SECONDHAND TRỞ LẠI
Tiêu dùng hàng secondhand đang trở thành một điều bình thường và phổ biến hơn bao giờ hết trong những năm gần đây. Những định kiến...
LỜI MỞ ĐẦU
Tiêu dùng hàng secondhand đang trở thành một điều bình thường và phổ biến hơn bao giờ hết trong những năm gần đây. Những định kiến cũ bị xóa nhòa và việc kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng đang lên ngôi, phát triển mạnh mẽ với một loạt các nền tảng, cửa hàng bán đồ cũ trực tuyến ra đời, như Poshmark hay ThredUp. Tất cả tạo lên một thị trường kinh doanh tỷ đô cạnh tranh thực sự sôi nổi. Vậy tại sao xu hướng này lại diễn ra và phản ứng của các thương hiệu thời trang nổi tiếng là gì? Secondhand chỉ là một loại “mốt” hay nó còn là dấu hiệu cho một điều gì khác? Bài báo này sẽ giúp cho bạn đến gần hơn với câu trả lời.
(Ảnh: ThredUp)
MỘT QUÁ KHỨ ĐỊNH KIẾN
Vào năm 1700, các quầy hàng quần áo cũ nằm rải rác khắp London. Chúng tồn tại chủ yếu để phục vụ nhu cầu may mặc cho người nghèo, nhưng đồng thời cũng có ích đối với tầng lớp trung lưu mới nổi.
“Hàng hoá thường đến từ những người hầu, họ mang quần áo bỏ đi của những người chủ giàu có đến chợ để bán. Hoặc đôi khi, đó là những “món quà” mà người chủ tặng cho họ như một phần thù lao. Và đối với những người hầu đó, việc kiếm lợi nhuận từ những món đồ được tặng này tốt hơn nhiều so với việc mặc chúng, điều dường như không phù hợp lắm về mặt xã hội lúc bấy giờ. Những đồ thời trang thượng lưu sau đó sẽ được mua và mặc lại bởi tầng lớp thương gia thành thị. Còn những bộ quần áo cũ kĩ hơn thì sẽ dành bán cho tầng lớp dân nghèo.”
Trong suốt thế kỷ 18, việc buôn bán đồ cũ phát triển mạnh và trở thành một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận. Nhưng chưa đầy một thế kỷ sau đó, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy sản xuất hàng loạt, quần áo mới vì vậy mà có giá cả phải chăng hơn và tiếp cận được với nhiều người hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa là thời kỳ của đồ cũ đã chấm dứt. Việc buôn bán vẫn tiếp tục, duy chỉ có điều, người mua hàng giờ chỉ còn là những người ở tầng lớp dưới, và chính tại thời điểm này, “đồ cũ” chỉ gắn liền với nghèo đói.
Bên cạnh đó, sự bùng phát trở lại của “Cái chết đen” - dịch hạch ở Châu Á cũng làm gia tăng định kiến của người ta về quần áo mặc lại. Người ta lo ngại việc mặc quần áo cũ của người khác có thể là nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh. Sự kỳ thị xung quanh đồ cũ đã được ghi nhớ trong các tác phẩm của Charles Dickens. Ông kinh hoàng phản ánh chợ quần áo cũ ở phố Monmouth:
“… Đi dạo giữa những bóng cây rộng lớn này là những cái tên đã chết, ta chìm đắm vào những suy tư mà họ mang đến; giờ đây, trên thân ta là một chiếc áo khoác đã qua đời, một chiếc quần dài đã chết, phần còn lại của một người quá cố có lẽ chỉ còn là một chiếc áo gilê cầu kỳ…”.
Suy ngẫm của Dickens về sự chết chóc bao quanh quần áo cũ cũng là điều mà xã hội phương Tây còn bận tâm, và đồ cũ tiếp tục được xem là những thứ mà phần đông không muốn động vào.
