[Review Sách] Dân chủ và Giáo dục
Cuốn sách Dân chủ và Giáo dục (tôi may mắn mượn được từ Thư viện Cái Giếng) của Nhà giáo dục John Dewey đã giúp tôi hiểu rõ hơn giáo...
Cuốn sách Dân chủ và Giáo dục (tôi may mắn mượn được từ Thư viện Cái Giếng) của Nhà giáo dục John Dewey đã giúp tôi hiểu rõ hơn giáo dục là gì và thực sự hướng đến điều gì. Tất cả những điều ông muốn nói với độc giả đều gói gọn trong quan điểm:
“Cuối cùng thì tôi cũng tin rằng giáo dục chắc hẳn được hình thành nhờ những kinh nghiệm được tái thiết liên tục; rằng quá trình và mục đích của giáo dục là một và như nhau mà thôi”
Giáo dục dựa trên sự hiểu biết
“Bản thân nhà giáo dục cũng cần được giáo dục”- phương châm này cho chúng ta thấy rõ giáo dục không nên được tiến hành một cách chủ quan hay áp đặt.
Người làm giáo dục cần hiểu được mình là ai, mình đang làm gì, mình sẽ làm điều đó thế nào, nhưng quan trọng nhất, là làm điều đó với ai.
Nếu ngay lập tức bắt đầu từ việc bản thân cần phải làm, tức là họ đang xuôi theo điểm nhìn của cá nhân song lại ngược so với điểm nhìn của người học.
Trong cuộc sống, đó chính là những giờ học chán ngán với người nói phải có người nghe (dù là nghe giả vờ), người đọc phải có người chép (dù là chép cho có). Tại sao lại như vậy? Bởi người nghe vẫn ngồi tại chỗ nhưng tâm trí họ đang ở nơi khác, còn người chép thì không quan tâm đến việc mình chép gì, hơn nữa chính bản thân họ cũng chẳng bao giờ đọc lại ghi chép ấy nếu không có thi cử tạo động lực.
Một người thầy không quan tâm, thấu hiểu học trò thì không thể dẫn dắt học trò của mình. Vì anh ta không tin tưởng học trò khi luôn tự cho rằng bản thân và chức trách anh ta đang mang là một. Trong quá khứ, người thầy mang thứ quyền uy đòi hỏi sự phục tùng, triệt tiêu toàn bộ tinh thần tự chủ của người học.
Lối đào tạo đó tựa như cố trồng một thứ cây ngắn ngày với năng xuất cao. Sản phẩm sau cũng sẽ là những cái cây có bộ rễ hời hợt và tầm vóc khiêm tốn.
Vậy nên, những nhà giáo dục cần là những người hiểu biết. Hiểu biết rất sâu sắc về cuộc sống và con người. Nếu thiếu hiểu biết ấy, họ sẽ đưa học trò đến giới hạn trong nhận thức chủ quan để đổi lại chỉ là hành động ban phát lời khen, điểm số- tuy thành thực nhưng ít có giá trị.
Để hiểu biết, thì người thầy cần tập lắng nghe thay vì yêu cầu học trò của mình lắng nghe vô điều kiện.
Đo lường và mục đích trong giáo dục
Theo tôi nghĩ, mục đích của giáo dục là giúp con người hòa nhập với cuộc sống với tư cách của con người. Để quá trình đó giản tiện và thuận lợi hơn, nhân loại tạo nên một mô hình để phục vụ cho giáo dục (theo cách đa số hiểu) mang tên: trường học.
Đến lượt trường học lại tiếp tục tạo ra hàng loạt công cụ và hệ thống để đánh giá, đo lường. Đây chính là thứ khung hứa hẹn sẽ đảm bảo cho tính hữu ích của chủ thể nghĩ ra nó.
Cuối cùng, sự đo lường ấy là để phục vụ người dạy với mục đích đánh giá hiệu quả của việc mình làm. Người học được bọc trong giới hạn phát triển theo lối “đo ni đóng giày”.
Sự lắt léo ấy làm cho giáo dục bị chắp nối và cấy ghép một cách tùy tiện vào người học. Dĩ nhiên, trường học không mang lại tình trạng đó, vì dù sao nó cũng chỉ là công cụ. Thế nhưng, khó có thể phủ nhận trách nhiệm của con người khi để tình trạng đó tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong khi thực tại đang ở đây, thì không ít người vẫn mải mê bàn cãi về nhau về thứ gọi là “triết lý giáo dục” được vay mượn từ thời đại khác, nền văn hóa khác và những đầu óc khác.
Có lẽ, các vĩ nhân muốn chúng ta tham khảo họ để tìm ra con đường cho chính mình, thay vì liên tục nhắc đến họ như tấm bình phong cho các mục đích cá nhân.
Và nên chăng, dù là vĩ nhân, thì người thầy cũng là người để học trò tham khảo, thay vì tự coi mình là mẫu mực để nhào nặn lên lứa trò giống thầy như đúc và giống nhau y hệt trong cách tư duy?
Giáo dục luôn tự thân đổi mới
Cuộc sống luôn biến đổi và giáo dục cũng vậy.
Tự thân nó là sự biến đổi, thay vì chịu sự tác động của bất kì cá thể nào. Con người chỉ có thể phát triển khi họ biết cách học hỏi, tích lũy thứ đã biết để tìm ra thứ chưa biết.
Do đó, thành tựu của quá trình học hỏi không phải là thứ họ đạt được, mà là khao khát thôi thúc họ vươn lên trong số mệnh tìm ra ý nghĩa của bản thân và cuộc sống. Số mệnh mà tạo hóa ưu ái dành riêng cho con người.
Chuyến tàu đó không có ga cuối cùng, mà ga cuối cùng do người đi tàu tự quyết định. Nếu họ cảm thấy đã đến nơi cần đến, họ sẽ dừng lại. Thế nhưng càng mong muốn học hỏi, họ sẽ càng đi được xa hơn và mở rộng tầm nhìn bao quát đến nhiều chân trời rộng lớn hơn.
Tác giả và tác phẩm
Nội dung này tôi trích dẫn trong phần giới thiệu cuốn sách của Nxb Tri Thức, xin mời bạn đọc cùng tham khảo.
John Dewey (1859-1952, Hoa Kỳ) là một nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực dụng, nhà tâm lý học và là nhà giáo dục - thường được coi là cha đẻ của phong trào cải cách giáo dục. Năm 1875, Dewey vào học ở Đại học Vermont và nhận bằng cử nhân ở đây. Năm 1894, Dewey chuyển đến Đại học Chicago với vai trò là Trưởng khoa Triết học, Tâm lý và Giáo dục học. Năm 1896, ông thành lập Đại học Thực nghiệm, ngày nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Trường Dewey”.
Dewey rời Chicago đến Columbia vào năm 1904 do có xung đột về cách quản lý Trường Thực nghiệm. Sau đó, ông trở thành một triết gia, một nhà giáo dục xuất chúng được nhiều người biết tới. Dewey nghỉ hưu vào năm 1930, mặc dù ông tiếp tục giữ cương vị giáo sư danh dự cho đến năm 1939; ông vẫn hoạt động cống hiến không ngừng cho đến khi qua đời trong ngôi nhà của mình ở New York.
“Cuốn sách này là kết quả của một nỗ lực nhằm phát hiện và trình bày những quan niệm gắn liền với một xã hội dân chủ, và vận dụng các quan niệm đó vào những vấn đề của hoạt động giáo dục. Cuốn sách chỉ rõ những mục tiêu và phương pháp kiến tạo của nền giáo dục công lập xét từ quan điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán các lý luận về nhận thức và sự phát triển đạo đức. Các lý luận đó đã được phát biểu trong những điều kiện xã hội trước đó song vẫn tiếp tục có hiệu lực trong những xã hội mang danh xưng dân chủ và cản trở việc thực hiện đầy đủ cái lý tưởng dân chủ. Như [nội dung] cuốn sách này sẽ dần dần bộc lộ, triết lý được trình bày ở đây gắn sự trưởng thành của dân chủ với sự phát triển của phương pháp thực nghiệm trong các môn khoa học, các khái niệm về tiến hóa của khoa sinh học, và sự tái tổ chức lại nền công nghiệp, đồng thời chỉ ra những thay đổi trong nội dung và phương pháp của giáo dục do sự đòi hỏi của những phát triển đó.” (trích Lời nói đầu)
“Trong nhà trường, sự sốt ruột muốn có được tính thống nhất về phương pháp và việc muốn có ngay những kết quả bề ngoài, là kẻ thù lớn nhất của tính cởi mở. Người thầy nào không cho phép và không khuyến khích tính đa dạng trong giải quyết vấn đề thì người thầy đó đang “bịt mắt” học sinh, xét trên phương diện trí tuệ - tức là giới hạn tầm nhìn của chúng vào một con đường mà trí óc của người thầy vừa hay cho phép. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân chính của sự tôn thờ tính cứng nhắc của phương pháp lại nằm ở chỗ dường như sự tôn thờ đó hứa hẹn những kết quả mau lẹ, những kết quả có thể đo lường, những kết quả cụ thể. Thái độ suốt sắng phải có “lời giải đáp” giải thích cho phần lớn sự suốt sắng dành cho các phương pháp cứng nhắc và máy móc. Ép buộc và thúc ép thái quá đều có chung nguyên nhân, và gây ra hệ quả như nhau cho hứng thú trí tuệ linh hoạt và đa dạng.” (trích Chương XIII : Bản chất của phương tiện)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất