“THE SACRIFICE”: CHỦ NGHĨA ANH HÙNG TRUNG QUỐC TRONG CÂU TRUYỆN “KIỂU HOLYWOOD”
Chiến tranh là một phần không thể thiếu trong lịch sử loài người. Từ xa xưa, khi con người bắt đầu biết tích lũy của cải, vật chất cho riêng mình thì chiến tranh đã xuất hiện. Chiến tranh hiển nhiên như cách một người đã tổng kết: “hòa bình chỉ là một trạng thái tạm thời khi nhân loại chuẩn bị cho chiến tranh”. Trong chiến tranh, những gì kinh khủng, xấu xa và tội lỗi nhất của nhân loại bộc lộ. Cũng trong chiến tranh, những phát minh khoa học được thúc đẩy, tiềm năng con người vượt qua những giới hạn, và cũng có những bài ca được ngân lên về anh hùng chủ nghĩa, về tình yêu giữa con người và con người.
Không ai muốn chiến tranh nhưng hiếm có người nào, đặc biệt là cánh mày râu, không nói về chiến tranh. Phim về đề tài chiến tranh ra đời đã đáp ứng một cách tuyệt vời nhu cầu ấy. Với sự hỗ trợ của công nghệ điện ảnh cùng kịch bản dựa trên những sự kiện có thật, phim chiến tranh đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc: tự hào, đau thương, hạnh phúc, trống rỗng hoặc ghê tởm đến tận cùng. Là một người yêu điện ảnh nói chung và yêu thích phim về đề tài chiến tranh nói riêng, mình muốn viết về những bộ phim chiến tranh tới từ nhiều nền điện ảnh khác nhau trên thế giới. Và bộ phim mình lựa chọn để mở đầu chuỗi bài viết này là “The Sacrifice” của Trung Quốc, được công chiếu vào năm 2020, có tựa tiếng Việt là “Xả thân”. Bài viết có tiết lộ nội dung phim, các bạn có thể đọc bài viết này sau khi đã xem phim để có một trải nghiệm điện ảnh trọn vẹn nhất.
I – Nội dung chính (Hay nên đặt tiêu đề là Spoil Alert nhỉ 😊)
Lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Triều Tiên, “The Sacrifice” kể về nỗ lực vượt sông của một đơn vị Chí nguyện quân Trung Quốc (cách gọi quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh với Mỹ và Nam Triều Tiên – tức Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh Bắc Triều Tiên – tức CHDCND Triều Tiên ngày nay). Trước 6h sáng, họ phải vượt sông để kịp thời ra mặt trận, nếu không, Sư đoàn của họ sẽ bước vào trận đánh sống còn như “con diều hâu gãy cánh lao vào bầy sói dữ”. Ngăn cách họ với tiền tuyến là con sông Kumggang. Ở đây, một đơn vị công binh Chí nguyện quân với những vật dụng thô sơ nhất đang nỗ lực bắc cầu để bộ binh vượt qua. Bảo vệ cho đơn vị công binh và cả tiến trình vượt sông của Chí nguyện quân chỉ là hai khẩu pháo phòng không với cơ số đạn hạn chế. Kẻ thù của họ là những máy bay của không quân Mỹ, lúc này vẫn đang chiếm ưu thế trên bầu trời.
“The Sacrifice” có cách mở đầu khá truyền thống của dòng phim chiến tranh. Một đoạn phim tư liệu lịch sử giới thiệu về bối cảnh của bộ phim cùng một số thông tin cơ bản để dẫn nhập cho những sự kiện sẽ diễn ra sau đó. Cách mở đầu này có thể bắt gặp ở nhiều bộ phim chiến tranh gần đây như “Midway” của Mỹ hay “The Balkan Line” của Nga. Điều này như một lời khẳng định ngầm về tính chân thực của những câu chuyện được kể trong phim và uy tín hơn một chút so với một màn hình toàn màu đen có hàng chữ “Based on true story” màu trắng 😊
Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Cao (Đặng Siêu), Chí nguyện quân Trung Quốc ẩn nấp ở một cánh rừng gần bờ sông, chờ công binh bắc xong cây cầu sẽ vượt sông và bước vào trận đánh. Động thái này bị không quân Mỹ phát hiện. Một phi đội gồm 2 chiếc máy bay được cử đến đánh phá cây cầu. Tại đây, khẩu pháo phòng không do đội trưởng Quan (Ngô Kinh) chỉ huy đã bắn rơi một máy bay Mỹ.
Khẩu đội trưởng Quan do Ngô Kinh thủ vai
Khẩu đội trưởng Quan do Ngô Kinh thủ vai
Vì vai trò đặc biệt quan trọng của cây cầu, máy bay Mỹ tiếp tục mở đợt tấn công thứ hai. Chiến cuộc lúc này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi cột mốc 6 giờ đang tới gần. Hai khẩu pháo phòng không chẳng còn cách nào khác ngoài cách để lộ vị trí và nổ súng để đánh trả. Khẩu pháo do Quan chỉ huy hết đạn trước. Tuy đuổi được chiếc máy bay đi nhưng anh cùng khẩu đội đã anh dũng hy sinh.
Những tưởng sau từng ấy giằng co, cây cầu đã được an toàn. Đại đội Bộ binh bắt đầu vượt sông. Nhưng chiếc máy bay sống sót sau đợt tấn công đầu tiên có biệt danh “Warthog” vẫn quay trở lại. Viên phi công Hill Andrew với tính cách cao bồi đã bất tuân lệnh cấp trên, quay lại tìm cách tính sổ với khẩu pháo phòng không cứng đầu đã gây thiệt hại cho không quân Mỹ. Không thể để đại quân lúc này đang vượt sông phải “phơi lưng” trước máy bay địch, lão Trương (Trương Dịch) đã chỉ huy cấp dưới chủ động làm lộ vị trí khẩu pháo còn lại, kéo chiếc máy bay vào trận đấu sống còn mà bỏ qua cây cầu. Kết quả: một phần của Đại đội vượt sông an toàn. Khẩu đội pháo của Trương hy sinh gần hết, chỉ còn người đội trưởng lúc này đã bị cụt chân, cụt tay là sống sót. Trương bò ra khỏi công sự, thu gom chút sức tàn cũng những viên đạn pháo sót lại, quyết bảo vệ cây cầu đến cùng.
Lão Trương dù mang họ của một danh tướng trong Lịch sử, nhưng luôn tỏ ra cẩn trọng, dè dặt
Lão Trương dù mang họ của một danh tướng trong Lịch sử, nhưng luôn tỏ ra cẩn trọng, dè dặt
Nghĩ lực lượng phòng không Trung Quốc đã không còn sức kháng cự, “Warthog” hộ tống một máy bay ném bom B – 29 quay trở lại, bắt đầu đợt đánh phá cuối cùng. Nhưng Andrew không ngờ nòng pháo của Trương vẫn hướng lên bầu trời. Khẩu pháo đó đã gầm lên lần cuối, bắn hạ “Warthog” cùng Andrew. Chiếc B – 29 vì sợ hãi mà ném bom trong hoảng loạn nên không thể phá hủy hoàn toàn cây cầu. Tuy nhiên, trận bom cũng khiến cây cầu bị hư hại và đại đội trưởng Cao hy sinh.
Dưới làn mưa bom, quân Trung Quốc tiếp tục sửa cây cầu bằng mọi giá để có thể vượt sông trong đêm. Chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, trong đó có lão Cao, lão Quan, lão Trương, những người lính công binh đã tự biến mình thành những trụ cầu sống để bộ binh bước lên, vượt sông ra mặt trận dưới làn mưa bom của quân Mỹ. Kết quả: Chí nguyện quân đã vượt sông thành công để ra mặt trận.
II – Chất Holywood dệt nên hình tượng anh hùng chủ nghĩa Trung Quốc
Khác với cách mở đầu có phần truyền thống, “The Sacrifice” chọn cách kể chuyện “đa điểm nhìn” khá độc đáo, có phần tương đồng với bộ phim đình đám “Dunkirk”. Tuy nhiên, hệ thống đa điểm nhìn của “The Sacrifice” không chỉ đơn thuần là những câu chuyện nhỏ ghép thành một câu chuyện lớn. Mỗi điểm nhìn ở đây lại tập trung làm sáng rõ hơn những chi tiết bị khuất lấp của một trận đánh mà mỗi người lính không thể chứng kiến toàn bộ trong một chiến trường rộng lớn.
Qua điểm nhìn của những người lính phòng không và viên phi công Mỹ Hill Andrew, những người mê phim chiến tranh được chứng kiến một trận chiến không đối đất mãn nhãn về hình ảnh và cực kỳ giàu có về cảm xúc.
Cặp đôi Quan - Trương do Ngô Kinh - Trương Dịch thủ vai. Không rõ đây có phải là ý đồ của biên kịch khi sử dụng họ của hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc là Quan Vũ và Trương Phi, vốn có tính cách rất trái ngược nhau để đặt tên cho cặp đôi này. Điều này không phải là không có khả năng khi hơn một lần, Lão Quan đã chê Lão Trương là hèn nhát, không xứng với tên của một anh hùng nổi danh trong lịch sử Trung Quốc - tức Trương Phi. Nửa cuối phim, khi dùng chút sức tàn để bắn hạ viên phi công Mỹ Andrew, Lão Trương cũng đã ngân nga những câu hát cuối cùng của đời mình, đó là những câu hát về Trương Phi, tên hiệu là Dực Đức.
Lão Quan vốn có quân hàm Trung úy và là tiền bối của Lão Trương. Vì nghiện thuốc và có lần đã rút thuốc súng trong đạn pháo để châm thuốc, Lão Quan bị giáng xuống làm Trung sĩ. Anh cùng Lão Trương, mỗi người chỉ huy một khẩu đội pháo phòng không bảo vệ cho đội công binh xây cầu vượt sông Kumggang
Nếu như Quan là một khẩu đội trưởng giỏi, dũng cảm và có cách đánh liều lĩnh thì Trương lại là một người chừng mực, cẩn trọng và tuân thủ các nguyên tắc. Theo phương án tác chiến của Chí nguyện quân, sẽ chỉ có một trong hai khẩu pháo phòng không là bộc lộ và đánh trả địch. Khẩu còn lại phải ở trong vị trí ngụy trang để dự phòng cho các tình huống khác. Đáng nhẽ vị trí phải bộc lộ, tức là nguy hiểm hơn, được giao cho Trương. Nhưng Quan đã tranh của người hậu bối vị trí này. Quan đã chiến đấu xuất sắc và bắn rơi máy bay địch. Tuy nhiên, cũng vì tính cách liều lĩnh và thói quen nghiện thuốc, khẩu pháo của Quan đã hết đạn trong lúc chiến đấu (Trước đó, Quan đã rút thuốc súng trong đạn pháo để thỏa mãn cơn nghiện thuốc của mình). Trong nỗ lực cuối cùng, anh đã bắn pháo sáng lên bầu trời để chỉ điểm máy bay địch, tạo điều kiện cho khẩu đội của Trương đánh đuổi chiếc máy bay, bảo vệ cây cầu.
Ngô Kinh một lần nữa thể hiện tốt hình ảnh phong trần, rắn rỏi và liều lĩnh của người lính dày dạn trận mạc, nhưng lần này, người lính ấy có pha chút gì đó rất đời, rất tình cảm giữa những con người cùng vào sinh ra tử với nhau. Khen Ngô Kinh thể hiện thành công vai diễn được đo ni đóng giày cho mình thì chẳng khác nào khen Coca ngọt. Và Trương Dịch với vai diễn lão Trương, theo mình, mới là nhân vật xuất sắc nhất của bộ phim.
Lão Trương với sự cẩn trọng, nguyên tắc của mình dễ khiến nhiều người nhầm tưởng anh là một con người hèn nhát. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ bề ngoài đó, Lão Trương là một người lính dũng cảm. Ngay từ đầu phim, Trương đã tranh quyền chỉ huy khẩu pháo ở vị trí nguy hiểm hơn với Quan. Trong suốt quá trình Lão Quan chiến đấu, Lão Trương cũng đứng sau mâm pháo để đưa ra lời khuyên cho đồng đội. Chứng kiến sự hy sinh của lão Quan và cũng vì nhiệm vụ từng bước trở nên khó khăn, lão Trương đã thoát ra khỏi tính cách cẩn trọng vốn có. Anh quyết liệt hơn, liều lĩnh hơn và đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Một trong những phân cảnh làm mình xúc động nhất, đó là khi lão Trương yêu cầu những người lính trong khẩu đội nhóm lửa để tự làm lộ vị trí. Dù biết đây là một nhiệm vụ tự sát nhưng không ai trong số họ tỏ ra hèn nhát. Những người lính lớn tuổi hơn còn vỗ về chiến sĩ nhỏ tuổi nhất với một chút gì đó tiếc nuối cho cậu em út của mình.
Chứng kiến đồng đội hy sinh, lão Trương lột xác (hoặc sống đúng với bản chất của mình)
Chứng kiến đồng đội hy sinh, lão Trương lột xác (hoặc sống đúng với bản chất của mình)
Như đã nói ở trên, chiến tranh là môi trường đặc biệt nơi con người phá vỡ giới hạn và có những hành động anh hùng. Lão Trương đã thể hiện một cách xuất sắc quá trình lột xác để trở thành anh hùng đó. Tuy bối cảnh và không gian khác nhau, nhưng cách lão Trương lúc này đã cụt chân cụt tay, ngồi trên mâm pháo đối mặt với máy bay Mỹ khiến mình liên tưởng tới hình ảnh Trương Phi một mình đứng trên cầu Trường Bản, đem cái uy ra chặn cả vạn hùng binh.
III – Những điểm mình thích và không thích ở bộ phim
Hình ảnh là một trong những điểm khiến mình ấn tượng ở bộ phim. Phong cách tuyên truyền của Trung Quốc nói chung và điện ảnh cách mạng Trung Quốc nói riêng thường gây ấn tượng nhờ sự chi tiết và công phu về mặt hình ảnh. Trong phim có những đại cảnh hành quân hoành tráng, cảnh đọ sức giữa máy bay và pháo phòng không ấn tượng, thậm chí cả hình ảnh những chiến sĩ pháo phòng không thịt nát – xương tan bởi đạn pháo máy bay cũng rất khốc liệt. Đoàn làm phim Trung Quốc đã tái hiện tuyệt vời về trang phục, vũ khí trang bị của Chí nguyện quân Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử này. Một số người không thích trường đoạn sử dụng hiệu ứng CGI ở cuối phim và cho rằng nó hơi “rẻ tiền”, tuy nhiên nên nhớ đây là một bộ phim được sử dụng cho mục đích tuyên truyền và được hoàn thành trong thời gian kỷ lục nên phân cảnh này theo mình là chấp nhận được.
Trong một số đoạn, đoàn làm phim đã xử lý chưa thực sự tốt khiến người xem hơi khó nhận ra logic “đa điểm nhìn” của phim. Khi thay đổi điểm nhìn, đạo diễn nên có cách chuyển điểm nhìn mượt mà hơn, ví dụ như biểu thị thời gian lúc sự kiện đang diễn ra hoặc có những hình ảnh làm sao để người xem biết được phim đang được kể theo điểm nhìn của nhân vật nào.
Tính chi tiết vừa là điểm mạnh lại cũng là điểm yếu của phim. Có vẻ đạo diễn đã ôm đồm quá nhiều chi tiết khiến đôi khi có những nhân vật yếu hơn hẳn những người còn lại. Sự xuất hiện của Lão Cao (Đặng Siêu), nữ chiến sĩ thông tin người Tứ Xuyên, đội trưởng công binh thích hút thuốc lá… không có quá nhiều vai trò trong câu chuyện của phim, dù họ đã được dành đáng kể thời lượng để giới thiệu ở những phút đầu.
Nhân vật này tên là gì đến lúc review mình còn chả nhớ ^^
Nhân vật này tên là gì đến lúc review mình còn chả nhớ ^^
Viên phi công Mỹ Hill Andrew được xây dựng là một kẻ cao bồi, ngông nghênh, tự cao nhưng khá có chiều sâu. Ông này thích uống rượu, biết trích dẫn thơ và cũng rất dũng cảm khi quyết định trái lệnh cấp trên để quay lại tìm cách trả thù cho đồng đội. Mình nghĩ đây là một nỗ lực của đoàn làm phim để thoát ra khỏi cách làm phim lịch sử truyền thống, theo logic “ta thắng – địch thua”, “ta chính nghĩa – địch phi nghĩa” vốn đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, trong chủ đề chính của bộ phim là “Xả thân” thì sự xuất hiện quá nhiều và quá lâu của Hill Andrew dễ khiến khán giả cảm thấy bối rối. Sẽ có những suy nghĩ kiểu như: “ồ, ông ấy cũng là một phi công giỏi đấy chứ”, “ồ, ông ấy cũng rất trượng nghĩa khi tìm cách trả thù cho đồng đội kìa”, “ồ, trong lúc lái máy bay làm nhiệm vụ sinh tử, ông ấy còn uống rượu và ngâm thơ, mình thích tính cách cao bồi này”… Nhân vật Hill Andrew dễ khiến bộ phim có những thời điểm xa rời tinh thần chính của nó là ca ngợi sự xả thân của Chí nguyện quân Trung Quốc, khiến phim không được thực sự thuần nhất và mạch lạc.
Tổng kết lại, “The Sacrifice” vẫn là một bộ phim đáng xem của điện ảnh Trung Quốc. Dù bị nhiều người gán mác là phim “tuyên truyền – propaganda”, tuy nhiên phim đã có những nỗ lực đáng khen để thu hút khán giả đại chúng. Ở phim có những cảnh chiến tranh máu lửa, có những sự hi sinh đầy cảm xúc bi hùng, có một chút tình cảm đồng chí – đồng đội trong chiến tranh, và có một cách kể chuyện khá độc đáo theo phong cách “Hollywood”.
Các bạn đồng ý và không đồng ý với điểm nào trong bài review này, hãy để lại comment trong phần bình luận để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về bộ phim nhé. Xin cảm ơn vì đã theo dõi hết phần bình luận của mình. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
- Các bạn có thể theo dõi phần bình luận bằng video của mình trên Youtube tại đường link sau, nếu thấy ổn hãy cho mình 1 like và 1 subs để động viên nha ^^