Lưu ý: Để có thể viết tốt nhất, trong bài sẽ có spoiler toàn bộ nội dung của Gaiden nên nếu như bạn chưa xem và ngại spoiler, bạn có thể bỏ qua chùm review của mình.

Phần 3: Taylor Bartlett

Khi xem đến cảnh lá thư của Amy gửi đến bé Taylor, tương ứng với đoạn kết chương 2 trong LN, mình cảm thấy có điều gì đó không đúng lắm. Mọi nội dung của nguyên tác đã xong, thế mà thời lượng phim mới chỉ trôi đi một nửa, tương ứng với một tập OVA. Vậy thì thời gian còn lại của Gaiden sẽ nói về điều gì...
“Lá thư tôi gửi đi
Chẳng một lời đáp lại
Biết em vẫn mạnh khỏe
Nhưng liệu còn nhớ ai...”
Image

Những gì về “Amy” trong ký ức thơ dại của Taylor chỉ là lá thư đôi ba dòng không đề tên người gửi, dáng hình cao gầy và khuôn mặt mà em còn không nhớ rõ. Đến tên người ấy, em cũng chẳng nhớ, chỉ biết gọi “nee-nee”. Một mai khi lớn lên, có lẽ cô bé sẽ quên đi dáng hình mờ nhạt ấy. Dừng câu chuyện ở đây như trong nguyên tác light novel, dẫu rất thực tế, nhưng dường như có phải là quá đỗi tàn nhẫn với Amy-Isabella, sau những gì cô ấy đã đánh đổi bằng tự do của mình?
Thế nên, khi được thấy đáp án của KyoAni, mình thở phào nhẹ nhõm. Mạch phim giờ đây tập trung vào hành trình trưởng thành của Taylor, và kèm theo đó là một lối mở cho sự đoàn tụ của hai chị em trong tương lai (dù rằng không có trong thời lượng phim, nhưng cứ cho là sẽ xảy ra đi).
Quãng đầu câu chuyện của Taylor chừng như hơi “rối” khi vừa thể hiện sự đổi thay của thế giới hiện đại, vừa phải dẫn dắt các tình tiết hướng từ ước mơ ngày thơ ấu của cô bé sang nhận thức rõ ràng hơn về lựa chọn của mình. Không biết đây là vô tình hay hữu ý, nhưng sự “rối rắm” này khiến mình cảm thấy bản thân không khác gì Taylor, mang tâm trạng đầy háo hức và choáng ngợp trước sự phồn hoa của phố thị. Từ không gian bó hẹp như ngôi trường nữ sinh quý tộc, hay vườn trẻ nho nhỏ của cô nhi viện, đột nhiên dấn thân vào một thành phố lớn với bao nhiêu đổi thay và phát triển.
Image

Như chim sổ lồng, Taylor hăm hở và dõng dạc nói to mơ ước rồi nài nỉ mọi người cho em được thử sức dù không biết những yêu cầu và khó khăn đằng sau. Đơn cử như “đọc tên và địa chỉ khách hàng”, hay “tìm đường” và “trao bưu phẩm” cho khách, em phải cố gắng rất nhiều để đọc được chữ cái và hoàn thành nhiệm vụ dù bên cạnh có sự hỗ trợ của “sư phụ” Benedict hay sự kèm cặp đầy dịu dàng của Violet. Tuy thế, những khó khăn ấy càng khiến cô bé trở nên bạo dạn và tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống mới này hơn nữa.
Lúc này, bước ngoặt nho nhỏ được KyoAni tạo ra bằng cách để cho Violet lẫn Taylor bị... xe trên đường tạt ướt hết đồng phục.
Image

