Trong thực tế cuộc sống, ân nhân thật sự duy nhất chỉ có thể là chính bản thân mình...

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: 4MK
– Tác giả: J. D. Barker
– Thể loại: Tiểu Thuyết Trinh Thám
Cuốn sách này được Hội thích truyện trinh thám bình chọn là cuốn Trinh Thám Phương Tây hay nhất 2019, nên đứng đầu trong list phải mua trước Tết của mình. Tuy vậy nhưng phải đến hiệu sách thứ 4 mới rước được cháu nó về, lúc cơn khát trinh thám đã nguôi nguôi sau khi khá thỏa mãn với cuốn Ác Ý của Keigo, để xem sự kịch tính của Phương Tây có lấn át được sự ám ảnh của Phương Đông hay không nào. 

2. Đánh giá tổng quan

Truyện khá dài, 500 trang khổ 16×24, kể về hành trình giải cứu nạn nhân và truy tìm tên sát nhân hàng loạt có biệt danh 4MK – The Fourth Monkey Killer. Lối kể đúng phong cách Mỹ, chú trọng vào tình tiết, hội thoại, nhịp truyện nhanh, hấp dẫn, đủ yếu tố để các nhà làm phim Hollywood đem đi dựng thành phim.
Truyện khá ưu ái cho vai phản diện, khi lấy biệt danh của hắn làm tiêu đề. Không chỉ dừng lại ở đó, do truyện kể theo ngôi thứ 3 nên miêu tả nội tâm của các nhân vật gần như không có, trừ phản diện, khi hắn được ưu ái kể về quá khứ thông qua cuốn nhật kí của chính hắn, tạo nên một mạch truyện riêng mà tôi cho rằng còn đáng nhớ hơn mạch truyện chính.
Các nhân vật khác được xây dựng khá yếu và không có điểm sáng nào cả, ngay cả thanh tra Sam Porter. Mặc dù là chính diện chính, nhưng tác giả không cho ta biết gì về quá khứ đã đành, các tình tiết cũng chỉ tập trung vào vụ án, nên cố đến mấy tôi cũng không thể hình dung ra anh được. Thậm chí, ngay cả cái bi kịch gia đình được thêm vào khá vô duyên cũng chẳng có đóng góp gì trong việc làm rõ tính cách của anh. Các nhân vật khác trong đội điều tra thì khỏi nói đi, họ góp mặt để dàn cast của phim được đông đảo hơn nếu sách có may mắn được chuyển thể mà thôi. 
Nhưng cũng phải nói thêm, đây mới là cuốn đầu tiên trong series 3 cuốn về tên sát nhân 4MK, nên vai trò của cuốn này có thể coi là nhằm giới thiệu các nhân vật tới độc giả. Dù vậy, phản diện dù được đầu tư nhất nhưng vẫn chưa đem lại ấn tượng mạnh với tôi, do phần hấp dẫn nhất là quá khứ của hắn vẫn chưa có được sự liên kết với hiện tại. Mạch truyện chính thì dù cú twist về thân phận của của hắn cũng khá bất ngờ, nhưng cá tính chưa rõ nét và cách hành xử cuối truyện cũng không thuyết phục. Dù sự dụng chất liệu là 3 chú khỉ thông thái ở đền Toshogu (Nhật Bản), nhưng cũng chỉ dừng lại ở cách thức gây án mang tính mô phỏng hời hợt và lặp lại ở tất cả các nạn nhân (chất “nghệ” thua xa 7 tội lỗi của con người trong Se7ven). Các yếu khác như tội ác kinh tế, sự mờ ám của giới chính khách, giới siêu giàu chỉ được nhắc đến cho có chứ không làm đặc sắc thêm cho bối cảnh. 
Tóm lại, cuốn cách là mở đầu giới thiệu cho chúng ta về nhân vật chính (theo tôi là) 4MK, một tên sát nhân hàng loạt với IQ cao, có quá khứ đặc biệt và hấp dẫn. Tuy vậy, tính cách và động cơ gây án vẫn thiếu chiều sâu, các nhân vật khác nhạt nhòa, kể cả đối trọng là thanh tra Porter, nên phần mở đầu này chưa đủ hấp dẫn để mình tự tìm đến 2 phần sau, phải chờ review đã rồi mới cân nhắc được.

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong câu truyện, không phải đánh giá nội dung.
“Anh cần nói chuyện với ai đó. Đó là cách để chúng ta chữa lành vết thương. Giấu giếm, kìm nén cảm xúc không tốt chút nào. Nó sẽ lớn dần trong anh như căn bệnh ung thư nếu anh cứ giữ nó trong lòng.”  _Watson
Tôi cũng hay nói với người khác như vậy, nhưng trớ trêu là, bản thân tôi lại rất kém khoản này. Như kiểu tôi mượn việc khuyên người khác để tự tạo động lực cho mình vậy, chán kinh.
Chia sẻ kinh nghiệm, chuyện nghề chuyện đời, tôi có thể làm dễ dàng, chỉ cần chạm đúng chủ đề mà tôi biết (bản thân việc đọc hiện tại của tôi cũng là để bổ sung thêm kiến thức về các chủ đề mới). Nhưng động đến cảm xúc cá nhân thì lại cứng họng.
Lạ thật, cái gì dễ dàng nhận định đúng sai thì chẳng ngại mở lời, cái gì biết chắc người ta sẽ chẳng nỡ phán xét thì cứ câm như hến.
“Nhưng chúng ta không hành động chỉ vì cảm xúc bảo chúng ta phải làm thế.” _Porter
Đúng rồi, làm gì thì vẫn phải xem xét tình hình và hậu quả. Nhưng đấy là khi có thời gian để mà cân nhắc cơ, còn những lúc cảm xúc tới bất chợt, và cơ hội để hành động thì không có nhiều, thì dẹp lý trí đi, không thể bỏ lỡ khoảnh khắc này được. Đó là cách mà ta vẫn hay biện hộ cho những câu hỏi “tại sao?”, khi mà mọi chuyện đã xảy ra mà không thể kết thúc được như ý.
Haizzz, làm sao mà lên kế hoạch cho cảm xúc được đây, khi mà nó rất biết cách chọn lúc ta ít đề phòng nhất, đánh ngất sự tỉnh táo rồi chiếm quyền điều khiển ta, và để lại những kỉ niệm.
“… bất cứ điều gì khiến cô hạnh phúc đều là khoản chi xứng đáng.”
Đối phương hạnh phúc thì cảm xúc mình cũng được thỏa mãn theo, vẫn là vì bản thân thôi, lũ dẻo mỏ 🙂.
“Tự đo IQ của chính mình, cố gắng định lượng trí thông minh của chính mình, đó là dấu hiệu của sự ngu dốt.” _4MK
Chết mẹ =))
2020.01.13
Phúc