Review sách: “Làm như chơi”
Review: “Làm như chơi”. Tác giả: Thầy Minh Niệm. Sách hay với một số người nhưng sẽ là khó đọc với số khác. Cuốn này xuất bản...
Review: “Làm như chơi”. Tác giả: Thầy Minh Niệm.
Sách hay với một số người nhưng sẽ là khó đọc với số khác. Cuốn này xuất bản sau cuốn: “Hiểu về trái tim” được bán rất chạy của thầy, nghe dân tình nói là cuốn này lặp lại nhiều của cuốn trước, nhưng hay hơn.
Cuốn này mặc dù mình được tặng từ 1 năm về trước (Nhân ngày nghỉ việc tại Công ty cũ), nhưng lúc đó hình như tâm hồn chưa dậy thì nên đọc chưa có hiểu =)) Giờ sau 1 năm phong ba bão táp, đọc lại và nghiền ngẫm lại thấy hay vô cùng.
Như bìa sách có ghi, “làm chủ công việc và đời sống bằng năng lượng tỉnh thức”. Từ lâu tui đã quan tâm đến thiền và muốn đọc một số sách có liên quan đến phật giáo, nhưng lần nào thử đọc cũng bỏ dở, vì ngôn ngữ viết “khó đọc” quá. Nhưng cuốn sách này mang lại một cái nhìn mới về phật giáo và về thiền. Lối viết ngắn gọn, súc tích, lời văn dung dị, dễ gần, rất phù hợp cho những ai muốn thấu hiểu hơn về bản thân (Muốn trả lời những câu hỏi như: tại sao mình thường xuyên bị lạc trôi trong dòng suy nghĩ, tại sao tâm tính mình thay đổi thất thường,…), dành cho những ai thực sự muốn quay vào bên trong để tu thân, cho những ai quan tâm đến thiền và bước đầu tìm hiểu về phật giáo. Hãy lắng lại, và đọc cuốn sách này.
“Tu thân là đào luyện cả thân lẫn tâm, cố gắng chấp nhận cảm giác khó chịu cần thiết, can đảm buông bỏ cảm giác dễ chịu không cần thiết, xử lý dễ dàng với những vọng động và cảm xúc tiêu cực, thấu hiểu và làm chủ được cái tôi. Nói tới tu thân là nói tới sự đào luyện khắc nghiệt”
Nói về dòng suy nghĩ
“Triết gia Descartes có lần phát biểu: “Tôi suy nghĩ nên tôi có mặt”. Điều này không hợp lý, vì khi suy nghĩ thì tâm ta luôn bị cuốn trôi về tương lai hoặc quá khứ, dù có suy nghĩ về đối tượng trong hiện tại thì ta cũng bị chìm đắm vào dòng suy nghĩ. Chỉ có không suy nghĩ, không có bất cứ rác rến nào trong đầu, mới giúp ta có mặt một cách đích thực. Những giá trị màu nhiệm hiện hữu quanh ta, không thể dùng cái nhìn suy tưởng mà chạm vào được. Suy tưởng là vọng động. Dù có là những suy tưởng cần thiết, nhưng khi suy tưởng là ta lôi kinh nghiệm và kiến thức cũ kỹ để phủ lên đối tượng, làm xa rời đối tượng.”
Ta sẽ biến tất cả những đối tượng mà ta tiếp xúc thành một cặp với ta, để cảm nhận sâu sắc chúng. Khi ta đi trên con đường, ta với con đường là 1 cặp, khi ta uống trà, ta với nước trà là một cặp…Có lẽ từ lâu rồi ta đã bỏ quên nguồn năng lương vô giá mà đất trời luôn dành cho ta. Ta cứ loay hoay mãi với mớ năng lượng trồi sụt của mình. Bây giờ quyết tâm dừng lại, sống chậm lại và sâu sắc trở lại, tập nhìn, tập nghe, tập ngửi, tập ném, tập cảm nhận…
Lại nói về chuyện tư duy.
Thường khi tư duy ta chỉ nghĩ đến kết quả mà không quan tâm đến thái độ hay cách thức tư duy của chính ta, trong khi 2 điều này ảnh hưởng đến kết quả và ảnh hướng đến cuộc đời của ta. Vì vậy khi tư duy hãy giữ sự tỉnh thức, cảm nhận cơ thể, cảm nhận cảm giác và tiến trình tư duy của bản thân. Nếu quá khó tập trung hãy ghi chép lại.
Điều đặc biệt là khi tâm ta vững chãi an nhiên, nhìn lại vấn đề ta sẽ không thấy nan giải như lúc trước nữa, thậm chí nó còn chẳng phải là vấn đề nữa. Vậy nên ta phải tu thân là vì đó đó.
Lại nói về việc giận
Khi giận là tâm ta đang có vấn đề, còn đối tượng bên ngoài chỉ là tác nhân thôi (Chứ không phải đối tượng đó có vấn đề nhé). Nếu nhìn thật kỹ vào một cơn giận, ta thấy nó luôn có sự điều khiển từ một nỗi sợ sâu thẳm bên trong. Sợ thua thiệt, sơ mất mát, sợ bị chê bai, sợ mất tự do…. Sợ quá nên mới phản ứng, mới tức giận. Thực ra nỗi sợ là có sẵn trong bản năng mỗi người, nhưng ta để nó bộc lộ ra bên ngoài như vậy là do nội lực ta suy yếu.
Lại nói về một đời sống nhàng nhàng
Sự thỏa mãn làm hỏng cuộc đời ta. Ta chấp nhận hoàn cảnh dù không thấy giá trị của chúng. Ta không thấy vui sướng với cuộc sống hiện tại nhưng cũng không thấy khốn khổ. Ta thất vọng với chính mình nhưng sự bất mãn không đủ lớn để ta quyết tâm thay đổi. Có bi đát không?
Ta có một công việc nhàng nhàng, nó không đủ làm cho ta thỏa mãn, nhưng lại vừa đủ để cho ta chi tiêu các khoản sinh hoạt thông thường và hưởng một vài tiện ích nho nhỏ, thế là ta bị vướng vào cái bẫy “nhàng nhàng”. Mãi sống trong giới hạn do bản thân đặt ra. Rồi ta sẽ tìm kiếm một lý do chính đáng nào đó để lý giải cho việc ta không sống theo ước mơ. Và mọi người sẽ bị thuyết phục bởi lý do đấy. Nhưng ta thì mãi sống trong xáo trộn nội tâm, vì ta không thể tự thuyết phục mình. Vậy muốn thoát khỏi cái bẫy đó, hãy sống tỉnh thức đi, rồi bạn sẽ biết mình phải làm gì.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất