What Time Is It There? (2001) của Thái Minh Lượng. (Tên tiếng Trung: “Bên đó mấy giờ rồi?”)
img_0
____________________________________________
Plot:
(Dài quá không muốn đọc: Sau bố qua đời, người mẹ mê tín của Tiểu Khang luôn một mực tin rằng linh hồn của chồng sẽ trở về nhà. Tiểu Khang, trong một lần bán đồng hồ, gặp Tương Kỳ, người sắp đến Paris. Cô mua chiếc đồng hồ trên tay cậu, rồi từ đó Tiểu Khang bất ngờ nảy sinh sự tò mò về múi giờ ở Paris. Trong khi đó, ở Paris, Tương Kỳ sống một cuộc đời cô đơn. Bộ phim kể về ba nhân vật này, về mối liên kết mong manh giữa họ, chủ yếu thông qua Tiểu Khang.)
Tiểu Khang là người bán rong ở Đài Bắc, cậu bán đồng hồ trong chiếc vali lớn. Tương Kỳ, một cô gái sắp sửa bay sang Paris, đến hỏi mua một chiếc đồng hồ 2 múi giờ. Tiểu Khang bảo cậu hiện không có chiếc nào như thế nhưng Tương Kỳ nhất quyết phải mua một cái đồng hồ bằng được. Cô rất thích chiếc đồng hồ đeo tay cậu đang dùng. Cậu bảo nhà cậu đang chịu tang, bố cậu mới mất, vậy nên chiếc đồng hồ này cậu không thể bán cho cô. Tương Kỳ nhất quyết bảo tôi theo Công giáo, cậu không cần phải lo. Tiểu Khang miễn cưỡng đưa Tương Kỳ chiếc đồng hồ, còn Tương Kỳ tặng cậu hộp bánh. Kể từ đó, ngày nào Tiểu Khang cũng chỉnh đồng hồ về 7 tiếng để cậu được sống chung khung giờ với một người cậu vô tình gặp trên đường khi ấy. Nhưng mẹ của Tiểu Khang, bà vì quá yêu chồng mà dần mất trí sau khi chồng mất. Khi thấy đồng hồ trong nhà bị đổi hết, bà lại nghĩ chồng hiện về gặp mình. Bà sợ chồng đi mất, sợ chồng không nhận ra bà là ai, sợ bà sẽ phải một mình một lần nữa, bà bắt đầu đi vào con đường mê tín dị đoan: thắp nến, chắn hết ánh sáng bên ngoài vào, bắt ăn cơm lúc nửa đêm vì “phải chờ bố về ăn cơm”. (Trùng hợp thay, nửa đêm ở Đài Bắc cũng chính là giờ ăn cơm ở Paris.) Tiểu Khang và mẹ cãi nhau, rồi cậu dọn ra ngoài ở vất vưởng trên ô tô.
Cùng lúc đó ở Paris, Tương Kỳ đến thăm một nghĩa trang và vô tình gặp cậu bé nam chính trong bộ phim The 400 Blows, nhưng nay đã thành một ông già điềm đạm. Cô vô tình gặp một cô gái người Trung Quốc trong một nhà hàng, hai người dần cởi mở và âu yếm nhau, nhưng cái ấm trong chăn không thể sưởi ấm được con tim của Tương Kỳ. Mẹ Tiểu Khang lúc này một mình ăn tối với “chồng”, xong tự giải tỏa với chiếc gối bên cạnh di ảnh và trên giường của chồng. Tiểu Khang thăng hoa với một cô gái bán dâm trong ô tô, nhưng lúc cậu thiu ngủ, cô gái cướp mất vali đồng hồ của cậu. Sáng hôm sau, Tiểu Khang về nhà nằm cạnh mẹ trên giường của bố, còn Tương Kỳ rời căn hộ của cô gái đại lục rồi ngồi khóc trên chiếc ghế bên cạnh hồ nước. Cô sau đó thiu ngủ, bị đám trẻ ném hành lý xuống hồ nước. Cuối phim, bố của Tiểu Khang xuất hiện ở Paris, kéo hành lý ra khỏi hồ nước rồi rời đi.
____________________________________________
“Bên đó mấy giờ rồi?” – một câu hỏi như lời cầu xin cho một sự kết nối, để cảm nhận chung một dòng thời gian, một nơi thân thuộc, một người thân quen.
Một bộ phim chỉ thuần nỗi cô đơn, trước khi xem đã trống trải, sau khi xem chỉ thấy thấm nhuần tâm can: À, hóa ra cả tôi và cậu, cả cậu ta lẫn cô ấy, tất cả đều cô đơn đến thế!
Paris cách Đài Bắc 7 tiếng. Bởi thế, Tiểu Khang bắt đầu điều chỉnh tất cả đồng hồ mà cậu nhìn thấy chậm lại 7 tiếng để tìm kiếm một chút kết nối với Tương Kỳ ở Paris.
Tương tự, Tương Kỳ ở Paris cũng trở nên ám ảnh. Ngôn ngữ không biết, bạn bè không có, việc làm có vẻ như cũng không. Mỗi đêm cô nằm trên giường, mở mắt nhìn trần nhà, lắng nghe tiếng bước chân trên đầu và tự hỏi người sống ở tầng trên là ai. Đến việc gọi món ở nhà hàng cũng khó khăn, vậy nên cô thường mua rất nhiều đồ khô mang về hoặc chỉ ngồi trong quán cà phê, uống từng tách cho đến khi buồn nôn. Cô luôn đeo chiếc đồng hồ mà cô mua từ Tiểu Khang, nếu như không tìm thấy, cô sẽ bắt đầu lục tung mọi nơi để tìm. Chiếc đồng hồ đó dường là niềm an ủi cho cô. Có lẽ khi còn ở Đài Loan, cô cũng không có ai bên cạnh nên cô vội vàng rời đi, để người cuối cùng bán đồng hồ cho cô trở thành mối liên kết duy nhất mà cô nhung nhớ.
Thái Minh Lượng vẫn giữ thói quen đưa cao trào của bộ phim vào những cảnh cuối cùng: Mẹ của Tiểu Khang dùng chiếc gối cũ của người chồng đã khuất để tự sướng, nhưng đến khi tỉnh ra, bà vẫn chỉ là một người cô đơn nằm trống trải trên giường. Tiểu Khang, không thể chịu đựng nổi những hành động thần kinh của mẹ nên chuyển ra sống trong chiếc xe của mình. Chiếc bánh mà Tương Kỳ đưa cho cậu trước khi rời Đài Bắc đã để quá lâu trong đó và đã hỏng, ấy vậy mà cậu không chút đắn đo ném nó ra ngoài cửa sổ. Cậu gặp một cô gái mại dâm, cả hai đều cuồng nhiệt trút bỏ dục vọng, rồi sau đó cô ta đánh cắp chiếc vali đầy đồng hồ của Tiểu Khang chạy đi mất. Tất cả những thứ đáng lẽ ra phải giữ lại đêm đó đều đã mất.
Cùng lúc đó, ở Paris, Tương Kỳ gặp được Diệp Đồng, một người có chung ngôn ngữ, tiếng nói mẹ đẻ của mình. Hai người làm quen, rồi Diệp Đồng mời cô về khách sạn. Sau nụ hôn đầy mơ hồ với Diệp Đồng, Tương Kỳ vẫn không tìm thấy sự ấm áp mà cô khao khát. Trước khi rời đi, cô hoảng hốt lục lọi trên giường của Diệp Đồng để tìm chiếc đồng hồ. Nhưng Paris dường như quá lạnh, lạnh đến mức nước mắt của Tương Kỳ đóng băng trong đôi mắt đỏ ngầu đầy tia máu.
Tương Kỳ và Diệp Đồng
Tương Kỳ và Diệp Đồng
Sự cô đơn trong này có phần giống với sự cô đơn trong các thước phim của Vương Gia Vệ, điển hình như Trùng Khánh Sâm Lâm – mọi thứ đều là sản phẩm của xã hội đô thị hiện đại, nơi sự thiếu giao tiếp giữa con người với con người dẫn đến sự xa cách về mặt cảm xúc.
img_1
Sự cô đơn khiến con người ta làm những thứ khó hiểu: Chỉnh đồng hồ ở Đài Bắc sang múi giờ Paris, người vợ mê tín làm mọi thứ để chồng “trở về”, hay ăn dứa cho đến ngày ” tình yêu hết hạn”,…
img_2
Nhưng khác với cái cô đơn say mèn của Vương Gia Vệ, cái nỗi đơn côi của Thái Minh Lượng lại khiến con người ta rỉ máu những vết thương tưởng như đã lành, khiến cho khoảng trống trong tâm hồn, vốn đã ở đó, lại càng rõ hơn.
7 tiếng, Paris và Đài Bắc, cũng như hai thái cực âm và dương. Tiểu Khang tiếc thương cho người bố của mình, nhưng quan hệ giữa hai người chưa bao giờ là thân thiết. Cậu không nhận ra, nhưng chính vì chưa thể chấp nhận cái chết của bố mà cậu mới khát khao một hơi ấm, một sự liên kết với bất kỳ ai có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Thời gian với cậu, và cả với mẹ, đều đã dừng từ khi ông qua đời. “Bây giờ bên đó mấy giờ rồi?”, có lẽ cũng là câu hỏi cậu muốn hỏi ông, “Bên đó, dưới hoàng tuyền, hay trên thiên đàng, dù có là ở đâu, không biết bên đó mấy giờ rồi?”
Một nơi xa đó, một Paris tưởng tượng, một Đài Bắc cô đơn.
Bây giờ bên đó mấy giờ rồi?