Nhờ đó, phần đầu tưởng như bị bỏ quên hờ hững lúc này bắt được mối liên kết, và kể từ lúc Taylor được Violet kể lại về người chị đã lâu không gặp, mạch phim trở nên mượt mà hơn nữa. Kéo theo sự hào hứng của khán giả nhanh chóng được đẩy lên cao trào, với một cái kết khiến mình thật sự thỏa mãn.
Khi đọc những cảm nhận của các bạn khán giả nước ngoài trên reddit, mình thấy các bạn tiếc nuối rất nhiều do KyoAni không để hai chị em được nhìn mặt nhau, dù chỉ là một câu chào hỏi. Đã tìm đến tận nơi, thấy được chị gái mình như vậy, tại sao Taylor không bước ra để niềm vui đoàn tụ được nhân lên nhiều hơn? Dẫu nỗi lòng mình cũng gào thét như các bạn ấy, tuy nhiên mình tin tưởng rất nhiều vào quyết tâm và tương lai của Taylor. Hiện tại em vẫn chưa đủ “lớn khôn”, em vẫn chưa viết được một lá thư trọn vẹn, cũng như chưa trở thành một bưu tá giỏi, trở thành một con người sống hạnh phúc như chị mình hằng ước nguyện. Nhưng rồi một ngày nào đó, lúc quyết tâm hôm nay đã thực hiện ước mơ ngày thơ bé trở thành cuộc sống tương lai, chắc chắn Taylor sẽ nở nụ cười thật rạng rỡ, trao tận tay lá thư chứa đầy tình yêu thương cho Amy, không phải sao? Chính vì vậy mà KyoAni đã để ngỏ tương lai ấy, để khán giả được thỏa sức “vẽ” nên cuộc đoàn tụ đẹp nhất trong lòng mỗi người. Có thể nói, phần kết của phần 3 này nói riêng và cả Gaiden nói chung là một “đoạn kết trọn vẹn nhất” đối với hai chị em Amy – Taylor. Điều ấy khiến mình càng thêm trân trọng tâm huyết của mọi người đứng sau màn ảnh hơn cả
Cảm nhận chung của mình ở phần 3, trên cơ bản là thế. Còn đi sâu hơn, hứng thú của mình nằm ở sự dẫn dắt tình tiết cùng những chi tiết nhỏ nhặt mà chẳng biết có mấy ai để ý không. Dường như thói quen học Văn những năm tháng cấp 3 và sự rèn luyện “soi art” học lóm được từ những bài phân tích anime-manga đã khiến mình có tính “tỉ mẩn” ấy chăng?
Đầu tiên, như trong phần 2, mình đã phân tích về cách sử dụng màu sắc và vị trí. Ở trường nội trú, mọi thứ như bó hẹp trong những bức tường cao lạnh lẽo. Quá khứ của Amy thì bao phủ bởi không gian u ám và đầy tuyết trắng. Còn sang đến phần của Taylor thì sao?
Bầu trời cao, biển rộng, bến cảng, đường phố tấp nập người xe…
Có nắng, có gió, có hoa, có cỏ…
Con người cũng muôn hình muôn vẻ, muôn tiếng nói cười…
Image

Không gian của phần thứ 3 này là không gian rộng mở, đa sắc màu, giống như phản ánh tâm trạng năng động, háo hức của Taylor khi bắt đầu một cuộc sống mới. Hơn thế nữa, để đáp lại tinh thần vượt qua nỗi đau chiến tranh được đặt ra ở Extra Episode, thế giới của Violet Evergarden giờ đây chuyển mình cực kỳ mạnh mẽ, như lời của Benedict khi đáp lại bà cụ. Thang máy được đưa vào dân dụng, tháp viễn thông đang trong quá trình xây dựng. Cả tư tưởng tự do, bình đẳng giới cũng được thể hiện qua những lời trao đổi của những Hình nhân về tương lai của chính họ.
Thế giới đổi thay đến đâu, Benedict vẫn nhận thấy công việc của “người đưa thư” vẫn như cũ – chuyển phát thư từ, bưu phẩm từ nơi gửi đến tay người nhận. Với cậu, một người đã gắn bó lâu năm với công việc thì cảm thấy nhàm chán và vô vị. Nhưng trong mắt Taylor: “người đưa thư mang đến niềm vui”. Niềm tin ấy được khơi dậy từ ngày ấu thơ, khi Benedict giao cho em lá thư chẳng đề tên người gửi, mang theo “từ ngữ nhiệm màu”. Để rồi, khi được trở thành tập sự và theo chân Violet, trải nghiệm công việc mà em hằng khao khát, thấy niềm vui trên gương mặt cậu bé nhận được bưu kiện bà gửi, nhận thức của Taylor đã trưởng thành hơn. Ước mơ của em không chỉ gắn với niềm vui, mà còn là sự tự hào và trách nhiệm của bản thân mình. Đặc biệt, sau khi lá thư của Taylor gửi đến “Amy” được chuyển đến nơi nó thuộc về, ước mơ giờ đã trở thành mục tiêu để em có động lực trưởng thành, “để một ngày tự tay chuyển lá thư đó đến tay chị mình.”
Thứ đến, có một sự đối xứng rất tuyệt diệu mà các bạn khán giả nước ngoài “soi” được ở cả phần Isabella/Amy và phần Taylor. Nó nằm ở những tương tác của hai chị em đối với Violet như các bạn có thể thấy trong hình.
Ảnh: http://i.imgur.com/gQHyWWp.jpg
Qua đó, Violet của chúng ta không chỉ là người thực hiện tâm nguyện của Isabella, em còn là chiếc cầu nối liền tâm tình của hai chị em, xây dựng cơ hội tìm về bên nhau của cả hai người.
Có một chi tiết nhỏ tại đây mà mình và người bạn thường trao đổi rất thích nhắc đến: Ngay thời điểm Isabella đọc đến phần cuối lá thư “… rằng Taylor Bartlett là em gái của Amy Bartlett.”, hình ảnh của Amy trong tâm trí của Taylor vốn mờ nhạt trở nên rõ nét. Cảm xúc của em, của Amy cũng như những người đang chứng kiến tại đây (tất nhiên, là khán giả) được đẩy đến tận cùng. Đến cả Benedict cũng mủi lòng và tự nhủ - như đang nói hộ tâm tình của mọi người: “Sao ai cũng khóc thế này…” Phải nói, KyoAni cực kỳ xuất sắc trong việc xây dựng những phân cảnh có thể “chạm” và khiến cảm xúc của khán giả được “thăng hoa” cùng nhân vật, giống như cảnh bé Ann “cãi lời” mẹ mình trong tập 10 khiến gần như tất cả những ai đã xem đều phải thổn thức.
Phần cuối phim khép lại với những điều tưởng chừng như vặt vãnh nhưng rất giàu ý nghĩa. Đó là “Tòa tháp đó khi nào xây xong?” - câu hỏi thứ hai của bà cụ khi thấy tòa tháp truyền thông vẫn còn xây dựng dang dở. Trong nửa đầu phần này, mối quan tâm của bà cụ với nó chỉ là sự tò mò xen lẫn bực dọc. Nhưng đến đây, phải chăng đã có sự chuyển biến nào đó, khi thế hệ trước bắt đầu chấp nhận sự phát triển mạnh mẽ của thế giới? Mình chân thành cảm ơn bạn Cọc khi đã thông qua chi tiết này để giải nghĩa cho sự “tiến lên”: tòa tháp xây dở dang và thái độ khó chịu của bà cụ ban đầu giống như những điều mới mẻ phải rất khó khăn để được con người chấp nhận. Muốn được chấp nhận thì cần phải có thời gian để điều mới mẻ ấy dần hoàn thiện, để con người dần thích nghi với chúng. Không chỉ thế, tư tưởng cũng phải có sự chuyển biến để chấp nhận, để thích nghi, để biến đổi và để phát triển. Như Amy dần thay đổi suy nghĩ để chấp nhận cuộc sống mới. Như Taylor từ niềm hứng thú với công việc đưa thư tự ngày thơ bé, bây giờ nghiêm túc suy nghĩ và lấy mục tiêu tự tay đưa lá thư đến chị mình làm động lực trưởng thành.
Image

Tuy nhiên, dù mọi thứ có thay đổi đến đâu, phát triển mạnh mẽ đến mức nào, thì tình cảm giữa Amy và Taylor là không thể thay đổi. Ký ức dẫu mờ đi theo năm tháng, con người dẫu cách xa nhau muôn trùng hay bị chia cắt bởi địa vị thì miễn là Taylor vẫn còn thầm thì tên “Amy”, dù cái tên ấy chỉ còn nằm trong quá khứ, dù người mang tên ấy đã đổi tên thành một người khác thì mối liên kết vẫn còn đó. Đó là minh chứng của tình thân, thứ đã trở thành vĩnh cửu như chính tiêu đề của Gaiden vậy.
Image

Image


Nguồn ảnh: Kyoto Animation
P/s: Không biết đủ sức làm phần 4 không nhỉ?