Thành công là gì và làm sao để đạt đến thành công ? Có hàng trăm ngàn cuốn sách nỗ lực muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Đâu là lý do khiến bạn nên đọc cuốn sách này thay vì 9999 cuốn sách khác? Mình sẽ cố gắng đưa bạn một ít review về cuốn sách này và hy vọng bạn có thể tự rút ra câu trả lời cho mình.
“Chó sủa nhầm cây” thuộc thể loại sách self-help, nó từng đứng thứ 2 trong danh sách best seller của Wall Street Journal từ khi ra mắt và cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tác giả là Eric Barker là một tác giả trẻ tuổi nhưng tài năng. Anh từng là biên kịch ở Hollywood, tham gia vào các dự án của Walt Disney Pictures, Twentieth Century Fox. Các bài viết của anh từng được nhắc đến trên New Yorks Times, Wall Street Journal, The Atlantic Monthly,...Anh cũng là một diễn giả được yêu thích và đã từng phát biểu tại MIT, Yale, Google, Bộ Chỉ huy Trung ương Quân đội Hoa Kỳ (CENTCOM), NASDAQ và Trung tâm Huấn luyện Olympic. Đồng thời Eric Barker cũng sở hữu một blog cùng tên với cuốn sách này với hơn nửa triệu subscriber , nơi anh viết bài trong nhiều năm, về đề tài gì thì bạn cũng biết rồi đấy: thành công! Tuy nhiên cuốn sách này không phải là sự cóp nhặt từ mấy bài blog sang, nó là một tổng hợp nhiều chiều, đa diện và chặt chẽ từ những tài liệu khoa học và những nghiên cứu, thống kê để đập tan nhiều quan niệm sai lầm mà chúng ta vẫn đang suy nghĩ về thành công và cách thức để đạt được nó. Và điều hay hơn là cuốn sách này không hề buồn tẻ, nó cực kỳ thú vị và lôi cuốn với rất nhiều cú bẻ lái và những câu chuyện tuyệt vời. 
Để tìm ra đâu là mấu chốt của thành công, trước tiên ta cũng phải xem định nghĩa về thành công là thế nào đã. Trong cuốn sách này, điều tác giả muốn hướng đến khi nói về thành công không phải chỉ là chuyện kiếm tiền, mà là sự thành công trong cuộc sống, những điều cá nhân bạn cần để cảm thấy hạnh phúc hơn cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Do đó, nó là định nghĩa của riêng bạn về thành công, nhưng điều đó không có nghĩa thành công là thế nào cũng được. Về cơ bản, trong cuốn sách này tác giả định nghĩa thành công là nắm được điều mà mình giỏi nhất rồi tìm cách hiệu chỉnh nó cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nhưng mỗi người là khác nhau về tính cách, hoàn cảnh và mục tiêu, chẳng lẽ lại có chung công thức thành công cho tất cả những sự khác biệt đó? Không có danh sách những việc bạn cần làm để tiến đến mục tiêu của bạn trong cuốn sách này, nhưng nó có thể giúp bạn đập tan vài ảo tưởng trong những lời khuyên về thành công, giúp bạn đỡ hoang mang hơn và phần nào giúp bạn tự định hướng những việc bạn nên làm để thành công dựa trên con người của chính bạn. Đồng thời, cuối mỗi chương cũng có những lời khuyên để bạn có thể tăng cường một số skills cần thiết trên con đường hướng đến mục tiêu của mình nữa. Chẳng hạn như :
- Làm sao để làm người tốt mà không bị lợi dụng và có được sự công nhận: tác giả nhắc nhẹ đến lý thuyết trò chơi và rồi rút ra 6 quy tắc, trong đó mình ấn tượng với quy tắc số 4 nhất, đó là “làm việc chăm chỉ - nhưng phải bảo đảm nỗ lực của mình được người khác chú ý”.
- Cách để kết bạn hoặc tìm mentor mà không thô thiển và giả tạo. Có khá nhiều tip được đưa ra ở đây, ý trọng tâm của tác giả là đừng coi việc mở rộng mạng lưới như một hành động vụ lợi vì công việc mà hãy coi nó như là mình đang kết bạn mới.
- Làm việc có hiệu suất cao:  lời khuyên được rút ra từ ông hoàng về hiệu suất Carl Newport. Lời khuyên mình thấy đáng nhớ nhất là khi tác giả nói về thói quen tạo to-do list của nhiều người (trong đó có mình) đó là: chúng ta hay lên lịch cho sự gián đoạn thay vì công việc. Những thứ như họp hành, đi khám được lên lịch cẩn thận trong khi công việc thực sự thì không. Nếu một thứ gì đó đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu của bạn, nó phải là thứ được ưu tiên trước hết.