(Nguồn: BBC)
NGÀNH KINH DOANH TỶ ĐÔ
Khép lại kỳ thị và nỗi ám ảnh xoay quanh những định kiến về “hàng sida” hay “hàng thùng”, vài năm trở lại đây, cái tên secondhand đang được xướng lên như một xu hướng thời trang mới và là một thị trường đầy hứa hẹn. Theo một báo cáo, thị trường quần áo cũ của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần về giá trị trong 10 năm tới - từ 28 tỷ USD vào năm 2019 lên 80 tỷ USD vào năm 2029 - biết rằng tổng giá trị hiện tại của ngành là khoảng 379 tỷ USD. Vào năm 2019, quần áo cũ đã mở rộng nhanh hơn 21 lần so với bán lẻ quần áo thông thường. Chúng ta không chỉ nhìn thấy xu hướng tăng trưởng này ở Mỹ, mà là nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Thụy Điển, ReTuna – một trung tâm mua sắm đồ cũ đã tạo ra doanh thu lên tới 1,1 triệu USD chỉ sau 3 năm thành lập (từ 2015). Những ai yêu mến xứ sở hoa anh đào cũng có thể nhìn thấy sự phát triển tương tự của hàng ngàn cửa hàng Book off - cửa hàng kinh doanh đồ cũ. Ở đây, nếu trước đó người tiêu dùng sẵn sàng mở hầu bao, bỏ ra hàng vạn yên để được sở hữu các sản phẩm độc lạ từ các nhà mốt nổi tiếng như Dior, Chanel hay Gucci, thì nay, ngành hàng đồ cũ nói chung và thời trang cũ nói riêng lại đang trở thành một nét tiêu dùng quen thuộc với người Nhật. Và dĩ nhiên, đi cùng xu hướng này chính là sự xuất hiện của rất nhiều các nền tảng, cửa hàng bán đồ cũ trực tuyến, trong đó có một vài cái tên nổi bật như The RealReal, Poshmark, ThredUp… Họ đang tạo ra một cộng đồng chỉ có người dùng với người dùng mà các nhãn hàng không thể can thiệp, và trong thế giới đó, người dùng trao đổi với nhau nhiều sản phẩm có chất lượng “hàng hiệu” nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều, thậm chí như giá “hàng chợ”.
Vậy nguyên nhân nào thúc đẩy xu hướng này? Điều gì khiến những thứ đồ từng được coi là vô giá trị trở thành ngành kinh doanh tỷ đô như hiện nay?
Nguyên nhân
Phải, kinh doanh đồ cũ từng được cho là một ngành kinh doanh địa phương, kiểu mom - and - pop (những doanh nghiệp nhỏ, độc lập hoặc thuộc sở hữu gia đình). Nhưng giờ đây, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đang khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Qua các nền tảng truyền thông xã hội và các quảng cáo trực tuyến, phạm vi tiếp cận của các doanh nghiệp địa phương đã được mở rộng hơn rất nhiều. Còn việc vận chuyển cũng dần trở nên dễ dàng với chi phí rẻ hơn nhiều so với trước, nên như mọi ngành hàng khác được hưởng lợi từ công nghệ, kinh doanh đồ cũ cũng như dỡ bỏ được gông cùm mà bùng nổ.
Bên cạnh đó, còn có một sự thay đổi văn hóa đang xảy ra đối với đồ cũ. Nếu như mới chỉ vài thập kỷ trước, hàng secondhand từng bị kỳ thị là loại hàng chỉ dành cho người nghèo thì bây giờ đây, người ta thay thế từ “cũ” bằng xu hướng “vintage”, đi kèm với đó là giá trị thời thượng của “authentic” (hàng thật). Nhiều người nổi tiếng không ngần ngại diện đồ secondhand, nhiều stylist với phong cách phối đồ secondhand độc đáo xuất hiện, và bởi vậy mà sự kỳ thị về đồ cũ cũng dần biến mất. Có lẽ cũng thật thú vị để biết rằng, trong số những người mua sắm tích cực, những người đã chi hơn 10.000 đô la cho quần áo cũ trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, thì có đến 13% là triệu phú. Đối với thế hệ trẻ, secondhand đã không còn là những món đồ ít giá trị, mà đơn giản là người chủ cũ không còn nhu cầu sử dụng (muốn thay đổi phong cách, kích cỡ không phù hợp,...) và “pass lại” cho một người khác để tiết kiệm chi phí, từ đó hạn chế lượng quần áo mới được sản xuất và tiêu thụ mỗi năm.
“Thời trang cũ hoàn toàn có thể xa xỉ và tạo ra một làn sóng cuồng nhiệt không kém gì thời trang mới. Làn sóng này được gọi là re-commerce.”
Hơn nữa, người tiêu dùng ngày nay cũng được giáo dục để nhận thức rõ hơn về tác động sinh thái của việc sản xuất hàng may mặc, và cũng thường xuyên đòi hỏi các doanh nghiệp phải mở rộng cam kết về môi trường. Việc mua bán quần áo cũ chính là một cách để họ góp phần bảo vệ môi trường, thứ mà ngành công nghiệp thời trang vẫn đang tàn phá và để lại biết bao hậu quả nghiêm trọng (ngành công nghiệp dệt may tạo ra nhiều khí thải carbon hơn so với hai ngành công nghiệp hàng không và hàng hải cộng lại . Và khoảng 20% ô nhiễm nước trên toàn cầu là do nước thải từ quá trình sản xuất các sản phẩm may mặc). Khái niệm về Circular economy (kinh tế tuần hoàn) hay Sustainable consumption (tiêu dùng bền vững) - Điều đó hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng thế hệ trẻ. Theo một khảo sát mới đây, 27% tổng số người tiêu dùng sản phẩm secondhand có động cơ mua vì lý do môi trường, còn đối với người tiêu dùng thế hệ trẻ, con số đó là 35%.
Trong năm 2020, một sự kiện đặc biệt cũng góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng đồ cũ diễn ra nhanh hơn - Covid 19. Đại dịch bùng phát, gần như khiến mọi nhà thiết kế đều nói đến sự mong muốn cam kết bền vững, sản xuất ít hơn và chỉ thiết kế những gì họ tin tưởng. Cũng chính trong sự biến động đó, tâm lý người tiêu dùng để ý hơn đến tài chính của mình khi chi tiêu cho các món hàng xa xỉ. Theo một nghiên cứu thị trường gần đây của công ty tư McKinsey tại Mỹ, chỉ có 49% khách hàng được khảo sát cho rằng họ yên tâm về tình hình tài chính của bản thân và có tới 64% bồn chồn vì không biết tình hình dịch sẽ kéo dài bao lâu (Mỹ vẫn chưa thật sự chấm dứt yêu cầu giãn cách xã hội). Vì thế mà người tiêu dùng tìm đến đồ secondhand - những sản phẩm vừa đáp ứng được yêu cầu về tính thời trang, chất lượng lại vừa phù hợp với khả năng chi tiêu của họ.
Động thái của các thương hiệu thời trang xa xỉ
“Bạn mặc chiếc đầm đó một lần vào tối thứ bảy và ngay ngày hôm sau bạn có thể đăng tải nó lên Depop để dành cho tối thứ bảy của một cô gái khác. Cũng nhanh chóng hệt như khi bạn mua nó”
– Victoria Magrath
Tất nhiên, thị trường luôn từng có những cửa hàng bán hàng vintage và thời trang cũ. Nhưng sự ra đời của các website chuyên hàng thời trang secondhand xa xỉ lại mang đến những trải nghiệm mua sắm mới lạ hoàn toàn khác cho người dùng. Nếu như TJ Maxx (chuỗi cửa hàng bách hóa của Mỹ) bán các sản phẩm từ 359 nhãn hiệu, Amazon là 10.000 thì với các nền tảng như ThredUp, con số đó là 35.000. Họ có một mạng lưới khách hàng rộng lớn hơn 50 triệu người dùng từ khắp các nơi trên thế giới. Chính bởi sức mạnh đáng gờm ấy, những nền tảng như ThredUp hay Poshmark không chỉ gây được sự chú ý với các nhà đầu tư mà còn kéo theo đó là sự để tâm của các nhà mốt cao cấp.
( Ảnh: https://www.thredup.com)
Không phải ai cũng yêu thích mô hình bán hàng thời trang cũ, nhất là những thương hiệu luôn muốn bảo vệ hình tượng của mình. Điển hình là trường hợp của Chanel. Vào tháng 11/2018, thương hiệu thời trang đình đám này đã đệ đơn kiện the RealReal với lý do “bán hàng nhái”. Họ cũng cho rằng cách quảng cáo của the RealReal đang khiến người dùng nghĩ rằng họ đang mua trực tiếp từ Chanel chính hãng. Còn bên phía The RealReal lại phản bác rằng nhà mốt Pháp thực chất là đang “e ngại những đơn vị mà họ cho là đối thủ cạnh tranh.” The RealReal khẳng định mình có một đội ngũ hơn 100 chuyên gia thẩm định đồng hồ, trang sức, thời trang để kiểm tra mặt hàng trước khi rao bán lại, như vậy thì khả năng buôn bán hàng đạo nhái gần như bằng không.
