói quen xa hoa...
Rồi Siddhartha có con, anh hết mực thương yêu con nhưng anh yêu thương đến độ mù quáng, đau khổ, rồi tuyệt vọng khi thấy đứa con không như mình mong đợi. Đó chẳng phải là một trong tứ khổ của đời người ư? Càng đọc càng thấy cuốn truyện thấm nhuần những lời dạy về Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo.
Cuối cùng Siddhartha mới nhận ra rằng : "sự thật nào cũng có đối nghịch của nó và điều đối nghịch này cũng thật không kém! Có nghĩa là: người ta chỉ có thể nói ra sự thật và gói ghém bằng lời khi nó phiến diện. Mọi điều có thể ngẫm ngợi và nói thành lời đều phiến diện, đều chỉ là một nửa, đều thiếu sự toàn vẹn, sự tròn đầy, tính nhất thể".