Nhưng những lời khuyên chỉ là những phần nhỏ, mang tính chất gợi mở hơn là đi vào chi tiết, nó có thể đưa cho bạn nhiều ý tưởng để…đọc những cuốn sách khác đi sâu hơn về từng nội dung cụ thể hơn. Cái mình thấy hay hơn cả ở cuốn sách này đó là bạn sẽ được đọc rất nhiều câu chuyện hay, trải qua vài khúc cua để đi đến kết luận là tại sao mấy điều như thế lại cần thiết hay thậm chí là bạn có phải là người cần mấy bí kíp ấy hay không.
Điều cuốn sách này muốn giải mã là đi tìm câu trả lời trong vô số những lời khuyên trái chiều về thành công mà chúng ta vẫn nghe và không biết cái nào mới là đúng. Sau phần giới thiệu là 6 chương sách, trong đó mỗi chương sẽ tập trung làm sáng tỏ từng câu hỏi sau: 
1. Có nên thận trọng và vâng lời nếu muốn thành công ?
2. Liệu người tốt có về đích cuối cùng? Và ai là người về đích đầu tiên ?
3. Có thật là kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng và người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc ? 
4. Vai trò và tầm quan trọng của sự quen biết là như thế nào ?
5. Bạn có nên tự tin vào chính mình hay không và tự tin bao nhiêu là đủ ?
6. Làm việc cống hiến hết mình vì công việc hay là work-life balance thì tốt hơn ? 
Mỗi một chương đều có rất nhiều câu chuyện, nhiều khía cạnh để nói về, kể hết ra đây thì sẽ quá dài và lan man nên mình sẽ lấy ví dụ là chương 3. Chương 3 nói về vai trò của sự kiên trì và cả sự bỏ cuộc. Đầu tiên là về sự kiên trì và lòng quyết tâm. Ai cũng thấy vai trò to lớn của nó trên con đường thành công, nhưng mà nó đến từ đâu và thế quái nào mà chúng ta lại không chịu quyết tâm cơ chứ ? Câu trả lời thường ở những câu chuyện, là cách bạn tự diễn giải về chính bạn và cuộc đời. Đó là sự lạc quan và suy nghĩ rằng cuộc sống của bạn có ý nghĩa và mình đang nắm quyền kiểm soát cuộc đời mình (cho dù có thật là thế không 😛 )
“Những câu chuyện không phải bức tranh hoàn hảo về thế giới, nhưng chúng cho phép ta thành công cũng chính vì lý do đó. Các câu chuyện có thể giúp ta tiếp tục cố gắng và trở thành “người được chọn”. Bạn không được “sinh ra” để làm bất cứ thứ gì cụ thể, nhưng khi câu chuyện của bạn bảo rằng bạn được “sinh ra” để làm một thứ gì đó, bạn sẽ thực hiện tốt và kiên trì hơn. Nói gì thì nói, đó là định mệnh của bạn mà!”
Rồi, giờ đến vai trò của việc bỏ cuộc. Phải chăng những người thành công thì không bao giờ bỏ cuộc ? Không đâu, họ chọn được thứ mình muốn theo đuổi và bỏ cuộc với hầu hết tất cả những thứ còn lại. Tất cả chúng ta đều từ bỏ, nhưng ít khi đưa ra quyết định một cách rõ ràng hay có chủ đích, thường là quá sớm hay quá muộn và rồi hối hận về điều đó. Và chúng ta cũng không chịu từ bỏ rất nhiều thứ, vì sợ bị bỏ lỡ, vì muốn làm được tất cả, ta hành động như thể ta có thời gian vô hạn. Nhưng mọi thứ ta làm đều là sự đánh đổi, chọn làm cái này tức là chọn không làm cái khác. Bí kíp ở đây chính là “từ bỏ có chiến lược”, chọn ra ưu tiên số một của bạn, và từ bỏ những cái khác, quyết tâm không thể tồn tại nếu thiếu đi từ bỏ. Nhưng nếu bạn không biết ưu tiên số 1 của bạn là gì thì sao ? Câu trả lời trong cuốn sách này là: hãy dành thời gian để thử nghiệm với nhiều thứ, sai lầm và bắt đầu lại. Bạn sẽ bỏ cuộc với phần lớn những thứ này nhưng nó cũng là cách để tìm ra điều bạn thực sự muốn theo đuổi. Khi đã tìm ra điều đó rồi, thì hãy dành phần lớn thời gian cho nó và hãy dành ra 5-10% cho những thử nghiệm nhỏ để tiếp tục học hỏi và hoàn thiện. Và bạn cũng không cần lo lắng nếu không biết mình muốn gì, hầu hết chúng ta đều không biết mình muốn gì 😀 Nhưng chúng ta có thể mơ mộng vài điều, lên kế hoạch, cân nhắc những khả năng bao gồm khả năng xấu nhất và rồi hành động, nhận phản hồi rồi quyết định nên bỏ cuộc hay tiếp tục theo đuổi.
Một điều khiến mình ấn tượng với cuốn sách này là nó có vô số những câu chuyện hay: từ gã cua-rơ điên rồ, nghệ sỹ piano kỳ quái, cướp biển, lực lượng SEAL, gấu mèo Toronto, Newton và Einstein, Spider-man, đô vật Nhật Bản nhuộm tóc cam, Thành Cát Tư Hãn,…vân vân và mây mây, được kể rải rác khắp các chương sách và vô số lần khiến mình ố á và mỗi câu chuyện lại có cái hay riêng và có điều gì đó để bạn suy ngẫm. Cách kể của tác giả cũng rất hấp dẫn và hài hước khiến người đọc không ngừng bị lôi cuốn và thuyết phục. Mình nghĩ cuốn sách này phù hợp với những ai còn nhiều phân vân về việc thế nào là thành công và ta nên làm gì để tiến đến với nó, kể cả khi bạn không hoàn toàn đồng ý với tác giả, những điều mà Eric Barker nói trong sách vẫn có những ý tưởng đáng để bạn suy nghĩ và cân nhắc. Khi đập tan một vài ảo tưởng về thành công, cuốn sách này đồng thời cũng nêu lên một điều là: dù bạn có là người hướng nội hay hướng ngoại, trung thành hay nổi loạn, tự tin hay không tự tin, bình thường hay khác biệt thì vẫn có cách để bạn thành công và mỗi một tính cánh, một năng lực đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng và sẽ phù hợp vào những thời điểm và môi trường khác nhau. Điều quan trọng là bạn hiểu mình và chọn một môi trường phù hợp với mình. Và nếu bạn có sai thì cũng không có gì là ghê gớm, hay tự tha thứ cho bản thân và bắt đầu lại.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nêu ra nhiều mặt trái của thành công, những góc khuất của những người thành công mà chúng ta ít thấy được nhắc đến để bạn cân nhắc cái giá mà bạn có thể phải trả cho thành tựu và cái gì là thứ bạn có thể phải hy sinh để trở nên nổi trội.  Một ví dụ ở đây chính là Albert Einstein - một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại (mặc dù không mấy người biết “thuyết tương đối” của ông là về cái gì). Một thiên tài, sống trong một thế giới đầy ý tưởng, nhưng khi ông càng dành nhiều thời gian cho khoa học thì cũng có nghĩa ông dành càng ít thời gian cho gia đình. Khi cuộc hôn nhân đầu trên bờ vực tan vỡ, ông đưa ra một loạt yêu sách vô lý cho vợ mình và dù bà miễn cưỡng làm theo, cuối cùng họ vẫn ly hôn vì những cuộc ngoại tình của ông với những phụ nữ trẻ hơn - những người không đòi hỏi cảm xúc từ ông. Con trai ông, Eduard, vật lộn với chứng bệnh thần kinh và chết dần chết mòn trong trại tâm thần. Ông không đến thăm con trai mình trong suốt 30 năm! Một người con trai khác của ông thì xót xa thốt lên rằng : “có lẽ dự án duy nhất ông ta từng từ bỏ chính là tôi”! Kể ra những điều này không phải để phủ nhận thành tựu của Einstein mà để nói về cái giá mà người ta có thể phải trả khi làm việc đến mức ám ảnh (trong trường hợp này Einstein không phải người trả giá mà lại là gia đình của ông ấy). Và điều đó có thể khiến bạn cân nhắc lại về việc bạn muốn thành công như thế nào, và cái gì là thứ bạn có thể hy sinh. Có cách nào để cân bằng được giữa công việc và đời sống cá nhân không ? Câu trả lời trong cuốn sách này đó là : hãy biết “tốt vừa đủ” và hãy biết được rằng bạn muốn gì bởi nếu bạn không xác định được, thế giới sẽ xác định giùm bạn.
Có nhiều bài học có thể rút ra nhưng mình sẽ kết bài bằng một đoạn trích mà mình nghĩ tổng hợp được ý chính như thế này:
“Thành công không phải là kết quả của một tố chất đơn lẻ nào; đó chính là quá trình điều chỉnh giữa bạn là ai và bạn muốn điều gì. Kỹ năng phù hợp, vai trò phù hợp. Một người tốt vây quanh bởi những người tốt khác. Một câu chuyện kết nối bạn với thế giới theo cách giúp cho bạn tiếp tục tiến lên. Một mạng lưới hỗ trợ bạn, và một công việc phát huy hết khả năng hướng nội hay hướng ngoại của bạn. Một mức độ tự tin giúp cho bạn tiến bước trong khi không ngừng học hỏi và tha thứ cho bản thân trước những sai lầm không thể tránh khỏi. Một trạng thái cân bằng giữa 4 cột trụ kiến tạo nên cuộc đời trọn vẹn không hối tiếc.”
Chúc bạn thành công cho dù bạn định nghĩa về nó như thế nào!
Gợi ý khác: Nếu bạn quan tâm đến đề tài thành công hoặc những người thành công thì một gợi ý khác của tôi là cuốn "Những kẻ xuất chúng" (Outliers) của Malcolm Gladwell- cuốn sách đề cập nhiều hơn đến vai trò của may mắn trong thành công, hoặc là cuốn "Peak - những ảo tưởng về thiên tài" - cuốn sách này lại nhấn mạnh vào tầm quan trọng của học tập có chủ đích.