Cũng câu chuyện này nhưng dạo gần đây, nó đang được kể theo một cách thật khác. Thay vì lo sợ ThredUp, The RealReal hay rộng ra là toàn ngành thời trang secondhand tranh cướp thị trường của mình như trước, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đang có xu hướng cộng tác. Họ tìm cách để tận dụng sự tăng trưởng của thị trường này khi mà giới trẻ ngày càng ưa chuộng đồ xa xỉ secondhand, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chuỗi cửa hàng Selfridge của Anh hợp tác với hãng bán đồ secondhand online Vestiaire Collective, trong khi Ralph Lauren hợp tác với ứng dụng đồ cũ Depop. Stella McCartney và Burberry cũng đã hợp tác với The RealReal cho các sản phẩm secondhand. Vào tháng 10/2020, Levi's đã tiết lộ một trang web mới, Levi's Secondhand. Đây là trang web chuyên bán quần jean cũ và đồ cũ, hầu hết trong số đó được mua từ khách hàng hoặc có nguồn gốc từ các cửa hàng đồ cũ khác nhau.
Ngoài Levi’s, Gucci và The RealReal cũng đã tuyên bố hợp tác với nhau, và cái bắt tay này chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể cuộc chơi. Julie Wainwright, người sáng lập và Giám đốc điều hành của RealReal cho biết: “Gucci đi đầu trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang trở nên bền vững hơn, vì vậy việc họ nhận ra vai trò cũng như sức mạnh của resale và The RealReal trong công việc kiến tạo đó. Và bằng cách khuyến khích cộng đồng của mình mua sắm đồ cũ, Gucci sẽ giúp chúng tôi thu hút nhiều khách hàng ở thị trường này hơn”.
LỜI KẾT
Ngành thời trang trong tương lai sẽ tự định nghĩa mình như một vòng tuần hoàn. Những món đồ chúng ta yêu thích sẽ không bao giờ trở thành đồ bỏ đi mà qua những thiết kế, chúng sẽ được phục hồi và nhiều lần phục hồi như thế nữa để trở lại thành những món đồ chúng ta yêu thích. Và dù tương lai của ngành thời trang Secondhand còn rất khó để đoán định, nhưng ít nhất trong khoảng thời gian 10 năm tới, những cửa hàng như The RealReal, ThredUp… được dự báo vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ. Secondhand trở lại có thể chỉ là một xu hướng tạm thời, nhưng với lần trở lại này, nó đã không còn là hiện thân của nghèo đói mà là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đang hướng tới những sản phẩm thân thiện và bền vững hơn. Bởi vậy, là cơ hội hay thách thức, phát triển hay suy thoái, tất cả sẽ phụ thuộc vào sự nhanh nhạy và phản ứng linh hoạt của các doanh nghiệp.
- Thùy Linh -
Nguồn tham khảo:
doanh, K. (2021). Secondhand lên ngôi trong xu hướng tiêu dùng mới. Thực tế online. Retrieved 10 June 2021, from https://thucte.vn/secondhand-len-ngoi-trong-xu-huong-tieu-dung-moi-a5476.html.
Kestenbaum, R. (2021). Secondhand Clothes Are A Threat And An Opportunity. Forbes. Retrieved 10 June 2021, from https://www.forbes.com/sites/richardkestenbaum/2018/04/03/secondhand-clothes-are-a-threat-and-an-opportunity/?sh=fa5ee7a6fdd0.
N, Q. (2021). Thị trường thời trang second hand | Kinh doanh thời trang | Harper's Bazaar. Harper's Bazaar Việt Nam. Retrieved 10 June 2021, from https://bazaarvietnam.vn/thi-truong-thoi-trang-second-hand/#post-2474728.
PHẢI XANH: Lịch sử của thời trang second-hand. Lofficielvietnam.com. (2021). Retrieved 10 June 2021, from https://www.lofficielvietnam.com/documentary/l-documentary-long-live-the-second-hand-clothes.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất