Tháng 2 của mình bao gồm cả Tết Nguyên đán nên thành ra mình đọc được khá nhiều. Hy vọng những tựa sách sau sẽ là các gợi ý cho danh sách đọc sắp tới của các bạn.
1. Tiền từ Hitler – Radka Denemarková
Cũng tập trung vào thời hậu Đệ nhị Thế chiến, thế nhưng khi đọc cuốn này bạn sẽ có góc nhìn rất khác về chủ đề mà tưởng như ai-cũng-khai-thác-hết-rồi. Cũng như Natascha Wodin viết cuốn Người đến từ Mariupol về những cá nhân Ukraine bị bắt đi cưỡng bức lao động; Tiền từ Hitler là một nỗ lực tái hiện lại những mất mát cũng như tổn thương vì những gì quá khứ đã gây ra. Radka Denemarková trong tác phẩm này sử dụng rất nhiều ngôn từ, so sánh, ẩn dụ… mang sức mạnh và nhiều chất liệu bạo lực; thế nhưng mình nghĩ đây là một cách làm tốt để khai thác được toàn bộ những bất công mà nhân vật hay những con người vô tội phải chịu trong một thời kì điên loạn. 2 cuốn sách ấy như những mảnh ghép lạc loại làm toàn vẹn hơn bức tranh đánh mất nhân tính, và đặc biệt hơn là trong những ngày thế giới nín thở như lúc này.
2. Xứ tháng Mười – Ray Bradbury
Phải nói rằng lần đầu tiếp xúc với ông qua cuốn 451 độ F thì mình… khá thất vọng. Vì chất liệu dystopia mà ông dùng không hiếm. Có thể khi mới ra đời nó thật sự lạ, nhưng lúc mình đọc vào thì nó không còn đủ mới nữa. Xứ tháng Mười lại là một cuốn sách khiến mình thức từ tối đến sáng để hoàn thành xong chỉ trong 2 ngày. Dùng chất liệu kinh dị cũng như nghịch dị để làm bật lên chủ đề ông muốn truyền tải, Xứ tháng Mười vừa đáng e ngại, về bầu không khí đen tối ông tạo ra, nhưng cũng đồng thời là những gì mà xã hội hiện nay đang tồn tại. Tình hình tượng, khai thác tốt màu sắc kinh dị, sự đảo chiều nghịch dị… là những gì mà 19 truyện ngắn này làm được. Rất cuốn hút.
3. Từ dạo ấy – Natsume Soseki
Cùng tới Sanshiro, cuốn này và The Gate tạo thành bộ ba, mà như Murakami nói, là “bộ ba trưởng thành”. Cũng như nhân vật chính Sanshiro trước đó, Daisuke trong cuốn sách này đã thôi là con người trung dung hấp thụ mọi thứ, mà anh đã vùng lên và giành lấy những gì của mình, mặc cho những khuôn ngọc thước ngà cũng như tranh đấu về mặt đạo đức ở thời điểm đó. Có sự tiếp nối trong cách người tri thức thời đó phản kháng giữa lằn ranh mới – cũ trong bối cảnh dường như không thay đổi, Natsume Soseki đã dịch chuyển lăng kính từ một thanh niên e ngại trước ngưỡng cửa trưởng thành thành người đàn ông chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, một cách đầy sâu sắc và chi ly trong việc khắc họa tâm lý nhân vật,
4. Chim chóc không bao giờ ngốc – Jennifer Ackerman
Cùng với cuốn Tâm tư bạch tuộc của tháng 1, phải nói là bộ ba này mà Phương Nam làm rất lý thú và chứa nhiều kiến thức vô cùng giá trị. Chim chóc chưa bao giờ ngốc là một nỗ lực đưa đến người đọc những phát hiện, minh chứng, nghiên cứu cũng như kết quả về trí thông minh của loài chim, về việc bộ não có kích thước nhỏ không tương đồng một cách hoàn toàn với trí thông minh của chúng. Jennifer Ackerman một lần nữa khẳng định lý thuyết của Darwin về trí thông minh của các cá thể khác Homo sapiens, và đập tan luận điệu chúng ta là nhất vốn thống trị suốt bao năm nay. Nhìn chung nó mang đến thông tin thú vị, nhưng hơi dài thành ra đôi lúc cũng... ngán. Tháng 3 sẽ cố gắng hoàn thành xong Đế chế Hải Ly, để khép lại bộ trilogy ba tập này.
5. She Said: Muôn trùng sự thật – Jodi Kantor, Megan Twohey
Không những chiến sự ở châu Âu gây xôn xao những ngày này, mà trong nước vụ 30 under 30 của Forbes cũng để lại những vết nhơ khó gột rửa. Với nỗ lực của các cty sách khi cho ra mắt các cuốn nhấn mạnh thêm nữ quyền như She Said hay tủ sách Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ, mình nghĩ là một tín hiệu đáng mừng. Đọc She Said bạn sẽ hiểu thêm về cách mà chỉ đơn thuần việc cất lên tiếng nói của những nạn nhân là rất khó khăn, thế nhưng khi nói ra rồi thì nó lại tạo nên một sức mạnh khó đo lường. Cuốn này cũng nhấn mạnh thêm về sự độc hại của Me Too, cách mà nó đi quá, vượt ra khỏi nữ quyền để trở thành trào lưu cho những trò phù thủy hay đạo đức giả. Một cuốn sách chứa đựng kiến thức cũng rất thú vị cho những vấn đề đương thời.
6. Đi tìm nhân dạng – Luigi Pirandello
Tháng 1 mình đã đọc kịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả, tháng này mình tiếp tục Đi tìm nhân dạng – cuốn tiểu thuyết cuối cùng và được đánh giá là quan trọng nhất của ông. Từ một chiếc mũi bị lệch, một ngày kia Moscarda hay là ai trong mỗi chúng ta, rất có thể sẽ nhận ra mình không là mình và ta đang thật sự không sống. Mang nhiều suy tư triết học về bản nguyên, cái tôi cá nhân xoáy sâu vào tâm tư mỗi người, Đi tìm nhân dạng rõ ràng là không dễ đọc vì nó cạnh khóe, giễu nhại nhưng cũng thách thức bất cứ ai sống nhanh, sống vội và sống không là mình. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn và chấp nhận bản thân giả tạo một mặt nào đó, khi khép lại cuốn sách bạn chỉ có thể nói rằng, mình tin 100% về những gì Luigi Pirandello viết ra. Tuy không thay đổi thế cục một cách toàn diện, nhưng đôi khi biết cũng đã là đủ.
7. Truyện ngắn Akutagawa – Ryūnosuke Akutagawa
Trong bộ ba nhà văn đặt nền móng cho văn chương hiện đại Nhật Bản, mình chỉ mới đọc duy nhất Natsume Soseki, và đây là cuốn đầu mình đọc của Akutagawa. Nếu Soseki đòi hỏi người đọc kiên nhẫn lần theo những diễn biến tâm trạng chậm rãi, thì Akutagawa với sức trẻ và lối tiếp cận mới, lại năng động và phong phú hơn trong các truyện ngắn của mình. Từ việc làm mới những chất liệu sẵn có như điển tích, điển cố, kịch cổ… cho đến mới hơn với các tác phẩm tự truyện hay đầy Tây phương; Akutagawa mở ra một không gian giao hòa dễ chịu, thu hút và không bị nhàm. Một tuyển truyện ngắn vô cùng thú vị.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất