Tôi bước vào rạp với suất chiếu sớm của "Trịnh Công Sơn" mà không hề có chút kì vọng nào, và thật may mắn vì nó đã cứu trải nghiệm xem phim của tôi về một hôm xem phim cuối tuần. Tôi nghĩ đây sẽ là một review của một người chọn xem "Trịnh Công Sơn", hoặc ít nhất là xem "Trịnh Công Sơn" trước khi xem "Em và Trịnh".
Dễ thấy nhất, trong suốt hành trình phim, chúng ta thật dễ đắm chìm vào những bài hát của Trịnh Công Sơn, những bài hát mà đã trở thành huyền thoại, trở thành bất hủ. Từ khúc "Diễm Xưa" được ngân nga dưới cơn mưa. Hay là "Còn tuổi nào cho em" rồi "Nhìn những mùa thu đi"...Những bản tình ca gắn với tuổi trẻ, với những mối tình dang dở của người nhạc sĩ. Rồi sau đó là những bản nhạc cách mạng, là " Ca Khúc Da Vàng", là "Nối vòng tay lớn". Dễ thấy, âm nhạc và hoàn cảnh của chàng nhạc sĩ trẻ luôn đi cùng với nhau, bổ trợ cho nhau. Để rồi nhờ đó, ta mới thấy được tuổi trẻ, thấy được con đường sáng tác của Trịnh Công Sơn. Nó là chút đắng cay thoáng qua của cô Diễm, là một tình yêu xa nồng nàn, da diết với cô Dao Ánh, là những ngày tháng nồng cháy với Khánh Ly. Là đau chung với niềm đau chiến tranh của cả dân tộc. Là hoan hỷ, sung sướng, là khúc ca khải hoàn sau chiến thắng lịch sử năm 1975. Thế đấy, đâu phải bên cạnh Trịnh Công Sơn chỉ là những nàng thơ.
Cùng với âm nhạc, những góc quay đẹp, hình ảnh, bối cảnh chăm chút tỉ mỉ, vốn là đặc điểm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng được thể hiện rất tốt. Nó là Huế mộng mơ, trữ tình của những nữ sinh áo dài trên những chiếc xe đạp. Là Đà Lạt với những ngọn đồi, cộng hưởng với tình yêu xa lại làm cho ta tưởng như là vô tận, là Sài Gòn tấp nập, hoa lệ nhưng cũng không thiếu đau thương. Tất cả như đưa chúng ta về những thập niên cuối của thế kỉ 20 đầy hoài niệm và đẹp đẽ.
Sau cùng, "Trịnh Công Sơn" với cách kể tự sự của chính nhân vật tiêu đề, và những bữa tiệc âm thanh, hình ảnh đã giúp khán giả phần nào hiểu về Trịnh Công Sơn. Để rồi gieo lại trong đầu chúng ta là những giai điệu, là hình ảnh của người nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam. Qua đó mà hiểu rằng vì sao âm nhạc của ông lại luôn có nét riêng, tồn tại lâu đến thế. Biết đâu đấy, người trẻ sẽ nghe nhiều hơn "Nhạc Trịnh".
Và như thường lệ, tớ là c0nnect9r, và cảm ơn đã đọc bài viết <3